Hoài niệm tháng Mân Côi - Tác giả: Xuân Giang
31.10.2022
"Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ,
Suy ơn chuộc tội loài người thế,
Tử sinh nhi tử tử nhi sinh,
Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể..."
Mỗi năm đến tháng Mân Côi, những lời kinh ấy lại cất lên tại nhiều xứ đạo và ngay tại Đại Chủng viện tôi đang tu học vào các giờ kinh tối. Không biết tôi đã nghe và đọc lời kinh này bao nhiêu lần vào tháng Mân Côi hằng năm nhưng mãi gần đây đọc sách vở, tôi mới biết đến cái tên Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca. Chứ dân gian nhà đạo mình xưa nay vẫn chỉ quen gọi là Phép ngắm Đức Bà Rosa, ca vãn Mân Côi, vãn Đức Bà Mân Côi hay vãn Mân Côi... Điều ấy cũng chẳng quan trọng vì đức tin của chúng ta lâu nay vẫn thường được nuôi dưỡng như thế. Có thể ông bà ta không giỏi thần học nhưng lòng đạo đức thì luôn chân thành.
Với riêng tôi, hình ảnh một đám trẻ con ngồi trên manh chiếu cũ trong các buổi đọc kinh Mân Côi in sâu trong ký ức tôi giờ hiện lên rõ mồn một...
"Nay đọc kinh nhà ai vậy mẹ?" Tôi chỉ kịp hỏi có thế, và vội bát cơm vào miệng, lúng búng nhai rồi chạy ra ngõ nhanh hết sức có thể, hướng đến nơi có đám bạn đang đứng đợi. Sau khi đã tập trung đủ người tại "điểm tập kết", chúng tôi tung tăng dưới ánh điện lờ mờ từ các ngôi nhà hắt ra. Ngày ấy, bên đường còn nhiều bụi tre và hàng rào rậm rạp, cũng chưa có điều kiện lắp đèn điện sáng trưng như bây giờ. Thi thoảng đến chỗ tối, cả bọn phải nín thở chạy thật nhanh vì sợ ma...
Thực ra tôi phải hỏi địa điểm đọc kinh cho chính xác là để tránh nguy cơ nhầm lẫn. Quê tôi là một xứ đạo nhỏ nằm bên bờ biển và có nhiều họ lẻ. Nhà tôi cũng thuộc một họ lẻ cách xa nhà xứ. Sau vài lần vỡ đê và mấy cuộc di cư thì giáo dân thuộc các giáo họ giỡ đã ở lẫn lộn với nhau. Có khi ở ngay bên nhà thờ này nhưng lại ăn gánh đóng góp thuộc về một giáo họ khác cũng không có gì là lạ. Trẻ con chúng tôi ngày ấy làm sao hiểu được chuyện này. Mà thường thì việc đọc kinh Mân Côi được tổ chức theo các giáo khu, giáo dân của các giáo họ nên đôi khi có thể các gia đình ở gần nhà nhau lại đọc trong cùng một ngày.
Thấy người lớn cầm tràng chuỗi trên tay, chúng tôi học đòi bắt chước. Sau buổi học, chúng tôi rủ nhau ra những bụi cây rủ ven sông lấy hạt của nó rồi về xâu thành chuỗi để cầm trên tay mỗi lần đọc kinh. Sợ bố mẹ mắng nên chúng tôi cũng không dám hỏi mỗi chuỗi bao nhiêu hạt, rồi vì thiếu thốn, chẳng được học giáo lý đầy đủ nên cũng không biết nhiều. Thành ra đứa nào có chuỗi càng dài càng hãnh diện...
Đúng là trẻ con cả thèm nhưng chóng chán. Lúc ý thức thì chúng tôi đọc rõ to: "Kính mừng Maria..." như muốn lấn át tất cả, nhưng có khi thì quên cả việc mình đang ngồi đọc kinh. Hết ngọ nguậy rồi lại giơ "chuỗi tràng hạt" trêu đùa nhau. Người lớn cũng thấy chia trí. Nhẹ thì người hắng giọng ra hiệu, nặng thì bị xách tai nhắc nhở...
Như đã quen, cứ đọc đến chỗ "Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa..." là lòng dạ chúng tôi xôn xao hẳn lên, nhìn nhau mỉm cười nhưng vẫn cố gắng giữ trật tự hết mức vì biết rằng sắp đến giờ... phát quà. Làm dấu kết thúc là nhôn nhao nhận quà. Khi thì nắm cốm hay bốc bỏng ngô. Hôm thì trái chuối, buổi thì mấy cái kẹo. Nhưng đó cũng là cả một bầu trời tuổi thơ. Đó là cả niềm vui sướng của một thời kỳ còn khó khăn.
Nhà tôi có đông anh chị em nên lúc tôi mới độ lên mười thì các anh chị đã lần lượt lập gia đình. Tôi chỉ biết anh chị chuẩn bị cưới là sang nhà bà ngoại để học kinh. Tôi cũng tò mò qua xem. Ngoại ngồi trên võng, móm mém nhai trầu rồi đọc trước để anh chị của tôi đọc theo. Vì không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn nên đối với anh chị tôi, việc chép được bằng kinh ấy ra giấy mà học là cả một vấn đề. Thôi thì đành học vẹt vậy... Tôi cứ thắc mắc sao kinh gì mà dài ngoẵng thế, ai mà thuộc được. Lấy vợ lấy chồng gì mà phải khổ thế? Ngoại bảo, ngày xưa ngoại cũng chỉ đọc theo các cụ mà thuộc đấy thôi. Rồi gì mà "Đức Bà" lại cũng là "Đức Mẹ". Ngoại cười không nói gì còn chị tôi thì bảo: "Đức Bà" cũng là "Đức Mẹ". Trí óc non nớt của tôi chưa thể chấp nhận điều này, vì "mẹ" thì sao bằng "bà" được, "bà" là "mẹ của mẹ" cơ mà? Sau này tôi mới biết đó là Kinh cầu Đức Bà. Bằng đấy tước hiệu thì đã thấm vào đâu so với các nhân đức và công trạng của Mẹ.
Đã lâu rồi tôi không có cơ hội ở quê vào tháng Mân Côi. Tôi hỏi mẹ thì được biết việc đọc kinh liên gia vẫn duy trì nhưng không còn đông vui như xưa. Tâm tình thì chẳng ai dám xét đoán.
Mấy năm trước, tôi có thời gian thực tập mục vụ một năm tại một giáo xứ làng nghề. Bà con giáo dân vẫn còn duy trì việc đọc kinh các gia đình vào tháng Mân Côi. Mỗi tối, tôi cùng đi với cha xứ tới tham dự tại giờ kinh đó tại các gia đình. Không quá khó để nhận ra, giờ ít còn cảnh ngồi chiếu. Mỗi người ngồi trên một chiếc ghế dựa và có thêm loa kéo di động tiện lợi. Thế nhưng, những buổi đọc kinh ấy dường như vắng bóng con nít và người trẻ. Giới trẻ thì viện đủ cớ bận rộn để chối từ. Họ có nhiều lựa chọn và niềm vui riêng. Đám con nít thì đã có điện thoại thông minh và đủ thứ hấp dẫn khác. Những món bánh trái cũng không còn đủ thu hút chúng nữa. Nhiều người già tỏ ra tiếc nuối cho một truyền thống và lo lắng cho đạo nghĩa của con cháu bây giờ...
Tôi lại nhìn lại chính mình. Nhiều khi lơ là cả ngày chẳng biết đọc được mấy kinh cho sốt sắng dâng lên Mẹ. Nhiều lúc hấp tấp vội vàng tua chuỗi thật nhanh để dành giờ cho những cuộc vui. Lắm khi tận dụng những khoảng thời gian "không đẹp" để tranh thủ lần chuỗi. Nhìn lại thấy mình thật yếu đuối, "phận bất xứng, muôn vàn bất xứng". Nhưng nhìn lên nhan Mẹ, tôi luôn thấy Mẹ vẫn mỉm cười. Mẹ biết con yếu hèn, Mẹ biết nhiều khi con quên Mẹ nhưng Mẹ chẳng bao giờ quên con, Mẹ chẳng bao giờ bỏ con vì Mẹ là mẹ của con, mẹ của các chủng sinh. Chắc chắn Mẹ đang chờ tôi nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để biến đổi mỗi ngày nên giống Đức Giêsu, Con của Mẹ.
Lạy Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi - Cầu cho chúng con!
【Xuân Giang】