Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn Trầm Mặc của văn hào Endo Shusaku (1923-1996), cách riêng hình ảnh tử đạo trên bìa sách, tôi như chết lặng và bật lên câu hỏi: "Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng? Tại sao Ngài luôn luôn im lặng?". Lúc đó tôi có cảm giác câu hỏi giống như một tiếng kêu bi thương của nạn nhân khi đứng trước tai họa khốc liệt. Tôi liền lục lọi trong ký ức của mình xem đã bao giờ tôi từng thốt lên một cách vô thức như thế.
Trước tiên, tôi xin phép chia sẻ một câu chuyện tình cờ đọc được.
Một gia đình nọ mấy đời theo đạo, họ luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót vô cùng. Người yêu thương nhân loại như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Vì vậy cả gia đình đó cố gắng sống đạo sốt sắng và ngay thẳng với niềm hi vọng sẽ được Thiên Chúa luôn che chở và ban cho nhiều ân phúc. Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi người cha và mẹ đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Buổi sáng, cả gia đình họ vẫn vui vẻ chào tạm biệt chia tay nhau đến trường và đến công sở, nhưng tin dữ ập đến bất ngờ, cướp đi cha mẹ của họ mãi mãi. Trên khuôn mặt hốc hác, mệt lả vì đã khóc quá nhiều, người con trai khàn giọng hét lên giữa trời: "Tại sao? Lạy Chúa!" Nhưng Chúa hoàn toàn im lặng!
Nỗi đau thương chưa nguôi thì anh ấy tiếp tục nhận một tin dữ khác. Đứa em gái hồn nhiên bé bỏng không may bị đuối nước, không qua khỏi. Và thiên thần nhỏ xinh ấy đã chìm vào giấc ngủ bình yên vĩnh viễn, không bao giờ trở về nữa. Lần này anh ta lặng lẽ quỳ gối, toàn thân run rẩy nhìn lên thánh giá khẽ thều thào: "Lạy Chúa, tại sao? Tại sao em con lại chết? Một đứa nhỏ đáng yêu, ngây thơ như vậy. Tại sao Chúa để những chuyện đau thương liên tiếp ập đến với con?" Nhưng Chúa vẫn im lặng!
Bản thân tôi chưa gặp những biến cố đau thương như người đó, nhưng từng có những chuyện ngoài ý muốn cũng bất ngờ xảy ra với tôi, không rõ nguyên nhân. Và tôi đã không ngừng thốt lên những lời than trách như vậy: Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?
Thiên Chúa dùng đau khổ để trừng phạt tội lỗi của con người sao?
Và Thiên Chúa ở đâu khi tai họa giáng xuống những người lương thiện?
Đó cũng chính là những băn khoăn của vị linh mục bội đạo Rodrigues - nhân vật chính trong tác phẩm Trầm Mặc của văn hào Endo Shusaku mà tôi sắp giới thiệu dưới đây.
Cơ duyên giúp tôi được biết đến tác phẩm Trầm Mặc là sau một lần được trò chuyện cùng một vị linh mục rất đáng kính.
- Cha có ấn tượng đặc biệt gì về nhà văn đó ạ?
- Một văn hào Công giáo hiếm hoi của Nhật Bản. Cha có đọc trong bách khoa thư tiếng Anh, nhưng rất tiếc là tác phẩm đó chưa có bản dịch tiếng Việt."
Đó là nội dung đoạn hội thoại ngắn giữa hai cha con, và cũng chính là cơ duyên khiến tôi tìm đọc cuốn sách. Vị linh mục đáng kính tôi muốn nhắc đến chính là người sáng lập và chủ biên trang Văn Thơ Công Giáo, cũng là người đã Việt hoá bộ sách Thần Khúc nổi tiếng của đại thi hào Dante, mới xuất bản năm 2022.
Bản thân tôi là một người trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, nhất là khả năng cảm thụ văn học và vốn liếng ngoại ngữ còn rất nhiều hạn chế. Nhưng may mắn cho tôi khi còn là học sinh, ngoại tôi luôn định hướng và khuyên nhủ chúng tôi chăm chỉ đọc sách. Với một lí do hết sức đơn giản: Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ giúp con viết văn đỡ bị sai lỗi chính tả. Tuy nhiên tôi chỉ chọn đọc những cuốn sách giải trí thuộc thể loại như truyện tranh, sách kỹ năng sống hoặc một vài cuốn tiểu thuyết trinh thám... Ngoại trừ nhà văn trinh thám Higashino Keigo và vị nữ tu sĩ, nhà văn Công giáo Kazuko Watanabe mà tôi yêu thích, còn lại nếu nói đến văn học Nhật Bản hoặc các cuốn sách văn học Công giáo đồ sộ thì rõ là một điều vô cùng xa vời đối với tôi. Sau khi đọc phần tóm tắt nội dung của cuốn sách được linh mục Đình Chẩn giới thiệu, và đặc biệt là câu hỏi cuối bìa sách: "Tại sao Chúa mãi lặng im?" khiến tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Lúc đó như có một động lực vô hình thôi thúc mạnh mẽ, tôi gạt bỏ mọi rào cản về khoảng cách ngôn ngữ, gạt bỏ hạn chế về vốn hiểu biết văn học yếu kém và bắt đầu mở sách ra mò mẫm đọc từng trang. Việc tìm đọc cuốn sách Trầm Mặc đến với tôi hoàn toàn tình cờ và rất tự nhiên như thế. Tuy nhiên từng chương truyện đối với riêng tôi đọng lại nhiều cảm xúc, rất hồi hộp và vi diệu.
