Sinh tử vòng đời - Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

-Tôi cám ơn Chúa, vì đã ban cho mình cơ hội để hiểu rằng Cái Chết la chìa khóa dẫn đến Chân Hạnh Phúc. NGUỒN:

Danh ngôn Sinh Tử:

Tôi cám ơn Chúa, vì đã ban cho mình cơ hội để hiểu rằng Cái Chết la chìa khóa dẫn đến Chân Hạnh Phúc.

(Wolfgang Mozart)

-Sự im lặng tột cùng dẫn đến nỗi buồn. Đây là hình ảnh của sự chết.

(Jean Rousseau)

-Chết chẳng là gì, không sống mới đáng sợ.

(Victor Hugo)

-Nỗi sợ cái chết đều đến từ nỗi sợ cuộc sống.
Người sống hết mình sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.


(Mark Twain)

-Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết.
Người gan dạ chỉ chết có một lần.


(William Shakespear)

-Sự sáng tạo có nghĩa là được sinh thành trước khi chết.

(Erich Fromm)

-Cái chết cũng như sinh thành là một điều tự nhiên.

(Marcus Aurelius)

-Nếu bạn sợ bệnh sợ chết, thì hãy quan sát xem chúng từ đâu đến.Chúng đến từ sự sinh. Nên đừng buồn khi có người sinh ra đời.

(Ajahn Chah)


Tiền công của tội lỗi là sự chết.

Vòng đời kiếp sống thế trần,
Sinh ra từ biệt một lần mà thôi,
Nếu ta biết sống cho đời,
Mai sau sẽ nở nụ cười ra đi!

Đời người sinh ký tử qui,
Sống là chuẩn bị để ly biệt trần.
'Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì?' (*)

Bé thơ ngây hoa đời chớm nở,
Chẳng có gì lo sợ vấn vương,
Bao quanh tràn ngập yêu thương,
Như hoa vừa nở dâng hương ngạt ngào.

Trai trưởng thành nuôi bao mộng đẹp,
Chung quanh ta chật hẹp không gian,
Sự nghiệp, danh vọng, giàu sang,
Đuổi theo đạt được lại càng hăng say.

Gái tự hào soi gương tô điểm,
Vẻ diễm kiều sai khiến lòng người,
Tâm hồn rộng mở thêm tươi,
Tương lai bừng sáng đón mời vào xuân.

-Nhưng cuộc đời có đâu đẹp mãi,
Có vui nay, mai lại có sầu,
Hoa kia tươi mãi được đâu,
Con người không thể sống lâu ngàn đời.

Mới ngày nào tuổi thơ tươi thắm,
Mới ngày nào phấn khởi hiên ngang,
Chàng thì sự nghiệp vẻ vang,
Nàng thì rực rỡ cao sang hơn người.

Vừa mới đây tháng ngày thấm thoát,
Giờ lúc này sao khác năm xưa,
Hàm răng đã thấy lưa thưa,
Tóc mây bỗng chốc lại vừa điểm sương.

Xưa nay nhân trần nuôi hy vọng,
Tìm mọi cách xây mộng trường sinh,
Thật không biết lựa sức mình,
Luật trời sinh tử chứng minh tỏ tường.

Suốt đời dù mải mê tích lũy,
Xuôi hai tay nắm giữ được gì,
Đời người sinh ký tử qui,
Sống là cõi tạm, thác là trường sinh.

Luật trời chính là quyền Thượng Đế,
Phúc của mình tích để sau này,
Nếu sống tốt đẹp hôm nay,
Mai sau vĩnh cửu tràn đầy hân hoan.

Hoàng hôn xuống chậm nghiêng soi bóng,
Cô khách dừng chân đứng ngẩn ngơ,
Màn đêm buông phủ lờ mờ,
Bóng người chìm lắng ơ hờ trong đêm.

Lạy Chúa! Là Đường! Là Sự Sống!
Lạy Chúa chính là Đấng tình thương!
Bụi trần che phủ mù sương,
Xin Ngài dìu dắt soi đường con theo.

+ Thánh Thi Mùa Chay

Muôn lạy Chúa toàn năng khôn ví
Là Ba Ngôi hiển trị thiên tòa,
Phúc lành tuôn đổ sớm trưa
Cho mùa trai tịnh thành mùa hồng ân.

