TÌNH QUÊ
Tôi đi trên đường quê hương
Một sớm tinh sương
Nắng còn ngái ngủ,
Rặng tre gầy ủ rũ,
Long lanh những giọt kim cương.
Hàng phi lao Đường Giữa tóc xòa buông,
Chuông lễ sớm ngân dài xao xuyến.
Cựu dân biệt xứ bên kia tuyến,
Thiên hạ lưu cư hưởng ruộng vườn (1).
Tôi xa quê, ngụ phố phường,
Đi thì nhớ, ở thì vương tơ lòng.
Biển đời sóng gió long đong,
Nhớ thầm cô gái bên sông hẹn chờ.
Tôi vào sân nhà thờ
Qua mấy bồn cỏ rối,
Phương đông ráng đỏ chân trời,
Buồn buồn nhớ đến chia phôi,
Mùa thu lại sắp đến rồi! còn đâu!
Chia ly ai chẳng u sầu!
Ra đi ai chẳng rầu rầu nhớ thương.
Nhớ những trưa hè vắng,
Khu Thánh đường yên lặng,
Dưới bóng cây bên hồ lóa nắng,
Tôi nhìn mây lờ lững phiêu diêu.
Em bé nhà ai thả cánh diều,
Nắng mầu lúa chín, gió trong veo.
Vài ba lá muỗm khô buồn rụng,
Vang khẽ u hoài xóm tịch liêu.
Lách cách đâu đây tiếng cửi dồn,
Có người dệt vải ở đầu thôn,
Lao đao gió vuốt đôi tàu chuối, (2)
Vẳng tiếng chim cu rúc xóm vườn.
Mây trắng mờ trôi dưới đáy hồ,
Mấy đàn cá nhỏ lượn vu vơ.
Cây bàng ngả bóng soi gương nước,
Vắng ngắt sân trường bạn tuổi thơ.
Khóm tử vi Đền Chúa gió lay,
Bỗng dưng tôi cũng thấy say say.
Tôi say hoa gió hay say nắng?
Hay thả hồn chơi vơi cuối mây!
Trưa hè vắng cánh chim bay,
Hàng cây đứng bóng như ngây cảnh trời.
Bao nhiêu mơ ước cuộc đời,
Nhiều lần muốn xé tơi bời cho xong.
Hoài mong, rồi lại sầu mong,
Hương bay theo gió mộng lòng tàn canh.
Mặt hồ gợn nước long lanh,
Buồn rơi xác lá mong manh trái mùa.
Đi nhớ về thương những hững hờ,
Kéo tơ sầu mãi dệt vần thơ.
Nếm bao hụt hẫng chưa thèm chán!
Tôi cứ như người thi sĩ mơ.
Phương xa gác trọ ga nhờ,
Tôi còn lếch thếch ba-lô lên đường,
Để rồi lại nhớ lại thương.
Phương đình cổ kính Thánh đường uy nghi.
Nhớ con đường kiệu phẳng lỳ,
Nhớ hàng tre rủ xanh rì xóm thôn.
Tiếng chuông xa nức tiếng đồn, (3)
Ngân vang ba tỉnh, bồn chồn mộng mơ.
Nhớ dòng sông trắng nên thơ,
Có người gái nhỏ trông chờ đăm đăm.
Những chiều vàng thắm
Mênh mông mặt nước triều dâng.
Con đê dài loáng nắng,
Những cánh buồm lâng lâng.
Lồng lộng gió về thôn,
Lao xao vòm tre đầu ngõ,
Rợp bóng mát hoàng hôn
Những lối mòn lép cỏ.
Dưới bóng cây cao
Bác thợ cạo gọt đầu trẻ nhỏ.
Bên bờ dâm bụt,
Bà hàng rong bán bánh đúc riêu cua.
Vi vu ngang trời
tiếng diều sáo ngân đưa.
Đàn cò trắng chờn vờn trên thảm lúa.
Ngoài kia,
thị trấn giữa làng xa quốc lộ.
Nhà sau khói bếp lượn vườn xưa.
Triều cường, nước mát, sông lênh láng.
Vọng tiếng gầm xa, sóng Cồn Mờ.
Tha thướt Ân giang, ngang kết nối,
Tây, Đông sơn thủy huyện thành đô (4).
Anh linh Uy viễn Doanh điền sứ (5)
Ngất ngưởng thông reo, giỡn gió đùa.
