Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường. SJ - Bài 30: Dấu chân xưa
26.05.2023
Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân không còn. Trở về biển nhớ, nghìn dấu chân đã đi qua. Sóng xô bờ đã bao lần xoá thật kĩ. Trở về làng cũ, tàu cau đã chết thủa nào. Năm tháng cũ nhạt hương không còn ấn tích. Mưa nắng quanh năm giặt bạc màu ký ức. Đổi thay trong đời như những lớp phù sa đã bao lần cày sâu xuống, lấp kín lên. Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân đã mất.
Không còn dấu chân cũ mà vẫn cứ tìm vì dấu chân ấy có nhiều thương nhớ. Bến ga chiều nay mưa phùn bay, nhưng người ta trở về tìm dấu chân cũ vì ảnh xưa thì đẹp và hình xưa là hạnh phúc. Tìm vết chân cũ, vì ở tình yêu ấy, đã bao lần ngọt ngào cùng nhau quấn quýt bước chân đi. Không gian thay đổi nhưng hồn quá khứ không muốn đổi thay. Thế giới ấy đi bằng những bước chân đẹp nên nó trong ngắt. Bụi chỉ xoá dấu chân trên đường còn thế giới trong ngắt của linh hồn nó đẹp mãi. Và, vì thế, nhiều người cứ muốn đi tìm.
Đi tìm dấu chân xưa, vì về ngõ hồn quá khứ có khi dễ hơn lách lối tương lai đi tới. Đời người có khi tương lai khép kín mà quá khứ mở rộng ngõ. Lắm lúc càng đi về phía trước mà lại chỉ thấy đẹp ở phía sau. Vì thế, hôm qua, hôm nay và mãi về sau vẫn sẽ có nhiều kẻ muốn đi tìm kỷ niệm của dấu chân xưa.
Dấu chân không gian đã mờ nhạt, bụi cát bôi rồi. Đi tìm dấu chân xưa là dấu chân trong hồn mà thôi. Có nhiều bước chân. Có bước chân lên đồi. Có bước chân vào hoàng hôn. Có bước chân ra bình minh. Đi tìm dấu chân xưa là tìm riêng kỷ niệm đẹp. Nhưng khi quá khứ mở ngõ là mở rộng cả đôi cánh. Vì thế, có những dấu chân không đẹp, chẳng muốn 20tìm mà vẫn gặp. Có dấu chân muốn quên mà cứ nhớ.
Lạy Chúa, trong hành trình đời sống, Chúa đã nói với con về những bước chân:
Đừng dõi theo đường phường gian ác
Đừng tiến tới trong đường lũ ác nhân
Hãy tránh đi, đừng đi qua đó
Hãy quay lại và đi đi. (Cách Ngôn 4:14-15)
Ta dạy con trong đường khôn ngoan
Và Ta đã hướng dẫn con đi đường ngay chính
Khi con đi bước chân con sẽ thênh thang
Và nếu con chạy, con sẽ chẳng vấp ngã. (Cách Ngôn 1:11-12)
Dấu chân của một mình ta thôi mà đã là những dấu chân xưa muốn đi tìm rồi. Huống chi, những dấu chân của hai người đi bên nhau chắc hẳn sẽ còn lưu luyến, bởi, vết chân của người này mở ý cho vết chân của người kia đi về. Con tim mình thổn thức vì nó dâng hai nhịp đập của một chiều sóng. Vết chân hôn nhân và vết chân của Đức Kitô với các môn đệ là những vết chân này.
Dấu Chân Thiêng Liêng
Trong dấu chân xưa của những chuyện tình, chuyện thuỷ chung, còn một thứ dấu chân của thập giá. Đó là dấu chân theo Chúa ở biển hồ Galilêa khi nghe tiếng gọi: Hãy theo Ta (Mt 4:19). Theo Chúa trong hành trình truyền giáo: Ngài sai từng hai người một (Mc 6:7). Theo Chúa lên cuộc tử nạn: Hãy vác thập giá hằng ngày (Lc 9:23). Những dấu chân thiêng liêng này không sao xóa nhoà được. Những bước chân này đã một lần in dấu là kỷ niệm thiên thu. Bởi, Thiên Chúa quý kỷ niệm. Ngài không bao giờ quên những bước chân ân tình. Một lần gọi là một lần muốn có trang thiên tình sử. Một bước chân đi bên nhau là hy vọng có kẻ mang Tin Mừng.
Khi chết rồi Đức Kitô vẫn về Galilêa, vẫn muốn đến biển hồ. Gặp gỡ Thầy trò ở khúc đường Emmaus không phải là đi tìm dấu chân xưa hay sao. Nhưng dấu chân xác thân không còn. Chỉ còn là dấu chân xưa trong hồn mà thôi. Đó là dấu chân thiêng liêng.
Cửa tương lai sẽ đóng lại. Thí dụ, ngày Đức Kitô chết. Vết chân trên cát của Ngài chấm dứt. Mỗi bước chân nhân thế cũng vậy. Ngày xuôi tay là bước chân sau cùng chào vĩnh biệt đường trần. Sự chết đến như con đường cụt. Tôi không còn bước nữa. Bây giờ tôi chỉ còn quay lại tìm dấu chân xưa. Và bây giờ dấu chân xưa trở thành vô cùng huyền nhiệm linh thiêng. Tất cả định mệnh hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong cõi sống vĩnh hằng hệ tại những dấu chân xưa này. Tôi đã bước đi trong quá khứ thế nào, thì bây giờ bước chân ấy cũng dẫn tôi vào tương lai như vây. Bước chân ngang trái sẽ dẫn tôi tới ngang trái. Bước chân chính trực, chính trực sẽ đem tôi tới đại lộ. Cái huyền nhiệm của dấu chân xưa thiêng liêng là không tìm, tôi cũng sẽ gặp, cũng phải gặp, như lời Kinh Thánh sau đây:
"Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người cho chiên đứng bên phải Người còn dê đứng bên trái... Bấy giờ đức Vua phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thủa tạo thiên lập địa... Rồi Đức Vua phán cùng những người ở bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các thần của nó." (Mt 25:31-46)
Giờ này, dấu chân xưa thiêng liêng có sức mạnh thần thánh đưa tôi về trời cao hay xuống vực sâu.
