Bài 1: Sấm Truyền Ca - truyện thơ Kinh thánh long đong từ thế kỷ XVII - Tác giả: Lm. Trăng Thập Tự - Nguyễn Thanh Quang

Lan Mary
Năm 1993, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành tập sách: Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỷXVII-XIX), đưa tin đã tìm thấy mấy quyển sách quan trọng. Trong đó, đặc biệt quyển Sấm truyền ca của Lm. Lữ Y Đoan đã lôi cuốn được sự chú ý của nhiều người. Sấm truyền ca là bộ sách lục bát bằng chữ Nôm diễn thơ năm quyển đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, do Lm. Lữ Y Đoan (1613-1678) thực hiện trước năm 1670, được ông Phan Văn Cận chuyển sang chữ Quốc ngữ năm 1820. Sấm truyền ca có giá trị cả về văn chương, tư tưởng và đạo lý, ra đời trước truyện Kiều của cụ Nguyễn Du 150 năm. NGUỒN:

Năm 1993, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành tập sách: Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỷXVII-XIX)[1], đưa tin đã tìm thấy mấy quyển sách quan trọng. Trong đó, đặc biệt quyển Sấm truyền ca của Lm. Lữ Y Đoan đã lôi cuốn được sự chú ý của nhiều người. Sấm truyền ca là bộ sách lục bát bằng chữ Nôm diễn thơ năm quyển đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, do Lm. Lữ Y Đoan (1613-1678) thực hiện trước năm 1670 [2], được ông Phan Văn Cận chuyển sang chữ Quốc ngữ năm 1820. [3] Sấm truyền ca có giá trị cả về văn chương, tư tưởng và đạo lý, ra đời trước truyện Kiều của cụ Nguyễn Du 150 năm.

Đáng tiếc, năm 1993 các bản chép tay tìm được chưa có điều kiện ấn hành, giới nghiên cứu chưa thể nhập cuộc rộng rãi. Năm 2000, Tập san Y sĩ tại Canada đã xuất bản quyển Sấm truyền ca theo bản chép tay của Paulus Tạo [4]. Tuy nhiên, đó là phiên bản có nhiều sửa đổi của Lm. Phaolô Qui vào đầu thế kỷ XX. Năm 2020, kỷ niệm 350 năm tác phẩm ra đời, Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn – nơi ra đời của tác phẩm, đã in lại Sấm truyền ca nhưng vẫn là phiên bản có nhiều sửa đổi.[5]

Cuối năm 2022, chúng tôi tiếp nhận 2 bản Sấm truyền ca chép tay, bản của nhà báo Nguyễn Văn Nhạn được gia đình cố Gs. Trần Thái Đỉnh (Tp. Hồ Chí Minh) lưu giữ [6] và bản của nhà báo Paulus Tạo do nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh (Canada) tìm được [7]. Điều lý thú là bản của Nguyễn Văn Nhạn được sao chép từ bản Quốc ngữ do một người khuyết danh thực hiện tại Cái Mơn, Bến Tre vào khoảng năm 1870, sau bản của ông Phan Văn Cận đến 50 năm.

1.THUẦN TIẾNG VIỆT

Năm 1993, được tiếp cận với một vài trang sao chụp của tác phẩm, chúng tôi tự hỏi lẽ nào lục bát của thế kỷ XVII lại trong sáng với những từ mới mẻ và rõ nghĩa đến vậy? Sự kinh ngạc đã được Gs. Nguyễn Văn Trung giải đáp trong một tiểu luận chưa in, tựa đề Đọc Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan.

Ở đoạn Hình thức diễn tả và nội dung, Gs. Trung viết:

"Không phải chỉ Lữ Y Đoan, mà những người đầu tiên rao giảng đạo Chúa từ thế kỷ XVII cũng đều phải nói tiếng Việt, theo tinh thần, văn hóa của người Việt, cho người Việt hiểu. Hai kinh quan trọng được dịch là: Kinh Lạy Chakinh Kính Mừng. Tiếng Việt không có lối gọi trống trơn, bao giờ cùng phải bày tỏ thái độ đối với người mình nói với. Đối với Thiên Chúa, là đấng Tạo Hoá phải tin thờ, thêm từ lạy (Lạy Cha). Đối với Đức Mẹ, dù là mẹ Chúa Cứu Thế, cũng chỉ là một thụ tạo nên chỉ kính thôi và do đó thêm từ Kính. Lời chào của thiên thần thực ra là một lời mừng, một tin vui, nên dịch là Mừng thêm từ Kính (Kính mừng Maria)...

