Vị quê - Tác giả: Triêu Dĩnh Hạo
09.10.2022
Rồi cái ngày tôi đợi cũng đến. Số ca nhiễm Covid trong cộng đồng giảm mạnh, các hoạt động xã hội theo đó đã trở lại bình thường. Chỉ non một tháng, tôi đã có thể yên tâm về quê, chao ôi, tôi vui phải biết. Một ngày trước khi lên đường, tôi ghé qua Phú Thọ chơi. Ở đó, những con người mến khách đã khiến lòng tôi ấm lại.
Về nhà sau mấy tháng học đằng đẵng, tôi háo hức như một đứa trẻ. Thằng em tôi đã đón đợi ngoài cổng, nó đếm từng ngày khi nghe tin anh nó sắp về. Mới nghe tiếng xe máy nổ từ xa, cu cậu đã nhanh trí chạy ra mở cổng. Tôi mua bộ cờ cá ngựa có đính nam châm làm quà để cu cậu chơi. Ôi chao, cu cậu thích chí cười tít, đem khoe luôn với chúng bạn hôm đó.
Dắt xe vào nhà, tôi ngắm nghía cái khoảng sân quen thuộc. Một sự gần gũi thân thương dâng trào sống mũi, nó cứa khe khẽ vào trái tim tôi, ngọt dịu nhưng đầy trìu mến. Nếp nhà quê để tôi nhận ra cái hương vị chẳng có gì lạ, ấy là những điều ấm áp nhỏ nhoi trên mảnh đất tôi đã quen, đã lớn khôn trong ký ức tuổi thơ vô cùng đẹp.
Căn nhà vẫn thế, vẫn bé nhỏ và chính tôi đây cũng bé nhỏ. Dường như tôi có thể nếm cảm cái vị bình yên vô hạn khi cất bước về nhà. Mùa hè đơm cái nắng oi ả, nồng dịu mùi rơm mới mà thoảng vào không gian. Bầu trời cao lồng lộng, xanh không chút gợn mây, để nắng trưa rát bỏng lọt xuống và đổ lên mái nhà. Cây nhãn già cỗi trước cổng giờ đây phủ bóng lên khoảng sân vàng, cành lá rung rinh như mừng đón tôi. Nhãn nhà năm nay được mùa, cành nặng trĩu những quả tròn và mọng, chắc khoảng hai tuần lễ nữa là thu hoạch được. Tôi chống xe dưới bóng mát của cây, mệt bở hơi tai sau hành trình gần 200 cây số, cổ tay vẫn tê dại vì phải ghì tay ga quá lâu. Vật nuôi trong nhà đưa những cặp mắt nhớn nhác nhìn tôi, đã lâu tôi không về nên chúng tưởng tôi là người lạ. Mẹ tôi từ ngưỡng cửa bước ra, đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui rạng rỡ. Mẹ vẫn gầy thế, lưng đã còng hơn, đôi mắt trũng sâu, nhiều nếp nhăn xếp lại vết chân chim, kẻ trên gò má đen xạm vì cháy nắng. Vẫn là mái tóc xoăn rối ôm lấy gương mặt trái xoan tôi nhớ, mẹ cười tươi với tôi như bông hoa cúc vừa nở. Tôi thấy hình ảnh mình trong mắt mẹ.
- Con chào mẹ, con mới về...
- Cường đã về đấy chứ?
- Vâng, con mới về từ sáng.
- Thế con ăn gì chưa? Vào bếp lấy cơm ăn cơm, mẹ và em ăn trước rồi, cơm mẹ mới nấu đấy!
À, vậy ra bố vẫn đi làm chưa về, có mình mẹ và em trai ở nhà.
- Vâng, con chưa ăn gì cả!
