1.
Có một sự thật rõ ràng, rất kinh điển và diệu kỳ, là kinh sách, lễ lạy, nguyện ngắm, thi ca, vè vãn và các nghi thức diễn tả lòng mến mộ, sùng kính Đức Mẹ Maria thì nhiều vô kể. Tuỳ thời gian và không gian, tuỳ tâm thức và điều kiện, hoàn cảnh của mỗi đất nước, con người. Lòng đạo và đức tin thật muôn vẻ, muôn màu, phong phú và đa dạng. Đặc biệt, kinh nguyện trong tháng Đức Mẹ Mân Côi đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng bao la, bất tận trong đời sống cầu nguyện của người Công giáo Việt Nam ta. Không phải là chuyện mới đây, bây giờ. Mà đã có một lịch sử khá sớm, ngay từ khi mới đón nhận tin mừng đạo Chúa ở thế kỷ 17. Cứ mở lại từng trang bút ký truyền giáo thấm đẫm cảm xúc của những giáo sĩ dòng Tên, dòng Đa Minh, Thừa sai Paris (M.E.P) thì đủ rõ. Kinh Mân Côi, khi đến với người con Chúa ở miền đất Viễn Đông xa lắc xa lơ này, không chỉ còn thuần tuý là kinh, để đọc chiều hôm sớm mai thường ngày. Nhưng kinh đã thành thơ, thành thi ca, chảy vào tận đáy thẳm của tâm thức, của bậc tầng ký ức dạt dào thiêng liêng. Như vậy, người ta vừa có kinh để đọc xuôi, đọc buông ra cửa miệng, ở bất cứ đâu, làm việc gì;trong nhà, ngoài ngõ, chợ búa, gồng gánh, bán buôn, mùa màng, thời vụ;đồng thời, lại cũng sẵn có kinh, để ngâm vịnh, ngân nga luyến láy, trọng vọng, nhịp nhàng, theo một bài bản ước lệ ở chốn cung đình. Thế mới biết, tổ tiên, cha ông mình khéo léo, tài tình. Nói, làm việc gì cũng văn vẻ, gấm hoa, những văn chương, thi phú. Mà cũng không thiếu phần sốt sắng, đạo đức, thánh thiện. Nghĩa là đủ cả thần học, triết lý y hệt ngọn nguồn (1). Lại còn chữ nghĩa, phong cách, văn bài, khoa cử nữa kia. Bởi vì, chỉ một Thánh Vịnh, một lời Chúa hoặc một câu kinh - từ nguyên bản La Tinh, Pháp, Bồ, Hán văn - đã sinh sôi nảy nở, đã tiếp biến thành một chương khúc, một ca vãn, một trường thiên có bố cục, có chương hồi, phân cảnh, có vần điệu, cung giọng và dung chứa cả một chiều sâu của mầu nhiệm đức tin. Tự dưng, chúng tôi chợt nghĩ đến trường hợp 3254 câu lục bát Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã thay da đổi thịt một cách thần tình như thế nào, so với cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân?
Đúng như chỉ dẫn, bảo ban nghiêm túc của Hội Thánh:"Kinh Mân Côi là một trong những kinh đẹp nhất, được cảm hứng từ trong Thánh Kinh và hướng về việc chiêm niệm các biến cố của ơn Cứu độ biểu hiện trong cuộc đời Chúa Ki tô mà Đức Trinh Nữ Maria đã kết hợp chặt chẽ vào. . . Kinh Mân Côi là một kinh nguyện, chủ yếu mang tính chiêm niệm, vì việc suy niệm kinh ấy đòi hỏi nhịp điệu phải bình thản và người ta phải bỏ thời giờ ra, để đắm mình vào đó. " (2)
2. Hằng năm, vâng, cứ vào tháng 10 dương lịch, nhà đạo mình vẫn thường gọi là Tháng Đức Bà Mân Côi.
Một năm, hai tháng Đức Bà
Một là hoa phượng, hai là Mân Côi.
Làm sao tôi quên được, những chiều về chạng vạng quê thôn. Mẹ tôi và bao bà mẹ khác, trong Hội Rosa của giáo họ, quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ sáng trưng đèn nến và thơm phức hương hoa, tay lần tràng hạt, miệng ngân nga rộn ràng những lời kinh thơ vang rền nền nảy của bản trường ca Thánh Mẫu Thi Kinh, chuyển thể từ Kinh Cầu Đức Bà.
"Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu (3)
Chúng tôi trông cậy, cùng kêu van Bà
Xin hằng bầu cử trước toà
Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con
Trong nơi khổ ải, chon von
Cách xa mặt Mẹ, hãy còn lầm than. . . "
"Chúng con còn chốn long đong
Như người vượt biển mênh mông giữa vời
Mẹ như sao ngự giữa trời
Chính bên phương Bắc, các ngôi sao chầu. . . "
( Thánh Mẫu Thi Kinh, câu 99-104 và câu 117-120)
Những lời Kinh Thơ vừa đẹp, vừa hàm súc trên, chỉ là một, hai trích đoạn nho nhỏ, rời rạc trong toàn văn bài trường ca Thánh Mẫu Thi Kinh gồm 130 câu thơ lục bát, viết bằng chữ Nôm, của cụ Cử Thiện.(4)Theo chỗ chúng tôi sưu tầm - nghiên cứu và giới thiệu (5), đây chính là Kinh Cầu Đức Bà đã được diễn ca, với bố cục rất chặt chẽ, mạch lạc như sau:
- Phần Mở: Kính lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thương xót chúng con (từ câu 1 đến câu 6).
"Chúa Cha ngự trị trên trời
Chúa Con chuộc tội, cứu loài người ta
Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi ba
Thiêng liêng, sáng láng, thật là khoan thay. . . "
- Phần Thân: Kinh Cầu Đức Bà diễn ca. Ngợi khen Đức Bà đầy ơn phước (từ câu 7 đến câu 98).
"Nữ Vương trọn tốt, trọn lành. . .
"Nữ Vương sinh Chúa cầm quyền. . .
"Đức Bà nghĩa đức treo gương
"Sáng soi chói lọi thiên lương mọi loài. . .
"Đức Bà như thể hoa thơm. .
"Đức Bà như thể lầu đài. . .
"Đức Bà như thể tháp ngà. . .
"Đức Bà là cửa thiên đường. . .
"Nữ Vương khỏi tội tổ tông. . .
"Đức Bà là Mẹ Chúa Trời. . .
"Nữ Vương Rất Thánh Rosa
Ngạt ngào hoa trái, rum ra lá cành. . . "
- Phần Kết: Xin Đức Bà chuyển cầu cùng Chúa xót thương (từ câu 99 đến câu 130).
"Liền đem vào cửa thiên đàng
Được xen thấy Chúa cực sang, cực lành
Cùng xem thấy Mẹ đồng trinh
Hưởng muôn muôn phúc, thần hình thảnh thơi
Gồm đầy mọi sự tốt tươi
Chẳng cùng, chẳng hết, đời đời, amen. "
3. Trở lại với Kinh Cầu Đức Bà. Như trên đã nói, đây là bản kinh văn được chuyển ra thơ lục bát hoặc song thất lục bát phức hợp (diễn ca) mà ta dễ dàng gặp thấy không ít trong dòng văn học Việt Nam ở thời kỳ trung và cận đại. Khác nào, một nỗ lực vượt thoát ra khỏi sợi dây ràng buộc khắt khe hàng nghìn năm của Hán học, của Đường thi. Đó là hàng loạt tác phẩm thuộc thể loại:Từ, Vãn, Ca, Thi, Hành, Trường, Khúc. Chẳng hạn, Cảm Tạ Niệm Từ, Ngoạ Long Cương Vãn, Ai Tư Vãn, Quỳnh Uyển Cửu Ca, Côn Sơn Ca, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Hạnh Thục Ca, Tỳ Bà Hành, Hồ Trường, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc. . .