Phố cũ lan man ven sông thơ mộng,
Chiều khoan thai khoác áo lụa Hà Đông.
Mây ngũ sắc đơm hoa trời cao rộng
Gió mênh mang hương biển quyện hương đồng.
Thị trấn lơ thơ nhà ngói mới.
Đường Mười "lác đác chợ bên sông" (6)
Em nữ sinh thanh tú ngồi đan cói,
Duyên sắc hương quê chớm má hồng.
Khách vãng lai dạo chơi dọc phố,
Ngẩn nhìn Cầu Ngói đứng độc trơ.
Không còn đó cây đa cổ thụ!
Để chim chiều về hót líu lô.
Không còn đó cây bàng đồ sộ,
Rợp bến thuyền câu đậu vẩn vơ!
Không còn đó đôi bờ liễu rủ,
Để bên cầu tơ liễu bóng chiều ru! (7)
Đời dâu bể, bão giông đầy biến cố
Cõi nhân gian như hoạt cảnh sân trò.
Người bản địa di cư không về nữa,
Chốn tha phương lưu lạc đến bao giờ?
Ai qua Phát Diệm đều lưu nhớ,
Thánh đường xưa: gỗ đá bỗng thành thơ.
Đất và người đẫm hồn thơ Công Trứ (8)
Vẫn nguyên tuyền "Bông huệ trắng" đơn sơ. (9)
Nhà em ngã ba sông êm sóng,
Những chuyến đò ngang phiên chợ đông.
Em đi Nhà thờ hay đi chợ?
Góc phố: "Kìa ai đứng ngóng trông" . (10)
Thoảng đâu đây
dìu dặt tiếng tơ đồng,
Giọt ngắn
giọt dài... bổng trầm da diết.
Hoài cảm ly hương sầu viễn biệt,
Bâng khuâng tình khúc "Buồn tàn thu".(11)
Có người nghệ sĩ nghiệp dư:
Một đàn,
một thân,
một lều vó.
"Thuyền đầy trăng gió của đầy kho.(12)
Có chị nữ tu dang dở hoàn cư,
Phúc phận nương trôi dòng đời bỡ ngỡ.
Có người sương phụ ghìm mong nhớ,
Đêm đêm trằn trọc đối trăng mờ.
Có cô trinh nữ nhà trên phố,
Thường ngắm bồn hoa bướm ngẩn ngơ.
Có chàng du tử mê hồ hải,
Chợt thấy quê hương chật bến bờ.
Ông lang già yếu thân cô quạnh
Ngóng hoài con cháu chẳng về cho!
Có vị túc nho buồn thế sự
Ngắm sao, độc ẩm, luận thiên cơ...
Có "THANH SƠN LÃNG KHÁCH" chữ đầy bồ (13)
cười mình,
cười đời,
cười đàn bò...!
Chỉ thừa:
tôi, người-cỏ-dại-hoang-sơ!
Chỉ thừa:
Tôi, chàng tiểu tử nhiễm bơ vơ!
Những cô gái chiều chiều hay hóng gió,
Mới ngày nào tóc mấp mé ngang vai,
Mà hôm nay suối tóc đã buông dài,
Bím trắng ngang lưng - nhịp cầu hò hẹn-
Tôi vẫn giữ một bóng hình nguyên vẹn,
Gửi bến sông quê thân thiết mến thương.
Em dịu hiền đoan nhã, đảm đương.
Đôi mắt gương trong, suối nguồn tinh khiết.
Nơi xa xôi tháng ngày tôi nhớ tiếc,
Tuổi hoa niên ham nghịch ngợm hồn nhiên.
Mê mải đua xuồng lướt sóng triều lên,
Nhảy cầu Ngói lao nhanh dòng nước xiết.
Hóng gió nồm căng buồm về mải miết,
Tiếng chèo khua dào dạt khúc sông trong.
Những con thuyền ôm cá biển đầy lòng,
Dáng gan góc, dạn dày nhờn sóng gió.
Thuyền cập bến, chợ chiều vui phố nhỏ.
Mưa nắng thuận hòa nhịp sống bình an.
Xa mất rồi miền ký ức miên man,
Tôi lạc bước ngã ba đời nhốn nháo.
Thèm về quê, chán thị thành huyên náo.