Tôi nhanh chóng cất đồ vào nhà rồi trở xuống bếp. Căn bếp nhỏ ba gian thoảng cái vị đất nung trộn bồ hóng hăng hắc, rĩ ra từ mái ngói màu nâu cánh sẻ, lốm đốm rêu xanh. Hương vị này tôi vẫn nhớ, vẫn bén nhạy trong tri giác chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Nó gợi lên cái không gian bình yên mà gần gũi lắm. Giữa trưa, từng vảy ngói chườm nắng đã nguội, như bộ lọc tự nhiên đã chắt ra những luồng khí rất mát. Thứ ngói vảy truyền thống ấy, bà con trong làng tôi đã từng thi nhau sản xuất, nhưng do kỹ thuật nung đốt còn thô sơ và không đạt tiêu chuẩn, người ta đã bỏ nghề làm gạch ngói và dần chuyển sang các loại hình kinh doanh khác. Những công việc tay chân như vậy kể ra vô cùng vất vả và không xa lạ gì ở làng tôi. Đa phần các hộ trong làng đều xuất thân từ cái nghề thuần nông chân chính, cuộc sống chỉ đều đều trong bó lúa, cây rau, quanh năm nương nhờ vào đôi bàn tay để bươn chải cho cuộc sống mưu sinh còn quá ư chật vật.
Cơm nước xong, tôi lên giường nghỉ ngơi, giấc ngủ sâu đến với tôi rất nhanh sau đó.
Trở về nhà đúng dịp mùa cấy hái, nên tôi cũng tranh thủ phụ giúp bố mẹ được chút. Chiều nay đi làm đồng, tôi gặp bà con trong làng, họ mừng tôi trở về, cánh đồng quê yên ả cũng dang tay đón lấy tôi, vỗ về tôi trong làn gió chướng nồng nàn như ru hát.
Tôi xắn quần lên tận đầu gối, đĩnh đạc bước đi trên con đường làng quanh co. Chiều về quãng nửa, mặt đường vẫn bỏng ran, hơi nóng bốc lên như muốn sấy khô mọi thứ. Mồ hôi tiết ra trên khuôn mặt tôi nhễ nhại, tôi kéo ống tay áo để che đi những tia nắng đang lọt qua vành mũ. Cảnh vật quen thuộc dần hiện ra, phía trời Tây, những rặng tre gai nối nhau san sát dưới con đê hiền hoà, vài cặp bò nhởn nhơ gặm cỏ mà chẳng có ai chăn, có lẽ chủ của chúng đang tìm một bóng mát gần đấy để tránh nắng. Một buổi chiều bận rộn, thái dương treo ngang giữa lưng trời, đổ cái nắng thật gắt trên các thửa ruộng mấp mô, và cả trên sống lưng di động mà mẹ tôi đang cúi khòm. Tôi vẫn nhớ vị trí thửa ruộng nhà mình, qua cái cột điện thứ hai, nó ở phía bên phải, cách đường cái độ chục bước chân. Tôi vẫn nhớ thế, nếu ở nhà bố mẹ không đổi ruộng cho ai.
Nghe tiếng tôi, mẹ ngẩng cao người, bàn tay lấm bùn, chĩa đầy mạ non, mẹ nói:
- Cường đấy chứ?
- Vầng, nắng quá mẹ ơi!
- Nay còn đỡ đấy, chứ như mấy hôm trước khéo phải đợi chiều tối mới đi làm được.
Tôi lội xuống mép ruộng, một cảm giác âm ấm, sền sệt lan rộng ra các ngón chân. Ruộng khá trũng, nước và bùn đục quện nhau đượm mùi ngây ngây cỏ dại, nút vào khứu giác. Đúng vị quê hương rồi, nó từa tựa mùi khoai lang hà trộn phù sa của nước sông, thấm ướp thêm cái vị mặn mòi của lao nhọc cùng vất vả cộng lại. Hỗn hợp muôn vẻ ấy, tôi nghĩ tưởng là mùi riêng của đất.
