Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường, SJ - Bài 20: Trừ quỷ nhờ Mẹ Maria
17.03.2023
Trên trán cha quản nhiệm lấm tấm một chút mồ hôi. Trưa bắt đầu tỏa nóng. Trong nhà thờ vẫn rộng mênh mông, yên tĩnh, chỉ có hai người. Ngài nói với tôi:
- Có điều này rất lạ. Một hôm con nhân danh Chúa trừ nó.
Cha già mới nói tới đó, tôi ngắt lời cha:
- Thưa cha, mấy tháng trời từ lúc cô Kim Chi đem cô Hồng về nhà thờ, cha trừ nó nhiều lần hay sao?
- Nhiều chứ, nó cứ ra được vài ba bữa rồi lại nhập vào. Như con đã nói với cha, ban đầu nó còn sợ nước phép, sợ thánh giá, sợ giây Stola. Sau cùng nó không sợ gì cả. Con rất lo. Rồi một hôm con trừ nó...
Có tiếng kẽo kẹt mở cửa phía cuối nhà thờ. Có lẽ mấy bà tốt lành đi đọc kinh trưa. Tôi nhìn cha già trong chiếc áo dòng mầu đen. Nét mặt cha như đang sống lại câu chuyện của 25 năm về trước. Cha nói tiếp câu chuyện dở dang:
- Một hôm con nhân danh Chúa trừ nó, nó không ra. Con lại nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi truyền cho nó ra, nó cũng không ra. Lúc ấy không biết làm thế nào. Con nhân danh Đức Mẹ truyền thì nó ra.
Nói tới đó, cha già nhìn tôi, trên vầng trán nhăn lại đăm chiêu. Tôi hỏi ngài:
- Thưa cha, cha còn nhớ hôm ấy cha nói như thế nào?
- Con nói: Nhân danh Đức Mẹ là Đấng vô nhiễm nguyên tội là Mẹ Thiên Chúa ta truyền cho mày phải ra. Nói thế xong nó quật cô ta xuống rồi ra khỏi cha ạ.
Nhà thờ hun hút sâu xuống phía cuối. Chỗ chúng tôi đang đứng là bậc thềm ngay bàn thờ Đức Mẹ. Cha già chỉ cho tôi rồi nói:
- Đó, ngay chỗ đó, hôm ấy xảy ra ngay chỗ này.
Tôi hỏi cha:
- Thưa cha, ngày xưa cha là giáo sư chủng viện. Xét về thần học thì không có lý nào nhân danh Chúa mà không truyền nó ra được, mà nhân danh Đức Mẹ lại được. Về tín lý thần học thì Mẹ Maria không quyền năng hơn Chúa. Vậy cha nghĩ sao?
- Thú thật với cha, con cũng không biết cắt nghĩa sao. Nhưng đó là sự thật. Xảy ra ở ngay chỗ này.
Nghe cha già nói xong, tôi nhớ đến câu chuyện một thanh niên ở trại tị nạn ngày xưa xin vào đạo vì nhìn thấy con rắn bên hang đá Đức Mẹ (Chuyện này tôi sẽ kể vào dịp khác). Tôi liên tưởng đến hình ảnh Đức Mẹ đạp đầu con rắn và câu Kinh Thánh trong sách Sáng Thế Ký nói về mối thù giữa miêu duệ người nữ và Satan. Tôi nói với cha già:
- Thưa cha, có thể Thiên Chúa để xảy ra như thế cho ta lòng sùng kính Đức Mẹ. Vì cha nói nhân danh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Mẹ Thiên Chúa mà truyền cho nó phải ra. Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, Mẹ đạp đầu nó. Nó không có quyền năng gì trên Mẹ. Nó thấy tủi nhục. Mẹ chiến thắng nó ngay từ khi Mẹ thụ thai. Cha nghĩ sao?
