Một vài cảm nhận khi đọc tác phẩm Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh của Lm. GB Phương Đình Toại. MI - Tác giả: Lan Mary

Lan Mary
Tôi không còn nhớ cuốn sách đầu tiên mình được đọc là khi nào nhưng cái tôi còn nhớ là những bài học giá trị nhân văn sau những trang viết ấy. Nó chẳng cần thấm ngay mà cứ nhẹ nhàng, tự nhiên đi vào lòng người lúc nào chẳng biết. Cuốn sách "Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh" của linh mục GB Phương Đình Toại.MI là một tác phẩm đã đem lại cho tôi những xúc cảm như thế. NGUỒN:

Tôi không còn nhớ cuốn sách đầu tiên mình được đọc là khi nào nhưng cái tôi còn nhớ là những bài học giá trị nhân văn sau những trang viết ấy. Nó chẳng cần thấm ngay mà cứ nhẹ nhàng, tự nhiên đi vào lòng người lúc nào chẳng biết. Cuốn sách "Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh" của linh mục GB Phương Đình Toại. MI là một tác phẩm đã đem lại cho tôi những xúc cảm như thế.

Thoạt nhìn cuốn sách, tôi thấy không có gì đặc biệt và hứng thú, cũng chỉ là những câu chữ bình thường như bao cuốn sách khác. Dòng chữ "John, Toại. MI - góp nhặt và suy niệm" ở đầu trang bìa đã khiến tôi dừng lại và suy gẫm lâu hơn một chút. Với tôi, nó không đơn thuần chỉ là câu chuyện viết lại rồi đọc cho xong nhưng ẩn chứa trong cái "góp nhặt" ấy là chiều sâu của kinh nghiệm, chiều rộng của tính nhân văn, và chiều dài của những bài học trong cõi nhân sinh.

MI ở đây là kí hiệu viết tắt của dòng Camillo – nơi chuyên phục vụ và chăm sóc những người nghèo khó, đặc biệt là trẻ em và những người bệnh tật. Cha Phương Đình Toại là linh mục thuộc dòng MI - người sáng lập mái ấm Mai Tâm - chốn nương tựa của hàng trăm trẻ em cùng nhiều bà mẹ đang mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS. Có lẽ vì chứng kiến nhiều hoàn cảnh của những phận người bất hạnh nên bằng trải nghiệm thực tế qua công việc mục vụ của mình, cha đã "góp nhặt" những câu chuyện của nhiều số phận để ghép lại tạo thành một bức tranh mang tên "Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh". Cũng như dòng sông chẳng bao giờ chảy một đường thẳng vô tình mà thành. Đó phải là hành trình uốn lượn qua bao núi đồi, chảy qua bao miền đất, gom góp từng hạt phù sa, ôm trong lòng cả những niềm hân hoan lẫn những đau khổ bất hạnh, để rồi từ đó đổ ra bể lớn mà thành những tác phẩm nghệ thuật vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian.

Thực ra không chỉ có lời trong văn chương mới thấm đượm cảm xúc, chính những câu chuyện chân thật và giản dị ấy đã chạm vào lòng tôi cách thấm thía và rất đỗi lạ thường. Bởi nó không chỉ là văn bằng chữ, mà bằng cả máu thịt, bằng đời sống và bằng cảm nghiệm thiêng liêng. Mỗi câu chuyện là một bức tranh, từng câu từng chữ như những nét phẩy thanh thoát dần hiển lộ trên tấm lụa bạch dưới ngòi bút của người hoạ sĩ. Ở nơi đó là những khoảng chừa trống vắng, để rồi ý tứ cứ thong dong mà tuôn ra từ những khoảng trống mênh mông ấy. Qua mỗi bức tranh, tôi đều gặp được những hình ảnh rất đẹp về Thiên Chúa, một Thiên Chúa không hề cao siêu xa vời, nhưng nhập thể hoà mình ngay giữa cuộc sống nhân sinh.

Và gì thì gì, nó đem lại cho người đọc một cái gì đó đáng suy ngẫm, nghĩ ngợi và rất nhân văn. Không thuyết giáo nặng nề, không cầu kì hoa mỹ, cuốn sách đơn thuần ghi chép lại những câu chuyện rất đời, rất thường dưới góc nhìn của vị mục tử giàu chiêm nghiệm, giàu cảm xúc. Càng đi sâu vào từng trang sách, tôi càng cảm thấy như "người cha của những đứa bé" ấy đang ngồi ngay đây, ngay trước mặt mình kể về những kí ức chẳng thể nào quên.

Tôi chợt nhớ trong tác phẩm "Khối vuông Rubik", nhà thơ Thanh Thảo có viết:

"Tôi xoay những ô vuông. Màu trắng bên màu đen. Màu trắng như cánh cửa mở vào ánh trăng. Màu đen như khu rừng đầy bóng tối".

Một khối rubik khiến tôi liên tưởng đến nhiều góc cạnh của cuộc sống. Những gam màu bóng tối kia sẽ trở nên đẹp hơn biết mấy nếu mỗi người biết "dọn" từng cái "rác", quét từng bụi bẩn trong ngõ ngách tâm hồn để đối diện với chính lương tâm của mình mà toả hương nhân đức. Đó có thể là một bà lão với Lời cầu xin còn sót lại (Quyển 1-trang 138), một bé Tâm với Chuyện cái áo (Quyển 1-trang 106) biết cho đi, đó có thể là câu hỏi ngây thơ của đứa bé Cha ơi Chúa có nghe? (Quyển 1-trang 97). Và có thể nói, người cha dòng Camillo ấy chính là đoá hoa quỳnh luôn thầm lặng và toả lan nhân đức trong hành trình yêu thương, góp nhặt cho người đọc những hoa trái hương thơm trong hành trình mục tử của mình.

Khép lại những suy nghĩ vụn vặt, cuốn sách như thể chỉ là một ngọn gió thoáng qua trong cuộc đời tôi nhưng nó còn lắng sâu và đọng lại. Đọc lại đôi dòng của người linh mục ấy với những câu rất đẹp:

"Tình yêu chân thành, tình bạn, tình mẫu tử, và tình người... tình yêu của Chúa gieo vào lòng người – "Đã là như thế và sẽ luôn là như thế".

Tôi tự nhủ với chính lương tâm mình:

"Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình."


(Một khúc ca xuân - Tố Hữu)

Lan Mary