Một chút tâm tình ngày lễ kính Thánh Eymard – Tông đồ Thánh Thể - Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể - Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary
Thánh Eymard đã dạy: "Có Thánh Thể rồi, hỏi bạn còn mong gì hơn nữa ở đời này". Hy vọng rằng, tôi luôn ý thức vai trò và trách nhiệm là một tu sĩ, linh mục Thánh Thể, để tôi có thể, từ những việc làm âm thầm và nhỏ bé nhất, thắp lên ngọn lửa Thánh Thể trong lòng mọi người. NGUỒN:

Dù mang tiếng là tu sĩ, linh mục Dòng Thánh Thể, là người tiếp quản chính thức kho báu linh đạo và đặc sủng mà cha thánh Phêrô Giuliano Eymard – TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ để lại, là con cái của cha thánh mà chưa bao giờ tôi viết bài về ngài.

Không biết có phải "bụt nhà không thiêng", mà với cá nhân tôi, rất ít khi tôi nhắc đến thánh Eymard. Nhớ ngày mới vào dòng, tôi lơ mơ, lạ lẫm và có phần cảm thấy hơi ơn ớn khi thấy tượng ông thánh cầm hào quan Thánh Thể, nhưng lại tên là Ê-ma (phiên âm theo tiếng Việt). Quả thật, cái tên thật sự ấn tượng vì nó gợi lên trong đầu tôi hình ảnh ghê rợn ma quái gì đó, trái ngược với vinh quang Thánh Thể trên tay của ngài.

Nhớ những ngày đầu mới bước chân vào đời tu, tôi có biết gì đâu. Học hành thì kém, sức khỏe thì yếu nhược, cộng với đời sống nội tâm còn hời hợt nên tôi luôn trong trạng thái căng thẳng và lo lắng. Chẳng biết sao tôi lại được chọn vào nhà tập, trong khi một vài anh em khác lại không được chọn. Tôi không nghĩ mình có gì hay ho hơn những anh em đó, nhưng có lẽ Chúa muốn dẫn những anh em đó theo một hướng khác và Ngài vẫn cho tôi cơ hội để sửa đổi bản thân.

Khi đó vào nhà tập căng thẳng lắm. Ngoài thời gian tập sống trong nhà tập tôi phải tập quên và từ bỏ hết những thói quen không phù hợp nơi gia đình, để thích nghi với môi trường tu trì, hơn nữa còn phải luyện thi vào học viện. Đó cũng chưa phải là nỗi lo chính yếu khiến tôi phải mất ăn mất ngủ. Có thể nói nỗi sợ nhất của tôi là sợ mình không đủ tiêu chuẩn để được chọn lựa. Tôi luôn lo sợ mình bị loại bỏ. Tôi luôn cảm thấy mặc cảm vì mình chẳng có gì tích cực để có thể tự tin vào bản thân. Thế là trước những lo lắng đó căn bệnh đau đầu ngày một nặng, tôi chẳng thể làm việc gì ra hồn, ngay cả cầu nguyện và học tập chứ đừng nói đến thực hiện những công việc nặng nhọc khác.

Sau giờ kinh chiều hằng ngày, tôi có thói quen ra đài Đức Mẹ để cầu nguyện. Gần đài Đức Mẹ có tượng thánh Eymard. Thế là chẳng biết tự khi nào, sau khi lần hạt cầu xin Đức Mẹ, tôi liếc mắt qua tượng thánh để cầu khẩn với ngài. Tôi chẳng cầu xin cho mình thi đậu hay trở thành như thế nào. Tôi nói với ngài: "Cha thánh Eymard ơi, con đang rất lo lắng, và nỗi sợ nhất của con là con không được cha bề trên chọn lựa và chấp thuận cho con được khấn dòng, để con có thể trở thành tu sĩ Thánh Thể. CON XIN CHA, VÌ CHA LÀ ĐẤNG SÁNG LẬP, NẾU CHA ĐỒNG Ý NHẬN CON, THÌ KHÔNG CÓ BỀ TRÊN NÀO DÁM TỪ CHỐI CẢ. Xin cha thương nhận con vào hội dòng của cha, để con có thể tôn thờ, học hỏi, suy niệm, rao giảng và sống Thánh Thể như cha đã dành cả đời làm chứng cho Thánh Thể. Con cũng muốn trở thành Tông Đồ Thánh Thể như cha..."

Từ đó trở đi, hằng ngày tôi vẫn thủ thỉ với ngài như thế và tôi đã được chọn, không những được cho khấn đầu, khấn trọn, được là thành viên chính thức của hội dòng, mà còn trở thành LINH MỤC THÁNH THỂ - điều mà tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Tôi không bao giờ nghĩ mình có tài cáng gì cho bằng lời nguyện của tôi đã được chính Đấng Sáng Lập nhận lời. Do vậy, qua mỗi giai đoạn đào tạo, ngài luôn gửi những người cụ thể để đào tạo và hướng dẫn tôi.

Thời gian trôi qua, những tưởng đời sống của mình sẽ ngày càng sinh hoa trái và tôi có thể trở thành người nối tiếp Thánh Eymard để thắp lửa Thánh Thể cho người khác. Tuy vậy, có lẽ vì nhận được sự bảo hộ và những ơn riêng quá dễ dàng mà nhiều lần trong hành trình ơn gọi, tôi đã sống phản chứng cho chính điều mình mong ước. Thậm chí, mong ước ngày ngày được kề cận bên Thánh Thể, tôi cũng tìm đủ mọi lý do để từ chối, hoặc trong phận vụ và trách nhiệm của một kẻ chủ tế cử hành Thánh Thể, nhiều lần tôi cũng lơ là hoặc cử hành mà không ý thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm to lớn của mình. Thật đáng buồn!

Sống ở Ý, tôi có may mắn được đi hành hương, thăm quan nhiều nhà thờ, đền thánh nổi tiếng. Tôi nhận thấy rất nhiều nhà thờ, đền thánh không còn giáo dân đến tôn thờ Chúa, thậm chí bị tục hóa để biến thành nơi phàm tục, hoặc kinh doanh du lịch. Nhìn vào những bức tường đá sừng sững, những bức tranh, tượng ảnh nghệ thuật hàng trăm năm, nhìn vào bàn thờ và nhà tạm chẳng có Chúa Thánh Thể, tôi nhận thấy tất cả các công trình nghệ thuật đó chỉ là hư vô.

Bất chợt nhớ lại tư tưởng của Cha Eymard, xây dựng NHÀ TẠM NỘI TÂM, TÔN THỜ CHÚA TRONG NHÀ TẠM NỘI TÂM, thay vì tôn thờ Chúa nơi những nhà tạm trần thế. Thật vậy, các công trình kiến trúc dù nguy nga tráng lệ đẹp đẽ đến mức nào đi nữa, thì bằng chứng giờ đây cũng chỉ là những vết tích hoang tàn, chỉ có tâm hồn con người mới là Đền Thờ Đích Thực.

Bữa, sau tĩnh tâm, có dịp ghé đền thánh Antôn – Padova, tôi choáng ngợp trước sự nguy nga và hoàng tráng của nó. Khi biết ngài là tu sĩ Dòng Augustino và sau đó là dòng Phanxicô tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Tại sao trên thế giới có rất nhiều vị thánh nổi tiếng, xuất thân từ những dòng nổi tiếng, to lớn trong khi đó Dòng Thánh Thể lại quá khiêm nhường và bé nhỏ, lại chẳng có một nhân vật nào xuất chúng? Ngay cả thánh sáng lập Dòng - thánh Eymard cũng ít người biết đến.

Từ ngày bé, cha giáo dạy rằng, khi con vào nhà dòng, việc đầu tiên con đến và chào Chúa Thánh Thể vì chính Người mới là chủ nhà. Thói quen này vẫn theo tôi đến tận bây giờ, thế nên, ngay khi vào đền thánh, tôi liền tìm đến và quỳ trước Thánh Thể. Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội, tất cả các hội dòng, gia đình và cá nhân, mà đã là trung tâm thì làm sao to lớn được. Tất cả các nhà thờ, đền thánh, nhà dòng đều có Thánh Thể Chúa hiện diện. Tôi là tu sĩ Thánh Thể, vậy nên khi đến bất kỳ một nhà thờ hay đền thánh nào, tôi không còn là khách nhưng là người nhà của Chúa Thánh Thể. Tôi thật sự hãnh diện vì điều đó.

Đôi khi người ta cứ hỏi, và ngay cả bản thân tôi cũng nghĩ rằng tại sao dòng tôi lại không ra đi rao giảng như các cha Dòng Tên, Đaminh; tại sao lại không mạnh miệng lên tiếng bảo vệ công lý và hòa bình như các cha Dòng Chúa Cứu Thế; tại sao lại không giúp người nghèo như các cha Dòng Phanxicô hay Vinh Sơn; tại sao lại cứ túm tụm lại với nhau... Bởi đơn giản, linh đạo và đặc sủng của chúng tôi là Thánh Thể. Công việc hiện diện trước Thánh Thể và cử hành Thánh Thể là sứ vụ đầu tiên và từ đây, chúng tôi mới mở rộng hơn đến các lĩnh vực khác.

Thánh Thể chỉ là một tấm bánh trắng đơn sơ nhỏ bé nhưng lại mang trong mình sức mạnh vĩ đại, là chính sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian này, Đấng là khởi nguyên và cùng đích của toàn thể vũ trụ. Vì thế mà công việc chầu Thánh Thể và cử hành Thánh Thể của các tu sĩ Dòng Thánh Thể, tuy đơn sơ và nhỏ bé nhưng cũng có giá trị riêng của nó. Chúng ta không thể so sánh dòng này dòng kia, vì mỗi Đấng Sáng Lập lại nhận được một đặc sủng và sứ vụ khác nhau, và tất cả cùng chung một mục đích là thánh hóa bản thân, cứu vớt các linh hồn và rao giảng danh Chúa cho muôn người.

Thánh Eymard đã dạy: "Có Thánh Thể rồi, hỏi bạn còn mong gì hơn nữa ở đời này". Hy vọng rằng, tôi luôn ý thức vai trò và trách nhiệm là một tu sĩ, linh mục Thánh Thể, để tôi có thể, từ những việc làm âm thầm và nhỏ bé nhất, thắp lên ngọn lửa Thánh Thể trong lòng mọi người.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
(Mừng lễ Thánh Eymard – TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ - 2.8.2022)