Đối với các nhà nghiên cứu tiếng Việt, kinh hạt, văn bản bằng chữ Nôm, Quốc ngữ của người Công giáo từ thế kỷ XVII là một chứng từ rất qúi về tiếng Việt thuần Việt, chưa chịu ảnh hưởng nặng nề chữ Hán [8]. Do đó, sửa lại Kinh bằng những từ Hán Việt, phải chăng là chối bỏ chứng từ kể trên và truyền thống dùng tiếng Việt, thuần Việt của người Công giáo từ thế kỷ XVII. Nhưng theo nhóm dịch Kinh, sự chối bỏ này có thể là cần thiết đối với nhu cầu đổi mới. Trong Sấm truyền ca, Lữ Y Đoan cũng dùng nhóm từ "hằng ngày dùng đủ" trong đoạn nói về lượm "manna" Trời ban:

" Nhà nhà đều lượm về ăn,

" Một người số lượng gần bằng hai tô.

" Nhà đông gắng lượm đủ no,

" Nhà ít cũng phải lượm cho đủ dùng.

" Hằng ngày dùng đủ là xong,

" Khuyên đừng tích trữ mất công thêm phiền.

" Có người ham chứa cả đêm,

" Sáng ra thiu nhớt, láng giềng kêu rêu.

" Ăn bao nhiêu lượm bấy nhiêu,

" Nắng cao, mặt đất vật tiêu không còn.

(Lập quốc kinh 16,16-21)

Nói chung, Lữ Y Đoan cũng như các tác giả khác ở thế kỷ XVII đều đã dùng tiếng Việt thuần Việt để chuyển dịch kinh sách đạo sang tiếng Việt. Nhưng trong Sấm truyền ca, Lữ Y Đoan đã bạo dạn hơn, triệt để hơn trong việc đưa toàn bộ lối diễn tả Việt Nam vào việc chuyển dịch Kinh thánh ra tiếng Việt."

2. 350 NĂM HÀNH TRÌNH SẤM TRUYỀN CA

Trong mấy lời nói đầu của nhà báo Nguyễn Văn Nhạn (bản chép tay 1956), viết:

"Theo truyền khẩu, bổn Sấm truyền ca nầy do linh mục Louis Đoan (thầy cả Lữ Y Đoan) viết ra lối năm 1670.

Ngài là một nhà thông thái Hán học, gia nhập đạo Công giáo lúc thiếu thời và tình nguyện làm thầy giảng buổi sơ khai Công giáo Đàng Trong. Ngài viết nhiều tập thơ về giáo lý, giúp bổn đạo dễ bề học hỏi. Trong số đó, có bổn Sấm truyền ca rất công phu, ngài viết theo thể thơ lục bát là loại văn chương bình dân thời đó.

Ngài đúc kết theo cảm nghĩ và hiểu biết của dân tộc Á đông; vì đó người ta nhận thấy bổn Sấm truyền ca là một hòa đồng văn hóa Á đông và Kitô giáo. Hạng văn nho thời đó mến phục và thích đọc tác phẩm này, cũng có một số người trí thức đã xin theo Công giáo.

Lúc già trên 60 tuổi, nhận thấy tài đức và lòng nhiệt thành, nên đức Vít-vồ Lâm Biên Mộc (Đức cha Lambert de la Motte) Giám mục Địa phận Đàng Trong đã phong chức linh mục cho ngài, tại Kẻ Chàm (Cacham) thuộc vùng Quảng Ngãi [9] năm 1676.

Bổn Sấm truyền ca của ngài, đã bị các linh mục ngoại quốc thời đó chống đối, viện lẽ đã pha trộn nhiều tư tưởng ngoại giáo. Dầu sao cũng có người gìn giữ và khi chạy nạn cơn bắt đạo thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra lịnh cấm đạo Công giáo rất nhặt năm 1701, họ đã mang theo vào đất Đồng Nai.