- Rất có thể như thế cha ạ. Chứ con không còn biết cắt nghĩa sao. Rõ ràng khi nhân danh Đức Mẹ con truyền thì nó ra ngay.
Câu chuyện trên cha già nói với tôi ban sáng, đến chiều tôi phỏng vấn chị Hồng. Trong lúc kể lại những gì chị nhớ. Chị nói:
- Đêm hôm trước con thấy một người đàn bà bảo con là ngày mai có người dẫn con đến nhà thờ. Đúng hôm sau thì chị Kim Chi gặp con rồi dẫn con về nhà thờ. Con nghĩ rằng đấy là Đức Mẹ báo cho con biết.
Trong cuộc phỏng vấn, tôi không nói gì đến Đức Mẹ. Bỗng dưng cô ta đề cập đến câu chuyện 25 năm về trước. Tôi tìm hỏi chị Kim Chi xem ngày chị dẫn cô Hồng về nhà thờ là hôm nào. Chị Chi cho biết đó là ngày 13 tháng 10. Tôi giật mình, vì 13 tháng 10 là ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.
Những năm tháng gần đây, tôi gặp nhiều sự trùng hợp, có thể là vô tình ngẫu nhiên chăng, nhưng nó như những dấu chỉ cho tôi một suy nghĩ.
Tôi có thể bắt đầu câu chuyện từ khoá tĩnh tâm 30 ngày.
Tháng 7 năm 2000, tôi trở về nhà dòng lấy một năm bồi dưỡng tinh thần sau một năm linh mục. Mở đầu chương trình năm học hỏi này là 30 ngày tĩnh tâm ở một nhà tĩnh tâm tại Cincinnati, tiểu bang Ohio. Trong ba mươi ngày này có nhiều biến chuyển ấy là tôi được an ủi thiêng liêng rất nhiều qua kinh Mân Côi. Thuở nhỏ tôi có lòng yêu mến Đức Mẹ, nhưng rất ít lần hạt. Trong cuộc tĩnh tâm 30 ngày, tôi qua một chặng đường mà thánh Inhaxiô gọi là sầu khổ thiêng liêng. Tôi suy niệm về sự hiện hữu của Thiên Chúa và mầu nhiệm sự chết rồi không có lối thoát. Tôi khốn khổ trong bế tắc của những mầu nhiệm này. Nó như một vực sâu không đáy. Tôi chơ vơ không còn biết mình bám vào ai. Chúa như để tôi bất lực cho thấy mình nhỏ nhoi quá, không Chúa tôi sẽ bối rối bất an. Ba đoản khúc Cô Đơn và Sự Tự Do, Tân Hồn và Nỗi Trống Vắng, Lời Nguyện Của Cây Đèn Chầu in trong tập suy niệm Cô Đơn và Sự Tự Do là tâm trạng tôi viết trong những ngày này. Giữa lúc cơ cực ấy tôi lần chuỗi Mân Côi. Và kỳ diệu thay, kinh Mân Côi đưa tôi ra khỏi vùng sâu tăm tối này một cách nhẹ nhàng. Tôi được an ủi vô cùng trong phần thứ hai của kinh Kính Mừng: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử, Amen ."
Lời kinh trên đây không thừa một chữ nào. Tôi gọi tên Mẹ Maria là Thánh, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cầu cho tôi, mà tôi là kẻ có tội, Mẹ cầu cho tôi lúc này và trong giờ tôi chết. Bỗng dưng như một ánh sáng rất mới ùa ngập vào kinh này. Giữa lúc tôi thấy mình hoang vu, trống trải, Chúa như bỏ rơi, lời kinh quá đẹp. Tối nào trong sân nhà tĩnh tâm tôi cũng lần hạt. Một hình thức cầu nguyện rất đơn sơ. Nhưng kỳ diệu là lời kinh cho tôi sự an ủi thiêng liêng mà tôi đã không cách nào tìm được. Nhất là trong những ngày tôi suy niệm về sự chết. Lời kinh "cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử" cho tôi sự an ủi tôi không giải thích được. Tôi rất cần Mẹ trong giờ lo âu nhất của tôi là giờ tôi chết.