Trở lại bờ ruộng, tôi tiện tay vốc một nắm mạ trong chiếc quang trành, gióng theo lối mẹ đang cấy và bắt đầu công việc của một điền nông. Những dảnh mạ trông tốt ngộn, được tay mẹ chăm bẵm nữa nên mạ cứ xanh mơn, chẳng sâu bệnh gì. Vụ mùa này mà không vướng lụt, hẳn lúa sẽ năng suất lắm. Nhìn những dảnh mạ tôi miết đi miết lại, mẹ cười:
- Lâu không cấy chắc quên rồi hả? Mà đi chầm chậm thôi không lại giẫm phải ốc đấy!
Tôi thản nhiên đáp lại:
- Ầy, mẹ cứ lo, con quen quá ấy chứ!
Hai mẹ con tôi chuyện trò hồi lâu thì có một cô hàng xóm tới lăng xăng cấy giúp. Cô tên Hạ, một cái tên đẹp. Cô đội chiếc nón lá có thắt quai nơ màu xanh, đỡ một bên vai cái đòn gánh treo đôi quang trành trống hoác sau lưng, nó va vào chân cô nghe lạch cạch. Tới bờ ruộng nhà tôi, cô bắt chuyện trước, giọng dẻo quẹo:
- Ôi, chào thầy với chị Thao, gớm, hai mẹ con làm ghê quá!
- Cháu chào cô Hạ!
- Đã đi làm về rồi đấy chứ em? – Mẹ tôi tiếp lời.
- Em vừa cấy trên Sốc Nếp xong, lát chuẩn bị về cống lấy rau lợn không nhỡ tối, thấy hai mẹ con nhà này tỉ mẩn quá nên em qua phụ tý.
- Nhất nhà cô rồi, thế về cơm cháo đi không lại muộn.
- Ôi dào, còn khối, lát em về cũng kịp chán mà!
Nói đoạn, bằng cử chỉ rất thành thục, cô bỏ đôi quang gánh trên vai rồi rón rén bước xuống ruộng, bước chân cô lúc nào cũng rón rén, cẩn thận như thế. Cô Hạ vốn dĩ là người mẹ đơn thân, nhà phía đầu làng, có một mụn con. Gia cảnh cô tuy nghèo, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô than thở hay bất mãn điều gì. Cứ ngỡ là cô sẽ ở vậy cho xong nhưng mới đây, mẹ tôi nói rằng cô đã kết hôn, chồng mới cưới của cô là người ngoan đạo, nghe chuyện tôi cũng mừng cho cô lắm.
Cô tiến về phía mẹ con tôi, vừa đi vừa tấm tắc khen:
- Khiếp, chị Thao gieo mạ thế nào mà khéo thế, chả bù cho mấy thước ruộng nhà em, xấu chưa đâu thấy.
Mẹ tôi vừa cười vừa lái:
- Cái cô này chỉ tài miệng khéo, mạ Khang Dân thì ngữ đâu mà đẹp. Mà nay hộ chị thì tối chị làm cơm ăn cơm.
- Thôi em hộ chứ không phải ngại gì đâu, gớm nữa...
Cái niềm vui của người nông dân là đấy, được giúp nhau trong những lúc rảnh rang hiếm hoi giữa vụ mùa bận bịu, thực chẳng gì quý bằng. Tình láng giềng, chòm xóm làm tôi yêu quê hương mình quá.
Tỉ tê một hồi, cô Hạ quay sang hỏi tôi về việc học ở chủng viện thế nào rồi động viên tôi không ngớt. Bàn tay cô tra nắm mạ nhanh thoăn thoắt, cấy vừa đều vừa đẹp. Cô khơi lại chuyện xưa, ngày tôi giúp thằng con của cô ôn học thế nào, rồi những mẩu chuyện lặt vặt cô lôi đâu ra không biết. Sự vất vả tỏ hiện trên khuôn mặt cô, và cả trên đôi mắt đăm chiêu với những ý niệm xa vời.
Sực nhớ ra món thịt chua ở nhà, tôi liền nói:
- À, tối đi lễ cháu qua nhà gửi cô và cháu Khiêm ít thịt chua, của ít lòng nhiều, cô nhận cho cháu nhé!
