Một tâm hồn-Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (Lễ kính ngày 1/10)
"Hành động nhỏ bé nhất mà do Tình Yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại. " (Trích tự thuật Một tâm hồn của Thánh Nữ)
BÔNG HỒNG NHỎ
Từ khi Thánh Nữ về trời,
Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình Yêu.
Một tâm hồn những tháng năm thơ ấu
Người mẹ hiền đã khuất bóng từ lâu,
Nuôi con thơ cha lặng lẽ nguyện cầu,
Dâng cho Chúa niềm tin yêu ký thác.
Tình phụ tử ôi dạt dào man mác,
Ngồi bên cha lòng trải rộng êm đềm,
Nhìn trăng sao lấp lánh giữa màn đêm,
Giơ tay chỉ:" Kìa tên con trên đó "(*)
Cha mỉm cười cầm tay con gái nhỏ:
"Ồ đúng rồi Chúa đã chọn tên con"
Têrêsa trong danh sách vàng son
Nơi Thiên quốc ngàn năm còn chói sáng
Rồi từ đó tuổi thơ luôn khao khát,
Dâng cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu,
Li-si-ơ dòng kín một buổi chiều
Đã đón nhận Một Tâm Hồn Bé Nhỏ.
Chín năm trời Người Nữ tu hèn mọn,
Luôn siêng năng trong mọi việc tầm thường,
Khi giặt giũ, quét dọn hay làm vườn...
Hy sinh, cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.
Têrêsa quyết giữ lời tuyên hứa,
Khi không thể truyền giáo phương trời xa
Việc làm nhỏ với lời nguyện thiết tha,
Cũng chính là một Tông đồ truyền giáo.
Cuộc đời Người chẳng có gì vĩ đại
Không phép lạ, không rạng rỡ huy hoàng,
Hai mươi bốn tuổi vĩnh biệt trần gian,
Được nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội.
Mưa Hoa Hồng lời ngọt ngào nhắn nhủ:
"Hãy hy sinh với cuộc sống khiêm nhường,
Việc Tầm thường sẽ kết quả phi thường,
Một tâm hồn nguyện cầu trong yêu mến".
(*) Ghi chú: Có lẽ Cô bé Têrêsa muốn ám chỉ chòm sao Thiên nga, tiếng La-tinh gọi
là Cygnus, tiếng Anh gọi là Nothern Cross (Bắc Thập Tự) giống chim giang cánh hình chữ T đang bay trên bầu trời.
Sơ lược Tiểu Sử
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (2 tháng 1 năm 1873 - 30 tháng 9 năm 1897), là một nữ tu Công giáo được phong hiển Thánh và được ghi nhận là một Tiến sĩ Hội Thánh.
Thời thơ ấu
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chào đời tại Alencon, Pháp. Têrêsa là con của Louis Martin - một thợ đồng hồ và Zelie-Marie Guérin - một người dệt đăng-ten. Cha mẹ của Têrêsa rất đạo đức. Louis đã từng muốn làm thầy tu nhưng lại bị từ chối vì không biết tiếng Latin. Zelie-Marie đã từng muốn làm nữ tu nhưng bị cho biết là bà không có ơn gọi. Thay vào đó, bà khấn là nếu kết hôn, bà sẽ dâng hết các con mình cho Giáo hội. Louis và Zelie-Marie gặp nhau vào năm 1858 và lấy nhau chỉ ba tháng sau đó. Họ có chín người con, nhưng chỉ có năm cô con gái - Marie, Pauline, Leonie, Celine và Therese (Têrêsa) - là sống sót đến tuổi trưởng thành. Têrêsa là con út trong nhà. Việc đan đăng-ten của Zelie thành công đến nỗi Louis bán tiệm sửa đồng hồ của mình để giúp bà.
Zelie chết vì bệnh ung thư vú năm 1877 khi Têrêsa chỉ mới bốn tuổi. Louis bán cửa tiệm đăng-ten và dọn đến Lisieux, vùng Calvados, trực thuộc Normandie, nơi người em vợ là Isidore Guerin, một dược sĩ, sống với vợ và hai con gái.
Têrêsa theo học tại Tu viện Notre Dame due Pre của dòng Bênêđictô. Khi người được chín tuổi, chị Pauline, người đã đảm nhận vai trò là "người mẹ thứ hai" của cô, gia nhập một tu viện dòng Camêlô tại Lisieux. Têrêsa cũng muốn vào dòng Camêlô như chị, nhưng khổ nỗi vẫn còn nhỏ quá. Ở tuổi 15, sau khi chị Marie cũng gia nhập tu viện ấy, Têrêsa lại thử xin vào dòng một lần nữa, nhưng cha bề trên của tu viện lại không cho vì Têrêsa còn quá trẻ. Cha Têrêsa đem cô con gái 15 tuổi của mình đi hành hương Rôma. Trong một buổi tiếp kiến chung với Giáo hoàng Leo XII, Têrêsa đã xin người cho phép mình nhập dòng ở tuổi 15. Nhưng Giáo hoàng Leo XII lại nói: "Này con, hãy làm theo ý bề trên quyết định".
Ít lâu sau, Giám mục Bayeux ra quyền cho bề trên dòng nhận Têrêsa. Tháng 4 năm 1888, Têrêsa trở thành một nữ tu dòng Camêlô. Năm 1889, cha Têrêsa lên cơn đột quỵ và phải vào nhà thương tư Bon Sauveur tại Caen, nơi ông ở ba năm. Ông trở lại Lisieux vào năm 1892 và qua đời năm 1894. Với cái chết của cha mình, Celine, người đã lo cho ông, gia nhập tu viện mà các chị em kia đang sống. Năm 1895, người chị em bà con là Marie Guerin cũng gia nhập cùng dòng. Còn Leonie, sau nhiều lần thất bại với dòng Camêlô, trở thành nữ tu Francoise-Therese của dòng Đức Bà Thăm viếng ở Caen.
Đường thơ ấu
Thánh Têrêsa được biết đến nhiều nhất bởi linh đạo "Đường thơ ấu" của mình. Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, Têrêsa đã thấu hiểu rằng để đạt được đều ấy và bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa, thì không cần phải thực hiện những việc làm anh hùng hoặc "cao siêu". Têrêsa viết: "Tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làm, vì vậy làm sao con có thể chứng tỏ tình yêu của mình được? Con không thể làm những việc cao siêu được. Cách duy nhất để con chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa; những bông hoa này là tất cả những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé nhỏ nhất với tình yêu". Linh đạo "Đường Thơ ấu" này cũng xuất hiện trong con đường người nữ tu trẻ tiến đến đời sống thiêng liêng: "Đôi lúc, khi con đọc các bài viết thiêng liêng, nơi mà sự hoàn hảo được cho thấy với một ngàn cản trở cũng như những ảo tưởng xung quanh nó, tâm trí bé nhỏ tội nghiệp của con trở nên mệt mỏi, con đóng cuốn sách, để lại đầu óc con như bị cắt ra làm đôi và trái tim con như bị co rút lại. Con mở Kinh Thánh ra. Và ngay lúc đó, tất cả đều trông thật là rực rỡ, một chữ duy nhất đã mở ra những chân trời vô tận cho linh hồn của con. Sự hoàn hảo trông thật là dễ dàng. Con thấy đó là đủ để nhận ra sự hi hữu của mình và vì như vậy, dâng trọn bản thân mình, như một đứa trẻ, vô cánh tay của Chúa nhân lành. Để lại cho những tâm hồn vĩ đại, những trí óc vị đại những cuốn sách to tát con không thể hiểu nổi, con vui mừng hớn về sự bé nhỏ của mình bởi vì "chỉ có trẻ nhỏ và những ai có đầu óc như vậy sẽ được nhận vào bữa tiệc Thiên Đàng". Những đoạn văn như cái ở trên cũng cho thấy Têrêsa chứa nhiều tình cảm và cũng rất ngây thơ. Điều này được thể hiện rõ qua cách người nữ tu tiến đến sự cầu nguyện:
"Đối với con, cầu nguyện là sự dấy lên của trái tim, nó là một cái nhìn đơn sơ về Thiên Đàng, nó là tiếng kêu của nhận diện và tình yêu, ôm ấp cả khổ cực lẫn niềm vui. Nói một cách khác, nó là một cái gì đó cao quý, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn con ra và kết hợp nên một với Chúa... Con đã không có dũng cảm để tìm trong sách các lời kinh đẹp đẽ... Con giống như một đứa con nít chưa biết đọc, chỉ nói với Chúa tất cả những gì con muốn và Ngài sẽ hiểu thấu."
