Phúc Âm: Lc 24, 46-53
Khi ấy Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống." Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Công vụ Tông Đồ
Chúc tụng Chúa Thăng Thiên
- Đức Vua cai trị thế giới. Xướng lên ca vinh Chúa là Vua. Mừng Chúa Đấng thống trị vạn quốc. Ngàn đời rực rỡ Chúa hiển trị ngàn thu. (Thánh Vịnh 46)
- Trong trình thuật Chúa Giêsu về trời có một điểm đặc biệt: Lúc các môn đệ đang phủ phục thờ lạy Chúa, thì Ngài rời khỏi họ và đồng thời giơ tay ban phép lành cho họ.
- Thánh Phêrô: "Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã về trời, đặt bắt các thiên sứ và thần minh phải phục quyền." (1P.3: 22)
- Thư Thánh Phaolô gửi công đoàn Êphêsô sau khi Chúa sống lại và về trời: "Thiên Chúa đẫ đặt mọi sự dưới chân Chúa Giêsu và đặt Ngài làm đầu Hội Thánh mà Hội Thánh là Thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn." (Eph.1: 22)
- Lễ Thăng Thiên nói lên việc nhân tính của Chúa Giêsu tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn. (Ga.15: 28)
- Với biến cố Thăng Thiên Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Ngài vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến tận thế. (Mt.28: 30)
Ý nghĩa sự Thăng Thiên của Chúa Giêsu.
Sự Thăng Thiên của Chúa Giê-su có rất nhiều ý nghĩa, và sau đây là năm ý nghĩa quan trọng:
1. Chúa Giêsu thật sự đang sống giữa chúng ta.
Không thể tách rời khỏi sự Phục Sinh, sự Thăng Thiên cho chúng ta biết Chúa Giêsu không sống lại để rồi sau này lại chết một lần nữa như những người phàm: Laxarơ, con gái Giairu, con trai mẹ góa thành Nain, Ơtích, hoặc Tabitha. Xác Chúa Giêsu không thể được tìm thấy nơi thế gian này, bởi vì Ngài đã Thăng Thiên trở về cùng Cha.
2. Thiên đàng còn sống động hơn cả thế gian.
Chúng ta thường nghĩ thiên đàng là một nơi thanh cao tít tầng mây chứa đầy những linh hồn lạ lẫm. Và theo một cách nào đó thì nó là như vậy. Nhưng Êli và Hênóc ở đó. Và Chúa đã sống lại vinh hiển cũng vậy. Các môn đồ vẫn có thể chạm vào Ngài. Rõ ràng, thiên đàng còn thực tế hơn thế gian. Nơi ấy còn sống động hơn với nhiều màu sắc chân thực hơn trên đất này.
3. Kế hoạch quyền thống trị trái đất Chúa dành cho con người được thực hiện.
Ađam "thứ nhất" và người giúp đỡ ông là Êva được giao nhiệm vụ sinh sản thêm nhiều trên đất và thống trị nó. Nhưng họ đã phạm tội. Tuy nhiên, kế hoạch của Thiên Chúa không thể bị cản trở. Con người sẽ phản ánh sự vinh hiển Chúa qua quyền thống trị trên tạo vật. Khi ấy, Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến thế gian, đảo ngược lời nguyền tội lỗi, và bắt đầu phục hồi vạn vật. Ađam "thứ hai" đã thực hiện công việc và hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho con người để phản ánh vinh quang thánh qua quyền thống trị tạo vật. Đấng Thần Nhân - ánh hào quang của Ngài - vẫn đang cai trị trái đất và thống trị kẻ thù của mình.
Tim Keller nói: "Thăng Thiên có nghĩa là một con người cai trị vũ trụ. Đúng như kế hoạch của Thiên Chúa .
4. Sự Nhập Thể là một phép lạ vĩnh hằng.
Nhập Thể là sự hạ mình của Con Đức Chúa Trời, nhưng không làm giảm đi giá trị của Ngài. Đức Chúa Con vẫn toàn năng ngay cả khi Nhập Thể. Nhưng sự Thăng Thiên có nghĩa là Đức Chúa Con sẽ mãi mãi là Thần Nhân. Ngài không quay lại trạng thái vô hình. Và sự Thăng Thiên của Chúa Giêsu không phải là kết thúc, mà đó là một phần trong kế hoạch làm trọn mọi điều của Ngài. Ngài hằng ngự trị trên trời và dưới đất ngay bây giờ. Sự Nhập Thể là một phép lạ trường tồn vĩnh cữu.