Sống len lỏi với thổ dân, tìm nơi hoang địa hợp nhau khai phá đất đai lập nghiệp sinh sống, theo cái thế da beo: Việt đông thổ rút, Việt rút thổ đông, chịu đựng biết bao gian lao khổ cực để sống và giữ đạo cách âm thầm.

Đến năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát hoàn toàn làm chủ vùng Thủy Chân Lạp (miền lục tỉnh) và phân khu hành chánh. Bấy giờ nhiều làng xã người Việt kê khai lên bản đồ đất nước, đồng thời các vùng Công giáo cũng ra mặt như Cái Mơn, Cái Nhum, Mặt Bắc, Bãi Giồng... là những vùng đa số là người Công giáo.

Bổn Sấm truyền ca còn được tìm thấy ở Cái Nhum, Cái Mơn thuộc Long Hồ dinh (hiện nay, 1956, thuộc tỉnh Bến Tre). Có người viết ra chữ Quốc ngữ từ bổn gốc chữ Nôm [10], và đã được chuyền tay nhau chép lại và phổ biến rất hạn chế, vì lẽ quá dài và ít người có đủ khả năng về văn hóa giữa thời Hán, Nôm và chữ Quốc ngữ đang tranh giành chỗ đứng dưới chế độ Pháp thuộc tại Nam Kỳ.

...Lúc nhà in Công giáo của địa phận Sài Gòn mới thành lập tại nhà thờ Tân Định (Sài Gòn), nhiều giáo hữu và linh mục nhiệt tâm muốn xuất bản tác phẩm này nhưng qua nhiều lần thảo luận, không đi đến kết quả, vì hai lý do:

Vì chi phí quá nặng đối với nhà in còn nghèo, số vốn xuất bản không đươc Đức Giám mục sở tại trợ cấp. Kế đó, do ý kiến các linh mục Pháp không đồng ý, vì e bản dịch Sấm truyền ca không lột hết ý nghĩa của Kinh thánh theo bản Vulgata.

Khoảng năm 1920-1930, tại Sài Gòn có nhiều báo chí Công giáo do giáo dân đảm trách, như nhựt báo Công giáo Đồng thinh của Đoàn Kim Hướng; tuần báo Công giáo tiến hành của Đoàn Công Chánh; tuần báo Dân Nam của Tô Đức Thế; tuần báo Dân Hiệp của Nguyền Cang Thường... và báo Nam kỳ Địa phận là tờ liên lạc thông tin của Tòa Giám mục Sài Gòn do linh mục lãnh đạo, đã xuất bản từ đầu thế kỷ XX. Trong thời gian nầy, theo lời Paulus Tạo, ký giả Công giáo đang giúp tuần báo Nam kỳ Địa phận (Nhà thờ Tân Định, Sài Gòn) thì ông Trần Hớn Xuyên (họ đạo Cái Mơn, Bến Tre) đã giao tận tay ông bổn Sấm truyền ca và yêu cầu có thể xuất bản hoặc đăng tải từng phần trên báo chí Công giáo, nếu có thể được" [11].

Sau năm 1975, học giả Hoàng Xuân Việt được gia đình nhà báo Paulus Tạo trao tặng bản chép tay quyển đầu là Tạo Đoan Kinh (sách Sáng thế ký trong Cựu ước) với đủ 50 chương, và gia đình nhà báo Nguyễn Văn Nhạn trao tặng một bản chép tay thứ hai, có thêm 21 chương của sách Xuất hành, được dịch là Lập quốc kinh.

Để thuận tiện, xin được gọi bản gốc bằng chữ Nôm của tác giả Lữ Y Đoan là bản A, Theo ghi chú của Nguyễn Văn Nhạn, ngoài bản Quốc ngữ của Phan Văn Cận: bản B1, còn có một bản phiên chuyển Quốc ngữ tại Bến Tre: bản C1. Bản B1 được Lm. Phaolồ Qui chỉnh sửa: B2 và Paulus Tạo chép lại: B3. Bản C được Nguyễn Văn Nhạn chép lại: C5.

