Tâm tình cùng nhà văn tuổi vàng bút Xuân Trần Đình Ngọc - Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Lan Mary
Chúng tôi đến thăm Bác vào buổi trưa trước đêm Giáng Sinh. Xe chạy vòng vòng một lúc mới tìm ra chỗ đậu cho khách đến thăm. Khu cư xá người già rộng lớn khoáng đãng yên tĩnh, nằm say giấc ngủ trưa dưới ánh nắng đông ấm áp. Vì có hẹn trước, nên khi nghe tiếng gõ cửa, Bác ra mở và đón chúng tôi với nụ cười thân mật. NGUỒN:

Chúng tôi đến thăm Bác vào buổi trưa trước đêm Giáng Sinh. Xe chạy vòng vòng một lúc mới tìm ra chỗ đậu cho khách đến thăm. Khu cư xá người già rộng lớn khoáng đãng yên tĩnh, nằm say giấc ngủ trưa dưới ánh nắng đông ấm áp. Vì có hẹn trước, nên khi nghe tiếng gõ cửa, Bác ra mở và đón chúng tôi với nụ cười thân mật.

-Mời hai anh vô nhà!

Anh bạn giới thiệu tôi:

- Anh Hùng, bạn thân.

- Nghe danh Bác, hôm nay mới hân hạnh được diện kiến- Tôi tiếp lời.

- Tôi cũng nghe tên tuổi anh rồi!

- Vâng thưa Bác, tôi có tuổi nhưng chưa có tên.

Chúng tôi cười xòa. Bác mời ngồi và đun bình nước pha trà.Chúng tôi nhìn quanh căn phòng gọn ghẽ, đầy đủ tiện nghi và chú ý đến chiếc bàn đặt máy computer cùng một sấp giấy bên cạnh. Chắc đó là tài liệu Bác đang viết dở dang. Mấy phút sau Bác bưng ra bình trà và gói kẹo. Mùi trà thơm tỏa ra làm căn phòng thêm ấm áp cho buổi trà đàm.

- Sao dạo này sức khỏe Bác thế nào? Bác vẫn tiếp tục sáng tác đấy chứ?

- Cám ơn hai anh! Cũng bình thường thôi. Tuổi cao, sức khỏe giảm dần không ngồi lâu được- Hơn nữa trí nhớ và cảm xúc không còn bén nhạy như xưa.

- Bác nói thế chứ, chúng tôi thấy sức viết Bác còn phong phú và sắc bén lắm. Những bài Bác viết trên các báo và websites vẫn còn lôi cuốn nhiều người đọc. Anh em tôi khó theo kịp.

- Anh Đình nhiệm vụ đa đoan tôi biết rồi! Còn anh Hùng thì sao?

- Đàn em thì thật sự lai rai! Lúc nào có hứng thú thì viết lách cho khuây khỏa, học đòi ông Tú Vị Xuyên vì ' Nhập thế cục bất khả vô văn tự, chẳng hay ho cũng húng hắng lấy một vài...'

- Tôi đã đọc những bài anh viết! Tại sao chỉ viết cho báo Công giáo, ít thấy viết cho báo đời ?
Tôi mỉm cười:

- Thưa Bác! Về chính trị đàn em không có nhận định sâu sắc, về quân sự lại thiếu kinh nghiệm chiến trường và phần lớn báo chỉ cần lấy được nhiều Quảng cáo, còn tin tức, bài viết quá dồi dào trên internet, đâu cần người viết mướn.

- À mà sao, tôi chỉ thấy anh làm thơ, ít viết văn xuôi ?

Anh bạn chen vào:

- Tôi nhiều lần đề nghị anh viết cho thêm phần phong phú, nhưng anh lưỡng lự dè dặt.

- Tại sao vậy ?

- Văn xuôi trong báo đạo thường là những bài thiên về thần học, tín lý, linh thiêng huyền diệu...Tôi không đủ trình độ để viết, nên nhường cho các vị uyên thâm hơn. Còn thơ, tuy khó mà lại dễ, vì chỉ cần cảm xúc với lòng mến Chúa, yêu người, noi gương Đức Mẹ và Các Thánh là được, không sợ bị phê bình chỉ trích...Tôi cũng không có khả năng viết đủ thể loại như Bác đâu!

Bác nhìn anh bạn như hỏi ý kiến thế nào.

- Anh ấy nói đúng thế! Tôi rất thích những truyện Bác viết rất hấp dẫn với kinh nghiệm dồi dào, nêu cao tinh thần đạo đức là những bài học qúi giá đầy tính nhân bản.

- Cám ơn anh! Còn các anh nghĩ thế nào về những người cầm bút tại quốc nội cũng như hải ngoại ?