Ngắm hoàng hôn tàn lụi giấc mơ xưa:
Trơ vơ ngang trời vầng trăng man sơ,
Xõa tóc vàng tơ, nguồn thơ tuôn chảy.
Tít tắp trời cao sao nhấp nháy,
Đôi bờ Trì Chính lửa chài nhen.
Sương vương trăng lụa ảo huyền,
Nghiêng nghiêng cô gái đưa thuyền sang ngang.
Người đi dạo mát lang thang
Như trong cõi mộng mơ màng Thiên thai.
Sao tôi cứ vấn vương hoài?
Ánh trăng thoang thoảng hương nhài tóc em.
Mai về Hà Nội chưa quen,
Cứ ngơ ngác giữa bon chen phố phường.
Để hồn ở lại quê hương,
Chuông ngân theo bóng chiều buông thẫn thờ./.
【Phát Diệm, tháng 8 – 1958, Man Vân (14)】
Chú thích:
(1) Trước và sau hiệp định Genève 20/07/1954, tới ¾ giáo dân Phát Diệm, Kim Sơn di cư vào Nam, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn.
(2) Những người làng Nộn Khê (huyện Yên Mô, Ninh Bình) ở chung quanh bờ hồ Nhà xứ. Họ đem theo nghề dệt vải.
(3) Nhân dân vùng Nghĩa Hưng (Nam Định) và Nga Sơn (Thanh Hóa) nơi giáp ranh với huyện Kim Sơn, đều nghe thấy tiếng chuông Nhà thờ Lớn Phát Diệm.
(4) Sông Ân vắt ngang suốt huyện Kim Sơn, pía Tây giáp núi Điền Hộ (Thanh Hóa) phía Đông giáp sông Đáy huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)
(5) "Uy Viễn Tướng Công Doanh Điền Sứ" - tước hiệu của Nguyễn Công Trứ.
(6) "Lác đác bên sông" thơ Bà huyện Thanh Quan (Qua Đèo Ngang)
(7) Bên cầu tơ liễu"- Truyện Kiều (Nguyễn Du)
(8) Nguyễn Công Trứ (1778 -1858) người sáng lập huyện Kim Sơn, Ninh Bình (1829)
(9) Dụ ngôn "Bông huệ ngoài đồng" (Lc 12,27)
(10) Thơ Tản Đà "Ngơ ngẩn kìa ai đứng ngóng trông"(Thu Phong)
(11) Một nhạc phẩm của Văn Cao
(12) "Gió trăng chứa một thuyền đầy.
Của kho vô tận biết ngày nào vơi" (Thơ Nguyễn Công Trứ)
(13) "Thanh Sơn Lãng Khách" hình ảnh hư cấu, hoán đổi từ tên một Linh mục mà tôi ngưỡng mộ hồi học trường Trung học Trần Lục, trước năm 1954.
(14) Man Vân: sinh năm 1939.
PHỐ CŨ
Phố cũ
Thưa thớt người quen,
Buồn heo hắt lạ!
Chiến tranh đã đi qua,
Sơ tán trở về
Nhà ta ai ở?
Đường ta ai đi?
Bến sông ta ai tắm?
Hàng cây ta trồng
Ai hóng gió
Ngắm trăng?
Ta đi vơ vẩn
Như kẻ mộng du
Thời mở cửa.
Thiên hạ đổ dồn ra mặt phố.
Nhà tầng kiểu mới cất lô nhô.
Hiệu sách vắng người mua.
Quán ăn đông kẻ nhậu.
Người lính già ngồi bán xổ số,
Cát bụi xe qua cứ thốc tràn!
Thu nhập bõ gì so giá cả?
Mùa hè nắng lửa cứ chang chang!
Ta đi giữa dòng người ngược xuôi
Như kẻ tha hương chiều viễn xứ.
Ký ức dâng đầy nỗi nhớ!
Nhà xưa, người cũ thân thương. (1)
Đâu rồi hiệu sánh Văn Xương?
Đâu rồi nhà em bên sông lộng gió?
Đâu rồi tiếng Guitare bập bùng
Trái tim cô gái nhỏ?
Bạn cũ phiêu bạt chân trời xa.
Bạn hiền đã thành người thiên cổ.
(Oan khuất chẳng yên mồ!)
Đời vẫn như canh bạc đen đỏ.
"Nhà ta người khác ở"(2)
Tủ sách tri âm tan tác trần ai,
Tâm hồn ta lãng đãng dặm dài.
