Nước mắt và hạnh phúc - Tác giả: Lm. Người Lữ Hành
26.08.2022
Đó là một ngày giữa mùa hè nắng nóng, trên xứ Phù tang năm 2016. Soeur Bề trên Tổng quyền Dòng Mẹ thánh Teresa Calculta dẫn hơn 30 nữ tu đến Nhật Bản tham dự tu nghị của Nhà Dòng, cùng đi theo đoàn có mấy mini Soeurs trong đó có một em Việt Nam.
Lúc bấy giờ, tôi đang làm phó xứ nhà thờ Chính toà Giáo phận Oita và được mời dâng lễ cho các Soeurs. Là người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, nhưng dâng lễ bằng Tiếng Anh, vì các Soeurs là Dòng quốc tế giao tiếp chính bằng Tiếng Anh.
Điều khó nhất đối với tôi là việc giảng lễ cho các dòng tu. Nhất là giảng lễ cho các Soeurs Dòng Mẹ thánh Teresa Calculta, vì họ là dòng quốc tế, đến từ nhiều nơi trên thế giới, phải giảng sao cho thật vui, nhẹ nhàng, ngắn gọn, nhưng phải toát lên được vẻ đẹp của Tin Mừng, trong đó có hình ảnh người nghèo, và hoạ lên được nét đẹp của người truyền giáo trong niềm vui phục vụ, theo tinh thần của Mẹ thánh Têresa Calculta.
Chính vì thế, đêm nào tôi cũng phải thức tới khuya, để dọn bài giảng và phải luyện cách phát âm bằng Tiếng Anh sao cho đúng và dễ nghe. Mỗi ngày dâng lễ từ sáng sớm, trong nhà thờ rộng, tuy không có máy lạnh, nhưng có quạt máy, thế mà vẫn toát mồ hôi hột, khi giảng lễ cho các Soeurs.
Ở Nhật Bản cũng như ở nhiều nước tự do khác trên thế giới, linh mục được coi như là một cái "nghề" được kể như là công nhân viên chức nhà nước, làm công ăn lương. Công nhân viên chức thì được nghỉ ngày thứ bảy và Chúa nhật, nhưng các linh mục ngày thứ bảy và Chúa nhật sẽ bận rộn hơn, nên không được nghỉ. Thay vào đó, chúng tôi được nghỉ bù vào một ngày khác trong tuần làm việc, tuỳ theo công việc và theo mình chọn.
Tôi chọn ngày thứ tư giữa tuần là ngày nghỉ cho mình, tuy là nghỉ làm việc, nhưng vẫn đi dâng lễ mỗi ngày cho giáo dân và cho các dòng tu. Tận dụng ngày nghỉ này, tôi tình nguyện nấu đãi nhà dòng một bữa ăn bằng món Việt Nam. Được mẹ Bề trên Tổng quyền đồng ý, tôi đã chuẩn bị mua sắm vật liệu nấu ăn từ ngày trước. Đến sáng thứ tư, sau thánh lễ, ăn sáng xong, tôi vào bếp nấu cho khoảng 40 người ăn.
Hôm đó, tôi đã làm món bò lagu ăn với bánh mỳ, kèm theo món gỏi cuốn và món chả ram (nem rán) cùng một món súp kiểu Pháp, tôi mới học được đãi mấy Soeurs. Riêng món Bò Lagu tôi phải thức hầm thịt và gân bò từ tối hôm trước cho mềm.
Đúng 12 giờ, sau khi các Soeurs đọc kinh trưa xong, thì các món ăn đã được dọn lên bàn. Tôi hướng dẫn cách ăn cho các Soeurs xong, thì trở về phòng khách và nghĩ rằng, hôm nay, lần đầu tiên mình được ăn chung với các Soeurs. Nhưng bất ngờ, trước hành lang phòng khách có đặt một cái bàn nhỏ, 2 cái ghế, 2 bộ chén bát, dĩa ăn và 2 ly nước. Thoáng nhìn qua, tôi nghĩ là hôm nay mẹ Bề trên Tổng quyền sẽ dùng cơm chung với mình.
Sau khi vào phòng rửa mặt, sửa lại quần áo cho chỉn chu, tôi trở ra hành lang hồi hộp chờ mẹ Bề trên Tổng quyền tới. Đột nhiên, từ đàng xa có tiếng chào: "con chào cha, mẹ Bề trên Tổng quyền gọi con ra đây tiếp cha và dùng cơm chung với cha cho vui, vì luật nhà dòng, khách không được vào khu nội cấm của nhà dòng, ngoại trừ Đức Cha ra".
Em tên là Maria Thảo Nguyên, con gái Miền Tây Việt Nam. Em đã tìm hiểu một vài dòng khác, nhưng em chọn vào tìm hiểu dòng của Mẹ thánh Teresa Calculta, mặc dù gia đình và bà con kịch liệt phản đối, vì không muốn em đi tu, và lại tu trong dòng nghèo này, vì sợ em khổ. Nhưng em quyết tâm ra đi và hiện đang là thỉnh sinh, tìm hiểu và học tiếng Anh ở Philippines.
Vừa ăn vừa nói chuyện bằng tiếng Việt sao mà vui ơi là vui! Ngon ơi là ngon!. Em bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời của em, về gia đình, quê hương em ở Việt Nam, về những giọt nước mắt sau khi trốn nhà đi tu. Rồi em bắt đầu kể về đời sống sinh hoạt của nhà dòng. Về linh đạo của Mẹ thánh cho tôi nghe. Đây là lần đầu tiên, tôi mới biết sự thật về nhà dòng này.