Nói chi đâu xa. Xin tạm dừng chân một chút, để ngẫm nghĩ và tâm phục khẩu phục người xưa khi chuyển kinh từ La ngữ sang Việt ngữ. Chúng tôi muốn nói đến ở đây, là giá trị về mặt lịch sử và ngôn ngữ văn chương của Kinh Cầu Đức Bà bản chữ Nôm, đã được chuyển sang quốc ngữ trong sách Toàn Niên Kinh Nguyện mà chúng ta vẫn thường đọc mỗi chiều hôm sớm mai. Nên nhớ rằng, bản kinh La ngữ này đã được Toà Thánh chuẩn nhận (Nihil obstat / Imprimatur)năm 1587, bằng tuổi với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cái tài tình của người xưa làm công việc này, không chỉ lột tả được nội dung, chắt lọc được ý tứ của từ ngữ từ nguyên văn, mà còn dựa vào truyền thống thi ca giàu vần điệu của dân tộc ta. Nói một cách khác, người chuyển dịch đã vận dụng được tất cả các biện pháp tu từ, từ nghệ thuật sáng tạo, biến hoá đến cách ví von, đối đăng, bổng trầm, bằng trắc, nhịp nhàng của ngôn ngữ văn tự rất giàu âm nhạc của Việt Nam. Đọc và nghe, do đó, cứ như thơ, bén giọt thông đồng, nhớ lâu, mau thuộc nằm lòng, hễ mở miệng ra, trăm người như một, cứ xuôi chảy đi một mạch. Từng cặp, từng cặp 6, 7, 8 từ, được sắp xếp lớp lang, đầu cuối. Xin trình làng vài ba dẫn chứng để minh hoạ:
"Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa/ Đức Mẹ cực thanh cực thịnh/ "Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng (6 từ); Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn/ Đức Bà bầu chữa kẻ có tội/ Đức Bà yên ủi kẻ âu lo (7 từ);" Đức Bà là đấng sốt mến lạ lùng/ Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy/ Đức Bà như lầu đài Đa Vít vậy/ Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy (8 từ). Xin mời độc giả đi tiếp, nhé. Tài hoa biết mấy, trong khi ở bản kinh La ngữ, các danh hiệu của Đức Mẹ ở dạng danh ngữ (danh từ) đã được chuyển dịch bằng những mệnh đề Việt ngữ với trọn vẹn ý nghĩa: Mater boni consilii = Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành; Mater, consolatrix afflictionem = Đức Bà yên ủi kẻ âu lo; Mater, domus aurea = Đức Bà như đền vàng vậy. . . Đặt một giả thiết, nếu phiên dịch những mệnh đề trên theo đúng văn phạm, từng chữ thì. . . hẳn là sẽ. . . rất chói tai, khó nghe, máy móc và vô cả, vô hồn!Còn nhiều, rất nhiều phát hiện có giá trị khác nữa trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu kho tàng kinh sách Công giáo Việt Nam xưa. Bởi, kinh sách là gì, nếu không phải là tao phách và hồn cốt của tổ tiên? Và do khuôn khổ của một bài báo có hạn, không cho phép người viết dài dòng thêm. Xin tạm chia tay ở đây. Hẹn bạn đọc ở một dịp khác vậy. Chuyện văn hoá Công giáo Việt Nam thì bao la, bát ngát, chả bao giờ vơi cạn.
【Lê Đình Bảng】
Chú thích:
(1) Tham khảo các Kinh sách: Officium, Sub tuum Praesidium, Nativitae Mariae; De Dormitione Mariae v. v.
(2) Hướng Dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ. Uỷ ban Văn hoá. Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2003, tr. 222.
(3) Deus: Thiên Chúa, Chúa Trời, Chúa. Trường hợp này xuất hiện khá nhiều trong kinh sách cũ. Chẳng hạn: Đức thánh Pha pha (Giáo hoàng); Đức thánh An giô (Angelus/ Thiên Thần); Đức Mẹ đầy ga ra xia (gratia/ ơn phước); I- ghê -xa (Ecclesia/ Giáo hội, Hội thánh). . .
(4) Phêrô Phạm Trạch Thiện, còn gọi là Cụ Cử Thiện, một danh sĩ Công giáo, gốc làng Trà Lũ, Nam Định (1818-1902). Đỗ á nguyên khoa thi hương 1852, dưới triều vua Tự Đức. Nhưng vì theo đạo Công giáo, nên bị truất tịch (đánh rớt xuống cuối bảng, không được ra làm quan). Ông về quê, đọc sách, làm thơ, tác giả của mảng thi ca rất giá trị về Chúa, Đức Mẹ: Kinh Cao Sang (90 câu thơ lục bát diễn nôm bản kinh nguyện giỗ Cảm Tạ Niệm Từ bằng chữ Hán của Thầy giảng Phan chi cô, thế kỷ 17);Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca (Vãn Tháng Đức Bà Văn Côi, 252 câu thơ lục bát và song thất lục bát phức hợp);Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương (Vãn Dâng Hoa Đức Bà, 112 câu thơ lục bát, song thất phức hợp). Khi có dịp, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu.
(5) Tham khảo Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam - Miền Thơ Trong Kinh Nguyện, tr. 125-174, của Lê Đình Bảng đã xuất bản và ra mắt công chúng tại Nhà Sách Đức Mẹ, 38 Kỳ Đồng, Sài gòn, ngày 4. 10. 2009. Đây là 1 trong toàn bộ 7 Tập, gần 5000 trang.