ĐỌC CHỮ NGHĨA TU SĨ BÌNH BÁT NGUYỄN TRUNG TÂY
"Đại dương đã nối kết chúng tôi lại gần với nhau"Chú thích: Tựa nhỏ dưới là câu đáp lại của vị tù trưởng ở Hawaii với Linh mục Michael Quang Nguyễn SVD. Bài viết này là cảm nhận như của một thanh niên sau khi rời đất nước quê hương, trải dài trên đường luân lạc ấy, phát sinh những tư duy trăn trở kéo dài trong cuộc sống lưu vong cộng nghiệp, xuyên qua định mệnh nghiệt ngã tàn cuộc chiến tranh Việt Nam, mà, không riêng bản thân, rất nhiều thứ được nhìn ngắm lại dần theo thời gian... Và, thật tình cờ, bắt gặp những trăn trở trong tập bút ký "Chữ Nghĩa Tu Sĩ Bình Bát."
Tôi làm nghề layout nên có duyên được giới thiệu để thực hiện một tập truyện cho tác giả Nguyễn Trung Tây, đó là quyển "Ông Giáo Bán Mắm" và đã được nhà xuất bản Văn Học Press phụ trách in ấn phát hành, bìa sách dùng tranh của họa sĩ Đinh Trường Chinh. Một tập truyện chứa chan "chất liệu đời sống" cung cấp cho tác giả dựng thành truyện, một cách thật thi vị. Ở đây tôi chỉ tập trung vào tập ký bút mà tác giả Nguyễn Trung Tây lại một lần nữa giao phó cho tôi việc thành hình tác phẩm.
Sau khi tôi hoàn tất "Ông giáo bán mắm" mới thực sự biết tác giả là một vị Linh Mục. Bớt ngạc nhiên về văn phong của ông, cũng như, về tính nhân ái thánh thiện bàng bạc trong mỗi truyện ông sáng tác. Chợt bắt gặp một đoạn ông post trên FaceBook ngày 29 tháng 8, 2021, "Tu Sĩ: Niềm Vui Giêsu", tuy chỉ 5 đoạn ngắn nhưng khá đủ tả về một tu sĩ, xin trích 3 đoạn:
"Không ai có thể nghi ngờ, kiến thức là một điều một tu sĩ phải sở hữu. Thật ra, kiến thức phải là hành trang gối đầu để tu sĩ ra đi, chia sẻ và rao giảng Tin Mừng tới mọi người mà tu sĩ sẽ gặp gỡ trên con đường hành hương. Nhưng nếu kiến thức tôi sở hữu, bất hạnh thay không làm tâm hồn tu sĩ rộn ràng với đời tận hiến hơn, kiến thức tôi sở hữu không gợi hứng để tu sĩ sẵn sàng phục vụ tha nhân vô vị lợi hơn, kiến thức tôi sở hữu đó là một kiến thức chết, hay nói ngắn gọn đó là kiến thức mồ côi.
Ngược lại, nếu kiến thức học được ở Đại Chủng Viện khiến tu sĩ trở nên ngày càng giống Đức Giêsu, biết và hiểu mình biết và hiểu tha nhân, nhân ái và khoan dung với mình và với người, khuôn mặt sẵn sàng nở một nụ cười tươi thật thà, kiến thức đó mới là kiến thức một tu sĩ cần phải có. Kiến thức đó tên gọi: kiến thức Giêsu.
Xin mời tu sĩ cố gắng học hành, sở hữu kiến thức cho riêng tâm hồn của chính mình. Để ngày sẽ tới, khi đó mặc dù đã rời Đại Chủng Viện, khi đó tu sĩ đang rộn ràng những bước chân trên ngàn vạn nẻo đường của thế giới, nhưng kiến thức Giêsu vẫn ngập trong tâm hồn khiêm cung, long lanh trong ánh mắt, và rạng rỡ trên khuôn mặt của tu sĩ." [Nguyễn Trung Tây]
Vị Linh Mục, qua lắng nghe "lời xưng tội" của tín đồ, người tu sĩ biết thật nhiều những ẩn tàng trong tâm trí và lòng dạ của con người; ngoài ra, thiên chức Linh Mục còn có thể làm việc ở rất nhiều nơi, va chạm với thực tế đời sống giáo dân, nhiều tầng lớp con người trong xã hội, do đó thu thập dồi dào "chất liệu đời sống" là việc hẳn nhiên. Và mặc dù hầu hết linh mục đều có khả năng nói và viết tài ba, tuy nhiên, để chuyển tải thành văn chương thì còn cộng thêm biệt tài thiên tư và trái tim. Được biết, Nguyễn Trung Tây đã xuất bản nhiều tác phẩm.