- Thôi thôi, cô hộ mà, không phải thế đâu... thật đấy!
Tôi nổi máu hài hước, buột miệng:
- Thôi, nữa đi mà,... mà!
Mẹ và cô Hạ cười phá lên, tiếng cười rộng vang cả một vùng trời rồi tan nhanh vào ánh nắng đã nhạt. Chiều tàn lúc nào chẳng hay. Mẹ và cô Hạ còn cấy một lối rộng nữa trước khi kịp trời tối, riêng tôi thì trở về nhà để chuẩn bị cho việc bếp núc.
Tối hôm ấy, cô Hạ không sang nhà tôi ăn cơm thật, tôi đã đem một ít thịt chua làm quà cho gia đình cô như đã hứa, cô chối đay đảy xong rồi cũng vui vẻ nhận.
Hai tháng hè dần qua đi, tôi ở nhà được rất lâu, thư thái thời gian. Bữa cơm với bố mẹ ở nhà là vui nhất, ngon nhất, không đâu sánh bằng. Mỗi lần tôi về, tôi thường nghe bố mẹ nói mát: "Cường nó vẫn gầy thế, nhỉ!", "Ối dào, con nó lo học, sao béo với chả bủng". Tôi chỉ biết cười vui rồi lảng sang chuyện khác.
Thời gian này, tình hình dịch bệnh trên cả nước rất đáng lo ngại, số ca nhiễm và tử vong do Covid tiếp tục gia tăng, ngày nhập trường chủng viện vì thế cũng đành phải hoãn lại. Tôi tranh thủ thời gian ở nhà để học riêng rồi sớm tối phụ giúp bố mẹ trong những việc đồng áng.
Vụ mùa cấy nhanh chóng kết thúc, sắc nâu thô kệch của đất ruộng giờ đây thay thế bằng màu xanh bất tận của lúa non. Những khóm lúa xanh rì, rướn lên không trung những búp đòng nay đã trổ phấn trắng. Chốc chốc, phấn bụi theo gió lả lướt trên cánh đồng, nhịp nhàng như có bàn tay vô hình gieo rắc. Thời kỳ lúa giỗ đã điểm, cứ đà này thì chờ khoảng hai tháng nữa là có thể gặt. Chiều nay đi thăm đồng, tôi choáng ngợp trước không gian kỳ vỹ của đất trời. Mùi cỏ non và lúa sớm vương theo bước chân, tôi có cảm tưởng là lạc vào xứ sở thần tiên kỳ bí, nơi mà mọi thứ chỉ làm bằng màu xanh. Ngước lên cao, phía trời Tây xuất hiện những cột mây cao và xốp, trắng như bông lau, chúng cản nắng lại và rực lên những vầng sáng nhiệm màu. Ở phía Bắc, những dãy núi bàng bạc, gối mình trên các làn khói đục mờ, vẻ tĩnh vắng và hoang sơ. "Quê tôi đẹp quá!" tôi tự nhủ như vậy và rảo bước về nhà.
Tôi nghe đâu đây tếng chim chiền chiện lảnh lót kêu, chúng đang láy qua láy lại những nốt nhạc nghe êm ái và dễ chịu. Ở ven đê, đám trẻ rủ nhau thả diều tự chế, chúng buộc những dàn sáo hai ống hoặc nhiều hơn vào gáy diều, cho chúng bay tít lên cao, để gió trời rít vào miệng sáo và phả ra những âm thanh trầm vọng. Tuổi thơ tôi ít một lần đã chơi những trò này.
