Cốt lõi của Đạo - Tác giả: Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Lan Mary
Một lần gặp gỡ các giáo lý viên, tôi hỏi họ: các bạn có cảm thấy hạnh phúc khi được làm giáo lý viên không? Họ đáp: "Thưa cha, chúng con thấy hạnh phúc ạ". Tôi hỏi tiếp: Thế khi các bạn bị vu oan, nói xấu từ phía phụ huynh học sinh, mỗi dịp xưng tội rước lễ và thêm sức, các bạn có hạnh phúc không? Họ trả lời tôi: "Chúng con không ạ, chúng con thấy rất buồn". Câu trả lời của các giáo lý viên làm tôi suy nghĩ nhiều. Chúng ta theo Đạo để làm gì? Chúng ta trở nên những người truyền tải Đạo cho người khác để làm gì? Cốt lõi của Đạo là gì? Nếu Đạo không cho ta niềm vui và hạnh phúc thì thử hỏi theo Đạo còn ý nghĩa gì không? NGUỒN:


Một lần gặp gỡ các giáo lý viên, tôi hỏi họ: các bạn có cảm thấy hạnh phúc khi được làm giáo lý viên không? Họ đáp: "Thưa cha, chúng con thấy hạnh phúc ạ". Tôi hỏi tiếp: Thế khi các bạn bị vu oan, nói xấu từ phía phụ huynh học sinh, mỗi dịp xưng tội rước lễ và thêm sức, các bạn có hạnh phúc không? Họ trả lời tôi: "Chúng con không ạ, chúng con thấy rất buồn". Câu trả lời của các giáo lý viên làm tôi suy nghĩ nhiều. Chúng ta theo Đạo để làm gì? Chúng ta trở nên những người truyền tải Đạo cho người khác để làm gì? Cốt lõi của Đạo là gì? Nếu Đạo không cho ta niềm vui và hạnh phúc thì thử hỏi theo Đạo còn ý nghĩa gì không?

Trong thực tế cuộc sống, những dịp xưng tội lần đầu hay thêm sức, các giáo lý viên thường gặp rất nhiều khó khăn trước áp lực của các phụ huynh. Có những em không chịu đi học giáo lý hay đi học mà không thuộc, nhưng phụ huynh cứ đòi được như các bạn khác. Nếu giáo lý viên mà cương quyết thì sẽ bị nói xấu thậm chí là đe doạ. Còn nếu giáo lý viên nhượng bộ thì họ lại thấy áy náy lương tâm vì đã không chu toàn bổn phận. Họ ở vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Tôi đi tìm cho mình câu trả lời về cốt lõi của Đạo. Tôi đã cùng các Giáo lý viên đọc lại tám mối phúc thật được Tin Mừng theo thánh Mát-thêu thuật lại. Tôi mời bạn cùng đọc lại với tôi những lời Chúa Giêsu đã nói khi xưa trên núi:

1 Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng:
3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế."


Câu kết của đoạn Tin Mừng trên cho chúng ta câu trả lời thật rõ ràng. Chúng ta sẽ là những người có phúc và vui mừng hớn hở khi vì Chúa, chúng ta phải chịu sự sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Chúa đã nói quá rõ ràng. Chúa nói thẳng thắn và dễ hiểu. Vậy tại sao chúng ta lại buồn? Phải chăng những lời của Chúa là điều bất khả thi?

Chúa Giêsu phán những lời này không phải là lý thuyết suông. Chính Ngài đã thực thi những lời Ngài nói. Trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Câu nói của Chúa diễn tả tình yêu, lòng bao dung và sự tha thứ của Chúa đến tận cùng. Chính Ngài đã thực thi những lời Ngài nói. Vì thế mà lời của Ngài có một sức nặng. Lời đó là sự thật chứ không phải là những lời trống rỗng. Lời đó chắc chắn chúng ta có thể thực hiện được.

Ngày 13/05/1981, tại quảng trường thánh Phê-rô ở Rô-ma, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã bị Ali Agca, một thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan bắn từ một khoảng cách rất gần. Viên đạn chỉ cách động mạch chủ vài milimet. Đức Giáo Hoàng đã được cứu sống nhờ tình thương của Chúa và Mẹ Fatima. Sau khi bình phục, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố với mọi người rằng: "Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ". Lúc đầu, Đức Giáo Hoàng định gửi cho Ali Agca một bức thư với câu hỏi tại sao anh lại bắn tôi khi cả anh và tôi cùng tin vào Chúa, nhưng sau đó, Ngài đã đích thân đến nhà tù để thăm Ali Agca. Sự tha thứ của Đức Giáo Hoàng đã khiến Ali Agca sau này xin được nhập quốc tịch Ba Lan và rửa tội theo Công Giáo. Anh còn muốn trở thành một linh mục Công giáo để loan truyền tình yêu và sự tha thứ của Chúa Giê-su. Quả thực, tình yêu và sự tha thứ của Đức Thánh Giáo Hoàng đã biến đổi một con người khát máu, trở thành một con người tốt lành thánh thiện. Đức Thánh Giáo Hoàng đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Thầy Chí Thánh Giêsu: "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người bách hại anh em" (Mt 5,44).

Những lần nói chuyện với anh chị em giáo dân, tôi hay nghe những lời lý luận của họ rằng Chúa mới làm được những điều đó, còn mình là người trần mắt thịt thì sao mà làm được? Tha thứ cho kẻ thù ư? chẳng bao giờ con người chúng ta làm được. Tôi thấy lý luận này khá giống với những người say xe. Chưa đi xe thì họ đã say từ tối hôm trước rồi. Vì thế khi lên xe, đương nhiên họ sẽ say xe. Chưa ra trận đã đầu hàng thì chẳng cần quân địch mạnh hay yếu, chúng ta cũng sẽ thất bại.

Đạo của chúng ta là Đạo của Tình Yêu. Yêu và Yêu cho đến cùng cho dù có bị phản bội hay bị giết chết, đó mới là Đạo. Đó là con đường Chúa Giêsu đã đi. Đó là con đường Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi. Đó cũng là con đường tôi và bạn phải thực thi trong cuộc đời này nếu muốn được hạnh phúc và bình an. Đó là Đạo đích thực. Đạo đưa chúng ta tới sự giải thoát. Đạo đưa chúng ta tới cõi Trời ngày khi còn trên dương thế.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa