Chuyện Mẹ Chuyện Con kể chuyện ba mẹ con; mẹ, bà Miêng mới định cư tại Chicago, Phố Gió; con trai lớn tên Hai Hoàng; con trai thứ gọi Ba Hưởng...
Chiều Chúa Nhật, ba mẹ con đang ăn cơm. Bên bàn cơm, cậu Hai Hoàng gợi chuyện,
— Lúc nãy con có việc, phải ghé vào tiệm giặt quần áo của cô Hoa, bạn của dì Minh. Cô Hoa nói là tiệm giặt quần áo đang cần người trông coi tiệm vào ngày Chúa Nhật. Nếu mẹ thích, cô Hoa nói mẹ có thể đi làm vào ngày Chúa Nhật cho tiệm giặt quần áo của cô. Cô ấy sẽ trả tiền cash cho mẹ. Một giờ $10. Một ngày 10 tiếng. Như vậy cứ mỗi cuối tuần, mẹ cầm gọn ơ $100 tiền cash trong người. Một tháng cộng lại, mẹ có 400 tờ đô la xanh biếc. Cộng với lương mẹ đang làm ở trong hãng điện tử với Dì Minh, như vậy một tháng mẹ có tổng cộng là $1400 đô la.
Cậu Ba Hưởng reo to,
— Hay quá! Như vậy là cuối tuần mẹ hết thất nghiệp rồi. Đi làm thêm vào ngày Chúa Nhật, mẹ sẽ không than thở là ở Mỹ buồn như bún thiu. Chưa kể, mẹ lại có thêm tiền xài, mua thêm quần jean Levi mới để mặc đi dạo phố với Dì Minh.
Bà Miêng quay sang hỏi người con trưởng,
— Mấy giờ thì tiệm giặt quần áo mở cửa?
Cậu Hai Hoàng nhanh nhẹn,
— Ngày thường, tiệm mở lúc 8 giờ sáng cho tới 8 giờ tối. Ngày Chúa Nhật, tiệm mở cửa từ 10 sáng giờ cho tới 8 giờ tối, trễ hơn hai tiếng. Về vụ xe cộ, phương tiện đi làm, thì mẹ đừng có lo, bởi con đã xem xét đâu đó xong xuôi rồi. Ngay đầu ngõ nhà mình có một trạm xe bus. Mẹ đón xe bus số 90 đi về downtown Chicago. Xe bus sẽ dừng lại ngay trước cửa tiệm giặt quần áo của cô Hoa. Mẹ chỉ bước xuống mấy bước là tới tiệm giặt quần áo ngay. Khi về cũng vậy, mẹ cũng đón bus 90 về ngược lại ngay đầu ngõ nhà mình.
Thấy mẹ yên lặng điệu bộ suy nghĩ, cậu Ba Hưởng xung phong,
— Nếu mẹ ngại, con sẽ chở mẹ đi lễ Chúa Nhật vào chiều thứ Bẩy, như vậy mẹ không sợ bỏ lễ ngày Chúa Nhật.
Cậu Hai Hoàng nhìn mẹ, nói nho nhỏ,
— Tùy mẹ thôi. Mẹ suy nghĩ đi. Cuối tuần tới, mẹ nói cho con biết cũng được. Nhưng mà cô Hoa nói với con là tiệm đang cần người làm gấp lắm.
Bà Miêng nói ngay,
— Ăn cơm xong, con gọi lại tiệm giặt quần áo nói với cô Hoa là mẹ cháu cám ơn, nhưng làm phiền cô là cô phải đi kiếm người khác rồi, bởi vì mẹ cháu không đi làm ngày Chúa Nhật đâu.
Bà Miêng bỏ đôi đũa xuống bàn,
— Ai mà chẳng mê tiền hả con. Ai mà không khoái đô la. Tao mà đi làm ngày Chúa Nhật thì nhà mình lại có thêm một số tiền. Dù cũng chẳng là bao, nhưng tích tiểu thành đại, kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ. Ở bên đây mẹ biết nhiều người Việt Nam, nhất là những người qua đây từ năm 75, trở nên giàu có bởi họ siêng năng cần mẫn, vợ đầu tắt mặt tối cày ngày hai jobs, chồng cày nguyên tuần đủ bẩy ngày. Mặc dầu mẹ mới qua Mỹ thôi, nhưng nếu cứ tần tiện chắt bóp để dành, rồi cũng có ngày lại có đồng ra đồng vô như người ta. Rồi số tiền đó cũng là tiền của tụi bay chớ của ai. Tới ngày hai anh em mày lập gia đình, lấy vợ, mẹ có một số tiền cho riêng cho hai đứa.
Bà Miêng bỏ chén cơm xuống, hai tay chống cằm,
— Nhưng hai đứa bay thấy đó. Tới ngày hôm nay, tao cũng già rồi. Sinh năm 44, trước trận đói Ất Dậu một năm, bây giờ tao cũng trên sáu chục rồi chứ còn trẻ trung gì nữa. Năm ngoái, lúc bốc mộ của ông ngoại, mẹ nghiệm ra được một điều, đời sống thật là ngắn ngủi và chóng qua. Mẹ nhớ như in mới ngày nào năm tuổi, còn bé tí teo, ông ngoại bế mẹ trên tay đút xôi đậu đen cho ăn. Mẹ lắc đầu quầy quậy nói đậu đen là ruồi nhằng! dơ quá! không ăn! Rồi là năm 54, di cư vào miền Nam, ông ngoại cõng mẹ trên lưng xuống tàu há mồm. Rồi là năm 70, mẹ lập gia đình, sinh ra hai đứa bay. Rồi là năm 85, ông ngoại nằm xuống. Bốn năm sau, hai đứa bay vượt biên sang Mỹ. Ngày chôn ông ngoại, mẹ và tụi con, hai đứa còn đứng đó nhìn những hòn đất lăn xuống huyệt mộ ôm chặt ông ngoại vào lòng đất. Thời gian trôi qua, hai mươi năm sau, tụi bay đã lớn lên trưởng thành ở xứ người; mẹ thì già đi; ông ngoại thì lúc bốc lên chỉ còn là những mảnh xương nát mục.
Bà Miêng lắc đầu,
— Mẹ nhớ cách đây mấy hôm, điện thoại reo vang ầm ĩ trong nhà. Nhắc lên.
Tưởng ai, hóa ra một người bạn học thời trung học, nay đang sống ở Cali. Lớp hồi đó hơn ba mươi cô nữ sinh. Nay nói chuyện với người bạn, mẹ mới biết lớp giờ chỉ còn lại khoảng hai mười người. Mà tên nào tên nấy chỉ mới nhìn hình mà thôi, cũng đã thấy thịt da chảy xệ, da mặt lốm đốm tàn nhang. Chắc ngoại trừ mẹ ra, bạn học của mẹ ai cũng đã có cháu nội cháu ngoại.
Bà Miêng chép miệng,
— Thời gian sao trôi qua lẹ như cơn gió thoảng. Mới ngày nào thôi mà bây giờ tóc đã muối nhiều hơn tiêu. Thiệt, chẳng mấy chốc mà cũng xuôi tay nhắm mắt.
Cậu Hai Hoàng lắc đầu,
— Mẹ có dòng máu của cụ ông, sống gần trăm tuổi mà vẫn không lẫn. Mẹ hay nói, "Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới". Nhưng mà năm nay mẹ đã sáu mươi.
Tuổi hạn của mẹ đã qua rồi. Mẹ còn tiếp tục sống vui sống khỏe dài dài.
Bà Miêng nhìn một vài chiếc lá mùa thu đong đưa bên khung cửa,
— Thôi con ơi, mày đừng có khéo nói như bố mày. Năm nay tao cũng xế chiều rồi. Chẳng mấy chốc nữa mà đi bán muối. Bon chen kèn cựa đi làm thêm một ngày Chúa Nhật để làm chi hả con. Thà là để dành ngày Chúa Nhật đó cho riêng mình. Sáng, đi lễ, thờ phượng Chúa cho phải đạo. Đi lễ xong, về tới nhà dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Trưa, đi chợ dưới phố mua quần mua áo bán đồ hiệu bán on sale rẻ rề với dì Minh. Chiều, nấu cơm với canh chua cá bông lau thịt heo kho tộ cho ba mẹ con mình ăn như buổi chiều Chúa Nhật ngày hôm nay. Ăn cơm xong, mẹ ngồi coi Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim hài của Việt Nam, phim chưởng của Tàu, phim tình cảm của Đại Hàn, phim cao bồi của Mỹ. Từng đó chuyện cũng đủ hết một ngày Chúa Nhật. Hy vọng là mẹ còn được sống thêm khoảng hai ba chục năm nữa với tụi con. Khi đó tám chín chục tuổi, nhưng có sức khỏe để vui sống, chớ đau ốm rề rề, nằm liệt giường liệt chiếu, thì chỉ thêm khổ con khổ cháu.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một cuộc sống hạnh phúc, có sức khỏe, có gia đình, bố mẹ, anh chị em, và bạn bè mến yêu.
【Nguyễn Trung Tây】