Lạy Đấng Hoá Công xin đoái nhận
Nỗi lòng con cái khấn nguyện đây:
Lời kinh thấm lệ cùng dâng Chúa
Suốt cả Mùa Chay thánh thiện này



CỰU ƯỚC: KITÔ HỮU ĐỐI MẶT VỚI CÁI CHẾT

1. Chết với Đức Kitô. Đức Kitô khi mang lấy bản tính con người đã không chỉ gánh chịu cái chết của chúng ta để tự thông phần vào thân phận tội lỗi của chúng ta. Là thủ lĩnh của nhân loại mới, là A-đam mới (1 Cr 14,45; Rm 5,14), Ngài đã ôm lấy tất cả vào lòng khi Ngài chết trên thánh giá. Thật vậy, nơi cái chết của Ngài, "mọi người đều chết" theo một cách nào đó (2 Cr 5,14). Tuy nhiên, cái chết này cần phải trở thành một thực tại hữu hiệu cho mỗi người. Đây là ý nghĩa của phép rửa tội mà hiệu quả bí tích của phép rửa tội ấy hiệp nhất chúng ta với Đức Kitô trên thánh giá: "được chịu phép rửa trong cái chết của Đức Kitô", chúng ta "được mai táng với Ngài qua cái chết", "được đồng hình đồng dạng trong cái chết của Ngài" (Rm 6,3...; Pl 3,10). Từ nay trở đi, chúng ta đều chết và cuộc sống của chúng ta được cất giấu nơi Thiên Chúa cùng với Đức Kitô (Cl 3,3). Sự chết bí nhiệm là khía cạnh phủ định của ân sủng cứu độ. Vì dẫu chúng ta chết đối với điều gì thì điều đó nằm trong trật tự các điều mà triều đại của Tử Thần bằng cách ấy đã tỏ bày ở trần gian: chúng ta chết đối với tội lỗi (Rm 6,11), đối với con người cũ (6,6), đối với xác thịt (1 Pr 3,18), đối với thân xác (Rm 6,6; 8,10), đối với Lề Luật (Gl 2,19), đối với các yếu tố của thế gian (Cl 2,20)...

2. Từ sự chết đến sự sống. Chết với Đức Kitô trên thực tế là chết đối với sự chết. Khi chúng ta bị giam trong tội lỗi đó là khi chúng ta đã chết (Cl 2,13; x. Kh 3,1). Bây giờ chúng ta là những người sống "đã trở về từ cõi chết" (Rm 6,13) và "được giải thoát khỏi các việc của sự chết" (Dt 6,1; 9,14). Như Đức Kitô đã nói: ai nghe lời Ngài thì sẽ bước qua sự chết mà vào sự sống (Ga 5,24); ai tin vào Ngài thì không còn phải sợ chết, dù kẻ ấy đã chết thì cũng sẽ được sống (Ga 11,25). Đó là cái được mất của đức tin. Trái lại, ai không tin thì sẽ phải chết trong tội lỗi (Ga 8,21.24), hương thơm của Đức Kitô đối với người ấy trở thành mùi tử khí (2 Cr 2,16). Vở kịch của nhân loại đương đầu với cái chết cũng diễn ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta; đối với chúng ta, kết cục của vở kịch ấy tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta trước mặt Đức Kitô và Tin Mừng: kết cục của người này là sự sống đời đời, vì Đức Giêsu đã nói: "ai tuân giữ lời Ta thì sẽ không bao giờ thấy cái chết" (Ga 8,51); còn kết của kẻ khác là sự khủng khiếp của "cái chết lần thứ hai" (Kh 2,11; 20,14; 21,8).

3. Chết đi mỗi ngày. Tuy nhiên sự kết hiệp của chúng ta với cái chết của Đức Kitô vốn được thực hiện qua bí tích rửa tội còn phải thường xuyên được thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đây là ý nghĩa của khổ luyện mà bởi đó chúng ta "chịu hư nát", nghĩa là chúng ta "giết chết" nơi chúng ta những việc làm của xác thịt (Rm 8,13), những đam mê thuộc hạ giới (Cl 3,5). Đó cũng là ý nghĩa của tất cả những gì biểu hiện nơi chúng ta sức mạnh của cái chết tự nhiên, vì cái chết đã thay đổi ý nghĩa kể từ khi Đức Kitô đã biến nó trở thành công cụ cứu độ. Nói rằng các Tông Đồ của Đức Kitô trong sự yếu đuối của mình xuất hiện trước mặt mọi người như kẻ sắp chết (2 Cr 6,9), rằng họ luôn luôn ở trong hiểm nguy phải chết (Pl 1,20; 2 Cr 1,9...; 1,23), rằng họ "chết mỗi ngày" (1 Cr 15,31), thì đó không còn là dấu chỉ thất bại nữa: họ mang lấy toàn bộ cái chết của Đức Kitô để sự sống của Đức Giêsu cũng được thể hiện nơi thân mình của họ; họ được cứu thoát khỏi sự chết do Đức Giêsu để sự sống của Đức Giêsu được thể hiện nơi xác thịt phải chết của họ; khi sự chết hoạt động nơi họ thì sự sống hoạt động nơi những người trung thành (2 Cr 4,10...). Cái chết mỗi ngày này hiện thực hóa cái chết của Đức Giêsu.