- Câu hỏi Bác đua ra cho chúng tôi rất khó và tế nhị khi phải trả lời. Chúng tôi không muốn phê bình so sánh. Nhưng thực sự phải công nhận những người cầm bút trước năm 75 tại Miền Nam: phong phú đa dạng, có kiến thức và kinh nghiệm, lại yêu nghề. Nên đã xuất hiện nhiều tác phẩm rất giá trị về mọi lãnh vực. Nhưng lớp người này đang mai một dần, số ít còn lại trong nước không thể bẻ cong ngòi bút viết theo yêu cầu của nhà nước.. Phần lớn ra được nước ngoài nay đã già yêu giới hạn trong việc sáng tác, cũng may một số tác phẩm của họ được in lại trước khi nằm xuống. Riêng lớp trẻ hải ngoại hiện nay, môt số tốt nghiệp ngành truyền thông báo chí, thực sự đã đi vào dòng chính viết với văn từ, tư tưởng của quốc gia đang sinh sống. Còn một số không chuyên nghiệp coi viết lách làm báo như mọi nghề không phải là nghiệp. Vì nghĩ rằng: nếu không có bằng cấp chuyên môn, ta có thể mở 1 cơ sở thương mại, nhà hàng...hay ra 1 tờ báo lấy được nhiều Quảng cáo cũng đủ sống.

Còn trong nước hiện nay, làm truyền thông báo chí phải viết theo theo đường lối nhà cầm quyền vạch sẵn. Đến nỗi có 1 nhà văn phản kháng viết câu truyện 'Thi sĩ máy' đề nghị nhà nước nên chế ra 1 chiếc máy và đúc sẵn 100 từ 'nghiệp vụ'. Khi cần, chỉ lựa những từ theo ý muốn bỏ vào máy là sẽ có một bài thơ hay một bài văn đúng tiêu chuẩn đề ra, vì chỉ cần 'hồng hơn chuyên'.

Chính vì những ưu tư và tầm quan trọng, để văn hóa thuần khiết VN khỏi bị mai một, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ lớp người trẻ cầm bút có khả năng và thực tâm yêu nghề.

Biết Bác trước năm 75 là nhà giáo và cựu Dân biểu VNCH, chúng tôi chuyển hướng câu chuyện nhắc đến môt vài nhân vật trong chính quyền mà chúng tôi đã từng tiếp xúc và sống gần họ. Bác đưa ra những nhận xét rất thẳng thắn và trung thực về những người này. Rồi Bác kết luận:

- Miền Nam Việt Nam bị mất do những thế lực ngoại bang giật giây trao đổi. Nhưng thật ra, một số nhân vật cao cấp trong chính quyền và tướng lãnh quân đội cũng tiếp tay một phần vào sự sụp đổ MN. Những người này đã và sẽ phải trả giá hành động họ làm và lịch sử sẽ phê phán cách chính đáng. Chúng ta không cần đi vào chi tiết vì đã được nói đến quá nhiều qua sách báo phê bình chỉ trích và những hồi ký thanh minh chạy tội...

Bác đứng lên tới bàn viết lấy mấy tác phẩm xuất bản năm 2009, đề tặng chúng tôi mỗi người 2 quyển; 1 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Tôi mở trang đầu thấy hàng chữ:' Thân tặng thi sĩ' Và liếc nhìn anh bạn cũng ái ngại như tôi:

- Xin Bác cư ghi tên anh em tôi là được rồi! Người ta có bằng cấp học vị cao xưng danh là đúng thôi. Còn khả năng nghề nghiệp như chúng tôi nên để người đời đánh giá. Ngoài ra, ít nhất cũng phải có 1,2 tác phẩm ra mắt để làm 'chứng chỉ' mới được phép ngồi 'chung chiếu' trên thi văn đoàn chứ!

- Thôi các anh đừng nhún nhường! Tôi có đọc bài thơ anh Hùng 'thanh minh thanh nga' rồi đó. Nhắc lại xem nào?

Anh bạn liếc nhìn tôi như khuyến khích.

- Thôi thì 'vâng lời hơn lễ vật', nhưng bài dài đàn em chỉ còn nhớ mấy câu đầu.

"Tôi không phải là thi nhân Công giáo,
Mà chỉ là người Công giáo làm thơ,
Cả đời tôi không biết đến bao giờ,
Mới trở thành một nhà thơ tên tuổi?
Nhưng điều đó tôi không hề tiếc nuối,
Vì cuộc đời đã là một bài thơ.
Sống trọn vẹn với năm tháng ngày giờ,
Đó chính là bài thơ muôn vần điệu...'

Thấy câu chuyện tâm tình đã lâu, sợ Bác mỏi mệt và cần chuẩn bị đi dự lễ Giáng Sinh. Chúng tôi cáo từ và hẹn sẽ có dịp trở lại thăm Bác. Bác tiễn chúng tôi ra tới cổng và cùng chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Trời đã xế chiều, lác đác một vài người vào thăm thân nhân sau buổi tan sở về. Bác nhìn chúng tôi ra xe, vẫy tay chào tạm biệt dưới nắng chiều đổ bóng...

Chúng tôi đến Thánh đường tham dự Lễ Giáng Sinh cùng với Cộng đoàn Công Giáo VN. Sau đó về nhà ăn Reveillon đầm ấm cùng gia đình, cắt bánh Sinh Nhật mừng Chúa Giáng trần mà tôi được diễm phúc ăn theo. Và trao nhau những phần quà đặt dướt chân cây Noel lấp lánh đèn màu. Tôi rất cảm động khi mở quà con gái trao tặng: 1 máy computer tôi đang mong đợi để thư giãn trong tuổi về chiều.

Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã cho tôi được chào đời cùng ngày tháng với Chúa Hài Đồng.

