Xuân du phương thảo địa - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
Lời kinh hôm ấy thơm như mật Em khẩn cầu, xin Chúa xót thương Đừng để mình xa xôi, cách trở Dã quỳ ơi, vàng rực, đưa hương NGUỒN:

Nhà ta trong đám mây xanh ấy
Em vẫn hình dung, mỗi sớm mai?
Áo trắng ngoài dây phơi, dậu biếc
Chờ hong khô, vạt gió bông lài

Dỗ tình, mai mốt khi xa xứ
Em có là hoa của những ai
Ta ở bên đây bờ, tưởng nhớ
Vời trông theo mấy khúc sông dài.

Hỏi người, hưng phế, bao còn mất
Đã rụng rơi, hay đà nhạt phai
Dạo khúc Xuân Du Phương Thảo Địa
Mà sầu đong càng lúc càng đầy

Hỏi mùa xanh có về phương ấy
Nhật nguyệt đôi vầng, hoa mãn khai
Thả mái chèo lơi, không bến đỗ
Tình tang nghiêng bầu rượu quan hoài

Hỏi nhành dương liễu xưa xa ấy
Bóng cả cây già hay mảnh mai
Tháng Chạp, ra Giêng, giờ ấm lạnh
Đầu non trăng xế gác hiên ngoài

Nhà ta trong đám mây xanh ấy
Chim én thường ngang qua giáo đường
Có chở giùm nhau trăm nỗi nhớ
Người bên đạo phải lòng bên lương

Cũng là thơm thảo làng quê cả
Giữ lấy tình riêng một thoáng hương
"Chim đã vui đàn, chim cất cánh
Ngựa còn rộng nước, ngựa rong cương"

Em là thiên sứ trời sai đến
Cứu rỗi đời ta muôn nhiễu nhương
Là kẻ trần gian thương tiếc bướm
Nên chưa vào được nước thiên đường

Ngày mai, trong đám mây xanh ấy
Em hoá thành chùm hoa mẫu đơn
Nở thắm một mùa nhân đức, nhé
Ta trôi sông, lạc chợ, vô thường

Này, người tơ tóc nơi sương giá
Có gặp hồn ta trong bóng gương
Mỗi cõi, một quê, sầu vạn cổ
Tà dương hề, quanh quất tà dương

Ngày mai, trong đám mây xanh ấy
Em cứ hồn nhiên như trẻ thơ
Líu ríu cùng ai đi lễ sớm
Đăm đăm em ngước lên bàn thờ

Lời kinh hôm ấy thơm như mật
Em khẩn cầu, xin Chúa xót thương
Đừng để mình xa xôi, cách trở
Dã quỳ ơi, vàng rực, đưa hương

Ngày mai, trong đám mây xanh ấy
Em mở giùm tôi trang Thánh Kinh
Chúa bảo, chúng mình còn vụng dại
Như loài chim én mãi lênh đênh.

Sài Gòn, 7.1970 - Lê Đình Bảng

Đọc bài thơ hay xong, mời quý vị thưởng thức thêm bộ tranh vẽ cuộc sống người Việt vào thập niên 1930. Tranh vẽ theo sự gợi ý của ông Jules Gustave Besson, Chánh Thanh tra các Trường Mỹ thuật và Mỹ nghệ ở miền Nam và cũng là Hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Gia Định đến hơn 10 năm. Học sinh của trường Vẽ Gia Định đã tham gia đông đảo để thực hiện chương trình này, tác phẩm của họ đã được Hội Ấn nghiệp và Trang Trí tập họp lại và in thành "Vựng tập về Thương mại, Văn hóa, Lãnh thổ, và Con người đất Gia Định". Sách do Nhà xuất bản Paul Geuthner in theo các bản vẽ đã thực hiện trong các năm 1935-1938-1943.






Bộ Chuyên Khảo Bằng Tranh Vẽ Về Đông Dương (Monographie Dessinée De L'Indochine) Là một Series đồ sộ gồm 520 bức vẽ bằng Bút Chì, In Li-Tô và phần lớn đều tô màu. Nội dung tranh mô tả Phong Cảnh, Cách Sinh Sống của người Việt vào khoảng Đầu Thập Niên 1930. Nói chính xác thì có 4 Bộ về Xứ Bắc, 1 Bộ về Miền Trung, 6 Bộ về Miền Nam Và 2 Bộ về Cao Miên và Ai Lao.








"Đây là một trong những bài thơ tuyệt hay của Lê Đình Bảng, không gian bàng bạc cổ kính nhưng dân dân dã, lãng mạn nhưng hiện đại, rất tài hoa nhưng rất chân tình, rất quen thuộc nhưng mới lạ lùng. Cái hay của thơ thấm vào trong hồn ta nhưng ta không đủ trí lực để nói thành lời. Ta chỉ biết rằng hồn thơ Việt trác tuyệt trong ngôn ngữ cũng trác tuyệt như chính bản thể của thơ: Vô ngôn. Người đọc thơ chỉ có thể "ngộ" được cái đẹp bằng chính trái tim mình. Xin mạo muội chia sẻ."

(Bình luận của nhà lý luận-phê bình văn học Bùi Công Thuấn)


"Ta đọc thơ mà như say men trắng
Dẫn ta về thành sử lối yêu thương
Hồn như thể lộng muôn phương
Ngây ngất mãi một thời mới nhớn.
Ui chao ơi! Một chút nào hương thảo
Mộng chan đời, thần thánh cũng chao nghiêng"


(Cao Bá Hưng: "Chỉ biết đảnh lễ anh tôi")