Bản chép tay mới tìm được - Sấm truyền ca của Nguyễn Văn Nhạn (C5) được gia đình GS Trần Thái Đỉnh lưu giữ, cống hiến cho ta thêm 21 chương đầu của Lập quốc kinh (Sấm truyền ca, quyển II, trang 170-237), nằm liền sau tác phẩm Tạo Đoan Kinh (Sấm truyền ca, quyển I, trang 6-169). Bản này gần với bản gốc của tác giả Lữ Y Đoan hơn bản của Paulus Tạo đã được in lại năm 2000 và năm 2020.

Trong bài tới, chúng tôi sẽ giới thiệu cái nhìn của cố Gs. Trần Thanh Đạm về "Sấm truyền ca, văn bản hiện nay bằng chữ Quốc ngữ được sao chép lại từ bản chữ Nôm đã thất truyền" và một dự phóng của Tủ sách Nước Mặn nhằm phục hồi bản văn Sấm truyền ca đã được phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ tại Cái Mơn năm 1870.

Lm. Trăng Thập Tự - Nguyễn Thanh Quang

Nguồn: Xưa Nay, số 549, tháng 3-2023


Hình bìa Sấm Truyền Ca do Paulus Tạo thực hiện
khổ 38,5 x 28,2 cm


Sấm truyền ca năm 1670
Bản Nguyễn Văn Nhạn


[1] https://www.tapsanmucdong.net/2023/02/ve-sach-bao-cua-tac-gia-cong-giao-ky.html; hoặc https://www.vanthoconggiao.net/2023/02/sach-ve-sach-bao-cua-tac-gia-cong-giao.html

[2] Đây là nguyên bản chữ Nôm, sẽ gọi là bản A.

[3] Đây là bản quốc ngữ thứ nhất, sẽ gọi là bản B1.

[4] Có thể xem bản PDF tạihttps://vietbooks.info/threads/sam-truyen-ca-quyen-1-tao-doan-kinh-nxb-tap-san-y-si-2000-ly-y-doan-209-trang.100366/

[5] Có thể xem bản PDF tại https://thuvienmcbc.org/index.php/thuvien/catalog_product/view/id/560; hoặc: https://www.tapsanmucdong.net/2023/02/sam-truyen-ca-tu-sach-nuoc-man.html

[6] Có thể xem file PDF tại https://www.vanthoconggiao.net/2023/02/ban-chep-tay-sam-truyen-ca.html

[7] Link vừa dẫn

[8] Để có ví dụ cụ thể minh chứng tính chất thuần Việt trong tư tưởng, đạo lý và ngôn ngữ của Sấm truyền ca, mời độc giả mở bản PDF, tại https://www.vanthoconggiao.net/2023/02/ban-chep-tay-sam-truyen-ca.html, đọc rảo từ đầu tới cuối tác phẩm, chẳng hạn các đoạn: Vào đề; đoạn 1,1-31 (cuộc sáng tạo); đoạn 7,1-24 (đại hồng thủy); đoạn 8,1-22 (hết đại hồng thủy); đoạn 12,1-9 (khởi đầu chuyện Bá-lâm); đoạn 22,1-19 (Bá-lâm hiến tế I-giác); đoạn 29,20-30 (chuyện tình của Gia-cước); đoan 39,7-23 (Dư-tiệp lâm nạn); đoạn 45,1-28 (Dư-tiệp tỏ mình cho anh em); đoạn 49,8-12 (Gia-cước tiên báo về Đấng Cứu Thế); đoạn 50,24b đến hết (Dư-tiệp qua đời và lời kết).

[9] Chính xác là Quảng Nam (TTT).

[10] Đây là bản quốc ngữ thứ hai, sẽ gọi là bản C1.

[11] Ông Paulus Tạo còn tham khảo một bản sưu tầm Sấm Truyền Ca của L. Giuse Trần Hiếu Lễ, cha sở họ đạo Cái Mây (Mỹ Tho) năm 1920. Những cước chú của ông Tạo cho thấy Lm. Lễ cũng đã quan tâm ghi lại những dị biệt từ những bản cũ so với bản Phaolô Qui.