Nhắc đến văn hào Endo Shusaku, chắc hẳn có nhiều độc giả đã từng biết đến ông. Đúng như cha đã chia sẻ, qua tìm hiểu tôi được biết Endo Shusaku là một nhà văn Công giáo hiếm hoi của Nhật Bản vinh dự gặt hái được nhiều thành công nhờ những tác phẩm viết về lịch sử và cả hiện đại. Những tác phẩm của ông có một điểm chung là thường đi sâu vào sự va chạm khốc liệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa những băn khoăn kiểu rất người Nhật khi đi tìm chính mình. Có thể kể đến một vài tác phẩm khá nổi tiếng như Biển và độc dược (1957), Samurai (1980), Bên dòng sông Hằng (1993),... Và tác phẩm Trầm Mặc cũng được gọi là "thành tựu tuyệt đỉnh của Endo", là "một trong những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ XX".
Đúng như danh xưng gắn cho tác phẩm, việc đọc cuốn sách thực sự không hề dễ dàng đối với một độc giả còn non nớt như tôi: Khó khăn về rào cản ngôn ngữ, sự thiếu hiểu biết về văn hóa và lịch sử của đất nước Nhật Bản. Ngoài ra, vốn từ về đạo Công giáo không phong phú đã khiến tôi gặp không ít khó khăn. Khi tôi bập bẹ đọc xong Lời nói đầu của cuốn sách, tôi đã hỏi giáo viên người Nhật hướng dẫn tôi và thầy khuyên tôi không nên đọc cuốn sách đó. Lí do vì đó là một cuốn tiểu thuyết tôn giáo lịch sử, có nhiều từ vựng sử dụng trong sách là phương ngữ cổ xưa của người Nhật, sẽ khó giải thích cho người ngoại quốc hiểu. Và hơn hết, cuốn sách tái hiện khá nhiều hình thức tra tấn dã man của người xưa gây ảnh hưởng tiêu cực cho một người ngoại quốc đang tìm hiểu văn hóa Nhật Bản.
Thực sự giống như lời thầy chia sẻ, trong quá trình đọc hiểu cuốn sách, rất nhiều lần tôi đã có ý định dừng lại nửa chừng. Tôi hoàn toàn không hiểu khái niệm "tiểu thuyết lịch sử" là gì, khái niệm về thể loại văn học đó hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Và văn phong của văn hào này như thế nào, rồi bối cảnh của đất nước Nhật Bản khi đó ra sao...vv.
Lúc đó tôi đã luôn tự hỏi bản thân: Mình đọc cuốn sách này làm gì vậy? Đọc với mục đích gì? Với khả năng ngoại ngữ yếu kém của mình làm sao có thể đọc được một tác phẩm khó như vậy. Thực sự việc đọc hiểu và dịch một cuốn sách không hề đơn giản như tôi đã nghĩ: chỉ cần sao chép trên cái nền sẵn có.
Nhưng thật may mắn cho tôi, cùng với sự động viên của quý Cha, quý giáo viên đồng hành và hướng dẫn, tôi đã bắt đầu mon men đọc thêm được từng chương truyện. Tôi được nhận các tài liệu về lịch sử truyền giáo vào Nhật Bản của các vị thừa sai Dòng Tên từ thế kỉ XVII, tôi được hướng dẫn tìm đọc lịch sử đất nước Nhật Bản thời kỳ bế quan tỏa cảng (trong các giai đoạn Azuchi – Momoyama và thời kỳ Edo...) để hiểu hơn về bối cảnh của đất nước Nhật Bản thời phong kiến. Ngoài ra tôi được gợi ý tiếp cận văn phong của tác giả qua các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt... Từng chút một như vậy giúp tôi có thêm động lực để đọc được đến những trang cuối cùng. Nhất là diễn biến nội tâm của vị linh mục bỏ đạo Rodrigues và nhân vật phản diện Kichijiro trong truyện cũng không ngừng thôi thúc tôi tò mò đi đến cùng. Kichijiro thật giống Giu-đa của Nhật Bản. Còn vị linh mục trẻ mang trong mình đầy nhiệt huyết và đức tin mạnh mẽ kia sẽ dần từng bước bị cám dỗ như thế nào? Tuy biết trước việc ông ấy sẽ chối bỏ đạo nhưng diễn biến của quá trình sa ngã đó khiến tôi vô cùng tò mò và trên hết là rất xúc động.
"Vì lí do gì? Tại sao Chúa lại cho con phải chịu đau khổ?... Thưa cha, con không làm điều gì sai." Kichijiro đã hét lên với vị linh mục khi anh ta phải chịu thẩm vấn thay cho người làng Tomogi. Và những lời cầu nguyện của vị linh mục đã khiến tôi nhiều lần bật khóc:
"Lạy Chúa, những người nông dân lương thiện này đã không làm gì sai trái, nhưng tại sao họ phải chịu những đau khổ này? Tại sao họ phải chịu những thử thách khó khăn và chịu bắt bớ tra tấn như này?"
Trong một thời gian dài, tôi đã tưởng tượng quá nhiều về những cuộc tử đạo vinh quang như được viết trong sách. Chẳng hạn như khi linh hồn các Ngài trở về Thiên Đàng, bầu trời tràn ngập ánh sáng huy hoàng và các thiên thần thổi kèn hát mừng... Tuy nhiên, cuộc tử đạo của các Kitô hữu Nhật Bản mà tôi đã đọc đây, không có một sự vinh quang nào hết. Nó quá tàn khốc và đau đớn! Quả thực, nhiều lần tôi đã chết lặng trên từng trang sách của Endo.
...
Biển đen tối, tiếng rên rỉ đau thương của Mokichi và Ichizo vì cái chết vinh quang của họ cho Chúa. Đằng sau sự tĩnh lặng đến kỳ lạ của biển, tôi cảm thấy sự im lặng của Chúa..."
Có lẽ đúng như nhận định của linh mục Rodrigues, nếu Kichijiro nhát gan được sinh ra trong thời bình, chắc hẳn anh ta sẽ trở thành một tín đồ nhiệt thành, luôn vui vẻ. Chỉ vì họ là những Kitô hữu sinh ra trong thời kì bách hại đạo nên phải chịu đàn áp dã man như vậy.
Vậy cuối cùng số phận của những con người đó sẽ ra sao? Thiên Chúa thật sự sẽ im lặng đối với cuộc đời của những người tin yêu Chúa sao?!
Không! Dù Chúa thinh lặng nhưng Người không chọn loại trừ sự đau khổ, mà cùng chịu sự đau khổ với nhân loại. "Đến đây nào, không sao! Con có thể giẫm lên. Ta biết rõ hơn bất kì ai nỗi đau của bàn chân con. Ta hiểu nỗi đau khổ của con. Con có thể giẫm lên. Vì phải bị giẫm đạp bởi con người mà Ta được sinh ra trên thế giới này. Và vì để chia sẻ nỗi thống khổ của loài người mà Ta mang cây thập tự của mình."
Nếu bạn đã từng trải qua những khó khăn khốn cùng trong cuộc sống, đã từng hỏi Chúa nhiều lần mà Ngài vẫn im lặng. Tôi hy vọng việc chuyển ngữ cuốn sách này sẽ như một lời gợi ý mở ra câu trả lời giúp cho mọi người tự chữa lành vết thương, những mất mát, thậm chí những cay đắng tuyệt vọng đó!
Cuối cùng, việc đọc hiểu cuốn sách thực sự hữu ích cho bản thân tôi. Lần đầu tiên tôi - một Kitô hữu, tự giác tìm đọc từng đoạn Kinh Thánh, cũng là cơ hội để tôi trau dồi ngoại ngữ. Khi hoàn thành bản dịch, lòng tôi trào dâng tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và biết ơn đến những vị ân nhân, cách riêng linh mục Đình Chẩn đã đưa tôi vào thế giới của văn hào Endo và đã luôn động viên tôi hoàn thành bản dịch này. Tôi đặc biệt biết ơn thầy Ito cùng các bạn học trong team Hello talk, đã đồng hành và giải đáp mọi thắc mắc giúp tôi trong quá trình thực hiện bản dịch, làm sáng tỏ nhiều thông tin về các nhân vật, sự kiện lịch sử Nhật Bản. Tôi cũng xin gửi lời cám ơn chân thành đến cha Trần Văn Hoài, chú Huy Nguyễn và anh chị của tôi đã tận tình hướng dẫn tôi tìm đọc hiểu các đoạn Kinh Thánh, hướng dẫn tìm mua sách và gửi về Việt Nam cho tôi. Đó là động lực trong suốt gần 1 năm qua giúp tôi cố gắng đọc đến những trang cuối cùng.
Bản dịch đầu tay của một người non nớt như tôi không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong quý độc giả cảm thông và góp ý để bản dịch được hoàn thiện hơn. Xin Thiên Chúa là Đấng quan phòng, thương chúc lành và trả công bội hậu cho tất cả quý vị!
【01/12/2022, Sachiko Maria】