Người xây những nhịp cầu - Tác giả: Maria Hồng Hà CMR
09.08.2023
Chiều xuống. Nắng nhạt dần. Những tia sáng yếu ớt vươn lên đọt dừa cao rồi từ từ rơi xuống mái hiên nhà. Bóng chiều băng qua chiếc cổng, tràn vào ngôi vườn, nhập nhoạng trên từng vuông gạch loang lổ của nhà hưu.
Hoàng hôn. Hoàng hôn của đất trời. Hoàng hôn của cuộc đời. Một cuộc đời nếm trải bao buồn vui cay đắng, giờ đang đến chặng cuối đường. Lạnh ngắt. Vắng tênh. Khung trời trên cao thăm thẳm, lác đác vài vì sao nhạt mờ. Chung quanh im lặng quá. Cha Cố dựa hẳn người ra phía sau. Chiếc ghế mây đong đưa lên xuống như con lắc đồng hồ đếm bước thời gian. Thời gian xoa dịu vết thương nhưng thời gian cũng hằn sâu những khoảng khắc của phận người dường như càng sống lâu người ta lại càng kinh nghiệm được giá trị cuộc sống của đời người không phải có được nhờ vào tiền bạc, danh vị hay bằng cấp nhưng đó là những gì ta cho đi ở mức độ nào của tình yêu, cái chân lý ngàn đời ấy có đó để con người tìm kiếm ý nghĩa và Thánh Ý của Thiên Chúa.
Cha Cố năm nay cũng ngoài tám mươi rồi cái tuổi mà người ta gọi là sống thọ, tiếng khóc của đứa trẻ nào đó làm Cha Cố nhớ về quá khứ ở tuổi mà người ta chỉ còn sống được nhờ hoài niệm.
- Huhuhuhuhuhuhuhuuh
Tiếng khóc nức nở của Mai đứa trẻ lên bảy tuổi đang chênh vênh trên chiếc cầu khỉ ở đoạn giữa của cây cầu, bất chợt một bàn tay lớn nắm lấy tay con bé kèm theo tiếng nói ấm áp
- Con đi đâu vậy sao lại đứng giữa cầu thế này
Quay lại nhìn, bé Mai nhận ra đó là Cha Cố bé líu ríu: con đi học giáo lý mà đi tới giữa cầu sợ bị ngã nên con không đi nữa hic hic tiếng khóc nhỏ dần thay vào đó là tiếng nấc
- Bàn tay lớn ấy dẫn Bé Mai sang bên kia cây cầu khỉ chênh vênh ấy,
- Bé Mai khoanh tay lễ phép, Con cám ơn ông Cố
- Cha Cố cúi người khẽ hỏi: học giáo lý xong ai dẫn con về
- Bé Mai luyến thắng trả lời: Dạ Má con dẫn về tại hôm nay Ba Má đi cấy về trễ không dẫn con đi được chứ chút xíu nữa ba má về sẽ lên dẫn con về à
- Cha Cố nhìn theo bóng bé Mai tung tăng chạy về phía nhà thờ
- Khẽ thở dài: tội nghiệp bà con nơi đây quá – Nghèo và mình cũng Nghèo
Về nhận xứ gần 3 tháng rồi bận tâm về cây cầu khỉ cheo leo vắt qua con kênh đám nhỏ đi lễ nguy hiểm quá, người già bên kia sông cũng không đủ sức đi qua cây cầu ấy, ngày thường đã vậy ngày Chúa Nhật bà con đi lễ đông cây cầu lắc lư nguy hiểm hơn, mà riết thành quen nên bà con trong xứ này chẳng ai kêu than gì về cây cầu này suy nghĩ đắn đo là như thế cha cố thở dài lẩm bẩm việc của Chúa chính Ngài sẽ liệu thôi con là dụng cụ của Chúa.
Nhiều tháng sau Cha cố kêu gọi nhiều thanh niên trong xứ đến để xây một cái cầu mới có đổ xi măng có tay vịn hẳn hoi, cây cầu nối hai nhịp bờ sông giữa nhà thờ và bờ bên kia để bà con đi lễ cho an toàn cũng phải mất cả tháng trời mới xong cây cầu Ximăng ấy ngày nắng cũng như ngày mưa Cha cố đều có mặt ngoài bờ sông để theo dõi tiến trình cây cầu, sự hiện diện của cha Cố như lời động viên bà con vậy. Cũng có lúc cha cố cũng xuống đảo hồ mấy hôm đổ móng thiếu người cha cũng làm như bà con. Thời gian như thưởng công cho những vất vả cuối cùng cây cầu cũng hoàn tất trong niềm mong đợi của cả giáo xứ nhỏ này cây cầu kiêu hãnh vắt mình qua con sông êm ả ấy, từ đây cây cầu có nhiệm vụ quan trọng nối kết hai bờ sông, đã vậy cây cầu là phương tiện giúp bà con đi qua lại an toàn nhưng hơn thế nữa nó còn đem lại niềm vui Đức tin cho những người già bây giờ có thể đi lễ dễ dàng hơn, cho trẻ em đến nhà thờ cách an toàn hơn, cây cầu nối kết con người lại với nhau họ nhường nhau để lái xe qua cầu, nhường cho những người lớn tuổi bám tay vịn của cầu, cũng chính nhờ cây cầu mà mỗi buổi chầu Thánh Thể hằng tuần có đông người tham dự hơn. Cũng từ ngày có cây cầu mới xóm Đạo dường như thấy vui hơn đường sang nhà thờ dường như gần hơn
Cây cầu xi măng nối kết hai bờ sông thì cũng có một cây cầu cũng nối kết tình người trong xóm đạo cha cố dường như là cây cầu thiêng liêng nối kết tình người vì dường như trong xóm đạo này ai có những xích mích gì họ cũng đều lên gặp cha cố từ chuyện cãi vã giữa hai vợ chồng, giữa con dâu với mẹ chồng đến chuyện tranh chấp đất đai trong gia đình đến cả chuyện trong khu xóm, họ cũng đến trình cha cố để được cha giải quyết, có mấy người bên lương bị người có Đạo ăn hiếp gì đó họ nói "tui sẽ lên mách ông cha cho xem" Cha cố như cây cầu nối kết tình người lại với nhau hòa giải cho hai vợ chồng, nối kết quan điểm của những người trong gia đình dệt mối dây hòa bình giữa các khu xóm với nhau. Hơn hết Cha cố còn là chiếc cầu thiêng liêng giữa Thiên Chúa và giáo dân nữa nhờ cử hành các bí tích đặc biệt Bí tích Thánh Thể hằng ngày, một Thiên Chúa ở trên cao đến ở với con người qua Thánh lễ để kéo muôn vàn ân sủng của Chúa đến với những tâm hồn đơn sơ của bà con nơi đây họ nghèo thật nhưng lại giàu tấm lòng khao khát Thiên Chúa ngày thường cũng như ngày Chúa Nhật nhà thờ lúc nào cũng đông người bởi thế mà Cha cố cũng quen từng gương mặt và chỗ ngồi trong nhà thờ luôn, hễ ai vắng mặt thì cũng biết luôn, vì thế mà đời sống đạo của xứ ổn định, với những sáng kiến của Cha cố dành cho thiếu nhi thật thú vị nào đố vui Kinh Thánh sau mỗi buổi giáo lý, có thưởng tại chỗ, đến những buổi trại thật vui trong sân nhà Thờ và đặc biệt là đổi điểm 10 lấy quà nữa làm cho thiếu nhi không chỉ sống đạo vui mà còn cố gắng trên lớp học nữa, những gì Cha cố làm và dành tâm huyết cho xóm đạo nhỏ bé này đang mỗi ngày dệt hình những con người tốt cho tương lai
Cha Cố chẳng cho ai tiền bạc hay của cải gì, Cha cố chỉ xây dựng những nhịp cầu cho trọn vẹn Ý Chúa muốn trong Thiên Chức Linh mục của mình để rồi dù cho bóng chiều đã phủ trên cuộc đời thì kinh nghiệm và yêu thương Cha cố vẫn như đong đầy còn mãi trong lòng người. Bên Thiên Chúa giờ đây giáo xứ nhỏ có một nhịp cầu để noi theo, cảm ơn Cha mãi.
(Kỷ niệm đến thăm nhà hưu dưỡng của các Linh Mục)
【Maria Hồng Hà CMR】