Vì thế, "kiến thức mồ côi" khác hẳn "kiến thức Giêsu" trong phương diện ĐẠO, như ông trình bày lý thú trong phần trích trên. Điều này, với Phật giáo, người Phật tử cũng một mực kính trọng "kiến thức của đức Phật" và, tất cả kiến thức vi diệu của ngài đã được kết tập trở thành Kinh Phật; không khác, "kiến thức phi thường của đức Chúa Jesus" kết tập thành Kinh Thánh. Tương tự như vậy, cho đến ngày nay con người luôn tôn kính tôn giáo mà con người thuận duyên kính ngưỡng và tôn thờ...
Tập bút ký "Chữ nghĩa tu sĩ bình bát" gần như ghi lại những dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời tác giả đến hiện tại, đó là những "ngã ba đường", nói theo Bùi Giáng, chân đời bước vào đó, khúc đường rẽ sẽ đưa cuộc đời mình ngoặt sang một mới mẻ, một định mệnh mới, một kiếp khác. Hãy nghe Nguyễn Trung Tây ngắn gọn tiểu sử của ông:
"Sinh ra tại Sài Gòn. Năm 1982, thuyền gỗ PB706 mang ông tới Pulau Bidong sau bốn ngày lênh đênh trên sóng nước Vịnh Thái Lan. Năm 1984 ông tái định cư ở San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng, Hoa Kỳ. Năm 2002, ông được thụ phong Linh Mục tại Phố Gió Chicago."
"20 năm hít thở không khí Việt Nam! 2 năm làm người vô tổ quốc lang thang trại cấm Mã Lai và trại tỵ nạn Phi Luật Tân! 21 năm lang thang ở Mỹ! 10 năm làm việc tại Úc Châu! 5 năm quay về lại Philippines cho một giấc mơ."
Ông giải thích thêm về "tu sĩ bình bát" dùng ví von cho ông:
"TU SĨ" hoặc tu nhân là một người sống đời xuất gia.
"BÌNH BÁT," bởi người xuất gia sống nhờ vào tấm lòng quảng đại của vũ trụ. Người xuất gia thường đứng nơi cổng làng, quán nước, chợ trời, quán rượu, nhà thờ, hương lộ. Nơi đó với bình bát trên đôi bàn tay, người xuất gia nhận được phúc lộc từ người và Trời."
Bút ký đầu tập là "Mẹ, Mẹ Tôi". "Năm 87, mẹ tôi, chị và em đường bộ đặt chân tới đất Thái". Năm 1989, ông nhận tờ điện tín báo tin "Mẹ tới trại tỵ nạn Thái Lan." Tâm trạng ông: "Nguyên ngày hôm đó tôi sướng lâng lâng bay bổng, bởi cứ tưởng rằng đã bị mồ côi cả đời... Mừng quá, tôi phóng xe Z-260 húc một cái rầm vào chiếc xe hơi bên tay trái ngay tại ngã tư đường Reed và số 4 của downtown San Jose. Cái đầu xe thể thao họ nhà Z sáu máy nát bấy như tương! Nhưng cũng chả sao, tôi ngồi trên xe tow mà mặt mày vẫn cứ tươi roi rói như con trai mới lấy được vợ."
Niềm hạnh phúc sum họp mẹ sau bao năm dài, ông viết thành bài "Mẹ, Mẹ Tôi", gửi tham dự đề tài "Viết Về Nước Mỹ" năm thứ 10 của Việt Báo. Sau "Mẹ, Mẹ Tôi," ông viết "Gốc Phi Châu/Afro-American Students," tác phẩm đã được tuyển chọn trúng giải thưởng. Do ông đang công tác ở sa mạc Úc Châu, mẹ ông trở thành "Nhân Vật Thay Tác Giả Nhận Giải". Thế là mẹ hãnh diện về con, và con mừng vì có dịp trả một phần ơn công đức sinh thành.
