Chuyện phở - Tác giả: Lm. Nguyễn Trung Tây

Lan Mary
— Như thế nào mới được gọi là tích cực? Thì như thế này... Tôi có những cái hay của tôi, anh cũng có những cái hay của anh. Phở nấu ở bên Việt Nam có những cái hay của phở quê hương. Phở nấu ở bên Mỹ cũng có những cái hay riêng của phở hải ngoại. Hai bên khác nhau. Hai bên mỗi vẻ mười phân vẹn mười. NGUỒN:

Chuyện Mẹ Chuyện Con kể chuyện ba mẹ con; mẹ, bà Miêng mới định cư tại Chicago, Phố Gió; con trai lớn tên Hai Hoàng; con trai thứ gọi Ba Hưởng...


Ngồi dán mắt vào trang thể thao, thấy mẹ bước vào phòng khách, cậu Hai Hoàng nheo nheo mắt nhìn mẹ một hồi. Bà Miêng ngạc nhiên nhìn, chờ đợi. Cậu Hai Hoàng khi đó mới chịu mở miệng, tưởng chi, hóa ra khen mẹ,

— Lẹ quá. Mới đó mà mẹ qua Mỹ đã gần nửa năm rồi. Con thấy mẹ kỳ này hồng hào, nhìn trẻ hơn cả mười tuổi.

Nghe khen trẻ, bà Miêng mở miệng cười, nửa đùa nửa thật rầy rà con trai,

— Mày! Chỉ được cái mồm mép... lém lỉnh không thua chi bố mày. Mày muốn nói là kỳ này tao mập phì như cái thùng phi thì cứ nói, làm chi mà cứ phải quanh quẩn vòng vo Tam Quốc.

Cậu Hai lắc đầu,

— Không, con nói thật mà, mẹ đâu có mập... Nhưng hồi mẹ mới qua, mẹ nhìn... gầy... nhom!

Bà Miêng trợn mắt,

— Ủa, hồi đó mẹ gầy lắm sao? Hèn chi dì Minh cứ hay nói, "Nói bà đừng buồn! Hồi bà mới qua, nhìn gầy tong teo như dân chết đói..."
Bà Miêng liếc nhìn bóng hình trong gương, tay bóp bóp bụng, tay nắn nắn vòng eo,

— Nhưng phải công nhận, tuần trước mẹ có cân thử. Thấy mập thêm được một ký. Dì Minh cũng nói, "Bà kỳ này nhìn có da có thịt hơn." Thêm được một ký, cái này mẹ đoán chắc tại bơ sữa...

Cậu Hai Hoàng gợi ý,

— Hay là tại gạo thơm Nàng Hương? Con thấy mẹ đi chợ, cứ gặp gạo thơm là mẹ bảo chú Ba vác ra xe... Giờ trong nhà kho, xếp cao mấy bao...

Cậu Ba Hưởng bước vào phòng khách, vừa kịp góp chuyện,

— Con? Con đoán chắc tại phở?

Cậu Hai Hoàng quay sang cậu Ba Hưởng,

— Đúng đó! Chú nói đúng, chắc tại phở. Con thấy mẹ với dì Minh cuối tuần hay dẫn nhau đi Uptown ăn phở...

Bà Miêng nhoẻn miệng cười tươi,

— Ờ, thì cũng đúng. Mày biết tính mẹ, tao thì thích ăn phở từ nhỏ. Nhưng ở Việt Nam thì tiền đâu mà ăn. Cơm không có, ở đó mà bày đặt đòi ăn phở. Nhưng qua tới Mỹ rồi thì lại khác...

Cậu Hai Hoàng nói,

— Ah! Vậy thì con giống mẹ. Con cũng thích ăn phở. Trưa thứ Sáu, con hay gọi mấy tên bạn trong hãng ghé Uptown ăn phở. Mà mấy tên Mỹ này cũng lạ, rủ đi ăn Burger King, Taco Bell, tên nào cũng lắc đầu quầy quậy, nhưng nhắc tới phở, tên nào tên nấy mặt mày sáng rỡ, đứng dậy, đi ngay...

Cậu Hai giải thích,

— Hồi mẹ chưa qua, mùa đông...bị cúm, con nhờ chú Ba ghé vào tiệm Phở mua cho con một tô phở to go, mang về nhà. Trời lạnh, ăn tô phở nóng. Cảm cúm đầu hàng bỏ chạy te te...

Cậu Ba Hưởng đổi hướng câu chuyện, thắc mắc,

— Mẹ ơi! Mẹ qua đây gần nửa năm rồi... Mẹ thấy phở Mỹ với phở Việt Nam mùi vị khác nhau như thế nào hả mẹ?

Bà Miêng dừng lại một phút, suy nghĩ,

— Nè! Cái này là mày tình thật hay muốn hỏi khó mẹ?

