Giới thiệu khuôn mặt văn xuôi Công giáo Fx Lưu Thành & Kỷ niệm thành hôn - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary
Kỷ niệm thành hôn, truyện dài của Lưu Thành do Tủ sách Nước Mặn chọn in để "dọn mừng 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032)". Sách do Nxb Hồng Đức xuất bản đầu năm 2023. NGUỒN:

Phanxicô Xavie Lưu Thành sinh năm 1952 tại Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An-Gp Vinh. Ông đã đạt các giải thưởng văn học Công giáo:

>- Thơ 60 năm Đức Mẹ Tà Pao (2019)>-Khuyến khích

- Thơ 2020-VHNT Đất Mới-Khuyến khích

- Thơ 2022-VHNT Đất Mới-Khuyến khích

- Truyện dài 2022-VHNT Đất Mới-Giải II (không có giải nhất)


TRUYỆN DÀI "KỶ NIỆM THÀNH HÔN"



Kỷ niệm thành hôn, truyện dài của Lưu Thành do Tủ sách Nước Mặn chọn in để "dọn mừng 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032)". Sách do Nxb Hồng Đức xuất bản đầu năm 2023.

1. Kỷ niệm thành hôn kể lại hành trình sống đức tin của người trẻ hôm nay.

Huệ là con ông bà Ân. Nhà có 4 chị em: Huệ, Hường, Hồng và Hải. Trong dịp lễ thánh An-tôn ở linh địa Trại Gáo thuộc Giáo phận Vinh, Nghệ An, Huệ quen Tiến khi đoàn thiện nguyện của hai người cùng thăm trại phong. Sau đó Tiến đến nhà Huệ nhiều lần và xin phép cha mẹ Huệ đưa Huệ ra bờ sông tâm sự. Một lần Tiến ôm Huệ không chịu buông, cả hai cùng lăn xuống sông. Huệ thoát được và bỏ chạy. Tiến bị bắt vì tội cờ bạc. Huệ dứt khoát chia tay Tiến. Năm Huệ 16 tuổi, lúc ấy bác sĩ Đô, bạn của ông Ân, chăm sóc bệnh dạ dày cho ông, suýt chút nữa Huệ uống phải thuốc mê của ông Đô.

Huệ lên thành phố giúp việc cho một chủ quầy bán buôn hàng đồ áo sẵn. Ở đây, Huệ quen và yêu Toàn. Huệ bị Mến là người yêu của Toàn đánh ghen ở chợ. Sau đó Huệ phát hiện ra mình đã có thai với Toàn. Toàn muốn Huệ hủy thai. Toàn nói, gia đình Toàn mắc nợ ân nghĩa với gia đình Mến, Toàn không thể bỏ Mến. Huệ chia tay Toàn và vào Nam tìm việc để tránh tai tiếng cho gia đình.

Vào Nam, Huệ gặp Nga, một bạn học, đã vào Tây Nguyên trước. Huệ hái tiêu cho gia đình ông Điều, một người Bắc di cư năm 1954. Một bữa đi làm, khi vận chuyển bao tiêu, Huệ vấp ngã. Bao tiêu đè lên người Huệ. Nga đưa Huệ đi viện. Huệ bị sẩy thai. Huệ nghĩ: "Có phải Chúa phạt tội mình không? Không"! Chúa luôn yêu thương kẻ có tội mà". Nga trở thành tri kỷ. Huệ kể hết mọi nỗi gian truân của mình cho Nga nghe. Nga dạy cho Huệ kinh: "Xin Ơn Giữ Mình Sạch Sẽ.

Trong khi chờ bình phục, Huệ phụ việc cho một quán giải khát để kiếm thêm. Huệ ở chung phòng công nhân với Nhu, một cô gái miền Tây Nam Bộ, quê ở Tây Ninh. Nhu đã cứu Huệ khi ông chủ quán định làm nhục Huệ. Huệ chuyển sang mua bán hàng.

Một lần xe Huệ bị hư, Huệ được An giúp. Hai người qua lại và yêu nhau. An góa vợ. Lấy An, Huệ phải xin phép chuẩn hôn nhân khác tôn giáo, vì An là con trai một trong gia đình ông bà Bình, người phải giữ lễ cúng tổ tiên. Ý định của Huệ là cảm hóa gia đình An. Huệ đặt ra phương châm hành động: "Phải lấy việc làm để cảm hóa người khác. Hãy làm ngôn sứ ngay trong môi trường sống của chính mình".