4. Đối diện với cái chết thân xác. Trong cùng viễn cảnh ấy, cái chết thân xác đối với Kitô hữu mang một ý nghĩa mới. Nó không còn chỉ là số phận không thể tránh khỏi mà người ta đành cam chịu, một mệnh lệnh từ trời mà người ta phải chấp nhận, một án phạt tự trút lấy do hậu quả của tội lỗi. Người Kitô hữu "chết cho Chúa" như Ngài đã sống cho mình (Rm 14,7...; x. Pl 1,20). Và nếu họ chết như vị tử đạo của Đức Kitô, đổ máu mình làm chứng tá, thì cái chết của họ là một đổ máu có giá trị hiến tế trước mặt Thiên Chúa (Pl 2,17; 1 Tm 4,6). Bởi cái chết này họ "tôn vinh Thiên Chúa" (Ga 21,19) và xứng đáng được hưởng triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11). Từ nỗi lo lắng tất yếu, cái chết đã trở thành đối tượng của phúc thật: "Phúc thay những người chết trong Chúa! Từ nay trở đi họ được nghỉ ngơi, không còn vất vả" (Kh 14,13). Cái chết của người công chính là một lối vào chốn bình an (Kn 3,3), vào nơi an nghỉ đời đời, vào ánh sáng không bao giờ tắt. Requiem aeternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis! (Xin Chúa hãy cho họ được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu của Ngài chiếu soi trên họ)

Niềm hy vọng bất tử và sống lại biểu lộ trong Cựu Ước bây giờ đã tìm thấy nền tảng vững chắc trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Bởi vì không chỉ sự kết hiệp với cái chết của Đức Kitô làm cho chúng ta sống thật sự một cuộc sống mới, nhưng còn đem lại cho chúng ta bảo đảm rằng "Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết cũng sẽ đem lại sự sống cho thân xác phải chết của chúng ta" (Rm 8,11). Như vậy, nhờ sự phục sinh, chúng ta sẽ đi vào một thế giới mới nơi "không còn cái chết nữa" (Kh 21,4); hay đúng hơn, đối với những kẻ được tuyển chọn đã được sống lại với Đức Kitô thì sẽ không có "cái chết lần thứ hai" (Kh 20,6; x. 2,11): cái chết sẽ dành cho những kẻ bị án phạt, dành cho Ma Quỷ, cho Tử Thần, và cho Âm Phủ (Kh 21,8; x. 20,10.14).

Đó là lý do tại sao đối với người Kitô hữu, chết cuối cùng là một mối lợi, bởi vì Đức Kitô là sự sống của họ (Pl 1,21). Thân phận hiện tại của họ nó đóng chặt họ với thân xác phải chết thì thật nặng trĩu: họ thích thoát khỏi thân phận ấy để đến ở bên Chúa (2 Cr 5,8); họ mau mắn mặc bộ áo vinh quang của những kẻ được sống lại, để cho cái phải chết nơi họ được tiêu tan trong sự sống (2 Cr 5,1-4; x. 1 Cr 15,51-53). Họ ước ao ra đi để ở với Đức Kitô.

Suy niệm:

Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy chỉ có giá trị với sự thù hận. Người chết không còn thù hận nữa. dù có căm thù đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa trang, những người chết không còn thấy cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn hận thù, không còn vũ khí, đó là thế giới của nghĩa trang. Đó là nơi an nghỉ, quên hết hận thù. Cái chết dù độc ác đến đâu cũng trở thành dấu chỉ của bình an hòa bình. Đó là điều chúng ta có thể xác quyết khi suy ngắm cái chết của Đức Ki-tô trên Thập giá. Ngài chết để lôi kéo chúng ta đến với Ngài và chúng ta đến với nhau. Để thực hiện điều đó trong những giây phút cuối cùng sống nơi trần gian, Ngài đã tha thứ cho chính những kẻ hành hạ mình.
Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người đó có thể là những người thân yêu, có thể là những người chưa quên biết và cả kẻ thù của chúng ta. Tấm lòng của người Ki-tô, trước hết phải là tâm tình thứ tha như Chúa. Vì cái chết của Chúa đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và đem lại hòa bình. Những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng nhớ trong tháng 11 này, cũng là âm vang từ ái nhờ chính cái chết của Chúa trên Thập giá: Xin cha tha tội cho chúng!