Cậu Ba ngẩn người ra, rồi chợt hiểu, vừa nói vừa cự nự,

— Mẹ này! Con hỏi tình thật, mà mẹ làm khó con...

Bà Miêng toét miệng cười, rào trước đón sau,

— OK. Nếu hỏi tình thật thì mẹ trả lời tình thật. Hồi còn ở bên Việt Nam, mẹ gặp nhiều người từ Mỹ về lại Việt Nam thăm họ hàng, cái này là nói giữa ba mẹ con mình nghe với nhau mà thôi. Nghe rồi bỏ qua, đừng có nói tới nói lui, mích lòng hàng xóm... Biết họ hàng xa xứ lâu năm, mẹ sốt sắng hỏi họ thích ăn món gì?
Họ đòi đi ăn phở. Mình te te dẫn vào tiệm phở đông khách nổi tiếng, trả tiền mấy tô phở, cạn cả tháng lương. Nhưng dầu sao người ta cũng là khách... Ai ngờ, tụi con biết không? Ăn xong, họ bĩu môi chê tới chê lui là phở Việt Nam dở ơi là dở, tô phở nhỏ tí xíu như cái lỗ mũi, nước lèo nhạt thếch...

Bà Miêng phân trần,

— Nhưng mà nói đi thì cũng phải nói lại, mẹ cũng thấy có người sang Mỹ du lịch, về lại Việt Nam họ cũng chê ỏng chê eo là phở Mỹ nấu dở òm, tô phở chi to như tô phở cứu đói...

Bà Miêng nhìn con,

— Đó, tụi con thấy chưa? Thiệt tình ông bà mình hay nói, "Ở sao cho vừa lòng người..."

Bà góp ý,

— Mẹ, mẹ không nghĩ như vậy. Mẹ tin rằng người ở đâu thì quen với vị thức ăn ở đó. Việt Nam quen với tô phở nấu bên Việt Nam. Mỹ thì lại quen thuộc với tô phở nấu bên Mỹ.

Bà Miêng gật gật đầu,

— Mẹ nghĩ, cả hai tô phở, phở bên Việt Nam và phở Mỹ tuy là khác nhau, nhưng cả hai đều ngon... Cái này là nói tình thật... Chứ không phải "dĩ hòa vi quý"...

Bà Miêng luận bàn,

— Hai đứa còn nhớ hồi mẹ mới tới Mỹ, tụi con chở mẹ vào tiệm phở Uptown. Nhớ không? Bữa hôm đó, mẹ ngồi trên phi cơ nguyên cả một ngày, người ta dọn bánh mì với bơ, nhưng khổ, nào có nuốt được miếng nào. Tới được tiệm phở, bụng đói cồn cào, nhưng ăn mãi mà vẫn không hết một tô, bởi...ngán! Tô phở bữa đó tô xe lửa, to bằng cái mâm con, mới nhìn thôi mà đã thấy ớn chè đậu!

Bà Miêng nhún vai, nhoẻn miệng cười,

— Nhưng sống bên đây riết thành quen. Mới tuần trước thôi, dì Minh gọi đi ăn trưa. Dì ấy hỏi, "Bà nội thích ăn cái gì?". Con biết không, mẹ nói liền, "Đi ăn phở đi".

Bà Miêng nghĩ ngợi,

— Thằng Hai đi nhiều? Có qua bên Pháp hay Úc bao giờ chưa? Mẹ nghe mấy người bạn có dịp qua bên đó nói, "Phở Pháp và phở bên Úc không ngon bằng phở bên Mỹ"...

Bà Miêng cẩn thận,

— Nghe họ nói, mẹ yên lặng, không dám nói tới nói lui, bởi tao ngại... đụng chạm, ngại mích lòng! Nhưng thật tình mà nói, mẹ không thích cái kiểu so sánh như vậy. Nếu phở Paris hoặc Sydney không ngon, tại sao người Việt ở đó vẫn kéo tới để thưởng thức hương vị phở. Con nghĩ thử coi...

Bà Miêng giải thích,

— Mà không nói thì tụi bay cũng biết rồi. Phở nguyên thủy ở ngoài Bắc. Vô trong Nam, phở Bắc trộn thêm giá sống. Sau 75, người Bắc vô trong Nam ăn tô phở than tô phở miền Nam toàn là hương vị hủ tíu! Đến phiên người miền Nam đặt chân tới Hà Nội, ăn được tô phở Bắc, họ càm ràm tô phở Hà Nội toàn bột ngọt!

Cậu Hai Hoàng góp ý,

— Lúc nãy mẹ hỏi con qua Pháp chưa? Pháp thì chưa, nhưng Úc thì có một lần. Lần đó hãng gửi con qua Úc một tuần công tác. Con cũng ghé vào khu thương xá Springvale của người Việt Nam tại Melbourne ăn phở. Con thấy phở Úc sợi phở to hơn sợi phở bên Mỹ, mà đặc biệt, nước phở ngọt và thơm lừng à...

