Lần đầu tiên, một quyển sách tôi ngấu nghiến từ Lời giới thiệu đầu tiên cho đến Thư mục tham khảo ở những trang cuối cùng. Thần Khúc – tuyệt phẩm của đại thi hào Dante đã bước ra khỏi "cung điện hàn lâm" để những độc giả bình dân như tôi có thể đọc, cảm thụ và thẩm thấu.
"Ẩn số" Thần Khúc
Dù được dịch sang tiếng Việt từ năm 1978 nhưng bao nhiêu năm nay, Thần Khúc luôn ở ngoài tầm với của số đông độc giả Việt Nam. Hầu như những người biết về Thần Khúc hay nghe nói về Thần Khúc đều chỉ qua một số trích đoạn trong giảng dạy, các công trình nghiên cứu hoặc các chương trình hội thảo, các buổi tọa đàm... Còn một số độc giả thực sự yêu thích, muốn bước vào thế giới Thần Khúc và thưởng thức một tác phẩm văn chương đúng nghĩa thì cũng chỉ được tiếp cận những bản dịch không trọn vẹn, "thiếu trước, hụt sau".
Điều cốt lõi làm cho Thần Khúc cứ mãi là "ẩn số" đối với số đông độc giả Việt Nam dù đã được rất nhiều dịch giả chuyển ngữ, có lẽ là do văn hóa trong Thần khúc là văn hóa của Kitô giáo, cùng những điển tích, điển cố Hy Lạp - La Mã được hiểu theo nhãn quan của Dante, nên dịch giả có "ý thức hệ" khác Dante chắc chắn không "chạm" đến vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ thể hiện tư tưởng thần học và đạo đức Kitô giáo xuyên suốt tác phẩm.
▓ Ảnh tủ sách của người viết
Tôi biết đến Thần Khúc năm 2016 qua một bản tin nhỏ đăng trên báo mạng. Tôi tìm hiểu thì được biết đã có ít nhất 6 dịch giả chuyển ngữ tác phẩm này. Tôi lùng sục khắp nơi, gọi điện đến các nhà sách, nhà xuất bản nhưng thời điểm đó không nơi nào còn. Tôi "gửi tín hiệu vào vũ trụ" thì nhận được một lời đáp "Có một quyển của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn, giá 3 triệu đồng, mua hông". Sau một hồi "Kỳ kèo bớt một thêm hai", tôi đã mua được với giá 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày dày công đọc hết quyển sách, tôi thấy "xa lạ" so với những gì biết về Thần Khúc và Dante. Sau đó tôi đặt một quyển bằng tiếng Anh và mò mẫm vừa đọc vừa tra từ điển nhưng hỡi ơi, lạc vào quyển sách như lạc vào "rừng hoang" không lối thoát.
Con đường đến với "Thần Khúc" trắc trở nhiều hơn tôi nghĩ. Ngày ngày nhìn vào kệ sách, thấy 2 quyển Thần Khúc, một tiếng Việt, một tiếng Anh, lòng tôi lại đau nhói. Bao giờ tôi mới có thể được đọc Thần Khúc một cách thực sự và hiểu được những điều Dante muốn nói?
Tôi tiếp tục gửi "tín hiệu vào vũ trụ". Và sau 5 năm chờ đợi, vũ trụ đã đáp lời vào một buổi sáng tháng 9 tươi đẹp. Lúc đó tôi nghe mục Điểm sách của Đài Vatican News Tiếng Việt và thật bất ngờ, Dante, Thần Khúc, Linh mục Đình Chẩn được xướng lên một cách đầy hứng khởi nhưng không kém phần trịnh trọng... Tôi xốn xang, tim đập thình thịch và lập tức bấm số điện thoại gọi đến Nhà sách Hòa Bình (Q1, TP. HCM). Nhưng cũng thật là thử thách, hôm đó là thứ 2 nên nhà sách nghỉ. Sáng thứ 3, tôi canh me đúng giờ nhà sách mở cửa và đặt liền nhưng mãi đến trưa sách mới giao đến nơi. Cầm bộ sách của dịch giả Đình Chẩn trên tay, tôi hồi hộp, bối rối, run rẩy nhưng trong lòng vẫn không ngớt lo lắng. Lỡ đây là Thần Khúc "fake" thì sao? Hay lại là một Thần Khúc tuyển dịch, "lược bớt những khúc ca xét ra không cần thiết lắm, hoặc khó hiểu quá, chỉ chọn một số khúc thường được nhắc đến"; hoặc tệ hơn nữa là một tác phẩm trùng tên... Tôi ngắm nghía một hồi rồi quyết định mở ra... Dưới cái nắng 34 độ, tôi ngồi bệt ngay bên lề đường ngấu nghiến từng chữ. Đây rồi!!! Tôi đã tìm thấy kho báu! (và chắc chắn tôi sẽ không phải mất... 14 năm để đọc xong quyển sách Thần Khúc bằng tiếng Anh).