(*) Ghi chú: Trích thơ Nguyễn công Trứ.

+ Phụ dẫn:

Vòng tuần hoàn của Cuộc đời

Khi Tiến sĩ và Người Chăn Trâu đều nói về 'Vòng tuần hoàn Cuộc đời'


Có một vị bác sĩ là tiến sĩ chuyên ngành y khoa nổi danh hàng đầu thế giới tình cờ đi tới một khu vực hẻo lánh nọ trên núi để khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo trong vùng. Tại đây, anh ta gặp một người chăn trâu trông có vẻ khá vất vả.

Vị tiến sĩ nọ đột nhiên cảm thấy thương xót thay cho số phận kẻ sinh ra tại vùng quê nghèo nàn, lớn lên trong sự nghèo nàn và chết đi cũng trong sự nghèo nàn như vậy. Ông nghĩ, người chăn trâu này thật tội nghiệp, anh ta sẽ mãi mãi không bao giờ được đặt chân tới những chân trời mới, tiếp xúc với nhiều điều mới rồi trở thành một người thành đạt, giỏi giang của xã hội.

Một thoáng động lòng trắc ẩn, vị Tiến sĩ đến gần và cất giọng hỏi thăm:

"Sao anh lại đi chăn trâu?"

Người chăn trâu lúc đó đang nghỉ ngơi bèn trả lời:

"Tôi chăn trâu đương nhiên là để nuôi trâu lớn, bán lấy tiền."

Tiến sĩ lại hỏi: "Vậy anh bán lấy tiền để làm cái gì?"

Người chăn trâu đáp: "Tôi lấy tiền xây nhà."

Tiến sĩ hỏi: "Vậy anh xây nhà để làm gì?"

Người chăn trâu đáp: "Tôi xây nhà để cưới vợ."

Tiến sĩ hỏi: "Vậy anh cưới vợ để làm cái gì?"

"Tôi cưới vợ để rồi sinh con đẻ cái."

Tiến sĩ lại hỏi: "Vậy anh sinh con đẻ cái để làm cái gì?"

"Để con cháu sau này lớn lên đi chăn trâu kiếm tiền."

Tiến sĩ nghẹn họng không biết nói gì. Anh ta ngậm ngùi cảm khái, than thở rằng:

"Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại anh vẫn chỉ nghĩ đến chuyện chăn trâu thôi vậy? Cuộc đời như vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ."

Sau một hồi giảng giải, suy ngẫm chuyện nhân sinh cuộc đời, người chăn trâu bỗng hỏi lại vị Tiến sĩ:

"Ông được đi học đúng không, tôi thấy mọi người gọi ông là Tiến sĩ, vậy ông làm Tiến sĩ để làm gì?"

Vị Tiến sĩ trả lời:

"Học nhiều biết nhiều là để trở nên giỏi giang, thành tài."

Người chăn trâu hỏi:

"Giỏi giang thành tài để ông nổi danh, để ông kiếm được nhiều tiền tiền đúng không? Vậy kiếm nhiều tiền rồi ông làm gì?"

Vị Tiến sĩ trả lời:

"Nổi tiếng, có tiền rồi thì sự nghiệp ổn định đi lên, có thể mua nhà, mua xe, lấy vợ, lập nghiệp."

"Lấy vợ lập nghiệp rồi ngài cũng phải sinh con đẻ cái đúng không? Vậy sau đó ông làm gì?"

"Đương nhiên ta sẽ dạy dỗ con cái nên người, khôn lớn thành tài."

Người chăn trâu lại hỏi tiếp:

"Vậy con cái ông khôn lớn thành tài để làm gì?"

Vị Tiến sĩ điềm nhiên nói:

"Thành tài rồi mới có thể kiếm tiền..." Đến đây thì anh ta im bặt.

"Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại ông chỉ nghĩ đến kiếm tiền thôi nhỉ. Cuộc đời xoay vòng như vậy thì còn có ý nghĩa gì đây?"

Nhìn bóng lưng kẻ chăn trâu đi xa, vị Tiến sĩ nọ mới đột nhiên cảm thấy rằng, mộtngười học thức đầy mình như anh ta thật ra cũng chẳng khác là bao so với kẻ chăn trâu nghèo khổ trong một vùng quê hẻo lánh. Cả cuộc đời, mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của họ đều nằm trong một vòng tuần hoàn mà thôi.

"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về lại cát bụi...".

Có lẽ, đã là một kiếp người thì không thể nào tránh khỏi được cái vòng tuần hoàn ấy mà thôi.
Còn bạn, đã bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa kiếp nhân sinh là gì?

(Sưu tầm)

Đinh Văn Tiến Hùng