Cậu Hai nhận xét,

— Lạ ghê, cũng là một tô phở, nhưng phở Melbourne khác với phở Chicago lắm. Nói chuyện một hồi con mới biết, Úc thịt bò ngon nổi tiếng, cho nên phở Úc hương vị khác hẳn với phở Chicago. Rồi có lần, con cũng có dịp ghé vào tiệm Phở Việt Nam tại Đài Bắc. Rõ ràng phở bên đó cũng là phở Việt Nam, nhưng phở Đài Loan hương vị lại khác hẳn với phở Sài Gòn, phở Chicago, phở Melbourne.

Cậu Ba Hưởng hỏi anh,

— Anh Hai sướng nhé, senior trong hãng, tha hồ đi tới lui, tha hồ ăn phở của nhiều nước. Mà anh Hai nói khác là khác như thế nào?

Cậu Hai lắc lắc đầu,

— Cũng không biết diễn tả như thế nào, nhưng phở Đài Bắc nhiều vị hồi và mùi quế... Phở Melbourne, mùi phở thơm lừng...

Bà Miêng vỗ vào trán,

— Ờ! Mẹ nghe mấy người bạn sống bên Úc họ nói, bên đó, người ta không lái xe bên tay phải như bên Việt Nam hoặc bên Mỹ. Có đúng không, thằng Hai?...

Cậu Hai Hoàng gật đầu,

— Đúng đó mẹ, bên đó họ lái xe không giữ lề bên phải như bên mình. Cho nên khi đồng nghiệp người Úc bay qua Chicago họp, họ càm ràm, "Có chuyện phải băng qua đường, tụi này không biết phải nhìn bên nào, trái hay phải. Dân Yankee mấy ông, thiệt tình lái xe ngược đời". Nghe nói vậy, tụi con phá ra cười to, "Tớ tưởng bên đó Aussie mấy ông mới ngược đời chứ".

Cậu Ba Hưởng chen vào,

— Nước Úc nằm dưới Nam Bán Cầu, thời tiết hoàn toàn ngược lại với Bắc Bán Cầu. Chicago tháng Mười Hai mùa đông, Melbourne tháng Mười Hai mùa hè nắng đổ lửa...

Nhìn ra sân vườn, nắng trưa mùa hạ Chicago cháy đỏ nung lửa sân vườn, bà Miêng nói,

— Thật tình mà nói! Mẹ không thích cái kiểu so sánh bên này hay hơn bên kia, bên này đúng hơn bên kia. Gần nửa đời người đã trôi qua, mẹ nghiệm được một điều, những cái so sánh kiểu này dễ tạo ra những hiềm khích, những căng thẳng, và những hiểu lầm không cần thiết. Mẹ thích những cái so sánh tích cực hơn...

Cậu Hai Hoàng e dè, hỏi mẹ,

— Mẹ nói tích cực... Nhưng so sánh như thế nào mới được gọi là tích cực?
Bà Miêng kết luận câu chuyện ba mẹ con bàn về PHỞ,

— Như thế nào mới được gọi là tích cực? Thì như thế này... Tôi có những cái hay của tôi, anh cũng có những cái hay của anh. Phở nấu ở bên Việt Nam có những cái hay của phở quê hương. Phở nấu ở bên Mỹ cũng có những cái hay riêng của phở hải ngoại. Hai bên khác nhau. Hai bên mỗi vẻ mười phân vẹn mười.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, vào ngày thứ Tư trong tuần Sáng Thế Ký, Chúa đã tạo dựng mặt trời làm vầng nhật soi sáng ban ngày, và mặt trăng làm vầng nguyệt soi sáng ban đêm. Bởi có mặt trăng, mặt trời, và quả đất của Thiên Chúa trao tặng, nhân gian chúng con có ngày có đêm, có thời tiết bốn mùa luân phiên thay đổi. Vào ngày thứ Sáu trong tuần Sáng Thế Ký, Chúa lại tạo dựng ra con người, người nam và người nữ trong hình ảnh của Thiên Chúa. Cám ơn Chúa đã tạo dựng chúng con khác nhau, mỗi bên một vẻ mười phân vẹn mười. Lạy Chúa, xin cho chúng con chân thành nhận ra bởi Chúa cất công tạo dựng nên những nền văn hóa riêng biệt khác nhau, mỗi nền văn hóa xuất hiện trên mặt địa cầu đều có những sắc thái, vẻ đẹp riêng tư của nền văn hóa đó. Xin dạy cho chúng con biết tôn trọng những khác biệt giữa chúng con, tế nhị trong ngôn ngữ khi đối thoại trong cuộc sống hằng ngày.


Nguyễn Trung Tây