Trời nhá nhem tối, tiếng ếch nhái và dế đất dần vang lên bài ca tĩnh mịch của làng quê. Thu nữa sắp đến rồi, tôi ngồi trước hiên nhà, vạch lên cuốn sổ điểm những ngày đã qua. Thói quen này tôi đã giữ kể từ ngày bạn và ông nội mất, để tránh việc bỏ sót những sự kiện quan trọng trong năm. Phải rồi, mai là ngày giỗ ông nội, tiếp đó hai ngày là dịp giỗ bạn tôi. "Chà!" - Tôi bấm bút, gối tay nhìn trời, hàng vạn ký ức treo vầng trăng méo dạng trên cao. Trăng nay không tỏ và khuyết bóng, nó làm tôi chộn rộn cõi lòng. Bầu trời loãng mây, những đốm sáng loé lên một cách kỳ lạ. Chúng không phải tinh tú, cũng không phải đom đóm, nhìn kỹ mới hay đó là những bóng đèn Led cố định vào các cánh diều. Vẫn là âm thanh vi vút, hoà điệu trong thứ ánh sáng di động lập loè, nhiễu sắc. Diều vừa có tiếng sáo, vừa lấp lánh trên cao, kể ra cũng thú vị thật. Tiếng chuông nhà thờ chợt vang lên, tôi quay vào nhà để sửa soạn cho việc dự lễ trực tuyến cùng bố mẹ. Thánh lễ hôm ấy, tôi đã dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất của ngôi làng Sàn bé nhỏ.
Chiều hôm sau, tôi đi viếng mộ. Tôi có thói quen là trước khi đi xa, sẽ ghé qua nghĩa trang để thắp cho người bạn và bà con quá cố trong làng một nén hương. Hôm nay, tuy chưa phải lúc xa nhà, nhưng vì là ngày giỗ ông, vậy nên tôi quyết định thay đổi lịch trình của mình.
Tôi chầm chậm bước đi trên con đường đê vắng vẻ, đường phẳng lì rợp bóng tre xanh. Dưới chân đê, con sông Thương kiều diễm như ngủ vùi trong giấc mộng bí ẩn. Nó lặng lẽ tâm sự với thiên nhiên bằng dòng nước ngát xanh, thứ ngôn ngữ mà phải nhờ vào tình yêu mới hiểu được. Tôi đưa mắt kiếm tìm bến đò xưa, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn gì ngoài những cồn đất nằm ngổn ngang trơ trọi. Hai bên bờ sông, những rặng tre lặng thinh cúi gằm, một cánh cò lẻ loi vắt qua sông như ru tôi vào cái thời quá vãng. Tôi tiếp tục bước đi, lòng bồi hồi khó tả. Xa xa, trên ngọn đồi cao là cây thánh giá chừng năm tấc trồi lên, mặt chính của thánh giá không hướng về ngôi làng, nhưng xoay về phía Đông như ngóng đợi những tia nắng Phục Sinh.
Đến nơi, tôi bước lên con dốc gồ ghề đá sỏi. Nền đất đỏ bazan nay đã hằn xuống những rãnh sâu do phải chịu tác động của việc rửa trôi quá nhiều. Xung quanh tôi, cảnh vật chìm trong không gian yên ắng, nó khéo đưa tâm trí tôi vào một cõi huyền siêu trầm mặc.
Đứng trước mộ người bạn thân, lòng tôi trĩu lại, tâm trí như bay bay miền cổ tích. Chín năm ròng đã qua, thời gian trôi nhanh quá. Tôi ở đây để nghe tiếng vọng về những ký ức thời trẻ. Ký ức màu buồn nhưng đẹp lắm, ngọt bùi lẫn lộn, có tôi và đám bạn trong những ngày hè trốn mẹ đi rãi nắng, rồi những buổi tiễn đưa các bậc cao niên trong làng... Biết bao con người mà tôi nhớ cả giọng nói lẫn vẻ mặt, đã lần lượt nối nhau nằm lại nơi đây.
Khẽ đặt lên các ngôi mộ nén hương lòng tha thiết, tôi dâng lời cầu nguyện cho ông, cho bạn và tất cả mọi người. Rồi quay gót ra đi, tôi đem theo những mến thương đầy hy vọng, và cầu xin Chúa ban bình an cho thế giới, trước đại dịch vẫn còn tiếp diễn như hiện nay.
【Mùa hạ 2021, Triêu Dĩnh Hạo】