Người "giải mã" Thần Khúc
Vậy là sau một thời gian dài thiệt dài, dài tới 7 thế kỷ, năm 2022, Thần Khúc - bản trường ca vĩ đại của thế giới, đã được dịch sang hơn 60 ngôn ngữ, được chuyển thể, gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật - mới trút bỏ "xiêm y hàn lâm" để đến với số đông công chúng và độc giả Việt Nam. Người làm nên kỳ tích này chính là dịch giả Đình Chẩn, một môn đệ của Chúa Giêsu Cứu thế trong thời đại chúng ta.
Bước vào Thần Khúc của dịch giả Đình Chẩn, hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên. Bản trường ca vĩ đại của nền văn học Ý thời Trung cổ được Việt hóa một cách uyển chuyển, mượt mà, lôi cuốn và đầy hấp dẫn bằng các thể thơ quen thuộc của Việt Nam. Nếu người đọc không am tường về văn học phương Tây, không có nhiều kiến thức về chính trị xã hội lúc bấy giờ, hoặc không biết nhiều về thần thoại Hy Lạp hay Kinh Thánh, vẫn có thể đọc và đi vào thế giới Thần Khúc một cách sâu sắc. Bởi dịch giả Đình Chẩn đã trao cho người đọc "Chìa khóa để hiểu Thần Khúc" ngay những trang đầu tiên và còn kỳ công phân tích, lý giải, chú thích từng nhân vật, sự kiện, các điển tích... hết sức tỉ mỉ. Không chỉ mang đến cho độc giả Việt một "món ăn" quý hiếm nhất nhì thế giới, "người đầu bếp" tài hoa Đình Chẩn còn khéo léo chế biến và chắt lọc những gì là tinh túy nhất để Thần Khúc có thể "hợp khẩu vị" với tất cả những người có nhu cầu thưởng thức và cả những người biết thưởng thức. Có thể nói Linh mục Đình Chẩn là môt dịch giả vô cùng "có tâm" khi cung cấp cho độc giả những "kiến thức nền" vô cùng quan trọng để đọc và hiểu Thần Khúc một cách trọn vẹn nhất như: Thân thế và sự nghiệp của Dante, Cấu trúc-Nội dung Thần Khúc, Chìa khóa để hiểu Thần Khúc, Dẫn nhập Thần Khúc và Đôi nét về những giá trị tư tưởng... Thậm chí, ở từng phần, từng ca khúc (Bi khúc), dịch giả còn cẩn thận nêu lên ý chính, thời gian, không gian, địa điểm, nhân vật, sự kiện... với lối kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn bằng ngòi bút sắc sảo, uyên thâm. Chỉ với phần giới thiệu như thế, độc giả hoàn toàn nắm được nội dung chính của các Bi khúc, để khi đọc những vần thơ có thể tự do nhấm nháp từng con chữ và thăng hoa với vẻ đẹp thực sự của nghệ thuật thi ca.
Mặt khác, bước vào Thần Khúc, chúng ta sẽ chạm tới các khía cạnh trí tuệ lớn của nhân loại như triết học, tín ngưỡng, luật pháp và văn chương. Tuy nhiên, những điều cao siêu đó đã được "mã hóa" bằng ngôn ngữ thi ca một cách tài tình, giúp người đọc có thể hiểu và rung cảm được với tư tưởng thần học, hiểu được ý nghĩa tôn giáo một cách rõ ràng và sâu sắc hơn.