Cám ơn người bạn đời thân yêu đã kiên nhẫn chịu đựng hỗ trợ tôi hơn suốt hơn 40 năm lận đận.

Cám ơn con gái thân thương luôn quan tâm săn sóc tôi những ngày tháng cuối đời.

Cám ơn đứa cháu ngoan cho tôi niềm ấm áp và hy vọng vào tương lai thế hệ trẻ.

Cám ơn những người bạn quí gởi lời chúc chân tình.

Cám ơn các em trước đây tôi được hân hạnh hướng dẫn,giờ đã già dặn và có địa vị, vẫn đến thăm hỏi thân tình.

Cám ơn Bác Bút Xuân đã trao tặng 2 món quà tinh thần quí giá .

Sau những ngày nghỉ lễ, tôi đã đọc 2 tác phẩm Bác trao tặng:

*Tập Thơ 'Sau giờ Kinh chiều' gồm 160 bài thơ Đạo - trong đó có 1 số bài nguyên tác từ Anh ngữ dịch qua thơ Việt - sắp xếp theo thứ tự abc. Thơ cảm xúc cô đọng trong ý lời và tác giả muốn truyền đạt rung cảm mình qua người đọc, nên lời thơ đơn sơ bình dị, âm điệu nhẹ nhàng thanh thoát, ý thơ chân tình không gò ép gượng gạo. Vì thế đọc thơ, nếu ta thấy rung cảm xin đọc tiếp và nếu không cứ gấp sách lại, đừng vội phê bình.
(Viết đến tôi nhớ lại thời gian ở tù Cộng sản cùng với một nhà thơ tên tuổi tại biên giới Trung- Việt. Chúng tôi hỏi anh: "Tại sao nhiều bài thơ anh viết, chúng tôi chẳng hiểu anh muốn nói gì? "- Anh tủm tỉm cười trả lời: "Tớ còn không biết mình muốn nói gì, huống chi các cậu! Thế mới là trường phái 'thơ bí hiểm "...)

* Tập truyện ngắn 'Tình Mẹ Con' gồm 17 truyện: ít đạo nhiều đời, nhưng đầy tính nhân bản nên đạo lại vào đời, (Không như một số người lợi dụng và ngụy biện là muốn lưu truyền văn hóa cho các thế hệ sau, đem âm nhạc vào cung thánh đường, làm mất đi sự trang nghiêm tôn kính) - Nếu thơ là cô đọng tâm tư, thì truyện lại trải rộng tâm tình. Tập truyện gồm nhiều nội dung khác nhau, nhưng khái quát có thể chia thành 3 loại:

1. Truyện mang sắc thái truyền thống dân tộc: ' Tình Mẹ con, Lão Mốc, Tình người nghĩa khuyển...' gợi lại những hình ảnh phong tục, tập quán, cuộc sống bình dị...nhưng đầy tình người nơi làng xóm quê xưa.

2. Truyện tình thơ mộng: ' Chư Đồng Tử & Tiên Dong, Bản nhạc chiều, Bông hồng nhung...' mô tả những mối tình thơ mộng lãng mạn nhưng cao thượng trong sáng, khó tìm thấy trong xã hội ngày nay.

3. Truyện người viễn xứ: ' Có một ngày mai, Công cha nghĩa mẹ, Những mảnh đời đầu đường xó chợ, Đĩa tóp mỡ...'


Kể lại sự va chạm khó tránh giữa hai thế hệ mới cũ và những trăn trở, buồn phiền, khổ lụy...của cả hai thế hệ.

Ngoài ra còn 2 truyện mang tinh thần đề cao hay xây dựng điều hay cái dở: ' Phở- Đi đám cưới.'

Tôi thích lối viết mộc mạc chân tình của tác giả, không cầu kỳ chải chuốt, lựa lọc làm dáng ngôn từ...Đọc nhiều truyện gợi lại cho tôi những kỷ niệm đẹp tưởng đã chôn vùi trong quá vãng. Rất tiếc những hình ảnh khó quên ấy tôi không thể diễn tả chân thực được ví lúc đó tôi còn là một đứa trẻ ngây thơ.

Qua phần tiểu sử, nhận thấy tác giả có một chiều dầy kinh nghiệm về nhiều lãnh vực:

- Giáo dục: 7 năm là nhà giáo và là soạn giả 1 số sách giáo khoa về văn chương, triết học cho các lớp Tú Tài I và II.

- Chính tri: 4 năm Dân biểu Quốc Hội VNCH với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Phát triển Nông thôn và tham dự Hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ Quốc tế tại Rome 1972.

- Xã hội: 20 năm làm chuyên viên Xã Hội Quận Cam California.

- Văn hóa: 40 năm miệt mài nghề văn nghiệp bút, đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong và ngoài nước với nhiều thể loại: giáo khoa, triết học, văn học, thơ, truyện ngắn, truyện dài, bút ký cùng nhiều bài viết trên báo chí và mạng điện tử với nhiều bút hiệu: Bút Xuân, Xuân Vũ, Trần công Tử.


Hiện nay, bác sắp bước vào tuổi ' Đại Thọ Bách Tuế 'nên sức khỏe và trí nhớ giảm dần, không còn cộng tác v ới mấy Nguyệt san và một số mạng điện tử.

Đó chỉ là vài dòng sơ lược về nhà giáo, nhà văn, nhà thơ... TRẦN ĐÌNH NGỌC..

Đây không phải là bài nhận định phê bình về 1 tác giả và tác phẩm, cũng không có ý muốn 'mặc áo thụng vái nhau' - nhưng chỉ là câu chuyện tâm tình cùng một Người Anh khiêm tốn đáng kính và ghi nhận những đóng góp miệt mài gần cả cuộc đời để giữ gìn sự trong sáng của văn hóa Đất Nước, xây dựng một thế hệ trẻ lành mạnh tương lai – mà một số người đã cố tình quên đi hay che lấp để đề cao những sản phẩm văn hóa lai căng, không có một chút bản săc đân tộc - lại còn khoe khoang là bảo tồn văn hóa quí báu đáng lưu lại cho con cháu chúng ta. Ôi! Những lời ru ngủ trâng tráo này đã làm lu mờ đầu óc nhiều người.

Tân Niên, nguyện cầu Bác còn đủ sức khoẻ để trao lại cho đời những Bông Hoa tinh thần tươi đẹp. Kính chúc: Bút Xuân Tuổi Vàng đón nhận nhiều Hồng Ân Thiên Chúa trao ban.
Mượn lời Hai Môn Đệ Emmau, xin Chúa nâng đỡ an ủi Bác trong lúc tuổi già bóng xế:

' Xin Ngài ở lại cùng con,
Vì chiều ngã bóng hoàng hôn xuống dần.'

Đinh Văn Tiến Hùng

*Với bút pháp linh hoạt tác giả Bút Xuân đã ghi lại câu chuyện cảm động sau đây:

Tấm Thẻ Bài Của Cô Bác Sĩ Vivian Le-Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Câu chuyện được bắt đầu vào sáng ngày 23-3-1975
...

Sau khi chồng và con trai bị chết vì đạn pháo kích của Việt Cộng đồng thời bị thất lạc đứa con gái trong ngày di tản tại tại bãi biển Chu Lai, chị Buôn quấn quýt chạy khắp nơi để hỏi thăm về đứa con gái của mình... chị đã được một người chạy nạn cho biết:
"Con bé khoảng 9 hay 10 tuổi mặc cái áo xanh, quần đen, cổ có đeo cái thẻ bài của lính là con chị sao? Nó được một người trên ca nô nhào xuống nước bơi vào vớt nó đưa lên ca nô ra tầu lớn rồi. Thật là may mắn cho nó!"...

Lệ, đứa con thất lạc của chị Buôn được đưa lên tầu Hải Quân với chiếc thẻ bài đeo toòng teng nơi ngực. Người ta thấy có khắc tên: Lê Văn Buôn, số quân:... Họ hỏi Lệ. Lệ nói đó là tên ba nó, ba Buôn của nó, bị lọt lại với má và ba đứa em tại bãi biển Chu Lai. Mới đầu Lệ sụt sùi khóc nhưng có người đàn bà ngồi gần bảo nó khóc không ích gì. Nó cắn răng nghe lời bà này, làm theo những gì người ta chỉ bảo. Tiếng nổ làm cho nó ù tai nhưng cái sợ làm nó quên cả. Kể từ lúc quả lựu đạn nổ, nó gần như mê đi cho đến khi có người vớt nó đưa lên ca-nô rồi lên tầu.

Người vớt nó lên ca nô và đưa nó lên tầu, nhận nó là con nuôi là một Thiếu úy Hải quân mới ra trường. Sau thời gian huấn luyện dài đằng đẵng, tim anh còn đầy ắp tình người dành cho đồng hương và cả nhân loại. Ước mơ của anh là những chuyến hải hành xa, đi đến chân trời góc biển, đi đến những đô thị lớn hoa lệ, nguy nga, ngợp ánh đèn về đêm và nườm nượp xe cộ, người đi bộ trên hè phố ban ngày.

Anh tên Lê trọng Nghĩa, 28 tuổi, quê quán ở miệt Thủ Dầu Một, ra trường với hạng cao trong số hơn 60 sinh viên tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và hiện là một sĩ quan ưu tú của Giang Đoàn 240 đóng ở miền Trung. Chiếc tầu Nghĩa và đứa con nuôi là Lệ về đến bến Bạch Đằng Sài Gòn vào tuần đầu tháng 4-1975, đang lúc Sài Gòn lên cơn sốt y như miền Trung mấy tuần trước. Nghĩa đưa Lệ đến gửi vợ một người bạn trong Trại Sĩ Quan bến Bạch đằng, lại gửi tiền và nhờ Xuân Hà, tên vợ người bạn, đi mua sắm quần áo và những thứ cần thiết hàng ngày cho Lệ. Xuân Hà nhìn Nghĩa rồi nhìn Lệ và hỏi nhỏ Nghĩa:

"Con bé xin được ở đâu mà xinh quá vậy? Tốn vài tạ gạo nữa là đã ra dáng tiểu thư rồi. Anh lựa hay lắm".

Nghĩa nghiêm nét mặt bảo Xuân Hà:

"Chị đừng nghĩ vậy. Ba má nó và ba đứa em còn kẹt lại Chu Lai. Chỉ có mình nó được tôi cứu lên tầu. Tôi nhận nó làm con nuôi".