Nhưng trong đời sống hôn nhân, Huệ không đủ khả năng để lay chuyển được An và gia đình ông Bình. Từ việc treo ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở phòng khách nhà An đến việc Huệ đi nhà thờ, sau đó là việc đạo của con: Dung và Hòa, rửa tội, rước lễ lần đầu, Thêm sức, Huệ phải lén lút thực hiện. Đêm, Huệ suy nghĩ không ngủ. "Huệ cảm thấy một áp lực trường kì, không biết có đủ kiên nhẫn chịu đựng được không, hay một ngày nào đó mỏi mòn rồi buông xuôi. Huệ thì thầm xin Chúa, xin Mẹ Hằng Cứu Giúp ban cho ơn bền đỗ. Nhập gia tùy tục. "Huệ càng thấm thía sự khác biệt niềm tin trong đời sống vợ chồng đã làm cho Huệ mất đi bao sự bình an".

Khi bà Bình bị bịnh, rồi sau đó ông Bình bị tai biến, Huệ hết sức chăm sóc bố mẹ chồng. Huệ được bố mẹ chồng và chồng thương yêu hơn. Và chỉ khi ông bà Bình qua đời, Huệ mới nhẹ nhàng được một chút.

Dung đi học Đại học, quen với Tâm, bạn trai khác đạo. An và Huệ thuyết phục con tìm bạn trai có đạo. Dung nói: "Nếu cha muốn con lấy người cùng đạo thì sao cha không theo đạo? Nếu cha theo đạo con sẽ quyết tâm làm cho anh ấy cũng theo đạo". An về Bắc thăm bà Ân (mẹ của Huệ), anh chứng kiến các đoàn thiện nguyện Công giáo cứu trợ đồng bào bão lụt miền trung, trở về An đồng ý theo đạo. Thánh lễ kỷ niệm hôn phối được cử hành vào tối tiếp theo sau ngày An chịu bí tích Rửa tội...

Trong tiệc đãi kỷ niệm hôn phối, Dung dẫn Tâm và mẹ Tâm về dự. Huệ nhận ra mẹ Tâm chính là Nhu, người bạn cũ mà 20 năm không gặp. Nhu đồng ý cho con theo đạo khi biết Dung là con của Huệ. Mọi người vui vẻ. Huệ chạy vào nhà tạ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

2. Những vấn đề nhân sinh

Truyện trình bày những khó khăn quá sức dối với một người phụ nữ lấy chồng khác đạo. Dù Huệ ẩn nhẫn sống tốt và quyết liệt giữ gìn đức tin, nhưng dưới áp lực và môi trường văn hóa của gia đình chồng, Huệ không thể thực hiện được ý hướng Phúc Âm hóa môi trường của mình. An nói: "anh phần nào cũng đã hiểu về đạo, nhưng anh không cưỡng lại được cha mẹ, anh em, họ hàng và cả phong tục của thôn làng nữa. Huệ phải chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống đạo của một Kitô hữu. Việc rửa tội, rước lễ lần đầu và Thêm sức cho con Huệ phải làm lén lút. Nhờ ơn Chúa, sau cùng Huệ cũng chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ trong nhiệm vụ gieo trồng đức tin cho gia đình. Dù vậy Huệ vẫn luôn đối mặt với những thách đố hiểm nguy. Trường hợp Dung sẵn sàng bỏ đạo để theo bạn trai khác đạo là mối lo lắng khôn nguôi của Huệ. Tư tưởng của Dung về quan hệ khác tôn giáo với Tâm là một lời cảnh báo cho tất cả bạn đọc có đức tin: "Vậy thì một là anh ấy theo đạo, hai là con theo lương". Với ý nghĩa này, tác phẩm là một kinh nghiệm sống quý báu đối với bạn trẻ trước khi bước vào đời sống hôn nhân.

Chuyện tình yêu của Huệ cũng là một kinh nghiệm sống khác cho người trẻ hôm nay. Huệ yêu Tiến nhưng không ngờ Tiến chỉ là một tên háo sắc và hư hỏng. Khi gặp Toàn, Huệ yêu Toàn và thất thân với hắn nhưng không ngờ hắn là một tên Sở Khanh. Huệ còn nhiều lần suýt bị hại với bác sĩ Đô, với ông chủ quán nước, may có bạn tốt giúp mới thoát được. Ở đâu Huệ cũng gặp cạm bẫy của đàn ông và may là Huệ có những người bạn gái tốt (Hà, Nga, Nhu, Sơ Linh). Đó là ơn Chúa gìn giữ Huệ. Huệ nghĩ ngợi nhiều: "Thiên Chúa luôn trọn tình thương với tất cả con cái Người. Tạ ơn Chúa đến muôn đời"(tr.183).