5. Sự Thăng Thiên là Phúc Âm cho những người tội lỗi
Khi chúng ta được hiệp một với Chúa Giêsu nhờ đức tin, thì linh hồn chúng ta sẽ lên thiên đàng, và thiên đàng sẽ đến với chúng ta trong thể xác. Sự Thăng Thiên là kết quả trọn vẹn của lời hứa rằng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là trái đầu mùa của chúng ta.
Sự Thăng Thiên có nghĩa là: Phúc Âm là tin tốt lành, hơn cả những gì chúng ta vẫn nghĩ, trên cả sự tốt lành! Bởi vì Thăng Thiên mang đến lời hứa và hy vọng về sự sống đời đời sau cái chết. Đức Chúa Trời của chúng ta thật tuyệt vời biết bao!
Bài: Jared C.Wilson; Dịch: Nhạn Võ
Huấn Từ của GH Gioan Phaolô II
"Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất".
Từ hai ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Đây là một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm.
Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn trời?"
Việc cầu nguyện chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi việc dấn thân vào trong lịch sử. "Trời", nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Đó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang. Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi. Đòi hỏi chúng ta phải làm chứng bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước.
Dâng thơ nguyện cầu
Ngài lên tận ngai vàng vĩnh cửu,
Cõi thiên đình bên hữu Chúa Cha,
Uy phong ngự chốn thiên tòa,
Quyền năng Thánh Phụ trao qua tay Ngài.
Theo Thày lên núi Ô-liu,
Mây giăng đỉnh núi hắt hiu gợi buồn,
Môn đệ khắc khoải tâm hồn,
Nghe sầu ly biệt bồn chồn biết bao!
Thiên Tử Thần Thánh đón chào,
Kiệu mây nhè nhẹ nâng vào không trung,
Hào quang tỏa sáng uy hùng,
Mây bao quanh núi chập chùng trôi đi,
Lâng lâng khúc nhạc diệu kỳ,
Vang vang hiệu lệnh thiên đình mở ra,
Đất trời bừng tỉnh giao hòa,
Đón mừng Thánh Tử hoan ca khải hoàn,
Tinh cầu vạn vật rộn ràng,
Màn đêm tan biến, huy hoàng vầng đông,
Ánh hồng lan tỏa mênh mông,
Bừng lên sức sống muôn lòng ngất ngây.
Như Thày đã hứa rồi đây,
Thánh Thần sẽ đổ tràn đầy hồng ân,
Giáo Hội Thiên Chúa thế trần,
Niềm tin sức mạnh vững tâm tuyệt vời,
Môn đệ đi khắp nơi nơi,
Tin Mừng rao giảng lòng người say mê,
Thần Khí trùm phủ bốn bề,
Nhận biết chân lý tìm về đường ngay.
Tà quyền tội ác tràn đầy,
Vô thần ma quỉ đến ngày tận vong.
Từ đây muôn nước chờ mong,
Vinh quang Thiên quốc, hòa đồng thế gian.
Thân hèn cuộc sống vội vàng,
Tiền tài danh vọng con hằng đắm mê,
Xin Chúa đem con trở về,
Để chỉ khao khát nơi quê Nước Trời.
Bụi trần bao phủ khắp nơi,
Cho con hoán cải cuộc đời đẹp tươi.
Chúa Giê-su đã về trời,
Dọn cho ta chỗ trên nơi Vĩnh Hằng.
Đời người giấc mộng mơ màng,
Tâm hồn khắc khoải lại càng chờ mong,
Con người cuộc sống mông lung,
Chỉ nơi Hằng Sống thoát vòng tử sinh.
Tiến dâng Vua Cả Nước Trời,
Cùng Đấng Thánh Phụ ngàn lời chúc vinh,
Thánh Thần đồng trị uy linh,
Muôn ngàn Thiên Sứ đồng thanh hát mừng.