Rồi bút ký về Cha, "Bố, Bố Tôi" ghi lại ký ức... "Tháng 5 năm 1985 Bố tôi mất!" Những kỷ niệm đậm nét với người cha, ông nhớ lúc bé ấy, "hồi nhỏ nằm ngủ với Bố, tôi nhớ Bố tay cầm quạt cói quạt cho tôi mát, tay kia gãi gãi lưng tôi, và Bố nói, "Con đừng có lấy vợ! Khổ lắm! Đi tu đi." Lời ru âm Bắc trầm trầm êm đềm ru tôi chìm sâu vào giấc ngủ đêm hè." Có lẽ từ câu nói ấn tượng này, đến năm ông học xong Trung học Nguyễn Thượng Hiền, Sài Gòn, chàng thanh niên đã xin vào học Đại Chủng Viện Sài Gòn, để có thể trở thành Linh mục. Người Việt có câu tục ngữ "con mất cha như nhà mất nóc", đủ lột tả nói lên cuộc đời từ đó của người con, nhất là con trai, là một nỗi buồn sâu kín vô hạn...
Nhưng nỗi đau kinh hoàng nhất, có lẽ là người dân miền Nam tự do đã mất đi phần đất quê cha đất mẹ, như thật sự mất cha mất mẹ một cách đau đớn tang thương, trở thành kẻ mồ côi, thất lạc. Đó là một biến cố định mệnh tàn nhẫn nhất trong lịch sử nước Việt, khiến nhà biên sử Lê Công Tâm biên soạn thành bộ sách mang tên "Những định mệnh lầm lỗi trong cuộc chiến Việt Nam" (Quyển 1, NXB Văn Học Press phát hành 2018, California); và Nguyễn Trung Tây thốt lên lời cay đắng, "Tôi đã lạc ngay sau khi bị bật gốc khỏi quê nhà bởi cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn thắc mắc tìm hiểu đâu là nguyên nhân chính."
Người Cộng Sản miền Bắc tấn công và chiếm đoạt miền Nam, đã tạo nên một cuộc tháo chạy khỏi sự cai trị của con người Cộng Sản. Kinh nghiệm đầy đau thương của người dân Bắc di cư vào Nam đã khiến họ một lần nữa vội vã đào thoát sớm và còn liên tục về sau. Rồi thì ồ ạt vượt biển, vượt rừng biên giới, tạo nên một thiên "đại bi trường kịch tị nạn" làm kinh tâm trên toàn thế giới. Tác giả gia đình người Bắc, thế nào cũng tìm cách cao bay xa chạy, và chàng thanh niên này trải qua cuộc hành trình vượt biển Đông đi tìm đất hứa. Hãy nghe ông kể lại một chút về nạn hải tặc Thái Lan:
"Tôi đã lạc khi bước chân lên tàu vượt biên, thuyền trôi lênh đênh trên mặt sóng, và tất cả những cô gái tuổi ươm mơ trong khoang thuyền bị hạ nhục bởi ngư phủ Thái. Khi bị tấn công bởi lưỡi dao, anh tôi ngã gục xuống sàn tàu, hét lớn, hai tay ôm mặt; và máu, những dòng máu đỏ tuôn chảy từ những ngón tay. Tôi, hốt hoảng với thảm kịch xảy tới cho người thân, không biết làm gì, bật tiếng khóc!
Tôi đã lạc khi ngư phủ Thái xếp hàng những người thanh niên trên tàu. Từng người rồi từng người bị ngư phủ bạo hành. Tới phiên! Tôi nhắm mắt lại đợi chờ giây phút, nhưng ngư phủ Thái đã dừng lại nắm đấm giữa trời. Tôi nghĩ cũng có thể bởi khuôn mặt thất thần trắng xanh của mình. Hoặc bởi một lý do gì đó, có ai mà hiểu. Ngư phủ nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, gỡ cặp kính của tôi ra, đeo vào mặt. Cặp kính cận dầy cộm, ai đeo cho nổi! Ngư phủ loạng choạng những bước chân! Đầu lắc lắc! Cặp kính cận rớt xuống, rơi thẳng một mạch xuống làn nước xanh đại dương. Tưởng thế là xong! Nhưng không, ngư phủ phóng theo vớt lại cặp kính. Một tay bám thành tàu, một tay nắm chặt kiếng cận, ngư phủ nhảy lên tàu, cẩn thận đeo trả lại vào mắt chủ nhân cặp kính. Rồi lại quay sang người đứng kế bên, đánh tiếp, như một chuyện bình thường, một chuyện phải xảy ra..."