Truyện còn phản ánh nhiều hiện tượng xã hội đương đại: chuyện di dân, tình hình bão lụt miền trung; chuyện xuất khẩu lao động chui:

"Em Hường từ Đài Loan trở về và đang đang nhờ đường dây "chạy" đi Đức. Thời gian chờ đợi để đi không ổn định, có đợt chờ đợi dài lâu hàng năm. Cung đường đi cũng nhiều gian truân vất vả. Theo dự định người đi sẽ bay từ Việt Nam sang Mátxcơva (Nga), rồi được đưa về chỗ ẩn giấu, tiếp theo sẽ ngồi xe bịt kín đi tiếp theo đường bí mật, thay đổi nhiều xe trên nhiều đoạn đường khác nhau đã được tính trước.

Khi ra khỏi nước Nga thì vượt qua U-crai-na hoặc đi theo đường khác vượt qua Lít-va rồi chạy sang Ba Lan. Mạo hiểm nhất là có những đoạn phải đi bộ trong rừng có người thám thính dẫn đường đi trước. Nếu gặp cảnh sát đi tuần phát hiện thì coi như chấm dứt. Thế là hết, họ sẽ bị bắt, bị trục xuất về nước và rất khó làm hộ chiếu cho chuyển đi lần khác. Nếu vượt qua nguy hiểm đến được Ba Lan thì xem là gần tới đích, sẽ có xe đến đón và chở họ sang Đức"...
Những người đi Tây, do vốn của gia đình chỉ là con số ít. Đa số là vay mượn cầm cố. Có người dùng sổ đỏ của gia đình mình vay không đủ nên phải nhờ nhiều sổ đỏ của anh em đứng tên vay thêm. Có trường hợp phải gộp ba, bốn sổ đỏ mượn của anh em mới vay đủ tiền...".


Nhưng những ý kiến của ông bà Bình về đời sống đạo của người Kitô hữu là đáng chú ý. An kể cho Huệ nghe câu chuyện về người Công giáo. Năm 1954, trên đường di cư vào nam, ông bà nội An gặp một người bạn Công giáo: "ông bà nội anh đưa cho ông ấy một số vàng gồm những vòng đeo và nhẫn vàng với khoảng gần mười chỉ để chi dùng dọc đường và cùng hứa hẹn bạn vào trước tìm nơi ăn chốn ở rồi chờ ngày gặp nhau...Ông bà nội của anh vì gặp trắc trở do bà nội ốm trong hoàn cảnh đất khách quê người, khi vào được miền Nam, chỉ còn hai bàn tay trắng". Gặp lại người bạn Công giáo, ông nội "nhắc đến số vàng xưa và muốn được nhận lại một ít để xoay xở cho cuộc sống, thì ông bạn kia trả lời rằng đã tiêu và giúp đỡ những người khác cùng đi hết rồi"; ông nội biết rằng "mình nhìn nhầm người và đã đặt niềm tin không đúng chỗ"; "Đó là lý do khiến cho cha mẹ anh thiếu sự tin tưởng và mặc cảm về bên đạo..". Ông bà Bình luôn cho rằng người Công giáo không phải là người tốt. Định kiến ấy gây trở ngại rất lớn cho Huệ.

Huệ đi nhà thờ, bà Bình nói: "Lễ gì mà lắm thế chứ! Cứ ít bữa là một lễ. Bỏ hết công hết việc. Lễ có ra cơm ra gạo gì không biết mà cứ đi lễ hoài". Tuần Thánh, Huệ ngày nào cũng đi lễ. Bà Bình phàn nàn với An: "- Cha thì ốm, công việc có ai làm thay cho đâu. Suốt ngày cứ ăn mặc bảnh bao đi lễ. Lễ gì cũng vừa vừa chứ cứ lễ suốt ngày suốt tuần thế này lấy chi mà ăn. Đi lễ đã đành, ở nhà còn đọc kinh trước mấy cái bức ảnh kia nữa chứ. Mất hết thì giờ, mất công mất việc". Bà Bình bảo An gỡ hết ảnh thờ của Huệ xuống và đem đốt đi. Có lần An ném ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để ở phòng khách xuống một cái giếng cạn, Huệ phải nhảy xuống giếng lấy lên đem về để ở phòng của mình...

Những phản ứng như thế của ông bà Bình (người bên lương) trước những nghi lễ, ảnh thờ và sinh hoạt sống đạo của người Công giáo, cùng với lối sống của người trẻ hôm nay (Dung) đặt ra nhiều vấn đề quan trọng đối với việc truyền giáo.