Sau 30 ngày tĩnh tâm, trở về cuộc sống bình thường, nhưng âm vang của nhưng ngày thinh lặng như một thứ tro âm ỉ, nằm nguyên đó. Rồi tôi qua Ấn Độ.
Ba tháng đầu ở Poona, tôi lấy khoá học về linh đạo thánh Inhaxiô. Học đặc biệt về Linh Thao, Spiritual Exercises. Tôi đọc kỹ những biến chuyển thiêng liêng trong cuộc đời thánh Inhaxiô, và những diễn biến đưa Inhaxiô đến việc soạn ra tập Spiritual Exercises, Linh Thao, một phương pháp hướng dẫn tu đức. Nhờ học kỹ, tôi thấy thánh Inhaxiô có lòng sùng kính Mẹ Maria đặc biệt. Trong những diễn biến thiêng liêng đưa thánh Inhaxiô đến việc lập Dòng, thánh nhân đã có nhiều lần thị kiến về Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ. Trong phương pháp tĩnh tâm Linh Thao, Đức Mẹ cũng giữ vai trò quan trọng. Điều này tôi đã ít chú trọng tới trong mười năm qua. Và tôi muốn từ đây, trong các khoá giảng phòng, tôi sẽ nói với các người tĩnh tâm hãy đến với Mẹ Maria nhiều hơn.
Qua ba tháng học, tôi bắt đầu làm cuộc hành hương. Như tôi kể ở phần trên, tôi đi dọc xuống miền nam nước Ấn, hành trình qua vết chân của Phanxicô Xaviê và các nhà truyền giáo ngày xưa. Rồi tôi gặp anh tài xế taxi nói cho tôi biết trung tâm hành hương kính Đức Mẹ ở Vailankanni. Và tôi đã đi.
Từ Ấn Độ về Việt Nam, tôi lại đi hành hương Đức Mẹ La Vang một lần nữa. Cũng ở La Vang này một biến cố khác xảy ra. Cách đây 20 năm, năm 1998 tôi đem bà cụ thân sinh tôi về Bắc. Ngày xưa bố tôi muốn có ngày được nhìn lại những con đường thời niên thiếu đã đi qua. Tôi chần chừ, chưa thực hiện được ước mơ cho bố thì ông cụ bị tai biến mạch máu não. Gìơ đây nằm bất toại, không còn trí nhớ. Còn mẹ tôi, tôi không muốn để ước mơ về thăm quê cha đất tổ của mẹ không thành. Tôi quyết một chuyến đi.
Trên đường, chúng tôi dừng lại dâng lễ ở La Vang. Trong chuyến xe chục chỗ ngồi có một người xin tới La Vang rồi về, không đi Bắc. Ông ước ao đi La Vang từ lâu mà điều kiện sinh sống không cho phép. Được tin tôi đi, ông chỉ mong được đến La Vang rồi về. Sau khi viếng đền thánh, tôi hỏi thăm để có thể giúp ông về lại trong Nam, còn chúng tôi tiếp tục ra Bắc. Ông bảo ông có thể đi luôn.
Câu chuyện xảy ra vào cuối tháng 9 năm 1998. Ông kể lại cho tôi là sau khi cầu nguyện ở La Vang, ông không cần uống thuốc mà hôm ấy thấy vẫn khoẻ.
Qua mấy ngày đường ra Bắc, không uống thuốc mà vẫn chịu được. Rồi hết những ngày trên đất Bắc, không cần thuốc. Ông không dám chắc là được ơn. Ông không nói gì với tôi là ước nguyện đi La Vang xin ơn Đức Mẹ.