Khi đọc xong đoạn trên, tôi thở phào, có lẽ Chúa đã trao cho ông một thiên chức mà ông chưa nhận việc, nên ông đã được thoát hiểm một cách rất "kịch tính" theo ý Chúa. Và ông luôn "biết Ơn Trời":
"Biển xanh đã biến thành một phần cho nhiều mảng thuyền tỵ nạn và thân xác Việt Nam, những máu đỏ da vàng quyết tâm lên đường bởi mê say hít thở không khí tự do. Những con thuyền còn lại cặp bến (dù có là rách nát!) hoàn toàn nhờ vào Ơn Trời. Không có Ơn Trời, thuyền tỵ nạn và thuyền nhân sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân lên bờ, bước đi những bước chân tự do (chữ Ơn này, xin ngắn gọn, cũng có thể gọi với chữ Duyên, Duyên Trời)". [Ơn Trời]
Nỗi đau lạc loài, thất lạc chưa hết, phải còn cảm nhận thêm vài lần nữa:
"Tôi đã lạc trong khi hít thở bầu không khí ngột ngạt hôi thối của trại Sungai Besi, trại cấm Mã Lai. Từng mảng rồi từng mảng hồn đã bị gậm nhấm, ăn mòn bởi đời sống trại cấm.
Tôi đã lạc khi đặt chân lên đất Mỹ, vùng đất hứa! Họ là ai, những người không có tóc đen bóng mượt? Tại sao mắt họ lại không là màu nâu? Tại sao họ ăn bánh mì sandwitch với hambuger và cheese, nhưng lại không ăn cơm trắng với canh chua cá và thịt kho?
Tôi đã lạc khi nhận được tin bố, trút hơi thở cuối đời tại Việt Nam trong khi mình đang lang thang tại xứ người, hơn một năm rồi. Một phần hồn của tôi đã chết, một góc tim bị xé rách toang, không bao giờ còn khả năng bình phục kể từ giây phút đó...
Và khi tôi quay về lại quê nhà... Người cùng chủng tộc đối xử tôi tựa như tôi chưa bao giờ chôn nhau cắt rốn ở Việt Nam. Trong ánh mắt họ, tôi là người Campuchia hoặc Nhật..."
Dường như không riêng ông, Người Việt đi tìm tự do tị nạn đều trải qua tâm trạng đồng cảm như thế.
Tuy nhiên, sống là dấn bước tới, phía sau lưng mờ nhạt dần. Kìa mặt trời bình minh bừng sáng trước mặt, chợt trăng rằm lung linh đêm huyền diệu, nhịp điệu bốn mùa xoay, mùa Xuân bừng lên hoa cỏ đâm chồi nẩy lộc, mùa Hè xanh ươm rau trái, hoa nở tràn đồng, kín sa mạc, rồi Thu về đợi mưa và ngắm rừng thu thay màu đổi sắc, chuẩn bị đón những ngày se lạnh vào Đông, trong nỗi lạnh lẽo hoang tàn dậy lên leo lét niềm thương nhớ quê cha đất mẹ xa xôi... Tôi học được hai câu của người Mỹ "Don't look Back!" và "Hope". "Đừng nhìn lại đằng sau" thì trong kinh Phật có căn dặn là "lên bờ nên quên thuyền". "Hy vọng" thì chuyên chở "bi, trí, dũng" bước tới. Hai lời khuyên này dành cho những ai "lên đường". Chúng ta trong một đời, ai cũng đang lên đường đi về điểm đến, và biết đâu, vẫn lại luân hồi trong "cái vòng sống tuần hoàn" như thế, chưa biết đến bao giờ.
