Vườn trăng - Vườn của ân tình thánh (Đọc tập thơ Vườn Trăng của Lm. Cát Đen) - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Xin trân trọng giới thiệu và chia sẻ với bạn đọc điều này. Hồn thơ Cát Đen là một hồn thơ rất trong, rất tinh tế và rất dịu ngọt, dịu ngọt trong cả nỗi đắng cay cơ cực. Hồn thơ ấy lắng rất sâu để có thể tiếp cận được với Chúa Tình Thương một cách gần gũi chân tình, tưởng như Nước Trời hiển hiện ngay trong cõi đời thực này. NGUỒN:


Bài thơ "Vườn Trăng" nằm trong chùm thơ Tam nhật Thánh, mùa Phục sinh năm 2015, điều này gợi cho người đọc về đêm Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Ghếtsimani trước khi Ngài bị bắt đi. "Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22, 44). Ba lần cầu nguyện và trở lại, Chúa vẫn thấy các tông đồ đang ngủ. Ngài nói "Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ"(Mc 14, 38).

Nhà thơ Cát Đen đã không dựng lại đêm Vườn dầu kinh hoàng ấy, mà lắng lòng mình để nghe tiếng Chúa gọi mời: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?(Mt 26, 40)

"Vườn đêm khuya vắng lặng
Lòng ai lại rối bời
"Nụ hôn nào phản bạn?"
Trăng rằm ai sánh đôi.

Trăng nhẹ nhàng tha thướt
Gửi lời mời trong đêm
Cùng Thầy con canh thức..."


(Vườn trăng)

Đêm nghiêng trăng khuyết vườn sầu
Vườn sầu hay tiếng nguyện cầu thiết tha.
Lời Thầy vang tiếng lòng ta
Cùng Thầy tỉnh thức mới là yêu thương


(Vườn đêm)

Tôi lắng nghe tiếng lòng thổn thức
Tiếng từ trời là Đức Kitô.


(Bạn thấy gì)

Nhưng "Vườn Trăng" cũng là chủ đề của cả tập thơ, là hồn thơ, là tiếng lòng của chính nhà thơ, một tâm hồn trong ngần, thanh khiết và bình yên lạ thường. Hồn thơ ấy lắng nghe "Tiếng từ trời là Đức Kitô", thầm thì tâm sự với Chúa, gần gũi, thiết tha, lắng đọng. Cả không gian thơ là đêm khuya yên tĩnh, là đêm trăng mát dịu, nhưng cũng là không gian của Ơn Cứu Độ:

Hồn chiên trong sáng đẹp nên thơ
Thầy trò gần gũi cảnh ban sơ
Địa Đàng năm ấy giờ hiển hiện
Như sen thơm ngát giữa bùn dơ.


(Đàn chiên)

"Vườn khuya đêm gió lộng
Trăng thêm chén tình nồng
Vòng tay Thầy mở rộng
Đợi ôm con vào lòng.


(Vườn Trăng)

Mưa đêm thấm ướt vách tường
Mưa lòng là tiếng con nương tình Thầy.


(Tiếng ai)

Ở bên Chúa, nhà thơ thấy mình bé nhỏ: là con ong nhỏ; là sợi chỉ nhỏ (Chiếc nôi mẹ dệt), là hạt bụi (Em chỉ là tro bụi), là cỏ dại, là cơn mưa nhỏ, làm nến nhỏ...

Thầy ơi! Con nhỏ bé
Tình con tìm chốn nương


(Vườn trăng)

Thầy về sáng tinh khôi
Lòng con hết đơn côi
Con xin làm nến nhỏ
Góp ánh hồng sáng soi.


(Nến hồng)

Đời con là cỏ dại
Không màng tiếng hoan hô
Không nói lời kết án
Sống cuộc sống tông đồ


(Xin làm cỏ dại)

...Ta làm cơn mưa nhỏ
Tưới mát đồng tuổi thơ.


(Cô đơn)

Trên đồi sọ đau thương
Thầy là ánh thái dương
Con cùng Thầy chịu chết


(Chiều đổi thay).

Nhà thơ ý thức sâu sắc thiên chức Linh mục: cho Danh Cha cả sáng, cho những con người nhỏ bé thanh bần được sống trong yêu thương hạnh phúc nước trời.

Trong thiên chức đời đời là linh mục
Ngài và con hát mãi khúc hoan ca
Chúc tụng Chúa muôn đời muôn muôn thuở
Cho đất trời rạng rỡ Thánh Danh Cha.


(Một lần nói)

Là linh mục con như con ong nhỏ
Tìm hoa góp mật xây tổ dịu hiền
Đường tình yêu đưa người về hạnh phúc
Làng trên xóm dưới mặc áo bình yên.


(Chúa dìu con)

Tôi yêu Chúa trong phận người nhỏ bé
Sống thanh bần như sen giữ hương quê


(Đêm cầu nguyện)

Hồn thơ ấy đặc biệt tinh tế khi chia sẻ niềm vui hồng ân vĩnh khấn với các nữ tu (Bên sông thương, Đời con, Đèn cô cháy sáng, Em về góp đóa hoa xinh, Chiếc nhẫn tình yêu), khi khóc cùng những kẻ mồ côi (Em đã biết khóc ), người khóc chồng (Cánh mai về cội); chia sẻ niềm tin Phục sinh với người đã chết (Nắng chiều );

Ta ngồi im lặng nắng chiều rơi
Lời kinh Tin Kính mở đôi môi
Niềm tin kẻ chết sẽ sống lại
Ngôi mộ như là một chiếc nôi.
Nắng chiều không tắt trong tim tôi
Danh Cha cả sáng khắp muôn nơi
Tình Thầy tha thứ người tội lỗi
Về trời hoan hỷ hết đơn côi.
Tháng các đẳng 2016


(Nắng chiều)

Những bài thơ về làng quê (Làng trên sông, Làng Sông quê tôi), về xứ đạo (Trăng lại về), về lịch sử giáo hội (Nơi đây có ơn lành, Cảm Tạ Hồng Ân 400 Năm Hạt Giống Tin Mừng 1618-2018), về tổ tiên sống đạo (Câu chuyện một dòng sông, Đường về tạ ơn)...thể hiện góc nhìn và tình cảm đặc biệt của nhà thơ Cát Đen. Đó là hơi thơ có chất sử thi kết hợp với thánh ca; là tình quê dưới đất quyện chặt với quê trời. Là sự chan hòa giữa người trần gian với quê thiên đàng, đầy ắp yêu thương nhưng mạnh mẽ can trường, mộc mạc khiêm cung nhưng lẫm liệt tự hào, từ đó làm hiển lộ nhiều phẩm chất đặc biệt của người thơ.

Tôi gọi là "những phẩm chất đặc biệt" bởi vì hồn thơ Cát Đen lắng rất sâu vào bên trong, nói tiếng nói nội tâm với Chúa trong m ột không gian tuyệt vời tĩnh lặng, nhưng hồn thơ ấy cũng cháy lên rực rỡ với lịch sử truyền giáo đầy máu đỏ và Thập giá hy sinh của cha ông. Và hồn thơ ấy đằm thắm biết bao trong những tình tự quê hương, với người dân quê mộc mạc, nhưng đầy ắp tình Mến không vơi cạn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tháng bảy Làng Sông mưa hồng ân
Chốn xưa còn thắm gót tiền nhân
Gần xa nô nức về hội ngộ
Dệt khúc tạ ơn ngát hương trầm.

Đất xưa hoang vắng nhuốm máu xương
Phù sa bồi đắp chí can trường
Cần mẫn ướp đời Tin - Cậy - Mến
Gieo mầm phục vụ nở yêu thương


(Đường về tạ ơn)

Dân làng chài lấy thuyền làm bạn
Sông là quê tôm cá đầy mâm
Lòng gửi trọn nơi nhà thờ mái lá
Như con thơ trong tay Mẹ đỡ đần.

Rồi có chuyện lạ kỳ hiển hiện
Đêm về thuyền nghe tiếng bên sông
Nơi nhà thờ vắng người qua lại
Mà kinh cầu, lời hát ngân vang.

Đêm khuya lời hát càng da diết
Gọi núi, mời sông về cõi linh thiêng


(Làng trên sông)

Thơ Cát Đen là thơ chia sẻ với "phận người nhỏ bé/ Sống thanh bần", nên giọng thơ căn bản là giọng reo vui dù có lúc trầm lắng, hay hùng tráng. Cát Đen có rất ít bài thuộc thể Diễn Ca giọng rao giảng hay giáo huấn. Hầu hết thơ Cát Đen là thơ trữ tình, là tiếng nói của chủ thể nhà thơ. Điều đặc biệt là ở nhiều bài thơ của Cát Đen, chủ thể trữ tình không xuất hiện trực tiếp, chủ thể ấy đã hòa mình với người đọc, chan hòa trong hoàn cảnh, nói tiếng nói của mọi người. Điều này giúp phân biệt thơ Cát Đen với thơ Lãng Mạn (lấy Cái Tôi cá nhân làm chủ thể). Làng trên sông và Trăng lại về là những bài tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình Cát Đen (nhân vật trữ tình Tôi đã hóa thân):

Đêm thanh trăng về theo tiếng nhạc
Mây ngừng trôi sương dừng bước trên đồi
Lòng ai đứng giữa đêm khuya rạo rực
Nhớ một thời rực rỡ thuở xa xôi.

Năm mươi năm cảnh heo may bao phủ
Nhà thờ, chủng viện... giấc mơ say
Xa niềm vui, xa tiếng cười rộn rã
Biết bao giờ gặp lại cánh hoa bay?

Đại An ơi! Thân thương hai tiếng gọi
Một phần tư thế kỷ phủ rêu phong...


(Trăng lại về)

Những bài thơ Con sóng bình yên ("Mừng 50 năm hồng ân linh mục của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn"), bài Cây bút biết đi ("Mừng lễ thánh Matthêô, Bổn mạng Đức cha Nguyễn Văn Khôi"), bài Câu chuyện một dòng sông ("Mừng sinh nhật trên trời lần thứ 155 của Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể Tử Đạo")...là những bài thơ được viết với một tâm tình rất chân thành và những suy niệm sâu sắc về đời thánh hiến và hy sinh.

Máu tử đạo rạng ngời vinh hiển
Hội thánh này liên tiếp xinh tươi
Lúa đơm bông rộn rã tiếng cười
Sông Gò Bồi thì thầm kể mãi.


(Câu chuyện một dòng sông)

Vì là thơ hướng nội, thơ Cát Đen rất ít hình ảnh đời sống hiện thực, dù vậy, thấp thoáng đôi nét hiện thực cũng đủ thấy nhà thơ nặng lòng với bao phận người.

Núi trùng điệp vắng tiếng reo của suối
Cá chết, tôm khô... gió đau cả thân mình
Dấu thập hình vẽ lên hồn của gió
Thiết tha, xin Mẹ che chở nhân sinh.
Còn gian dối, còn bất công, còn đau khổ
Cả một vùng, đem đen tối, vẽ thời gian
Lập cảnh nghèo, gây bóng hình dốt nát
Ôi! Chỉ một bộ phận làm toàn thân cơ hàn.
Gió về đây dâng Mẹ đời màu xám
Mong ước còn lưu lại tiếng chuông ngân
Cây tình thương không còn trơ trụi lá
Hoa nở rồi, lại nở tương thân...


(Bên kia tiếng gió)

Ngậm ngùi đưa tiễn lòng ta
Người đi cảnh cũ nói ra nghẹn lòng.

Tìm xuân lặn lội bờ sông
Sa bồi thủy phá cát đông trắng đồng.
Cụ già tròn mắt ngóng trông
Đinh Dậu, tết đến có còn tình quê.