Xuân Hà tính đùa thêm một câu nhưng thấy mặt Nghĩa lạnh như tiền nên không dám cợt nhả nữa.

Ngày 28-4-1975, Nghĩa lại mang Lệ lên một chiếc tầu Hải Quân HQ thực lớn để chạy sang Guam. Nghĩa con một, cha mẹ Nghĩa đã lớn tuổi muốn sống và chết ở Thủ Dầu Một nên không đi mặc dầu trong thời gian ở Sài Gòn, Nghĩa đã cải trang về thăm và mời ông bà đi.

Sau 5 tháng ở trong trại tạm cư ở Guam, Nghĩa và Lệ được một nhà thờ bảo trợ đi South Carolina. Từ đây, Nghĩa xin Basic Grant của tiểu bang để vào đại học học kỹ sư cơ khí. Ngoài giờ học, Nghĩa đi làm bán thời gian time cho tiệm Sears ở downtown để lấy tiền chi phí ăn ở cho hai cha con. Nghĩa xin cho Lệ vào học ở trường tiểu học địa phương, có xe bus nhà trường đưa đón mỗi ngày và ăn sáng, ăn trưa miễn phí vì hai cha con Nghĩa chưa có lợi tức. Nghĩa chỉ thêm bài vở cho Lệ mỗi buổi tối sau khi cơm xong. Lệ thông minh nên học rất nhanh. Để giúp ba Nghĩa, nó biết đặt nồi cơm điện, luộc rau, luộc trứng, làm những món giản dị rồi chờ ba Nghĩa về ăn cơm.

Mặc dầu vào ngang thiếu căn bản 4 lớp đầu (học trình Hoa Kỳ), nhưng Lệ đã học xong lớp 5 Việt Nam, Lệ học lại với ba Nghĩa và một cô giáo Mỹ dạy kèm (tutor) tất cả những gì cần thiết chưa được học ở các lớp dưới, nhất là Anh ngữ, vì vậy Lệ tốt nghiệp trung học lúc mới 17 tuổi với điểm trung bình 4.0, một thành tích vượt mức ngay với học sinh bản xứ.

Nhiều lúc Lệ nhớ ba má, nhớ các em day dứt nhưng nghe ba Nghĩa khuyên, Lệ phải cố quên. Lệ cũng nghĩ và tự nhủ lòng, có khóc, có nhớ ba má và các em cũng không làm được gì, chỉ cản trở việc học. Đã từng ở trong cảnh nghèo của cha mẹ ở Việt Nam, Lệ biết được đi học thế này là một diễm phúc vì vậy Lệ cố gắng và chăm chỉ hết mức. Ba Nghĩa cũng khuyên Lệ, sau này có thể có bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, khi ấy Nghĩa sẽ tìm cách hỏi thăm tìm ra tung tích ba má và các em Lệ. Lệ nghe thế lại tạm yên lòng và hy vọng.

Mùa Thu năm đó, Lệ vào trường Đại Học Y Khoa South Carolina. Sau 3 năm, Lệ lấy cử nhân Sinh Vật Học với lời khen của Hội Đồng Giám Khảo. Lệ chuyển qua học ngành Nhãn Khoa (Opthalmology). Năm 1990, Lệ đậu bằng bác sĩ nhãn khoa hạng tối ưu với lời ngợi khen của Ban Giám Khảo. Lệ được mời dạy môn Nhãn Khoa cho sinh viên cùng trường. Lệ hỏi ý kiến ba Nghĩa, sau đó Lệ xin khất cho đến khi trở về từ Việt Nam.

Tốt nghiệp xong, Lệ bàn với ba Nghĩa, lúc này đã có vợ và một đứa con trai 2 tuổi, ba Nghĩa đồng ý, Lệ đi mua vé máy bay về Việt Nam tìm cha mẹ và các em. Sau hơn 10 năm bế quan toả cảng cả nước sắp chết đói, lúc này (từ 1985) chế độ bắt buộc phải mở cửa cho kinh tế thị trường nên cũng dễ dàng cho Lệ đi lại.

Lệ và một người bạn thân về đến Chu Lai vào một buổi chiều mùa Hạ năm 1990 sau khi đã lặn lội đi bằng đủ thứ xe từ Sài Gòn ra miền Trung. Sau 15 năm, quang cảnh cũ đã thay đổi nhiều. Có những căn nhà mới mọc lên nhưng cũng có nhiều căn trại cũ biến mất. Chỉ có bãi biển, trông vẫn như trước mặc dù có nhiều hàng quán mọc lên bán thức ăn, thức uống cho du khách. Trại Gia Binh ngày nào không còn. Lệ muốn được gặp lại những người hàng xóm của ba má Lệ ngày xưa như vợ chồng bác Sáu, vợ chồng chú Đàm, vợ chồng cô Bé... để hỏi thăm về cha mẹ và các em nhưng đi quanh quanh làng xóm, Lệ không kiếm ra một người quen cũ.

