Lời tóc Tiên Sa (Têrêsa) - Tác giả: Đình Chẩn

Lan Mary
Chiều 04.07.2012, chúng tôi may mắn có dịp tới thăm ngôi nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng ở Buissonnets nơi chị đã sống quãng đời từ khi lên 5 tuổi tới khi vào dòng Cát Minh năm 1888. Ngay khi được xem bộ tóc treo cung kính trên tường ngay sát chiếc giường của chị, bần hậu sinh đã cảm xúc viết lên bài thơ này. Nhân dịp mừng kính thánh Têrêsa 01-10 sắp tới, cũng là dịp Giáo Hội chuẩn bị khai mạc năm Đức Tin với công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, người viết xin chia sẻ bài thơ này cùng tất cả những ai yêu mến thánh nữ. Để độc giả hiểu rõ hơn, người viết xin phép dẫn giải (không phải là bình thơ) một vài hình ảnh liên tưởng chủ yếu qua chính những vần thơ của chị Thánh (bản dịch của người viết), cùng với Khúc Linh Ca của Gioan Thánh Giá (bản dịch của cát đệ Trăng Thập Tự và Nguyễn Uy Nam). Rất có thể những hình ảnh liên tưởng chẳng ăn nhập gì với bài thơ, kính xin các bậc cao minh chỉ giáo. NGUỒN:


Chiều 04.07.2012, chúng tôi may mắn có dịp tới thăm ngôi nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng ở Buissonnets nơi chị đã sống quãng đời từ khi lên 5 tuổi tới khi vào dòng Cát Minh năm 1888. Ngay khi được xem bộ tóc treo cung kính trên tường ngay sát chiếc giường của chị, bần hậu sinh đã cảm xúc viết lên bài thơ này. Nhân dịp mừng kính thánh Têrêsa 01-10 sắp tới, cũng là dịp Giáo Hội chuẩn bị khai mạc năm Đức Tin với công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, người viết xin chia sẻ bài thơ này cùng tất cả những ai yêu mến thánh nữ. Để độc giả hiểu rõ hơn, người viết xin phép dẫn giải (không phải là bình thơ) một vài hình ảnh liên tưởng chủ yếu qua chính những vần thơ của chị Thánh (bản dịch của người viết), cùng với Khúc Linh Ca của Gioan Thánh Giá (bản dịch của cát đệ Trăng Thập Tự và Nguyễn Uy Nam). Rất có thể những hình ảnh liên tưởng chẳng ăn nhập gì với bài thơ, kính xin các bậc cao minh chỉ giáo.

Bài thơ này gồm 6 khổ, 24 câu có ý tượng trưng cho 24 năm cuộc đời chị thánh. Trong số 62 bài thơ di cảo của Têrêsa, có 5 bài nhắc đến chữ tóc, chẳng hạn: "Tóc con vàng, mắt Ba rực sáng lên /Hãy nhớ nhé. Ba ơi Ba nhớ nhé!..." (Bài thơ số 8, 6); rồi "Sống Vì Yêu, gương Mai-Đệ-Liên /Đổ đầy dầu thơm và nước mắt,/ Quỳ hôn chân thánh, hôn tha thiết,/ Mái tóc dài, lau hết đau thương" (Mc 14,3, bài thơ số 17, 12). Riêng trong "Chuyện Một Tâm Hồn", Têrêsa cũng nhắc tới "tóc" tới 9 lần, chưa kể trong các bài viết khác của chị.

Tục ngữ có câu "Hàm răng mái tóc là góc con người". Mái tóc không chỉ biểu hiện cho vẻ đẹp, vinh dự, là tấm khăn che đầu quý phái (1Cr 11,15) nhưng còn nói lên sức mạnh của một con người như trường hợp Sam-son trong Cựu Ước. Mái tóc Tiên Sa vàng óng tự nhiên, rất dầy, điểm trang một vài bông hoa trắng (xuống tóc năm 17 tuổi, xem hình phía dưới), đã gợi lên trong tôi những hình ảnh thật đẹp về cuộc đời tận hiến của ngưỡi nữ tu Cát Minh, một vị thánh tiến sĩ thời đại, một vị quan thầy các xứ Truyền Giáo, Người đã tái khám phá ra Con Đường Thơ Ấu nơi Máng Cỏ Bê Lem, đã và đang lôi kéo biết bao tín hữu khắp năm Châu bước theo dấu chân Thầy Giêsu Chí Thánh. "Xuống tóc" chính là từ bỏ, là biểu hiện cho sự tận hiến trong tâm hồn, là phó thác vào kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, không tự hào cũng không cậy dựa vào vẻ đẹp cũng như sức mạnh riêng mình nữa.