Tôi mới đọc xong quyển Hỏa Ngục và đọc đi đọc lại Bi Khúc IV – Ngục Lâm Bô, là "lâu đài của những danh nhân vĩ đại" (Hỏa Ngục, Bi khúc IV), nơi mà các linh hồn không bị trừng phạt, nhưng cũng vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa:
... đại thi hào Homer [1] oai phong lẫm liệt
Cùng hàng tao nhân mặc khách Đông Tây
nào Lưu Canh [2], nào Ho-Rát [3], Ông Viết [4] đây
nào Đỗ Phủ, nào Khuất Nguyên, Lý Bạch [5]
..."
Dù biết rằng đây chỉ là sự tưởng tượng của Dante nhưng chắc hẳn ai cũng tiếc nuối vì những nhân vật mà cả chục thế kỷ đã qua và ngàn thế kỷ mai sau, khi nghe tên vẫn biết họ là ai, họ vĩ đại như thế nào và danh của vang khắp bốn bể năm châu. Những thành tựu và cống hiến của họ đã làm cho thế giới tốt đẹp hơn, vậy mà sau hành trình dương thế ngắn ngủi, họ phải rời xa Thiên Chúa mãi mãi, đời đời không được chiêm ngưỡng nhan Người. Tôi nhận thấy thông điệp Dante gửi gắm ở đây là: khả năng tự nhiên của con người, dù siêu phàm cũng không thể đạt tới Thiên Chúa. Con người không thể tự cứu mình. Thiếu ân sủng, người ta không thể chạm tới phúc thật vĩnh hằng. Ôi, "được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì – Lc 9,25".
Dù mới chỉ đọc xong 1/3 bộ Thần Khúc, (còn Luyện Ngục và Thiên Đàng) tôi vẫn tin chắc Thần Khúc đã thực sự đến gần hơn với độc giả Việt Nam. Nói lời cảm ơn với dịch giả Đình Chẩn có lẽ không bao giờ là đủ, vì thế, với góc độ là người yêu mến Thần Khúc và là một "con chiên", tôi xin được cúi đầu tri ân Linh mục dịch giả Đình Chẩn và vội chia sẻ những cảm nhận đầu tiên về phần đầu tiên-Hoả Ngục này. Mong rằng, độc giả Việt Nam sẽ đón nhận Thần Khúc của dịch giả Đình Chẩn một cách nồng nhiệt, trước hết để tìm vẻ đẹp và giá trị của một tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới, sau là tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống và sử dụng sự tự do của mình để chọn lựa những điều thuộc về chân lý vĩnh cửu, vì:
"Thiên đàng, Hỏa ngục đôi quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa".
【Maria Bảo Thiên】
[1] Homer (IX-VIII tCN): là tác giả của hai kiệt tác Iliad và Odyssey. Tác phẩm Iliad có nội dung dựa trên các thần thoại về cuộc chiến thành Troia, nổi bật là anh hùng Achilles (được phiên âm là Anh Chinh trong Thần Khúc, Ca khúc I). Còn Odyssey là trường ca kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính Odyssey và hành trình trở về quê hương gian nan của người anh hùng này. Homer được coi là một trong những nhà thơ Hy Lạp cổ đại xuất sắc nhất, có ảnh hưởng lớn đến văn chương hiện đại phương Tây.
[2] Lưu Canh-Lucano thơ anh hùng ca.
[3] Horace (65-27 t CN) thơ trào phúng;
[4] Ovidio: Thi hào Latinh nổi tiếng sau Virgilio.
[5] Đỗ Phủ (712-770 s.CN); Khuất Nguyên (340 TCN-278 TCN) và Lý Bạch (701 – 762 s.CN). Đây là ba thi sĩ đại diện cho Phương Đông, do người dịch thêm vào.
[5] Tác giả liệt kê danh sách rất dài tên các danh nhân lỗi lạc thời cổ đại, các nhà triết học, các nhà lãnh đạo, vua chúa, quan quyền... Bản dịch xin mạn phép chỉ giữ lại một vài tên tiêu biểu.