Lệ đeo cái thẻ bài vào cổ như ngày 23-3-1975 ra bãi biển Chu Lai, nhà nào Lệ cũng vào hỏi thăm và cho con cái họ quà bánh Lệ đem từ Hoa Kỳ về, giơ chiếc thẻ bài cho họ coi và hỏi thăm xem có ai biết ba má và các em Lệ không? Nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Vốn đã có định kiến, Lệ xin phép chính quyền sở tại, không quên quà cáp cho họ, để mở phòng mạch khám mắt miễn phí cho mọi người. Một nữ bác sĩ Hoa Kỳ, cô Ruthie O'Brien, bác sĩ gia đình, vốn là bạn thân và cùng ra trường một ngày với Lệ, cùng đi với Lệ về chơi thăm miền Trung Việt Nam, nhân dịp cũng bỏ đồ nghề ra khám bệnh và cho thuốc cùng những lời khuyên hữu ích để phòng ngừa bệnh tật. Các gia đình đến khám mắt và khám tổng quát, nhất là những ông già bà cả đều được hỏi về Trung Sĩ Lê văn Buôn, Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 1, Sư Đoàn 2 Bộ Binh vào tháng 3 năm 1975 nhưng không một ai biết. Mỗi buổi chiều khi khám bệnh xong, Lệ và Ruthie thường ra bãi biển Chu Lai ngồi ngắm sóng và ngắm hoàng hôn trên biển, nghe những tiếng rì rào của sóng biển chạy vào bờ rồi lại trườn ra xa. Thấy bạn buồn vì không tìm ra gia đình, Ruthie lựa lời khuyên nhủ và hỏi Lệ có còn muốn đến nơi nào khác để kiếm không? Lệ nghĩ chỉ có hai nơi khác ba má Lệ có thể ở là Nha Trang, quê của ba và Trà Vinh, quê của má. Lệ nói cho Ruthie nghe những nơi Lệ hi vọng nhiều nhất, sau đó Ruthie khuyên Lệ nên đi Nha Trang.

Nha Trang không hứa hẹn nhiều cho việc tìm kiếm vì Lệ đã đến đây gần một tuần, đi khắp nơi hỏi nhưng không ai biết cựu Trung Sĩ Lê Văn Buôn và vợ con.

Lệ thất vọng hoàn toàn, thầm nghĩ chỉ còn một nơi nữa là Trà Vinh. Nếu tại Trà Vinh cũng không có tung tích thì coi như gia đình Lệ đã bị tiêu tán trong hoặc sau ngày 23-3-1975. Nghĩ đến đó, Lệ cảm thấy buồn muốn khóc. Ba má và các em đi hết chỉ để lại mình con thôi sao, thế thì con có sống cũng mang mối u hoài đau khổ ấy suốt đời! Thà con ở lại nhà chia sẻ những đau khổ với ba má và các em rồi chết chung một huyệt cũng là xong một kiếp người. Lệ buồn khôn tả và khóc mỗi đêm về nhưng không dám cho Ruthie biết.

Một buổi sáng, Lệ cùng Ruthie mướn một chiếc xe hơi với tài xế để đi thăm Hòn Chồng, nơi thắng cảnh đẹp có tiếng của Nha Trang. Thật ra Lệ không còn tâm trí đâu ngoạn cảnh vì "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nhưng để chiều Ruthie, Lệ cho Ruthie đi nơi này nơi kia chụp hình lưu niệm và dọc đường có thể tìm vào các quán ăn ngon, các khách sạn sang trọng mướn phòng ngủ qua đêm. Lẽ ra trong chuyến đi này, Lệ mang theo vị hôn phu là Bác Sĩ Vĩnh Quang Dũng, chuyên khoa bệnh tiêu hóa, tốt nghiệp trước Lệ 3 năm và hai người quen nhau khi cùng làm việc trong một bệnh viện nhưng Dũng phải đi Á Căn Đình dự một Đại Hội Y Khoa toàn cầu về bệnh tiêu hóa, đại diện cho Bộ Y Tế Hoa Kỳ. Còn vị hôn phu của Ruthie có cha già đang nằm bệnh viện chữa trị bệnh tiểu đường nên anh cũng không thể theo Ruthie đi du lịch Việt Nam được.

Sau khi đã dạo chơi bãi biển hơn hai tiếng đồng hồ, Lệ đề nghị tài xế chở vòng qua con đường phía sau, nơi đây lưa thưa có dăm cái nhà trên bãi cỏ hoang. Phong cảnh quá tiêu sơ và u buồn, không có bóng một đứa trẻ. Lệ và Ruthie bàn với nhau đi xuống cuối con đường rồi trở lại, trở về thành phố Nha Trang.

Mới đi thêm một khoảng ngắn, đột nhiên chiếc xe bốc khói ở máy. Tài xế vội cho xe ngừng lại và kiểm soát máy thấy máy cạn khô không còn một giọt nước. Anh ta hoảng hồn tắt máy và ngơ ngáo đi tìm xung quanh để kiếm nước châm vào máy. Đó đây, ngoài con lộ đắp bằng đất đỏ thì toàn là gò đống và bụi cây mọc lưa thưa, tít tắp xa mới thấy vài mái tranh hiện trên nền trời xanh lơ. Lệ và Ruthie phải ngồi chờ dưới gốc cây cho bớt nắng trong khi bác tài lội bộ đi tìm nước.

Chợt Lệ trông thấy một đám người lố nhố trên một cái gò, cách xa Lệ khoảng 400 mét. Lệ chợt nghĩ hay là họ đào huyệt chôn người chết như hồi còn bé Lệ đã thấy ở Chu Lai nhưng sao không nghe tiếng khóc cũng không thấy quan tài. Trí tò mò thúc đẩy Lệ vào đó coi xem sao. Lệ cũng có ý nghĩ giúp đỡ công việc họ đang làm, nếu họ quá nghèo, cần đến một, vài chục đô la của Lệ.

Lệ nói cho Ruthie nghe ý nghĩ của mình, bảo Ruthie ngồi đó chờ mình nhưng Ruthie không chịu, đứng lên cùng đi với Lệ. Hai cô gái cứ tưởng gần và ruộng khô, nào ngờ coi vậy nhưng khoảng cách khá xa và có những chỗ nước ngập mắt cá, hai cô phải tháo giầy cầm trên tay để đi.

Khoảng sáu, bảy người vừa đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ cắm cúi nhìn vào một cái lỗ huyệt đang đào do 4 thanh niên khoẻ mạnh, người cầm xẻng xúc đất đổ vào mê tre, kẻ bê đất đổ lên bờ, để dần dần hiện ra tấm nắp thiên bằng gỗ đen sì một cái quan tài.
Từ xa lội tới, hai cô gái đã bị những cặp mắt tò mò của đám người trên gò nhìn thấy và theo dõi. Khi hai cô tới gần, tất cả đều ngừng tay nhìn chằm chằm như nhìn một hiện tượng lạ.
Họ quá lạ lùng bởi từ xưa đến nay chưa có người ngoại quốc nào ăn mặc đẹp đẽ thế kia – đám người cho rằng cả hai cô là gái Mỹ, Pháp, Anh, Úc chi đó, lại lội ruộng vào cái gò này để coi cải mả.

Phải, họ đang cải mả. Họ đào cốt người thân chết đã lâu năm, bỏ sang một cái tiểu sành, kiếm chỗ thuận tiên, gần gũi hơn đặt xuống.

Lệ mở lời khi nhìn một người đàn bà lam lũ, già yếu, mặt mày nhăn nheo:

"Chào các bác, các chú, các anh, các chị. Cháu là người Việt sống tại Hoa Kỳ về thăm quê hương. Các bác, các chú đang cải táng cho thân nhân, phải không ạ?"

Nghe cô con gái nói tiếng Việt, cả đám người thật ngạc nhiên. Sao cô gái trông như Mỹ này, chỉ khác mớ tóc đen, lại là người Việt, nói tiếng Việt thạo quá. Họ bỏ xẻng cuốc đứng vây xung quanh hai cô gái. Người đàn bà lớn tuổi trả lời:

"Phải, người ở dưới huyệt là chồng tôi, chết từ năm 1975".

Lệ nghe giọng nói người đàn bà có điều ngờ ngợ nhưng chưa dám tin là mình có thể đúng. Nhân tiện, cứ hỏi thăm xem có ai biết được ba mình không? Lệ chìa tấm thẻ bài đeo trong ngực áo ra cho họ coi, nói:

"Tấm thẻ bài này của ba tôi. Tôi không biết gia đình ông còn sống không và nay ở đâu. Ông tên là Trung Sĩ Lê Văn Buôn".

Người đàn bà trân trối nhìn Lệ xong ngập ngừng nói:

"Thế này thực không phải. Xin lỗi... Có phải tấm thẻ bài này của lính Việt Nam Cộng hoà và cô là... Lệ phải không?"

Điều Lệ nghi ngờ đã đúng. Giọng nói người đàn bà và nhìn kỹ từ đầu đến chân, Lệ thấy đúng là má Lệ, không còn sai vào đâu được. Lệ ôm chầm lấy bà khóc rưng rức:
"Má ơi! Con đây, Lệ của má đây. Má còn nhận ra con không?"

Bà Buôn, phải, vì người đàn bà đó chính là vợ goá của Trung Sĩ Lê văn Buôn, càng ôm chặt Lệ hơn. Bà rên rỉ:

"Lệ ơi, má đâu có ngờ Trời Phật còn cho gia đình mình ngày hôm nay. Người nằm dưới huyệt kia chính là ba con đó. Quả lựu đạn ngày 23-3 đã giết ba và thằng Chưởng. Còn lại hai đứa đứng kia, thằng Tung, con Bi giờ đã lớn từng đó"
.
Lệ quay ra ôm hôn đứa em gái và thằng em trai. Chúng cũng xúc động nhưng không xúc động bằng má Lệ và Lệ vì khi xẩy ra biến cố tan nát gia đình, chúng còn quá nhỏ.
Bà Buôn hỏi Lệ:

"Con đeo tấm thẻ bài này 15 năm nay để đi tìm ba má và các em phải không?"

"Dạ, đúng thế má. Con đi tìm ba má và các em vì con đâu biết ba đã hy sinh ngày hôm đó".

Ruthie đứng ngó mấy mẹ con ôm nhau cũng xúc động nhưng trong ánh mắt cô đọc thấy những tia sáng hân hoan vô bờ của bạn và của mẹ của bạn. Chuyến đi hoàn toàn thành công quá sức mong mỏi, cô lẩm bẩm.

