Những mùa trăng tuổi mọn (văn) - Tác giả: Lê Đình Bảng
29.09.2023
Mấy hôm nay, ảnh hưởng cơn bão Ophilia từ đâu ghé qua, nơi tỉnh lẻ tôi ở cứ sụt sùi, ướt át, lạnh tê, lạnh tái cả ngày. Mất hẳn cái phong vị vào Thu huê tình, lãng mạn của một thuở một thời ngất ngây trong cảm xúc bay bổng, khi ngồi trong lớp, giảng về Truyện Kiều cho học trò, những năm trước 1975 ở Sài gòn:
"người lên ngựa, kẻ chia bào
... rừng phong, Thu đã nhuốm màu quan san".
Đến nay, đã gần hết đời người. Tôi vẫn không sao quên được những rung động rất đỗi trẻ thơ, như còn váng vất, ràng ríu đâu đó trong trong những bài tập đọc hoặc chính tả. Là những đoạn văn thơ chọn lọc từ các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Đinh Hùng, Thanh Tịnh và cả từ những trích đoạn của Anatole France, Alphonse Daudet, như Livre de mon ami, La vie en Fleur, Le Petit Chose, Lettres de mon Moulin, Les Etoiles... Phải chăng, đó là cơn bão rớt từ văn chương Pháp còn vương lại trong vuông sân chật hẹp, non nớt là tấm linh hồn của cậu bé nhà quê tôi, dẫu có phôi pha, nhạt nhoà. Trong muôn một, tôi vẫn thầm cám ơn chuỗi tháng ngày chập chững bước đi ấy. Lớn lên một tí, tôi biết rõ hơn. Đó là khoảng trời xa xăm, xanh mướt, là lạ, bước ra từ những trang giáo khoa thư. Tôi muốn nói rõ hơn, về cái thế giới lễ độ làm người và chữ nghĩa văn chương, thi phú tuyệt vời, chuẩn mực, kỷ cương của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư và Quốc Văn Độc Bản của các nhà sư phạm Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận ở thập niên 1930-1940 của thế kỷ trước. Của những De Amicis, bản dịch Tâm Hồn Cao Thượng của nhà giáo đồng hương Hà Mai Anh; của Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống, của Đắc Nhân Tâm với Nguyễn Hiến Lê và với Đồng Xanh Bắt Trẻ của Phùng Khánh; với Tâm Tình Hiến Dâng, Lời Dâng và Tặng Vật bản dịch của Đỗ Khánh Hoan...
Riêng vào dịp Tết Trung Thu hằng năm, chúng tôi lại còn có cả một vòm trời lấp lánh những vì sao, là những trò chơi dân gian nhà quê, là thế giới rộn ràng những cung bậc và ngôn ngữ; là những kỷ niệm vời vợi trong ký ức, như hãy còn thơm tho trên môi miệng chúng tôi. Hình như, tôi trộm nghĩ, ngày xưa người lớn thương yêu và chăm sóc con cháu kỹ hơn, dạy dỗ con cháu có nề nếp, đàng hoàng hơn chăng? Chẳng thế mà sách vở cứ là đầy ắp những vần điệu, những hình ảnh đậm đà của cha mẹ, con cái, bà cháu. Một trong nhiều, rất nhiều bài học thuộc lòng, tôi còn nhớ như in là:
"Bà ơi, cháu rất yêu Bà
Đi đâu, bà cũng mua quà về cho
Hôm qua, có cái bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà
Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Hễ mẹ cháu đánh thì bà lại can..."
Còn nhớ ngày xưa, ở làng quê - xứ đạo. Tuy cái ăn, cái ở và cái may mặc, học hành, sách vở, chữ nghĩa còn thiếu thốn, khổ sở lắm; nhưng lúc nào cũng thong dong, thư nhàn, đong đầy những kỷ niệm không dễ gì tàn phai. Ký ức tuổi thơ ấy, thực ra, đã khởi đi và diễn ra ở những không gian, thời gian bắt nguồn từ những sinh hoạt rất tự nhiên, dân dã, thật thà: hiên nhà, ruộng vườn, xóm đạo, nhà xứ, nhà thờ, đêm trăng, cấy cày, gặt hái, phơi phong, xay lúa, giã gạo, thổi cơm, đi chợ, bán hàng, đi lễ, rước kiệu, dâng hoa, đánh chắt, đánh chuyền, tập trận, thả diều, ô quan và làm đèn, rước đèn Trung Thu... Thôi thì đủ trò, đủ trống, mùa nào thứ nấy. Vừa chạy nhảy múa may, lại vừa ca hát líu lo, có vần có điệu hẳn hoi. Trẻ con lớn lên, đi xa, vẫn có đấy, một nơi chốn để nhớ về, vẫn có một khoảng trời riêng để ương ấp, mộng mơ. Hết "thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông..."; "cá sấu, cá sấu lên bờ"; lại đến "rồng rắn lên mây có cây ngũ sắc, có nhà hiển vinh"; "ông giẳng ông giăng, xuống chơi với tôi, có nồi cơm nếp, có tệp bánh chưng, có lưng hũ rượu"; "thiên đàng, địa ngục đôi bên"... Thôn trên, xóm dưới, ngoài ngõ, trong vườn nghĩa là cứ vang rền nền nảy. Khối đứa, còn bày ra, tập "làm lễ" và "khấn dòng" ngay từ tấm bé xa lắc xa lơ mịt mù ấy... Không kể sao hết chuyện.