Họ sống khó nghèo cách triệt để, sống vì người nghèo và dấn thân phục vụ người nghèo trong hân hoan nghèo khó. Nên họ thường đi chân đất (chân trần không giày dép). Mỗi người chỉ có hai bộ tu phục, để thay khi giặt. Ngủ phòng tập thể, mỗi người mỗi giường, nhưng không có phòng riêng. Ăn cơm chỉ dùng một cái dĩa mà thôi, dù có bao nhiêu món ăn đi chăng nữa, thì cũng chỉ dùng một cái dĩa.
Họ không đi làm việc, để hưởng lương ngoài xã hội, nên chỉ sống bằng "của bố thí" mà thôi. Họ không giữ tiền trong người. Họ chỉ mang theo thánh giá và tràng chuỗi. Trừ Soeur quản lý ra, không ai biết đi shopping. Nhật Bản tuy là một nước giàu về vật chất, nhưng lại có rất ít người "bố thí" nên các cộng đoàn ở Nhật Bản phải nhờ các cộng đoàn ở những nước khác gửi tới, để các Srs sinh sống và lo cho người nghèo ở Nhật.
Sau khi nghe em kể, tôi rất xúc động, tuy miệng thì cười nhưng hai dòng nước mắt cứ tuôn ra, cảm động về tinh thần của một người con gái đất Việt với một ý chí rất rõ ràng và dứt khoát. Nhiều lần, tôi cúi xuống để giấu hai hàng lệ chảy, nhưng em đã nhìn thấy, và lấy khăn giấy đưa cho tôi lau nước mắt.
Nhìn em ăn những món ăn Việt Nam, một cách ngon lành vui vẻ. Có lẽ, đã lâu lắm rồi, em chưa được thưởng thức hương vị của quê nhà, đã lâu lắm rồi, em không được dùng chén bát, muỗng nĩa như hôm nay. Đã lâu lắm rồi, em mới có dịp tâm tư chia sẻ bằng tiếng mẹ đẻ một cách tự do và thoải mái như thế này.
Tôi hỏi em: con có thật hạnh phúc, khi chọn sống đời dâng hiến, theo linh đạo của Mẹ thánh trong nhà dòng này không? Em trả lời: "dạ có thưa cha, vì đây là lý tưởng mà bao năm qua con hằng ấp ủ trong lòng. Khi còn nhỏ, con đã nghe nói về dòng này, nhưng bây giờ con mới cảm nhận được. Con xuất thân trong một gia đình nghèo, ở miền sông nước, nên con đã hiểu và thấm được cảnh nghèo rồi, giờ con muốn đi khắp cùng thế giới, để được phục vụ và yêu thương người nghèo, kém may mắn hơn mình, và con ước một ngày không xa, dòng này sẽ có mặt tại Việt Nam cha ạ".
Thú thật, từ trước đến nay, tôi thường nghe nói, con gái Miền Tây thích ăn chơi đua đòi, mua sắm. Tuy nhà nghèo, nhưng được đồng nào xào đồng nấy, không biết cất dành, dự trữ... nhưng hôm nay gặp em, tôi đã thay đổi ấn tượng đó về con gái Miền Tây và rất cảm phục em.
Thế rồi, một tuần lễ trôi qua, tôi chào tạm biệt các Soeurs và hẹn ngày gặp lại trong tương lai. Em đứng đó nhìn tôi, chỉ nói mấy từ: "con cám ơn cha nhiều." Trước ngày em trở lại Philippines mẹ Bề trên cho phép các chị em cùng lớp đi dạo phố với tôi, trước khi tạm biệt xứ sở Anh Đào trở về với cuộc sống thường nhật.
Mấy ngày sau, tôi nhận được thư của em viết cám ơn tôi, vì đã lắng nghe, chia sẻ với em. Đó là lá thư đầu tiên và có lẽ là lá thư cuối cùng, em viết giữa đêm thanh vắng, những nét bút chân thành với tình cảm thân thương trìu mến. Em hứa sẽ nhớ cầu nguyện cho tôi và cũng xin tôi cầu nguyện cho em nữa.
Thế rồi đã bốn năm trôi qua, chúng tôi chưa gặp lại nhau, nhưng em vẫn luôn nhờ các Srs ở Nhật chuyển lời thăm tôi. Hôm nay, nhân ngày lễ kính thánh nữ Maria Madalena, tôi đến dâng lễ cho các Soeurs và nhận được tin em đã khấn dòng, chính thức trở thành nữ tu trong Dòng Mẹ thánh Têresa Calculta, và được sai đi phục vụ ở Hàn Quốc.
Được gặp nhau nơi đất khách quê người, trong dịp hiếm có như thế này, quả là một hồng ân đặc biệt. Tạ ơn Chúa đã cho quê hương Việt Nam thân yêu của chúng con có thêm một nữ tu trẻ, năng động, dễ thương với bầu nhiệt huyết yêu thương, phục vụ người nghèo, theo tinh thần và linh đạo của Mẹ thánh. Cầu mong ước mơ của em sớm được thực hiện là đưa dòng của Mẹ thánh Calculta về hoạt động trên quê hương Việt Nam và cầu chúc em cũng sẽ được nên thánh như đấng sáng lập nhé! Em gái Maria Thảo Nguyên.
【Lm. Người Lữ Hành, Phù tang 22/07/2020】