Tuổi trẻ lúc nào cũng sống mạnh mẽ, cuồng nhiệt, tận nhân lực và đầy hy vọng:
"Tuổi trẻ Việt Nam thành công trong nhiều lãnh vực y như tuổi trẻ bản xứ. Tuổi trẻ Việt nói tiếng Anh và tiếng Việt giỏi như nhau. Tuổi trẻ Việt giáo sư trường đại học, bác sĩ bệnh viện, CEO các hãng xưởng lừng danh." [Ơn Trời]
Trong bút ký "30 Tháng 4: Chữ Trầm Chữ Thăng" tác giả đưa ra cái "trầm" sau lưng và cái "thăng" trước mặt, Đó là kết quả của sự dấn thân, vươn lên, "hy vọng" đã nở hoa và kết trái:
"Trận hồng thủy trong trang sử Việt mang nhiều mảnh đời Việt Nam trôi dạt sang xứ người. Nhiều sinh mạng đã bỏ mình trên đường bộ và đường biển. Nhưng cũng nhiều sinh mạng đã đặt chân tới bờ.
Sau những ngày tháng vật vờ tại trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông, những người sống sót không tuyệt vọng, nhưng âm thầm và kiên nhẫn làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.
Rồi thương xá Việt: Little Saigon, Thung Lũng Hoa Vàng.
Rồi con cái Việt lớn lên hoặc sinh ra trên vùng đất mới, vươn vai cao lớn, sắc son giữ gìn truyền thống Việt Nam.
Rồi những thành tựu mới tinh khôi trên vùng đất mới.
Rồi niềm tin vào mình và vào người, niềm tin vững vàng.
Rồi niềm hy vọng vào một ngày mai, hy vọng tràn trề.
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại như rồng vàng Thăng Long ngày nào vươn cao, chuyển mình thay đổi.
Thành công của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau biến cố 75 là một điều không thể từ chối."
Năm 2002, Nguyễn Trung Tây được thụ phong Linh Mục tại Phố Gió Chicago. Từ dấu mốc này, "ngã ba" này, ông "lên đường" theo ý Chúa, trước tiên là 10 năm làm việc ở Úc châu:
"Đường đi xa ngàn dặm,
Lối về ngõ chưa thông!
Tháng Hai năm 2006 nửa đêm về sáng từ phi đạo Los Angeles, Boeing 747 hãng Cathay Pacific nhẹ nhàng cất cánh ôm tôi trong lòng bay vút lên cao. Phi cơ bay lên hướng bắc dọc theo chiều dài tiểu bang Cali. Trời tháng Hai mùa đông bôi đen mịt mù khung cửa. Tôi nhìn bên tay phải bờ biển Cali đèn xanh đèn đỏ sáng rực. Tôi không nhận ra những thành phố sáng ngời tựa thảm kim cương nằm dọc theo bờ biển, nhưng khi thấy đèn sáng rực cầu Golden Gate xa xa, tôi biết bên tay phải là vùng Bay Area, nơi đó thung lũng hoa vàng có mẹ. Cái biết đơn giản tầm thường khiến cho nước mắt con trai lưng tròng." [Mẹ, Mẹ Tôi]
Trong "Mười năm yêu Úc" (nhại tựa bài hát "Mười năm yêu em" của Trầm Tử Thiêng), Vị tân linh mục "đã đến và sống với thổ dân nơi miền sa mạc". Năm 2009 tác giả rời phố Melbourne cho một đời sống mới tại sa mạc Úc Châu, có hơn 4 năm trải nghiệm về văn hóa của họ, mà theo lịch sử, nguồn gốc thổ dân Úc đã có hơn 40 ngàn năm, đài Australian SBS Radio/Television phỏng vấn ông, đăng trong tập bút ký này. Ông tâm sự qua bài "Thổ Dân Úc Châu: Bước Vào Đất Thiêng":
"Tôi yêu người thổ dân bởi nét hiền hòa và thân thiện của họ. Tôi đồng cảm với người Thổ dân bởi chính bản thân tôi cũng là người đã mất rất nhiều. Biến cố năm 75 đã đẩy tôi ra Biển Đông, từ đó tôi sống đời viễn xứ, buồn vui lẫn lộn.
Cho nên, có cả một khoảng thời gian dài 4 năm, tôi hít thở không khí trong lành sa mạc, gặp gỡ người sa mạc, chia sẻ buồn vui với cư dân sa mạc... Có một số người hỏi tôi đã làm gì cho người Thổ dân Úc Châu. Tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi trả lời, "Thưa bác, thưa anh, thưa chị! Cả một khoảng thời gian dài sinh hoạt trong sa mạc, một cách rất thành thật tôi chưa làm gì khác hơn ngoài việc định cư và đồng hành với Thổ dân Úc Châu... Tôi đi với họ, tôi cười với họ, và đương nhiên, tôi cũng khóc với họ, giọt ngắn giọt dài. Họ vui, tôi vui theo. Họ buồn, tôi buồn theo..."