Sức khỏe suy yếu và qua đời.
Ước mơ sang Đông Phương truyền giáo
.Những năm cuối cùng của Têrêsa được đánh dấu với sự suy sụt được chịu đựng một cách kiên trì, không lời than thở. Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, Têrêsa bắt đầu ho ra máu. Căn bệnh lao phổi đã đi đến hồi nghiêm trọng. Têrêsa đã có liên lạc với một cơ sở truyền giáo của dòng Camêlô ở bên Đông Dương thuộc Pháp và đã được mời đi, nhưng vì bệnh tình, nên đã không đi được. Tháng 7 năm 1897, Têrêsa được chuyển đến bệnh xá của tu viện, nơi người nữ tu trẻ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, ở tuổi 24. Trên giường bệnh, người ta nói rằng Têrêsa đã trối: "Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ đã trở nên quá ngọt ngào đối với con."
+Đức Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho chị Têrêsa và làm phép đền thờ Lisieur người ta xây cất kính Thánh nữ, đã nói:
"Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm".
Đức Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêsa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất của thời đại mới. Thánh nữ đã trở thành:
– Ngôi sao triều đại giáo hoàng của Đức Piô XI.
– Bổn mạng mọi tập viện Dòng Kín
– Quan thầy nước Pháp
– Đấng bảo trợ nước Mễ Tây Cơ và nước Nga
– Là lời nói sống động của Thiên Chúa ban cho thế giới
– Người loan báo sứ điệp mới về việc nên Thánh
– Cô bé cưng của ngôi Giáo Hoàng
– Bổn mạng các xứ truyền giáo
– Được cả người ngoại giáo yêu mến và cầu khẩn
Phụ bản: Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mối tình mang tên Việt Nam
Trong căn nhà nhỏ đượm nét Pháp, khách hành hương ghé thăm chị Thánh Têrêsa có thể tìm bản hướng dẫn bằng Tiếng Việt. Tôi không rõ cô quản lý nhà biết rằng có nhiều đoàn Việt đến thăm quan hay không nhưng nếu được hỏi, người Công giáo Pháp đạo hạnh ấy sẽ thủ thỉ cho bạn đôi điều về mối tình của chị Thánh với đất nước Việt Nam.
An Duyên - TNV Vatican News
Ước muốn đến Việt Nam
"Ơn gọi của con là tình yêu", câu nói ấy của chị Thánh Têrêsa đã chạm vào lòng Hội Thánh. Một cô gái sống 24 năm trên cuộc đời nhưng lại là một vị đại thánh, Tiến sĩ của Hội Thánh nhờ những cánh hoa tốt lành nhỏ bé. Chị là một trong vị thánh nổi tiếng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Từ năm bốn tuổi, chị sống cùng gia đình tại Lisieux thuộc vùng Normandie nước Pháp. Vì thế mà người ta vẫn gọi chị là Thánh Têrêsa thành Lisieux ngoài cái tên kính trọng, Têrêsa Hài Đồng Giê-su và Nhan Thánh.
Lớn lên trong một gia đình thánh đức, cha mẹ chị là ông Louis Martin và bà Zélie-Marie Guérin đã được ĐTC Phanxicô tuyên thánh ngày 18/10/2015. Năm 16 tuổi, chị bắt đầu cuộc sống của mình tại tu viện dòng Kín Cát Minh. Từ những tháng ngày đó, chị bắt đầu viết cuộc đời nên thánh của mình bằng những hy sinh nhỏ nhặt của mình. Vào mùa Chay năm 1896, Têrêsa có triệu chứng ho ra máu. Từ đó, bệnh tật là một Thánh giá mà Têrêsa đeo trên mình. Và, Thánh giá ấy đã trổ hoa.
Trong cái đau của bệnh tật, chị ước ao trở thành linh mục, được bước chân đi truyền giáo. Trong sách "Histoire d'une ame" (Truyện một tâm hồn), chị đã ghi lại thao thức của mình: "... si la sainte Vierge me guérit, je desire répondre à l'appel de nos Mères d'Hanoi" (Nếu Thánh nữ Đồng trinh chữa con lành bệnh, con ước ao đáp lời mời gọi của Mẹ tại Hà Nội) – trích chương IX trong Truyện một tâm hồn.
▓ Truyện một tâm hồn – cuốn sách được xuất bản năm 1898 ngay sau chị Thánh qua đời. Hiện nay, sách được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ khác nhau. Ảnh: An Duyên
Nguyên trang trên ghi lại những nguyện ước của chị Thánh nếu người được chữa khỏi bệnh. Nhưng, những ước ao ấy đã được Chúa cất giữ và cho chị ra đi vào năm 24 tuổi, để câu chuyện tình yêu ấy được viết tiếp bởi người em thiêng liêng, Marcel Văn.
Marcel Văn, người em thiêng liêng tại nước Việt
Nếu bạn may mắn gặp một người Công giáo Pháp, họ sẽ nhắc với bạn một cái tên mà người Pháp yêu mến: Marcel Văn. Sau những vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp năm 2015, một lời nguyện cho nước Pháp được "râm ran" hơn: "Lạy Chúa Giê-su, Người giàu lòng trắc ẩn với nước Pháp...". Những lời nguyện này được thầy Marcel Văn, người Việt viết ra cho dù chưa một lần đặt chân đến nước Pháp. Đó là lời nguyện, là câu chuyện "tình thánh" giữa Têrêsa và Marcel Văn.
Thầy Marcel Văn có tên là Gioakim Nguyễn Tân Văn, sinh ra tại làng Ngăm Giáo, thuộc giáo phận Bắc Ninh, Việt Nam. Từ nhỏ, thầy đã có một ước ao mãnh liệt được trở thành linh mục và được nên thánh. Thầy đã được người mẹ đức hạnh Anna Maria Tế gửi vào nhà Chúa. Thầy đã từng sống tại giáo xứ Hữu Bằng (1935-1941) và sau đó theo học Tiểu chủng viện tại Lạng Sơn. Tại đây, câu chuyện "chị thiêng liêng" bắt đầu.
Trong giờ Chầu tại chủng viện, Văn bắt đầu tìm kiếm cuốn sách thiêng liêng về vị Thánh mà mình có thể theo bước. Và cuốn sách trong linh hứng của Chúa là Truyện một tâm hồn. Trong nhật ký của mình, thầy viết "... Con lại cả dám ước ao xin Mẹ một điều là chớ chi con được Mẹ yêu thương đùm gối như bông hoa trắng truyết Têrêsa của Mẹ hồi xưa. Con cũng ao ước giá Mẹ ban cho con bà thánh ấy để làm thầy dạy dỗ con trên con đường nhỏ bé của Người thì Mẹ biết con sung sướng dường nào". "Con vào nhà thờ, đến quỳ trước tượng thánh Têrêsa và chân thành nói với thánh nữa: Têrêsa, từ nay chị là chị của em" [1].
Từ đây, chính Thánh nữ Têrêsa, người ước ao đến sống tại Việt Nam viết tiếp câu chuyện tình ái Chúa Hài đồng cùng người em thiêng liêng Marcel Văn. Têrêsa gọi thầy là "người em nhỏ bé" và cũng nhiều lần nói chuyện linh thiêng với thầy Văn. Thánh nữ cho biết thầy biết, thầy sẽ không bao giờ là linh mục và trở thành "Tông đồ ẩn dật của tình yêu". Dù đau buồn nhưng thầy Văn quyết nghe theo lời linh hướng của chị Thánh. Năm 1944, thầy bắt đầu sống đời dự tu tại Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội thuộc giáo xứ Thái Hà ngày nay.
【Đinh Văn Tiến Hùng, tổng hợp】