Cây bút máy của bố

Lan Mary
Và, ngày này của hai mươi năm sau, bố hy vọng chiếc bút máy này lại tiếp tục viết nên những bài giảng hay ho khác từ chính bàn tay bé bỏng của con. Bố đã viết đoạn mở đầu thì hãy tự mình viết nốt đoạn kết, Mèo nhé! Những dấu cộng, trừ, nhân, chia vẫn đang đợi con giúp chúng thăng hoa. NGUỒN:

Bố lại ngồi đấy, với cây bút máy đen bóng trên tay, bắt đầu ghi ghi chép chép. Hôm nay bố viết thế này:

Gửi Khải Nguyên hay là Khải Tú nhỉ? Thôi bố chẳng biết nữa, bố gọi con là bé Mèo nhé! Mẹ bảo tháng sau, khi con trở mình lúc bác sĩ rà máy siêu âm, bố sẽ được biết trai hay gái. Nhưng dù có là Khải Nguyên hay Khải Tú thì định sẵn tên con là Mèo – con yêu dấu của bố mẹ rồi!

Có thể đến sáu năm sau con vào lớp một, mới đọc được lá thư này, và đến tận mười bốn năm sau đó, khi tròn đôi mươi, con mới hiểu được tất cả những gì bố viết hôm nay. Bố là ông bố vụng về nhất thế gian, bởi vì mẹ con là người mẹ giỏi giang nhất trái đất. Mỗi ngày của bố hầu như chỉ gắn liền với trường lớp và cây bút máy mà bố đang cầm trên tay đây để soạn giáo án và viết lá thư này.

Bố là giáo viên dạy Toán, nên chẳng có văn chương hoa mỹ gì đâu con ạ! Bố chỉ đang cố gắng soạn một bài giảng dành riêng cho con, đứa học sinh mà bố sẽ gắn bó và dạy dỗ cả đời bằng duy nhất bài giảng này. Con sẽ học chứ? Học cùng bố bài "Những phép tính trong đời sống".

1. Phép cộng:

Này con, hãy nhớ rõ quy tắc nhé:

Nhận lấy + lời cảm ơn = sự tôn trọng và lòng biết ơn.

Cho đi + một nụ cười = sự sẻ chia và lòng chân thành.

Nhận sai + câu xin lỗi = sự dũng cảm và lòng tự trọng.

Lắng nghe + gật đầu tha thứ = sự nhân ái và lòng vị tha.


2. Phép trừ:

Sẽ có một ngày con thấy mỏi mệt và nặng nề lắm. Hãy trừ bớt lo lắng, trừ đi suy tư, trừ bớt tự ti, trừ đi mặc cảm. Rồi con sẽ thấy phép trừ cho con kết quả là: biết quẳng gánh lo đi mà vui sống.

3. Phép nhân:

Con người ta thích có thêm thật nhiều điều bằng cách nhân chúng lên. Con có thích thế không? Vì con cũng là một con người bình thường nên bố chắc, rồi sẽ có một ngày con mong ước như thế.

Vậy thì hãy học cách nhân lên đi con: lòng tốt nhân đôi, vị tha nhân bốn, sẻ chia nhân ba, khiêm nhường nhân sáu. Rồi sớm muộn, con cũng tự cảm thấy cuộc sống mình thú vị bởi niềm vui, sự tử tế, lòng thành thật, sự thấu hiểu...tất cả chúng đều được nhân lên gấp bội mà chẳng cần công thức rườm rà.


4. Phép chia:

Và thế nào con cũng tròn xoe mắt hỏi bố "Sao bố mua cho con nhiều đồ chơi thế?" hoặc hỏi mẹ "Sao mẹ nướng cho con cái bánh to thế?". Nếu con thấy thật sự rất nhiều và rất to thì hãy đem chia chúng đi!

Con ơi, các phép tính trong trong khoa học hay các phép tính trong đời sống đều đòi hỏi con phải học cách tính mới có kết quả. Vậy thì hãy học chậm rãi con nhé! Để con luôn nhớ rõ rằng, chính xác là mình nên dùng cộng, trừ, nhân hay chia vào trường hợp cụ thể nào.

Đừng bao giờ cộng thêm muộn phiền mà trừ bớt an vui, nhân lên vị kỷ mà chia đi nhọc nhằn. Bởi cuộc đời là những bài toán, thậm chí rất hóc búa. Bé Mèo sẽ lớn và cũng có lúc loay hoay tìm cách giải, sẽ có khi hoang mang sai lệch đường hướng. Nhưng hãy nhớ điều bố sắp nói đây: "Bài toán đời sống chỉ có thể giải bằng những phép tính tâm hồn!".

Và, ngày này của hai mươi năm sau, bố hy vọng chiếc bút máy này lại tiếp tục viết nên những bài giảng hay ho khác từ chính bàn tay bé bỏng của con. Bố đã viết đoạn mở đầu thì hãy tự mình viết nốt đoạn kết, Mèo nhé! Những dấu cộng, trừ, nhân, chia vẫn đang đợi con giúp chúng thăng hoa.

Thương lắm,

Bố vụng về

Tú An


Nguồn: sưu tầm