"Trong một lần phỏng vấn về đời sống mục vụ trong sa mạc, người phỏng vấn nêu vấn đề: "Tại sao Thổ dân không chịu thoát ra khỏi lối sống dựa vào hoạt động hái lượm?" Tác giả nói, nhận xét về Thổ dân như vậy cũng đúng mà cũng không chính xác cho lắm... Tôi nhớ khi mới đặt chân tới Hawaii, nhìn chung quanh là biển cả mênh mông, tôi nói với tù trưởng bộ tộc, "Dân quần đảo Thái Bình Dương sống cách xa nhau bởi đại dương/The Polynesians are separated by the ocean." Nhưng người tù trưởng đó trả lời ngay, "Không! Đại dương đã nối kết chúng tôi lại gần với nhau/No! We are actually connected through the ocean."
Nước Úc ngày nay đã nói lên lời xin lỗi Úc châu:
"Trong bài diễn văn dài 361 chữ, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd sử dụng ba lần chữ xin lỗi. Trong khi ông Kevin đọc diễn văn, truyền hình và truyền thanh toàn quốc ngưng mọi chương trình thường nhật, phát đi bài diễn văn lịch sử của quốc gia dân chủ lập hiến Úc Đại Lợi...
Bài diễn văn của thủ tướng Úc nhắc nhở mọi người về một lỗi lầm, đã bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ 19 và kéo dài cho tới năm 1970; khi đó, chính quyền Úc đã dùng luật lệ lấy đi mất quyền làm cha mẹ của người Thổ Dân Úc Châu. Có một thời chính quyền đi vào từng thôn làng Thổ Dân bắt con em Thổ Dân mang đi, sau đó giao lại cho gia đình người Úc Âu Châu hoặc trung tâm mồ côi nuôi dạy..." [Lời xin lỗi Úc Châu]
Tác giả nêu ra lời xin lỗi của nước Úc với Úc châu để nhìn lại nước Việt Nam của mình:
"Từ năm 54 lại dẫn tới cuộc nội chiến giữa Bắc Việt và Nam Việt cho chủ nghĩa Cộng Sản và Tư Bản. Cuối cùng phần thắng nghiêng về Bắc Việt. Ngày 30 tháng 4 của năm 75 kéo tới đã xô đẩy trên dưới 200,000 người dân ra biển, và tiếp theo đó biết bao nhiêu mạng người lại đổ xô ra biển Đông trong vòng khoảng hai thập niên. Từ những ngày của năm 54 cho tới năm 75, chỉ tính về cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc, nước Việt Nam đã trở thành một bãi chiến trường cho người ngoài mang bom đạn và khí giới phá hủy lãnh thổ và sinh mạng Việt Nam trên cả hai vùng Bắc Nam...
Cuộc chiến 54-75 và chiến thắng của Bắc Việt vào năm 75 đã mang nước Việt Nam tụt hậu, rớt xuống thành một nước chậm tiến. Mang lên bàn cân xét xử, hiện tình Việt Nam ngày hôm nay cũng do bởi cuộc chiến Việt Nam đã tạo ra...