Bốn thanh niên lại tiếp tục đào. Họ cậy tấm nắp thiên. Bộ xương người đen sì lõng bõng nước. Ruthie nhìn thấy sợ quá phải đứng tránh ra xa. Cô đã quen với xác chết trong các bệnh viện nhưng không phải là bộ xương đã rữa mục này. Lần đầu tiên Lệ nhìn thấy bộ xương cải táng nhưng Lệ không sợ mà Lệ muốn đứng thật gần để nhìn cho rõ hình hài của người cha đã sinh ra mình.

Khi má Lệ hỏi Lệ vì sao biết mà vào đây. Lệ thuật lại từ đầu tới cuối, vì sao xe phải ngưng lại, bác tài xế phải đi kiếm nước đổ vào máy xe để đi tiếp v.v...

Bà Buôn thắp lên mấy cây nhang và hai ngọn nến trong khi mấy người đàn ông đổ rượu trắng ra cái chậu sành và rửa từng khúc xương cho sạch, lấy giấy bản lau khô xong xếp vào một cái tiểu sành mầu đất nung đỏ quạch. Trong số người lo chuyện cải táng, có chú Năm thợ hồ có nhiều kinh nghiệm. Chú vừa làm vừa chỉ dẫn cho mấy anh thanh niên làm. Chú nói:

"Tôi học nghề cải táng từ năm mới 16 tuổi mà năm nay đã 55, coi như 39 năm trong nghề mà tôi chưa thấy một vụ nào lại linh thiêng như Trung Sĩ Buôn đây. Nghe cháu Lệ vừa nói thì cháu đã để tâm tìm ba má cháu nhiều năm nhưng không ra tung tích; đến bữa nay hồn thiêng trung sĩ dun dủi làm cho chiếc xe hơi đang chạy ngon lành bỗng hết nước ở ngay khúc đường này, xe bốc khói xuýt cháy máy và từ đó cháu Lệ mới có cơ hội lặn lội vào cái gò này vì tính tò mò và cũng vì tính thương người, muốn giúp đỡ người nghèo. Vì thế mà Trời Phật không bỏ cháu.."

Bác tài xế đã lặn lội đi xin được một bình nước đổ vào xe. Thay vì hai thanh niên phải khiêng chiếc tiểu sành, giờ này chiếc tiểu sành được bỏ lên xe, mọi người về nghĩa trang gần nơi cư ngụ của gia đình bà Buôn.

Nghe Lệ kể sơ lược từ lúc được ba Nghĩa nuôi vớt lên tầu và được học hành ở Hoa Kỳ, hiện đã là một bác sĩ Nhãn khoa Hoa Kỳ, tiền bạc dư dả, tương lai sáng lạn, bà Buôn quá sung sướng lại khóc. Bà chạnh lòng nghĩ đến người chồng bạc phước đã chẳng được sống thêm để nhìn thấy sự thành công của đứa con gái ông yêu quý nhất đời.

Huyệt mộ cho cái tiểu sành đựng nắm xương của người cha bạc số của Bác Sĩ Vivian Le đã đào xong, nhỏ và nông nên đào rất nhanh. Lần này nó không nằm trên gò đất chung quanh là sa mạc sỏi đá, cây cỏ hoang vu mà ở trong một nghĩa trang đẹp đẽ bên ngoài thành phố Nha Trang.

Khoảng 4 giờ chiều, mọi việc hoàn tất, bà Buôn, Lệ và hai đứa em của Lệ thắp hương, sụp quỳ, vái lậy, khấn khứa. Lệ cố hết sức giữ cho khỏi quá xúc động nhưng khung ảnh trắng đen của cha Lệ trước mặt lúc nào cũng như đang nhìn Lệ âu yếm làm Lệ tràn nước mắt và cái ngày độc địa 23-3-1975, tại bãi biển Chu Lai, lại hiện rõ mồn một như Lệ đang đứng sát bên cha Lệ, bám vào tay ông cho khỏi sóng đánh ra xa.

Nỗi buồn năm xưa dù chưa quên được nhưng hiện tại vẫn là đáng sống. Mẹ con bà Buôn đành phải khép lại trang sử đẫm máu của gia đình và của xóm giềng, thân thuộc để xây dựng ngày mai tươi sáng hơn.

Lệ đã đưa tiền cho má và em đi chợ mua các thức ăn về làm một bữa cơm đãi đằng chòm xóm và những người thân thuộc, trả công hậu hĩ cho những người cải táng hôm đó. Ai cũng tấm tắc khen sao lại có cái thần giao cách cảm đó để mà đến đúng chỗ, đúng lúc, gặp lại mẹ và em và nhìn được hài cốt của cha. Chuyện thực mà khó tin, xẩy ra như trong một giấc mơ.

Nhờ có nghề nghiệp cao và lợi tức vững vàng lại công dân Mỹ của Lệ, hơn hai năm sau bà Buôn và Tung, Bi đã đoàn tụ với Lệ ở Hoa Kỳ.

Bà Buôn lập một ban thờ, một bên để tấm ảnh cuối cùng của thằng Chưởng khi nó 3 tuổi, một bên treo tấm thẻ bài, ở giữa ban thờ là bát hương, có bài vị và khung ảnh đen trắng của Trung Sĩ Lê văn Buôn, người chiến sĩ kiêu dũng Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì Tổ Quốc, người chồng, người cha thân yêu vẫn luôn luôn như đang mỉm cười với vợ và các con!