Tác giả có ý thức đưa vào tác phẩm những sinh hoạt văn hóa, phong cảnh vùng miền làm phong phú nội dung tác phẩm: Đó là lễ thánh An-tôn ở linh địa Trại Gáo thuộc Giáo phận Vinh, Nghệ An; huyền thoại về Thác Đray Sáp; những giải thích về sự khác biệt tôn giáo; Thánh lễ do Đức Giám mục cử hành.

Đây là hình ảnh miền Nam trong mắt người miền Bắc di dân: "Người miền Bắc nhận thấy nguồn đất đai rộng lớn bỏ ngỏ ở miền Nam chưa được quản lý chặt chẽ như ở miền Bắc nên nhiều nơi đã mách nhau vào khai thác. Những người ở các vùng đất chật như Nam Định, Ninh Bình vào nhiều, rồi đến dân Nghệ An, Hà Tĩnh cũng rủ nhau vào Đắk Lắk. Đến như đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao miền Tây Bắc hay dân tộc thiểu số vùng Thanh Hóa cũng vào Nam làm cho miền Nam bỗng chốc trở thành vùng đất nhiều sắc tộc hơn nữa.

Vào nơi đây, người ta có cảm giác tự do thoải mái với phong cảnh thiên nhiên như thời chưa có bàn tay tác động của con người. Những ngôi làng ẩn sâu trong màu xanh bao la của rừng núi, của cây cối tạo nên phong cảnh êm ái trong lành, khác với những làng dân nơi quê hương của Huệ. Tuy rằng nông thôn cày ruộng nhưng nhà cửa ở gần nhau. Nơi đường lớn thì nhà dày san sát, không mấy nơi có cây cổ thụ. May lắm có nơi có vài cây đa, cây phượng của làng là còn được bảo vệ xem như di sản của tiền nhân".


Những cảnh sắc và đặc điểm văn hóa vùng miền như thế tạo nên những màu sắc thẩm mỹ riêng bên cạnh những câu chuyện tôn giáo, nhờ đó tác phẩm có khả năng mở rộng không gian phản ánh hiện thực, khiến câu truyện có sức thuyết phục hơn.

3. Một vài đề xuất

Việc tô đậm những định kiến tôn giáo ở gia đình ông Bình (cha mẹ An) là một cực đoan. Việc An thay đổi nhận thức để theo đạo chưa được miêu tả và lý giải thấu đáo. Khiến cho ngay cả Huệ cũng bất ngờ, mặc dù những yếu tố khách quan (việc Dung có bạn trai và thái độ của Dung, ông bà Bình qua đời, chuyến đi bắc của An) đủ giúp An vượt qua trở ngại, song yếu tố tâm linh của An chưa đủ mạnh để tạo nên bước ngoặt hành động của nhân vật.

Việc quan hệ của Huệ với Toàn để có thai, không được nói đến. Sau khi bị Mến đánh ghen ở ngoài chợ, Huệ bị bỏng phải đến trạm xá chữa. Huệ về và đi khám. Lúc ấy mới Huệ biết mình đã có thai và cô báo tin cho Toàn.

Nhân vật Hòa, em của Dung bị bỏ quên ở cuối truyện.

Việc rửa tội, sau đó là học giáo lý và chịu phép Thêm sức của Dung và Hòa (con Huệ) đâu chỉ trong ngày một ngày hai mà Huệ có thể qua mặt được An. Trong một thời gian dài Huệ lén lút lo cho con rửa tội, Thêm sức là điều không thuyết phục, bởi vì đó là những Bí tích thánh, cần phải được công khai. Việc Huệ dùng những phương cách để đánh lừa An là không nên. Huệ cần thuyết phục cho An đồng thuận. Điều này tác giả chưa làm được.

Một kết thúc có hậu như tác giả kết truyện là một niềm vui, song đó là một kết thúc chưa hẳn có trong hiện thực: Huệ có một gia đình hạnh phúc và thực hiện được sứ vụ Ngôn sứ của một Kitô hữu trong một gia đình khác tôn giáo: An theo đạo, Dung có bạn trai khác đạo cũng đồng ý theo đạo. Thánh lễ và tiệc mừng kỷ niệm thành hôn rất đông vui. Vâng, nếu được như vậy thì đúng như Huệ cảm nhận: "Thiên Chúa luôn trọn tình thương với tất cả con cái Người. Tạ ơn Chúa đến muôn đời"(tr.183).