Thay vì đổ lỗi quanh quẩn, người Việt Nam, đặc biệt chính quyền Việt Nam nên thể hiện bản tính trưởng thành, để Việt Nam có cơ hội đóng lại hẳn một chương sách, và nắm tay nhau bước hẳn vào tương lai." [Lời xin lỗi Úc Châu]
Ngoài Úc, vị linh mục tràn đầy sức sống và lòng nhân ái này đã đến công tác ở "Làng nổi Chong Kneas". Hãy nghe ông kể:
"Làng Nổi Chong Kneas, như cái tên gọi, là ngôi làng đã thành hình bởi nhiều thuyền gỗ trên Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Làng Nổi trên bản đồ Biển Hồ tương đối khá phức tạp. Dựa vào những điều tôi đã học hỏi được từ sách vở, truyền thông, người dân địa phương, và những nhà truyền giáo Dòng Tên đang chăm sóc đời sống mục vụ tại Làng Nổi, nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của Làng Nổi bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của năm 1900, khi những người Việt Nam thời đó vượt biên giới qua sinh sống tại quốc gia láng giềng Campuchia. Sau một khoảng thời gian sinh sống trên vùng đất mới, người di dân lập gia đình với người Việt Nam; dòng thời gian trôi qua, hai thế hệ di dân đã được sinh ra trên vùng đất mới... Mặc dù đại đa số người dân Làng Nổi là con cháu của di dân của đầu thế kỷ 20, họ sinh ra tại Vương Quốc Campuchia, nhưng họ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Campuchia, có lẽ bởi họ bị liệt kê vào danh sách di dân bất hợp pháp... Sau cùng những người dân không thuộc về bất cứ một quốc gia nào quay mặt ra Biển Hồ tìm kiếm những mảng thuyền gỗ. Trên những chiếc thuyền nhỏ bé này họ xây dựng nhà cửa, một nơi trú ngụ cho mình và con cái. Nhiều thuyền ghép chung sát cận lại với nhau tạo nên địa danh nổi tiếng Làng Nổi Chong Kneas của tỉnh Siem Reap..."
...
"Tối nay giấc mơ, có thể là bình thường với nhiều người trên thế giới, đã trở thành một hiện thực tại Làng Nổi. Trẻ em vui mừng, bởi mấy khi các em có kẹo ngọt đậm đà trên đầu lưỡi. Và riêng tôi, hồn trần xôn xao rộn ràng, bởi dân Làng Nổi đã tạo cơ hội để nhà truyền giáo sa mạc Úc Châu thêm một lần nữa cảm nghiệm sâu xa ơn gọi tu sĩ của riêng mình. Tối hôm đó, tôi cười tươi thật thà uống chung trà nóng với người lớn, hớn hở rộn ràng nhai cục kẹo thơm với trẻ thơ. Tiếng cười rộn vang khắp nơi trong một khoảng không gian nhỏ bé ngôi thánh đường." [Làng Nổi Chong Kneas: Yếu Tố HẠNH PHÚC. VietCatholic phỏng vấn]
Và sau khi rời Úc châu, ông có thêm 5 năm quay về lại Philippines "cho một giấc mơ":
"Tôi đã rời sa mạc Thổ dân Úc Châu, dọn nhà sang Philippines hơn 6 tháng rồi. Nói theo ngôn từ thần học, tôi đã nhổ lều phố sa mạc Alice Springs của Úc Châu và dựng lại lều tại cao nguyên phố nhỏ Tagaytay của Philippines."
Giấc mơ của ông có lẽ còn bí mật, nhưng lần quay lại quốc gia có bảy ngàn lẻ một đảo này đã làm ông bồi hồi nhớ lại một thời tuổi xanh gửi thân tị nạn:
"Tôi đã từng có mặt ở quốc gia này hơn 5 tháng. Thời đó tôi là thuyền nhân. Năm đó, 1984, tôi sống tại trại chuyển tiếp Bataan, Morong. Sau hơn một năm mòn mỏi đợi chờ tại hòn đảo tình xù Pulau Bidong và trại cấm khô khốc Sungai Besi của Mã Lai (10/82-12/83), trại Bataan hóa ra thiên đàng trần thế; cổng trại thiên đường buổi chiều hôm đó, tôi nhớ, mở rộng thêng thang, ôm gọn vào lòng người thanh niên mang thẻ căn cước Displaced Person/Người Vô Tổ Quốc. Tại trại Bataan lần đầu tiên trong đời tôi nghe được tiếng rao hàng mộc mạc "Bà-lút" của người Phi."
Hồi niệm thường không dừng lại, kéo mình đi lùi xa hơn, để thấm thía cho cái hiện thực đương là của mình đang như thế nào:
"Tôi nhớ buổi tối ngày hôm đó, một buổi tối Việt Nam, tôi bước chân xuống thuyền gỗ đậu tại cầu Rạch Sỏi của tỉnh Kiên Giang. Thuyền gỗ nhổ neo, mang người thanh niên thất vọng vào mình và mất niềm tin vào xã hội rời xa quê mẹ. Từ đó, tôi lang thang sống vật vờ tại Mã Lai, sống hy vọng vào một ngày mai tại Philippines, sống tràn đầy và sung mãn trên đất Mỹ, sống phục vụ tại Úc Châu, và hiện tại là sống hội nhập vào nền văn hóa chuyền tiền Philippines. Tôi thấy mình đã đi một chặng đường thật dài...