Suy niệm: Chứng nhân
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Trước khi từ từ lên cao, Ngài đã ban huấn lệnh: "Các con sẽ là chứng nhân cho Ta tại Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđêa, Samaria, và cho đến tận cùng cõi đất".
Các môn đệ đã chứng kiến cuộc khải hoàn vinh hiển của Chúa, họ không thể nào im tiếng được. Họ đã mạnh mẽ xác quyết: "Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Kitô mà anh em đã giết rồi treo lên cây gỗ... và tôn Ngài làm thủ lãnh và Đấng cứu độ để đem lại cho Israel ơn tha thứ và hoán cải. Về những sự việc đó chúng tôi đây là những chứng nhân cùng với Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người", "Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính"...
Tất cả các môn đệ đều bị bách hại đến đổ máu ra vì chứng cớ đức tin và lời rao giảng của mình. Và sau họ, từng lớp lớp người cũng đã ngã gục chỉ vì tin vào Đấng Phục Sinh.
Đối với chúng ta là những kẻ đã tin, đến lượt chúng ta cũng phải làm chứng về Ngài, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng chính đời sống chúng ta nữa. Chúng ta hãy chứng tỏ cho thế giới biết rằng cuộc sống thường ngày là những bước tiến lên với Chúa Kitô, và những thử thách, hy sinh là cần thiết để thanh luyện và làm sáng tỏ đức tin của chúng ta.
Chúng ta tiến lên trời với Chúa Kitô bằng kiên nhẫn, hy sinh... hầu biểu lộ đức ái, bởi vì đức ái là khát vọng Thiên Chúa và làm điều lành cho tha nhân. Điều đó có nghĩa là chúng ta chờ đợi thời giờ của Thiên Chúa và giúp mọi người phương tiện tiến lên với Thiên Chúa. Đức ái là thái độ phản ánh trung thực nhất niềm khát vọng nội tâm của chúng ta.
Đời sống tu trì là một minh chứng cho niềm khát vọng lên trời trong chờ đợi nhẫn nại và hy sinh. Quả vậy, vì tin ở lời hứa của Chúa sẽ ban gấp trăm ở đời này và đời sau được sống muôn đời mà chúng ta đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Điều Chúa Kitô hứa, Ngài đã đang và sẽ còn thực hiện. Hạnh phúc mà Ngài ban cho những ai theo Ngài chính là niềm hoan lạc trong tâm hồn, hoan lạc của những ai có Chúa làm tất cả. Niềm hoan lạc đó là hiệu quả tất nhiên của sự bình an, bình an của những kẻ ẩn náu trong tình thương Chúa. Và những gì do tình thương Chúa gửi đến đều tốt lành. Ngay cả cái chết cũng là dịp để chúng ta vui mừng, vì chết là cánh cửa cuối cùng được mở ra cho chúng ta gặp Chúa Kitô Phục Sinh – Thăng Thiên mà chúng ta yêu mến kiếm tìm.
Hỡi những ai tìm Chúa, tâm lòng hãy vui sống và chúc tụng Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tái sinh chúng ta cho hy vọng sống động, nhờ sự phục sinh – thăng thiên của Ngài.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã nói với các môn đệ: ' Thày đi để dọn chỗ cho các con, và khi Thày đã ra đi dọn chỗ cho các con rồi, Thày sẽ trở lại để đón các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con ở đó.'
Lạy Chúa Giêsu! Chúa về trời đã không bỏ chúng con, nhưng vẫn yêu thương và nuôi dưỡng chúng con trong Bí tích Thánh Thể và dìu dắt chúng con qua Lời Chúa truyền dạy trong Tin Mừng. Chúng con mong chờ mai ngày Chúa đến sẽ đem chúng con về hưởng phúc trường sinh cùng Chúa.
Xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lối sống vị tha luôn nghĩ đến tha nhân. Xin cho chúng con biết chiếu ánh sáng tình yêu của Chúa ra trước mặt người đời để xứng đáng được lãnh nhận hồng ân Chúa trên Nước Hằng Sống trong ngày vĩnh biệt thế trần - Amen.
【Đinh Văn Tiến Hùng - Tổng hợp】