Tiếng khóc trong đêm - Tác giả: Nt. Maria Hồng Hà CMR
25.06.2023
Oa, oa, oa.........oa...............
Tiếng khóc xé toạc đêm tối. Tiếng khóc làm mọi người trong nhà bừng tỉnh, căn phòng của Soeur Năm sáng choang bởi mọi công tắc điện được bật. Lại còn có cả các chú công an nữa chứ, mắt nhắm mắt mở tôi cũng chen vào xem có chuyện gì xảy ra. À, thì ra lại có một em bé bị bỏ rơi, sau khi phát hiện, lập tức họ đưa tới cho các chú Công an, mà các chú này nhớ tới Mái Ấm và đem bé đến trong đêm ấy.
Sơ Năm bế lấy đứa bé và trao lại cho tôi, Sơ Năm dẫn mấy chú công an xuống phòng khách, trên tay tôi lúc này là đứa bé đang lạnh cóng và gào thét trong tiếng khóc, lấy tay ghì bé vào lòng để hơi ấm của tôi làm cho bé được ấm trên đường đưa bé về phòng để sưởi. Tiếng khóc của em bé có ý nghĩa gì nhỉ? Phải chăng đó là "tiếng đòi", đòi quyền sống, đòi quyền được yêu thương. Đó là quyền cơ bản nhất của một con người chưa thể tự làm điều gì cho mình, mọi sinh hoạt: ăn, uống, ngủ, ngay cả đi vệ sinh hay muốn di chuyển được từ nơi này qua nơi khác thì phải có người khác giúp. Có lẽ hoạt động chính của em là ngủ và khóc mà thôi. Khóc để đòi ăn, đòi được bế hay khóc. Vì thế, ngôn ngữ chính yếu của trẻ sơ sinh là "khóc".
Tiếng khóc của em va đập vào trái tim tôi làm tôi quên mất giấc ngủ của mình và trong đêm ấy tôi thức với em, tiếng khóc dịu dần khi em được uống sữa được thay tã và nhất là được ủ ấm trên tay tôi, thay vào đó là nhịp thở nhẹ nhàng, em như một thiên thần nhỏ mà Chúa mang đến cho mái ấm này. Em là đứa trẻ bị bỏ rơi thứ 42 trong mái ấm này. Sáng hôm sau, đưa bé đi khám bệnh viện, khi bác sĩ hỏi tôi: bé là con chị à?
Tôi lắc đầu, nhưng rồi như giật mình, tôi khẽ trả lời: "Dạ không, cháu là trẻ mồ côi"
- Bé bị nhiễm trùng huyết cần điều trị kháng sinh và theo dõi cẩn thận, chị đi làm giấy tờ nhập viện cho bé..
- Bước chân tôi rảo nhanh trên hành lang, nhưng tim như thắt lại khi nghĩ đến đứa trẻ đang vật lộn với bệnh tật, với sự bỏ rơi, có thể em không biết chính hoàn cảnh của mình thế nào, với em chỉ là tiếng khóc.
Và rồi những ngày kế tiếp tôi ở lại bệnh viện chăm sóc bé. Có lẽ, tôi không thể hiểu được cảm giác làm Mẹ là như thế nào, nhưng Chúa cho tôi cảm được nỗi đau khi người khác đau, hay đó chính là cảm thức làm Mẹ trong tôi mà tôi được Chúa phú bẩm trong con người nữ mà Chúa ban tặng cho tôi và tất cả những người phụ nữ, tôi thầm cảm ơn Chúa về điều đó. Để rồi như bị cuốn vào sứ vụ hay chính cuộc sống của tôi cũng đang bị trộn lẫn sứ vụ và ơn gọi vì chính khi thi hành sứ vụ tôi cũng đang ca tụng Chúa, và yêu mến Chúa qua những con người mà tôi phục vụ, lời cầu nguyện của tôi không chỉ bị bó buộc trong nhà nguyện nữa.
Khi về đến cộng đoàn, tôi vào nhà nguyện chào Chúa và chỉ biết nói: "Thưa Chúa, con yêu Chúa!" Và rồi, tôi thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay...Và tôi tin, đó cũng chính là hình ảnh tấm bánh Giêsu bị bẻ ra trong mỗi Thánh lễ và tôi được tháp nhập vào tấm bánh ấy bằng chính đời sống thật của tôi...
Rất nhiều năm trước đó, tôi không hiểu tại sao khi nhìn các em khiếm thính chơi đùa cùng các thầy Bác Ái Vinh Sơn, cái cảm xúc trong tôi lại mãnh liệt như vậy, tôi đã khóc như chưa từng được khóc, có thể đó là tiếng khóc của niềm hạnh phúc nào đó trong tôi. Giờ tôi mới hiểu, ngay trong tiếng khóc của tôi có tiếng Chúa gọi tôi. Đó cũng chính là ơn gọi của tôi trong cuộc đời này. Và rồi chính khi suy tư "tại sao con người khóc", tôi phát hiện dường như tiếng khóc không chỉ là của trẻ nhỏ nhưng còn đó tiếng khóc của bao người của bao hoàn cảnh đang thấm ướt cuộc đời của bao người. Khi cuộc đời có quá nhiều đau khổ, họ khóc. Khi bị đối xử bất công từ người khác, có thể là chính người thân, chỉ vì giành giật nhau có một mét đất mà anh em trong nhà tàn sát nhau, con giết cha, chồng giết vợ... Trong chính bối cảnh như thế, họ cũng phải bật khóc. Nhất là khi sống trong xã hội này, họ càng khóc to hơn nữa vì bị quá nhiều sự bóc lột, họ chịu sự quản lí chặt chẽ của nhà nước, ngay cả quyền tự do ngôn luận họ cũng bị cướp mất dưới chế độ này.
