Đối chiếu Kinh Cầu Đức Bà qua hai bản dịch ghi bằng chữ Hán và chữ Nôm trong sách 本經誦讀全年 (Bản Kinh Tụng Đọc Toàn Niên) 1865 - Tác giả: Lm. Giuse Vũ Văn Khương
24.04.2023
Tham luận "Đối chiếu Kinh Cầu Đức Bà qua hai bản dịch ghi bằng chữ Hán và chữ Nôm trong sách本經誦讀全年 (Bản Kinh Tụng Đọc Toàn Niên) 1865" bước đầu giới thiệu hai bản văn chữ Hán và chữ Nôm dưới dạng hai bản dịch của Kinh Cầu Đức Bà. Bài viết góp phần nghiên cứu lĩnh vực Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam và đã được in trong Kỉ yếu Hội thảo nghiên cứu Hán Nôm toàn quốc có phản biện năm 2022 do Viện Hán Nôm tổ chức.
Tóm tắt
Kinh cầu Đức Bà trong Bản kinh tụng đọc toàn niên 本經誦讀全年 là một trường hợp đặc biệt trong hệ thống kinh nguyện Công giáo. Điểm đặc biệt thứ nhất, đây là một trong số rất ít kinh nguyện Công giáo có phiên bản Hán ngữ. Thông thường kinh nguyện Công giáo được sử dụng tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Điểm đặc biệt thứ hai, hai văn bản Kinh Cầu Đức Bà in bằng chữ Hán và chữ Nôm này được xuất bản từ năm 1865 nên có giá trị về mặt lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và có thể tìm thấy cả những đặc điểm văn chương, văn hóa... đáng quan tâm nữa. Bài viết bước đầu giới thiệu hai bản văn chữ Hán và chữ Nôm dưới dạng hai bản dịch của cùng một nội dung kinh nguyện; đồng thời đối chiếu hai bản dịch này để tìm ra các đặc điểm của thể loại kinh cầu (litaneia) cũng như đặc điểm của mỗi bản dịch. Tham luận góp phần nghiên cứu lĩnh vực Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam.
Từ chìa khóa: Kinh cầu; Kinh Cầu Đức Bà; Kinh nguyện Công giáo; Hán Nôm Công giáo; Từ ngữ Công giáo.
Tiểu Ban 2: "Tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm".
DẪN NHẬP
Một điểm khác biệt giữa kinh sách Phật giáo và kinh sách Công giáo tại Việt Nam là việc sử dụng ngôn ngữ. Trong khi hầu hết kinh sách Phật giáo (tại Việt Nam) sử dụng ngôn ngữ Hán Việt, thì kinh sách Công giáo lại gần như toàn bộ sử dụng tiếng Việt thông dụng. Tuy nhiên, khi khảo sát cuốn Bản kinh tụng đọc toàn niên 本經誦讀全年 được in năm 1865 bằng chữ Nôm, bản kinh được coi là sớm nhất tại Việt Nam đến nay còn giữ lại được, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tồn tại một trường hợp đặc biệt được ghi bằng chữ Hán, đó là Kinh Cầu Chữ, song song với bản dịch in bằng chữ Nôm gọi là Kinh Cầu Nôm (trong các bản in bằng chữ Quốc ngữ hiện nay gọi là Kinh cầu Đức Bà). Mở rộng ra, chúng tôi thấy có thêm trường hợp tương tự với Kinh Phục Rĩ. Tiếc là trong cuốn sách kinh năm 1865 này không thấy có in bản Kinh Phục Rĩ. So sánh, đối chiếu hai bản Kinh Cầu Chữ và Kinh Cầu Nôm, chúng tôi thấy đây là một bản dịch tài tình về mặt sử dụng từ ngữ, cách gieo vần tạo nhịp... Trước những điểm đặc biệt và lý thú này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu cả hai bản văn Hán và Nôm của bản kinh để góp phần vào lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam.
KẾT LUẬN
Bản Kinh cầu Đức Bà mà bài viết đang đề cập là một trường hợp đặc biệt trong hệ thống kinh nguyện Công giáo. Điểm đặc biệt thứ nhất, đây là một trong số rất ít kinh nguyện Công giáo có phiên bản Hán ngữ. Thông thường kinh nguyện Công giáo được sử dụng tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Điểm đặc biệt thứ hai, hai văn bản Kinh Cầu Đức Bà in bằng chữ Hán và chữ Nôm này được xuất bản từ năm 1865 nên có giá trị về mặt lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và có thể tìm thấy cả những đặc điểm văn chương, văn hóa... đáng quan tâm nữa.
Qua so sánh đối chiếu, chúng tôi nhận ra có một số điểm khác biệt giữa hai bản kinh chữ Hán và chữ Nôm cả về mặt hình thức, nội dung, tuy không nhiều và không lớn. Chúng tôi cũng đánh giá và phân tích các điểm xuất sắc trong dịch thuật của cả hai bản Hán và Nôm so với bản La tinh (có thể được coi là bản gốc), nhất là trong bản chữ Nôm có trường hợp dịch mang âm hưởng thi ca và văn hóa Việt đặc sắc.
Trong khuôn khổ một bài tham luận, bài viết mới dừng lại như là một bước khởi đầu giới thiệu văn bản. Mong rằng chúng tôi có cơ hội trở lại sâu hơn với nghiên cứu này; hoặc có người quan tâm tìm được những phát hiện mới khi đọc bản văn dưới các góc độ chuyên môn khác nhau, để góp vào mảng nghiên cứu hữu quan: lĩnh vực Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam.
Nội dung chi tiết:
Nguồn: gphaiphong.org