Gửi chút khói hương nhớ nhà sử học Phạm Đình Khiêm - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
Cũng đúng hôm nay, 13.3.2023, giỗ 10 năm nhà Sử học Công giáo Phêrô Vinh Sơn Phạm Đình Khiêm (1920-2013). Thời gian cứ trôi đi miệt mài. Hỏi mấy ai còn nhớ? NGUỒN:

Cũng đúng hôm nay, 13.3.2023, giỗ 10 năm nhà Sử học Công giáo Phêrô Vinh Sơn Phạm Đình Khiêm (1920-2013). Thời gian cứ trôi đi miệt mài. Hỏi mấy ai còn nhớ?

Cụ Phêrô Vinh Sơn Phạm Đình Khiêm quê tại Dục Đức, Ninh Bình, Phát Diệm. Năm 22 tuổi, chủ biên bán nguyệt san Công giáo, tờ Thanh Niên. Năm 1943, công bố "Tác Phẩm Đầu Xuân", như một tuyên ngôn cho văn học Công Giáo VN, đối trọng với nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Ông là tác giả của những công trình có giá trị sử học và đức tin CG: Thầy Giảng Anrê Phú Yên - Người Chứng Thứ Nhất; Minh Đức Vương Thái Phi...

Tôi có phước được gần gũi Ông, lắng nghe, đón nhận khá nhiều nỗi niềm riêng của Ông về Giáo hội, cuộc đời và những thông tin cần thiết trong VHCG Việt Nam. Cả đến những hân hoan cuối đời, trong cơn bệnh và khi nhắm mắt, xuôi tay theo tiếng Chúa gọi vào ngày 13.3.2013 tại căn hộ của gia đình Ông trong cái hẻm Hiền Vương (tên cũ) đi vòng vào... Nói như Cha chủ tế Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Bề trên Giám tỉnh DCCT trong thánh lễ cầu nguyện 100 ngày (15.6.2013) tại nhà nguyện nhỏ, khuất trên tầng 4 của nhà dòng - những mẫu gương sống thật, cũng như các tác phẩm của Ông đã là "tài sản quý giá cho lịch sử và cho công cuộc rao giảng đạo Chúa tại Việt Nam."

Vâng, riêng tôi trong nỗi nhớ khôn nguôi, ghi lại đây bài Khóc Ông, tôi xúc động ngay lúc ấy: "Gửi Người Về Tràng An"

"Anh Khiêm, thôi, đã thôi rồi
Anh đi xa tít, cuối trời mênh mang
Về quê, hưởng phước thiên đàng
Còn tôi, ở bến trần gian nhọc nhằn
Kim Sơn, Dục Đức khăn tang
Khóc Anh, lệ đẫm Tràng An, Ninh Bình
Quỳ đây, nguyện với muôn kinh
Ngước trông lên giữa lung linh đất trời
Anh, giờ có chốn, có nơi
Thoát vòng tục luỵ, kiếp đời hư vong
Còn tôi, sao mãi long đong
Thuyền ra, sông nước, ngược dòng về đâu?"


(trong tập thơ Kinh Buồn, trang 20).

P.S. Ngẫm ra, mới thấy Anh đã cúi đầu tự nhận mình bất xứng trước mặt Chúa, một kẻ sĩ có thừa khiêm tốn:

"Nghĩ mình, dụng cụ bất toàn
Phận hèn yếu đuối, kiếp tằm nhả tơ."


(Dục Đức)