Người ta cũng khóc khi không được yêu thương. Hãy nhìn xem những cụ bà móm mém, ăn mặc lôi thôi, tay thì run rẩy đi mời từng tấm vé số trên các ngã ba, ngã tư đường. Có những người phải lục lọi từng thùng rác xem còn gì sót lại trong đó không. Vậy con họ đâu, người thân của họ đâu?.
Trong mái ấm mà tôi đang phục vụ cũng đang cưu mang những bạn nữ trẻ tuổi vị thành niên không những mang thai, mà còn mang cả tiếng xấu: "gái lầm lỡ". Tại sao lại "lầm lỡ"?. Vì khi yêu quá, khi trao thân quá, bị người nam lợi dụng sự yếu tin, lợi dụng xác thịt... nên họ mới mang thai ngoài ý muốn. Vậy họ có khóc trong hoàn cảnh của họ? Chắc chắn là họ khóc.
Vậy Thiên Chúa có khóc không?
Chắc chắn là có trong đêm Giáng Sinh một Thiên Chúa làm người mang lấy thân phận của một em bé để đến trần gian tiếng khóc của Em Bé Giêsu chắc hẳn đã xé toạc trời và đất, để làm lành tấm áo bất trung của Adam và Eva, nối lại nhịp cầu ân nghĩa giữa Thiên Chúa và con người. Trong Tin Mừng Chúa khóc khi Ladarô chết, Chúa khóc thương thành Giê-ru-sa-lem sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Ngày nay, Mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người và đẩy cho đến tận cùng của Tình Yêu là Mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu trở nên Hy Tế Đền Tội thay cho nhân loại mỗi ngày. Và nhất là, Chúa càng buồn hơn nữa khi bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa được dọn sẵn, thế nhưng chẳng ai thèm để ý tới, vì họ có quá nhiều thứ bận rộn: nào là công việc, học hành, chợ búa...xung quanh họ không gì khác là một thế giới vật chất bủa vây, mà có khi con người tự lao vào nó, nhưng lại không thể tự mình thoát ra.
Oa, oa, oa...
Và lúc này là tiếng khóc của một em bé bị mẹ bỏ rơi trong đêm sương giá lạnh. Qua tiếng khóc này, tôi càng nhận ra rõ nét hơn ơn gọi của tôi là ơn gọi dấn thân cho người nghèo của Chúa, để từ nay tôi trở nên dấu chỉ Tình Yêu tinh tuyền của Chúa trong một môi trường có quá nhiều vấn nạn phức tạp như ngôi nhà Mái ấm Tình Mẹ mà tôi đang được phục vụ. Cứ mỗi cuối tuần, dắt các em đi ra sân banh gần đó rồi "dì cháu" la hét om sòm cho thỏa thích khi được đi ra khỏi không gian ngột ngạt ở nhà vì nó quá chật hẹp. Nếu hôm nào các cháu lớn phải học bài, thì tôi lại cho các cháu nhỏ hơn nữa mang những đôi giày nhỏ xinh của chúng, đội nón và ra sân, cái sân bé tẹo trước nhà để chúng đá những quả banh nhỏ của chúng, chạy nhảy hay làm gì tùy chúng, còn tôi thì chỉ quan sát để chúng không xảy ra tai nạn là được. Nhìn chúng lon ton trong từng bước đi xem ra còn chưa vững, chạy qua chạy lại quanh chân dì, tôi ôm chúng, bế chúng trên tay và thơm vào cái má xinh của chúng, mệt nhưng đó là những giây phút thật ý nghĩa đối với tôi, tôi rất thích nhìn chúng cười, nụ cười sao dễ thương quá, đơn sơ quá! Qua đó, tôi cũng nghiệm thấy rằng Chúa cũng đang nhìn ngắm ngay cả lúc tôi chơi đùa, Chúa cho tôi cảm được tình yêu của Chúa nơi những tâm hồn trẻ thơ mà tôi đang được ở với chúng.
Tiếng khóc như một lời mời gọi tôi sống tình yêu, của sứ vụ, và tiếng khóc ấy trở nên Siêu Việt nhắc tôi biết xót thương như Thiên Chúa, hòa nhịp đời mình trong kinh nguyện và hy sinh cho những nhu cầu của giáo Hội của Hội Dòng tôi. Và có lúc tiếng khóc ấy trong suốt không thành tiếng bởi niềm vui trong phục vụ khi nhìn ngắm những đứa trẻ trong mái ấm đá bóng, những cái dụi đầu làm nũng của chúng làm tôi quên hết những mệt mỏi.
Đêm nay tiếng khóc của em bé thứ 42 trong mái ấm, như tiếng nhạc giữa đêm khuya, báo hiệu một sự sống mới trong thế giới này. Tiếng khóc của em bé như luồn vào từng ngõ ngách trong tâm hồn mỗi người đang hiện diện ở đó. Nó như một lời nhắc nhở về sứ mạng của người nữ tu là trở nên dấu chỉ Tình yêu của Chúa giữa thế gian đang đầy những nỗi khổ đau này và làm nảy sinh từng mầm sống non nớt, yếu ớt, cho chúng từ từ lớn lên trong mảnh đất của người làm vườn, để chúng được vươn lên trong gió và đón lấy từng tia nắng ban mai, đó cũng chính là tình thương của Chúa đối với con người và giữa con người với nhau.Đây cũng là lời nhắc cho thế giới này biết rằng: thế giới sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tình thương, một tình thương xuất phát từ trái tim, mà chính nơi đó có một Thiên Chúa ngự trị.
(Mẩu chuyện của một Nữ tu đang phục vụ tại mái ấm Tình Mẹ thuộc hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.)
【Maria Hồng Hà CMR】