Ta như người Do Thái thiếu quê hương,
Nhìn mặt trời rơi vong miền Đất Hứa. (3)
Nguyện mãi lời Kinh ngàn đời mong nhớ:
Bao giờ ta trở về Sion?!
Bao giờ ta trở về Sion?!
Ôi chuông Nhà thờ
Sao cứ khắc khoải mỗi hoàng hôn!
Chú thích:
(1) Văn Xương: một hiệu sách ở đầu cầu Trì Chính, thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình.
(2) Mượn hình ảnh của Cụ Trần Lục:
" Điền canh, tha nhân canh
Thổ cư, tha nhân cư.
Thánh đường, tha nhân thụ"
(Ruộng ta cày, người khác cày.
Nhà ta người khác ở.
Thánh đường ta người khác hưởng)
(3)Đất Hứa: Miền đất Chúa ban riêng cho người Do Thái, nay thuộc lãnh thổ Palestina và Do Thái.
(4) Sion: Một ngọn đồi ở Giêrusalem, thánh địa của cả ba Tôn giáo (Do Thái, Công giáo và Hồi giáo
KHÓM SẬY
Con người là một cây sậy biết suy nghĩ (Blaise Pascal)
Dầm dãi nắng mưa bờ bãi
Lạc loài khóm sậy mom sông.
Gió khua lá sắc nhọn cong,
Bão táp thân mền khó gẫy
Hàng xóm lấm lem cua cáy
Cá tôm bơi quẫy lân la.
Quê hương: đất mặn, đầm chua
Bạn hiền: chim trời thoát bẫy.
Không họ hàng với giàn hoa cây cảnh
Không thân quen bầy cầm thú công viên.
Mê man hương đồng, gió biển
Phong phanh áo khoác trăng đêm,
Cùng ông lão vó thuyền,
Đủng đỉnh
Đợi triều lên.
Bao năm loay hoay tìm Đạo,
Lý Bỗng thấy Chân Tâm nơi khóm sậy xanh rì.
【Cuối xuân 2002, Man Vân 】
NHÀ MÌNH - MỘT MÌNH
Khi chỉ còn một mình,
Trời thắm xanh
Thân thiết
Dịu dàng hơn.
Nắng vin cửa sổ cười tươi tắn,
Mây lãng du nghiêng cánh vẫy vờn.
Khi chỉ còn một mình,
Không khí trong veo như trên tuyết sơn.
Những sắc màu mấp máy,
Hoa trái ngọt ngào hương.
Chú dế ngoài vườn khe khẽ hát du dương.
Con chim sâu loi thoi vòm lá biếc.
Khi chỉ còn một mình,
Thời gian thành tri kỷ:
Thầm thì
Quá khứ
Tương lai.
Vũ trụ thành giản dị
Không có gì đúng sai!
Khi chỉ còn một mình,
Tiếng đập trái tim chạm tín hiệu thiên hà
Căn phòng nhỏ rộng tênh không trọng lượng
Như phi thuyền buột trái đất bay xa.
Khi chỉ còn một mình,
Ta tìm thấy ta thất lạc trong đời.
Như "Đứa con hoang đàng" tiếc hối (1)
Nóc nhà xưa xa khuất chân trời.
【Tháng 4/2004, Man Vân】
Chú thích:
(1) "Đứa con hoang đàng":
- Tên một dụ ngôn trong Tân Ước (Lc 15, 11-31)
- Tên một tác phẩm hội họa nổi tiếng của Renbnandt, họa sĩ người Hà Lan.
HÒN ĐÁ NÚI
Hòn đá núi cao
Chênh vênh
Nghếch trăng sao.
Tùm lum cỏ cây muông thú.
Hòn đá xù xì mang hồn tinh tú,
Tuổi cùng trái đất thuở hồng hoang.
Không chịu làm tường ốp, bậc thang,
Hòn đá vếch nghiêng
Sườn hang dốc.
Nắng mưa rêu mốc.
Năm táng trơ lì
Ầm ì
Thác vọng.
Đại bàng thõng cánh
Lim dim nuốt bóng chiều đi.
Chớp mắt
Đời người dâu bể.
Ngàn năm
Tuyệt cốc xanh rì.
Đá cao vách đứng hương rừng thoảng.
Phơ phất nhành lan ong bướm si.
【Kn Cúc Phương tháng 9/1994, Man Vân.】