Hai năm gần đây đau quá, như vỡ đầu. Ông bị đau đầu kinh niên 40 năm. Thuốc Aspirin ông uống từng nhúm, hết lọ này qua lọ khác. Trong thời quân đội Mỹ còn ở Việt Nam, ông đã được chữa trị mà không tìm được nguyên nhân. Chịu đựng hơn 40 năm.
Sau khi khấn Đức Mẹ xong, không dám chắc có khỏi thật, nhưng trong lòng cảm động. Rồi chuyến đi Bắc, rồi sau cả tháng trời không còn đau. Phép lạ không tỏ tưởng như người què bỏ nạng, người mù sáng mắt. Cả năm sau không còn đau nữa. Lúc gặp lại tôi lần này là hai năm. Từ ngày ông ở La Vang về, chứng đau đầu đã biến mất. Một chứng bệnh đã kéo dài 40 năm.
Những ngày tháng gần đây nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra liên quan đến Đức Mẹ đã đến trong tôi. Đó là tình cờ hay một tiếng nói nhắc nhở, tôi không rõ, tôi chỉ biết mình được an ủi thiêng liêng rất đặc biệt qua lời kinh Kính Mừng bình thường đó. Như vậy cũng là đủ.
Qua chuyến hành hương La Vang năm nay, tôi xuôi miền Lục Tỉnh Bến Tre tìm hiểu vụ quỷ nhập vào cô Hồng. Cũng trong chuyến này, một tình cờ xảy ra rất ngẫu nhiên mà cũng đặc biệt, vì lại liên quan đến Đức Mẹ. Ngoài câu chuyện cha già kể trên và chị Kim Chi dẫn cô Hồng về nhà thờ ngày 13 tháng 10, tôi gặp một tình cờ như sau.
Ngày còn nhỏ, tôi thấy bố tôi có tấm hình đen trắng chụp nhà thờ La Mã. Chuyện kể là một người xúc tôm mò cá dưới rạch sông, xúc được một khung ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ảnh ngâm lâu ngày dưới nước bùn, còn gì nữa. Ông biện nhà thờ nghe tin đến chuộc ảnh đem về. Vào một đêm kia, hai bên bờ sông bắn nhau, giữa Việt Minh và lính miền Nam. Ông lánh đạn bên tủ đặt hình Đức Mẹ. Ông thấy hình Đức Mẹ toả sáng. Đạn bắn như thế, ghim đầy tủ mà ông không chết. Dân chúng kéo đến xem. Rồi hình Đức Mẹ từ đó bắt đầu rõ nét dần, mấu sắc bắt đầu từ từ trở lại như xưa. Dân chúng kéo đến mỗi ngày mỗi đông. Cha xứ xin kiệu ảnh Mẹ về làm một nhà nguyện. Sau này đến năm 1955 xây xong và khánh thành nguyện đường dâng kính Đức Mẹ, đặt tên là nhà thờ La Mã. Tôi nhớ câu chuyện này, với tấm hình nhà thờ của bố tôi năm xưa.
Trên đường đi từ Sài Gòn xuống Bến Tre, có cô Kim Chi đi theo. Gần đến Bến Tre, cô Chi bỗng dưng bảo tôi:
- Ở đây có nhà thờ La Mã, nơi Đức Mẹ làm phép lạ ngày xưa.
Tôi giật mình. Nào đâu ngờ chuyện kể năm xưa về ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này lại ở ngay đây, trên đường tôi đang tới. Tôi bảo cô Chi:
- Như vậy tôi phải đi thăm. Tôi đâu ngờ chuyến đi này lại được đến đền thờ Đức Mẹ mà thuở nhỏ tôi đã nghe.
Trong bữa ăn trưa với cha quản nhiệm nhà thờ Cái Bông. Tôi đem ý nghĩa thăm nhà thờ La Mã kể cho ngài. Ai ngờ đâu chính ngài là cha sở họ đạo ấy từ năm 1965 cho đến bây giờ. La Mã là họ nhỏ, vì thiếu linh mục, từ ngày cha ra nhà thờ Cái Bông này, nhà thờ La Mã không có cha. Ngài chỉ vào cho lễ.