1.
Bồng bềnh [1], ôi tóc Tiên Sa
Tơ vàng thua ánh, lụa là kém hương [2]!
Dầu ơn chải sóng khiêm nhường [3]
Vang cung tận hiến, rạng đường ấu thơ [4].

2. Bồng bềnh xuôi bến ước mơ
Thêu khăn Giao Ước, dệt thơ dâng mình [5].
Đẹp thay xuống tóc: hi sinh
Tóc mây còn mãi thắm xinh yêu kiều! [6]

3. Bồng bềnh tóc nở hoa yêu [7]
Tim rung thần khúc sớm chiều Cát Minh.
Phúc thay tóc gội tâm linh
Tìm Người Yêu Dấu kết tình xe tơ [8].

4. Bồng bềnh tín thác lặng tờ [9]
Lắng trong gọi đến khắp bờ dương gian [10].
Tóc vàng xe kết ngàn vàng
Kết muôn giai điệu, hợp đàn vạn giây.

5. Hạc cầm hay tóc mê say [11]
Rải từng sợi, buông từng giây tình Trời
Tiên Sa ơi! Tiên Sa ơi!
Lòng Thương Xót Chúa [12], em theo Người hát ca!

6. Ôi Tiên Sa! Hỡi Tiên Sa!
Từng sợi nho nhỏ ngọc ngà báu châu.
Từng sợi tin mến thẳm sâu
Đan vòng hiệp nhất địa cầu trong tim [13].

Đình Chẩn, Lisieux 04.07.2012





[1] Bồng bềnh: hình ảnh rất thực về một mái tóc uốn lượn. Tuy nhiên, nó cũng gợi lên cuộc đời người nữ tu ấy, có thể nói, "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh": chịu mồ côi mẹ từ khi lên 4 tuổi, cùng bao đớn đau bệnh tật và nước mắt vì yêu mến Đức Kitô, nhưng giữa những đau khổ ấy, chị luôn cảm nhận thấy niềm vui chan chứa:

"Niềm vui ấy là: yêu chén đắng
Vẫn mỉm cười khi nước mắt tuôn
Lòng cảm tạ, vui nhận hoàn toàn
Những bông hoa đầy gai đan quyện"
(Bài thơ số 45, 2)

[2] Hình ảnh nói về các nhân đức, đặc biệt là nhân đức khiêm nhường và tín thác.

[3] Dầu ơn: Chị thánh đã xác tín tất cả là hồng ân: "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).

[4] Cung tận hiến, đường ấu thơ: đây chính là bí quyết sống của chị Thánh: "Đường ấu thơ" cũng chính là "cung tận hiến" và ngược lại.

"Một bông hồng trụi cánh mong dâng hiến
Không mưu cầu chỉ phó thác cho đi
Như bông hoa tan biến không còn gì
Con sung sướng tận hiến mình cho Chúa".


(bài thơ số 51, 3 Bông Hồng Trụi Cánh)

[5] chị gái Céline đã mạnh mẽ đưa ra những lời xác nhận: "Trước khi đi tu, em chưa từng làm bài thơ nào, khi vào Cát Viện em mới làm thơ cũng thường là để đáp ứng mong ước của các chị em". Trong số 62 bài thơ di cảo, Têrêsa, hầu hết viết "vì một ai đó, nhân danh một ai đó, và cho một ai đó. Thực vậy, bài ca của Têrêsa không bao giờ ích kỷ, nhưng luôn dành tặng cho gia đình, cho các chị em, cho những người anh em truyền giáo, dâng các thánh trên Trời, dâng cho Rất Thánh Trinh Nữ, dâng cho Thiên Chúa; và trên hết đó là một cuộc đối thoại tâm linh hoặc thần bí với Chúa Giêsu" (Lời Tựa vào Tập Thơ Têrêsa, Nxb Cerf 1990).