Đến nay, đầu đã trắng xoá hoa lau. Tôi vẫn không thể nào quên những đêm trăng vằng vặc hồi mới tản cư 1951-1953 từ vùng tự do ở bên bờ sông Hoá về Kiến An, đỗ nhờ nhà bác Giao tôi ở ngay dưới chân núi Voi. Bầu trời đêm miền núi vào Tháng 8 mùa Thu sáng như gương. Mấy đứa con nhà giầu đang tung tăng rước đèn với nhau ở xóm Thượng. Còn bọn trẻ nhà nghèo chúng tôi thì ới nhau vào sườn núi, chỗ có con suối nước trong và những bụi hoa mẫu đơn mọc đầy. Thế là bắt đầu hát những: "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao... Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ... Ta yêu cô Hằng, đêm khuya xuống trần, một đàn con trai rủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng... Chú Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa, gọi cha ơi ời...". Của đồng dao, của Lê Thương, của Phạm Duy đấy. Đặc biệt, trong chùm ca khúc tuổi thơ dễ thương ấy, không đứa nào mà không thuộc những câu hát của bài "Trung Thu Chèo Thuyền":
"đồng một lòng chúng ta cố chèo
Thật nhịp nhàng tay bơi, tay lái
Mặc cho sông to, sóng đưa...
Bập bềnh trên sông bao la
Bập bềnh trên sông bao la..."
Ca khúc này, mãi về sau tìm hiểu, mới biết là của linh mục Roch Phương Linh (1921-1995), tên thật là Trần Hữu Linh (1921-1995), quê quán làng Thượng Kiệm, Kim Sơn, Ninh Bình, Phát Diệm, đã chiếm giải khôi nguyên của Hội Khuyến Nhạc Việt Nam năm 1945. Nhưng ở đây, tôi muốn nói tới, có một ca khúc Trung Thu khác, đã ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn trẻ Việt Nam. Ca khúc "Rước Đèn Tháng Tám", ra đời ngay sau đó ít năm, 1950 của Vân Thanh, là bút danh của nhạc sĩ Đức Quỳnh. Tên thật là Nguyễn Đức Quỳnh sinh năm 1922 tại Hà Nội. Tên tuổi Đức Quỳnh đã nổi nang từ thời tiền chiến, với những cây đa cây đề của làng âm nhạc Việt Nam buổi đầu, như: Lê Thương, Văn Cao, Phạm Duy, Canh Thân, Đan Thọ, Hùng lân, Hải Linh... Ông bắt đầu sáng tác từ 1947, với ca khúc đầu đời "Nhớ Ai". Năm 1954, ông di cư vào Nam, có mở một phòng trà ca nhạc ở góc đường Cao Thắng, có dạy nhạc cho danh ca Lệ Thu. Sau 1975, ở lại Sài gòn, sống bằng nghề dạy đàn, nhạc cho đến khi qua đời, ngày 18.6.1994.
Sự nghiệp ca nhạc của Đức Quỳnh không nhiều, nổi bật là các tác phẩm: Giờ Biệt Ly, Hát Đi Em, Ghé Đây Thuyền Mơ, Tiếng Chuông Chiều, Thoi Tơ và Vẩn Vơ (thơ Nguyễn Bính) 1948; Ta Lại Yêu Ta (thơ Cung Trầm Tưởng), 1961. Như thế là từ 1947 đến 1973 một chặng đường khá dài của một đời người làm nghệ thuật. Có lẽ, chẳng cần dài dòng. Chỉ cần chép lại đây đôi hàng, là ai nấy đều bắt nhịp và hát theo ngay, dù bài ca này đã ra đời cách nay 73 năm, mùa Thu 1950 ở Hà Nội.
"... tết Trung Thu rước đèn đi chơi...
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca đón ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lơ với đèn trắng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu..."
Giai điệu và lời ca bài hát ấy là một bức tranh toàn cảnh đầy đủ sắc màu sinh động về một mùa trăng Trung Thu của trẻ em Việt Nam. Nó thân quen, đến nỗi đã có một "dị bản", được "chế biến" thành một lời ca khác, nghe khá nghịch ngợm, vui tai và bông đùa, hài hước. Phải là thấm thía và nhập tâm lắm thì người ta mới biến hoá, vẽ vời ra được! Đấy là những năm chiến tranh đã từng bước đến gần Sài Gòn hơn. Đêm đêm, nằm sau những bao cát trong nhà, nhìn lên bầu trời hỏa châu sáng rực. Tôi nghe bài ca ấy vọng ra từ cái hẻm sâu thật sâu của xóm nghèo điện câu. Vẫn là tiếng trẻ con trong trẻo, tươi nguyên. Nhưng lời ca thì đã nhuốm màu ủ ê của đổi thay thời sự, một chút vị đắng chát ở đầu lưỡi:
"Tết Trung Thu, má đòi đi tu
Ba ở nhà, ba khóc lu bù
Thằng Cu con cũng đòi đi tu
Ba má con rủ nhau vô tù..."
Những trường hợp "nhạc chế" như trên có khá nhiều thú vị. Vừa phản ánh sức mạnh của âm nhạc, lại vừa nói lên tính nhạy cảm trong hưởng ứng của công chúng. Là một đối tượng cần được ghi nhớ để nghiên cứu về ngôn ngữ ?
【Lê Đình Bảng】