Vậy là tôi lại được phỏng vấn ngài về ngôi nhà thờ và chuyện ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Gíup này.
Sau biến cố 30.4.1975 nhà thờ được trưng dụng làm cơ quan học tập. Họ lấy hết bàn ghế, khung cửa gỗ làm củi nấu ăn. Những gì là gỗ đều bị làm củi nhóm bếp. Nhiều giáo dân sợ ảnh Mẹ bị đập phá bảo cha đem ảnh Đức Mẹ đi nơi khác. Cha nói với tôi:
- Xin Mẹ cứ ở đó với đoàn con. Xin Mẹ hãy làm phép lạ.
Nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Trong nhà thờ không còn gì. Riêng ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và bàn thờ Đức Mẹ, họ không phá! Chiều ngày 14.7.2001 tôi ghé kính viếng nhà thờ. Không thể tin được đó là ảnh đã bị ngâm dưới nước rạch sông bùn. Một khung ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mầu sắc rực rỡ như một tấm hình in không bị vết nhăn. Cha già bảo:
- Đó chính là tấm ảnh gốc.
Ngài nói thêm:
- Ngày xưa vùng này hẻo lánh, không an ninh, ít người dám đến hành hương. Con đường dẫn vào nhà thờ ngày xưa xe vào được. Bây giờ nó tan nát thế đấy, phải đi đò hay xe ôm. Nghe đâu nhà nước sắp sửa lại đường để khách thập phương có thể tới.
Tôi lấy xe ôm đi khoảng hai cây số. Đường sâu quá, xe nhảy cà tưng, ông xe ôm ghì chặt tay lái mà xe cứ như nhảy xuống ruộng. Thế thẳm nào cha già khuyên tôi nên đi đò. Mấy năm sau này nhà nước đã cho hai sơ vào ở luôn trong đó, coi nhà thờ. Nhà thờ được sửa lại đẹp như xưa.
Tôi thật xúc động khi chiếc Honda xe ôm dừng trước sân nhà thờ. Đó chính là tấm ảnh chụp năm xưa của bố tôi. Một kỷ niệm của tuổi thơ như chết chìm biến mất trong đời, bỗng dưng hiện về sống động như mới hôm qua. Không biết ai cho bố tôi tấm ảnh ấy, hay trong chuyến hành quân nào đó, dừng chân nơi đây, bố tôi đã chụp tấm ảnh này.
Trời đã ngã về chiều. Sân nhà thờ vắng vẻ. Hai bên bờ sông lạch, bóng xoài rủ lá hiền hoà mà như có vẻ âm u. Trong nhà thờ có khoảng hai chục em bé chừng mười tuổi đang đọc kinh. Tôi hỏi sơ:
- Hôm nay các sơ có lớp giáo lý cho các em hả? Các em đang học gì đó?
Sơ bảo không. Chiều thứ Bẩy các em đang làm giờ kính Đức Mẹ đấy. Tôi không đợi chờ câu trả lời như vậy. Tôi cứ ngỡ giờ học của các em. Tuổi thơ các em dễ thương quá. Trong không gian êm ả của một buổi chiều đang tắt nắng. Ở một vùng nước sâu không ánh sáng văn minh, có các em bé đang đọc kinh bên Đức Mẹ. Đức Mẹ vẫn ở đó với đoàn con. Lòng tôi chùng xuống một buồn vui xúc cảm không định nghĩa được.
Tôi trở về Mỹ, kết thúc một năm hành hương bằng mấy ngày nghỉ ngơi tại nhà tĩnh tâm ở Cincinnatio, nơi tôi đã bắt đầu chương trình một năm trước đây. Rồi bắt đầu làm việc trở lại từ đầu tháng 9,2001.
"Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen ."
【Lm Nguyễn Tầm Thường】