Ai cũng có kinh nghiệm dấu chân xưa trong đời sống trần thế. Ngày thơ tuổi nhỏ. Tấm hình năm cũ. Nó đưa ta về những vùng ký ức xa mờ. Dấu chân xưa oan trái sẽ làm ngày tháng hôm nay của ta ảm đạm. Dấu chân xưa đẹp thì hôm nay cho ta hạnh phúc ngọt ngào.
Trở lại một bến ga bụi sương, dù năm tháng mù mịt rồi, người xưa đã khuất mà lòng ta cứ gần. Ghé lại bến đò cũ, dòng sông gợi cho ta bao nhớ nhung. Dấu chân xưa trong chuyện mình lúc còn sống là thế. Nhưng không ai biết thao thức của người chết đi tìm dấu chân xưa như thế nào. Đơn giản, là không có ai từ cõi chết về kể chuyện cho ta nghe cả. Phúc Âm có kể chuyện một người chết đi tìm dấu chân xưa như sau:
Xưa có một nguời giàu, ăn mặc những gấm tía, và hàng mịn; ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có người ăn mày tên là Lazarô, người ta vứt bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói, ước ao có được miếng thừa dưới bàn ông nhà giàu mà ngốn cho no, lại còn bầy chó hoang liếm các ung nhọt người ấy. Nhưng xẩy ra là người ăn mày chết, và được các thiên thần đem lên dự tiệc ngay lòng Abraham. Còn ông nhà giàu cũng chết và được tống táng.
Trong âm phủ giữa những cực hình, ông nhà giàu ấy ngẩng mặt lên, thấy đằng xa Abraham cùng Lazarô nơi lòng ông. Người ấy mới kêu lên và nói: "Lạy cha Abraham, xin thương xót tôi, và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay một chút nước mà thấm dịu lưỡi tôi, vì tôi quằn quại đây trong ngọn lửa này." Nhưng Abraham nói: "Hỡi con, hãy nhớ lại: suốt đời con đã lãnh cả sự lành phần con, còn Lazarô cũng lãnh, nhưng chỉ là tai với họa. Bây giờ Lazarô được an ủi nơi đây, và con phải quằn quại đau đớn. Vả chăng giữa chúng ta và các ngươi, đã cắt ngang định sẵn một vực thẳm, khiến cho tự bên này, ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và tự bên ấy, người ta không thể quá giang đến được với chúng ta". Ông nhà giàu lại nói: "Vậy thì, lạy tổ phụ, xin tổ phụ sai Lazarô đến nhà con, vì con có năm anh em, ngõ hầu Lazarô làm chứng răn dạy chúng, kẻo chúng cũng phải sa vào chốn cực hình này." Abraham nói: "Chúng đã có Maisen và các tiên tri, chúng hãy nghe lời các ngài." Người ấy đáp: "Thưa tổ phụ Abraham, không đâu! Song có ai từ cõi chết mà nói với chúng, tất chúng sẽ hối cải." Nhưng Abraham bảo người ấy: "Nếu chúng không nghe Maisen và các tiên tri, thì cho dẫu có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng nghe đâu." (Lc 16:19-31).
Hai người trong câu chuyện, Lazarô và nhà phú hộ đều bước những dấu chân trong đời. Bây giờ dấu chân ấy đưa họ đi mỗi người mỗi ngã. Dấu chân xưa của người nghèo Lazarô đưa ông về Nước Trời với Abraham. Dấu chân xưa của người giàu đưa ông về cõi vắng mênh mông.
Trong cuộc sống này, ta tìm kỷ niệm dấu chân xưa mà nhiều khi không gặp. Khi chết rồi vào giờ phán xét, những dấu chân xưa thiêng liêng ấy sẽ tự ý đi tìm ta. Và, dấu chân này sẽ đưa ta về cõi hệ trọng vô biên. Hạnh phúc hay gian nan. Bởi đó, mỗi dấu chân linh hồn đi hôm nay trong cõi đời sẽ là dấu chân thiêng liêng cho ngày mai.
Khi nhớ về kỷ niệm là ta đi tìm dấu chân xưa. Dấu chân đó có thể là những bước chân trên bến đò, trên con đường nhỏ. Những dấu chân này là dấu chân trong tình cảm, nó sẽ chấm dứt khi ta chết. Còn dấu chân xưa thiêng liêng là đời sống thánh thiện hay tội lỗi, công bình hay gian tham, độ lượng hay hẹp hòi, thì khi cuộc đời chấm dứt, những bước chân này mới khởi đầu.
Lạy Chúa, khi con đi tìm kỷ niệm cũ, tìm dấu chân xưa trong tình cảm, thì xin Chúa nhắc nhở con đến dấu chân thiêng liêng, để hôm nay con biết đi những bước chân thật đẹp, hầu bước chân này chuẩn bị cho con bước vào hạnh phúc trong Nước Chúa mai sau.
【Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J】