[6] Trước tiên đây là một hình ảnh thực: Nếu chị thánh không "xuống tóc" thì hiển nhiên hôm nay chúng ta không được chiêm ngưỡng bộ tóc ấy. Mặt khác, nói đến hi sinh là nói đến từ bỏ; xuống tóc chính là từ bỏ. Thông thường người đời hiểu "từ bỏ" chính là "mất đi" là "dại dột", thậm chí là "điên", nhưng đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: "Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (Mt 11, 39). Chỗ khác Chúa Giêsu lại phán: "Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình" (Lc 21, 17-19)

Đây chính là Linh Đạo Từ Bỏ, xem ra có vẻ nghịch lý, không còn hợp thời nhưng thực ra rất sâu sắc và cần thiết hơn bao giờ hết. Các vị thánh, trong đó có Têrêsa đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Từ bỏ thế gian (ngoại vật) và từ bỏ cả chính mạng sống mình, nhất là "cái tôi" của mình để chỉ sống cho Chúa và tha nhân. Họ đã không "ích kỉ tìm mình" nên họ đã không bị mất. Các ngài đã bỏ tất cả để được tất cả.

[7] "Như hoa cúc đầu xuân/ Đài hoa ươm vàng óng
Con, nhành hoa hèn mọn / Hé mình dưới vầng dương"
(bài thơ số 52, 10, Phó Thác, Trái Ngọt của Tình Yêu)

[8] "Ở đó chàng đã cho tôi hết lòng hết dạ
Đã dạy tôi một khoa học hết sức dịu ngọt
Và tôi đã thực sự hiến dâng chàng tất cả
Không trừ lại gì
Ở đó tôi hứa cùng chàng xe tơ kết tóc"
(X. Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca 27).

Tương tự như Tân Nương trong Khúc Linh Ca của Gioan Thánh Giá, chị Thánh Têrêsa cũng đã được Đấng Tình Quân dạy cho "một khoa học hết sức dịu ngọt", hay "Khoa học của Tình Yêu"; Thiên Chúa và chị Thánh đã "xe tơ kết tóc" với nhau, Ngài đã ban cho chị ơn khôn ngoan thấu hiểu những điều huyền bí. Tình yêu chính là ông thầy của khoa học, nó làm cho mọi thứ trở nên dịu ngọt. Về phần mình, chị thánh cũng đã thực sự trao dâng cho Ngài tất cả, không giữ lại gì cho mình:

"Giờ đây con quả quyết lời
Tai nghe mắt thấy bên Người yêu thương
Đó là nhận thấy hồn con
Không còn bám víu chẳng còn tựa nương...!"
(bài thơ số 30, 1)

[9] Dù kiếp sống nổi trôi "bồng bềnh", nhưng Têrêsa vẫn luôn tín thác:

"Nhưng vì Người, ôi Hài Nhi Diễm Tuyệt
Con sung sướng được chết trong yêu thương
Con muốn ngắt mọi cách hồng đời con
Để chứng tỏ tình con say mến Chúa!
(Bài thơ số 51, 5).

[10] Ơn gọi và vai trò của vị thánh quan thầy các xứ Truyền Giáo.

[11] "Bức huy hiệu của Giêsu và Têrêsa" trong đó, bên cạnh Thánh Nhan, còn có hình ảnh một chiếc hạc cầm với lời giới thiệu: "Hạc cầm thay mặt Tiên Sa /Không ngừng hát tặng Giêsu diễm tình" (Thủ Bản A 85,2v).

[12] Cuộc đời Têrêsa là một bản tình ca. Ngay trang đầu tiên trong Thủ Bản Tự Thuật, Chị đã cho biết:

"Lòng Thương Xót Chúa khôn vơi
Hồn con khao khát muôn đời tụng ca"
(Thủ Bản A 2,1r; Tv 89,2)

[13] Theo linh mục André Michel S.C.J, cả ba "Thủ Bản" của Têrêsa đều kết thúc bằng từ TÌNH YÊU...Và bài thơ cuối cùng của Têrêsa cũng được kết thúc bằng từ "TRÁI TIM-COEUR".

Hình ảnh "địa cầu trong tim" muốn diễn tả ơn gọi phổ quát của chị Thánh: "Con hiểu rằng chỉ có Tình Yêu mới làm cho mọi thành phần Giáo Hội được sống động. Nếu Tình Yêu lụi tàn, các Tông đồ sẽ không còn rao giảng Tin Mừng nữa, không còn ai muốn đổ máu mình ra làm chứng nữa...Con hiểu rằng Tình Yêu bao hàm tất cả mọi Ơn Gọi, ôm trọn tất cả, Tình Yêu là tất cả, mọi nơi, mọi thời...Tóm lại, Tình Yêu là Vĩnh Cửu!.[...].Ôi lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu duy nhất của con...Cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của mình, ơn gọi của con chính là Tình Yêu!..Vâng, con đã tìm thấy, đó chính là Tình Yêu!..." (Thủ Bản B 3v).