(Có qua rổi mùa lũ lụt)

Nếu bạn đọc để ý một chút thì sẽ nhận thấy điều này, thơ Cát Đen rất truyền thống nhưng cũng hiện đại: Truyền thống ở thể thơ lục bát, thơ 7, 8 chữ; truyền thống ở những tình tự dân tộc, tình quê hương, tình thương yêu đối với phận khó nghèo, niềm tin yêu đời hiến dâng, nhưng hiện đại ở những tứ thơ mới. Lục bát của Cát Đen không mặc áo ca dao, thơ 7, 8 chữ Lãng mạn nhưng cái Tôi trữ tình đã chan hòa trong mọi người. Nỗi buồn, sự cô đơn bế tắc, nỗi thống khổ trong thơ Lãng mạn nhường chỗ cho những cảm xúc tinh khôi.

Nếu bạn đọc để ý một chút thì sẽ nhận thấy điều này, thơ Cát Đen rất truyền thống nhưng cũng hiện đại: Truyền thống ở thể thơ lục bát, thơ 7, 8 chữ; truyền thống ở những tình tự dân tộc, tình quê hương, tình thương yêu đối với phận khó nghèo, niềm tin yêu đời hiến dâng, nhưng hiện đại ở những tứ thơ mới. Lục bát của Cát Đen không mặc áo ca dao, thơ 7, 8 chữ Lãng mạn nhưng cái Tôi trữ tình đã chan hòa trong mọi người. Nỗi buồn, sự cô đơn bế tắc, nỗi thống khổ trong thơ Lãng mạn nhường chỗ cho những cảm xúc tinh khôi.

Thí dụ, hãy so sánh cảnh thu dưới đây trong thơ Cát Đen với Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu):

Em không nghe rừng thu.
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?

(Tiếng thu-Lưu Trọng Lư)

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.


(Đây mùa thu tới-Xuân Diệu)

Và mùa thu trong thơ Cát Đen:

Nắng mùa thu em đi lặng lẽ
Vừa đi vừa nghỉ ngắm bờ tre
Bãi mía, nương dâu làm của lễ
Ngô được mùa tay Chúa chở che.


(Làng trên sông)

Mùa thu La Vang chiều nắng nhẹ
Hàng cây khe khẽ gió du dương
Đường quen, lối cũ về bên Mẹ
Đôi chim thỏ thẻ lòng Mẹ thương.

Chiều nắng nghiêng chen qua kẽ lá
Đứng lại bên thềm ngó vẩn vơ
Ánh vàng nhảy nhót trên nền đá
Xa xa vọng lại tiếng tuổi thơ.


(Mẹ ơi! Con đã về)

Xin trân trọng giới thiệu và chia sẻ với bạn đọc điều này. Hồn thơ Cát Đen là một hồn thơ rất trong, rất tinh tế và rất dịu ngọt, dịu ngọt trong cả nỗi đắng cay cơ cực. Hồn thơ ấy lắng rất sâu để có thể tiếp cận được với Chúa Tình Thương một cách gần gũi chân tình, tưởng như Nước Trời hiển hiện ngay trong cõi đời thực này.

Vì thế bạn đọc cũng cần một tâm hồn thật tĩnh lặng, rũ bỏ sạch mọi vướng bận hồng trần khi tiếp cận với thơ Cát Đen, có vậy mới cảm nhận được Cái Đẹp trong thơ Cát Đen, bởi Cái Đẹp ấy chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa hóa thân trong những phận người khó nghèo, chan hòa trong máu các Thánh tử đạo, hiển hiện nơi bờ tre/ Bãi mía, nương dâu... Ngô được mùa tay Chúa chở che, và khắp nơi, những miền quê âm vang tiếng kinh.

Rồi có chuyện lạ kỳ hiển hiện
Đêm về thuyền nghe tiếng bên sông
Nơi nhà thờ vắng người qua lại
Mà kinh cầu, lời hát ngân vang.


(Làng trên sông)

【Tháng 9/ 2022, Bùi Công Thuấn