Trên hết tất cả, tôi thấy mình thuần túy vẫn chỉ là một tu sĩ bình bát, ngày ngày ngồi đọc những bài tâm kinh nhỏ bên trong am nhỏ ngay bên dòng suối nhỏ nước chảy hiền hòa. Những lời tâm kinh tôi đọc hằng ngày vẫn chẳng có gì khác hơn ngoài lời kinh bình bát, 'Xin cho nhân gian bình an và hạnh phúc!'" [Thanksgiving: Văn Hóa Chuyền Tiền]
Người và nước Phi Luật Tân qua 2 bài viết, để lại trong ông nhiều cảm mến và gần gũi, thân thiện. Trong lần đến dự lễ Giáng Sinh nơi một làng hẻo lánh xa xôi, nơi ông bảo rằng khó thể sống nổi được 6 tháng ở cái làng chỉ có 2 ngàn dân cư, ông đã xúc động khi nhìn thấy 2 em bé trai độ 9, 10 tuổi vác bao lương thực leo núi mang về cho gia đình, ông gọi đó là sự hội ngộ với sứ giả trời cao [Hội ngộ sứ giả trời cao]
Tập bút ký tác giả đặc biệt có 2 bài tiêu đề "Bên ni bên nớ: Công nhân và Cô dâu Đài Loan" viết về tệ nạn những cô gái Việt làm dâu ở Đài Loan, là một thảm kịch xã hội đau lòng và từng một thời dư luận lên sốt. Đa số là những cô gái quê nghèo, vì gia đình mà bán mình ra nước ngoài làm vợ xa xứ một cách mù quáng, bất chấp tương lai vô định. Ca dao Việt ngày xưa than thở rằng "Mẹ ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà con đâu?" hay "chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa / mai kia cha yếu mẹ già / chén cơm bát nước, ly trà ai dâng". Không ngờ vào cuối thế kỷ 20, tình trạng đau lòng này lại xảy ra trong lịch sử xã hội của nước Việt.
Ngoài ra còn có những cha mẹ nhà nghèo bán cả con nhỏ tuổi sang Cam Bốt là điếm vị thành niên, họ vô lương tâm làm cha làm mẹ, lòng tham của họ là sau đó người con bán thân sẽ gửi tiền về chu cấp cho họ một cuộc sống no cơm ấm cật. Cho đến hiện nay, thân phận con gái nhà nghèo vẫn còn tiếp diễn những bi kịch đau thương không sao kể xiết...
Trong khi đó, vở đại nhạc kịch MISS SAI GÒN, tiêu biểu về số phận một cô gái Việt trong thời chiến tranh Mỹ sang Việt Nam, đã làm cho cả thế giới xúc động. Nguyễn Trung Tây viết "MISS SAIGON: Phận Việt Nam", xin trích những đoạn nổi bật dưới đây:
"MISS SAIGON, nhạc của Claude-Michel Schônberg, lời của Richard Maltby, Jr. & Alain Boublil, do Cameron Mackintosh và Alain Boublil sản xuất, đã xuất hiện lần đầu tiên tại rạp Drury Lane Theatre, London vào ngày 20 tháng 9 năm 1989... MISS SAIGON, chuyển thể từ tuồng opera Madame Butterfly của Giacomo Puccini, xoay quanh cuộc đời của một thiếu nữ Việt Nam tên Kim, cha mẹ chết sớm bởi bom đạn khiến cô lưu lạc, lần bước tới thủ đô Sài Gòn tìm đường kiếm sống. Kim cuối cùng làm việc cho "Tú Bà" mang hai dòng máu Pháp Việt với biệt danh Engineer, chủ lầu xanh chuyên phục vụ cho lính Mỹ GI tại Sài Gòn. Tại quán bar của "Tú Bà" Engineer Kim gặp Chris, lính Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ canh gác tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Kim và Chris yêu nhau. Kết quả của mối tình này là bé Tâm. Nhưng rất tiếc, Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4 năm 75 đầy những xáo trộn, khiến Chris trong hốt hoảng leo lên trực thăng tháo chạy, để rớt lại Kim với bào thai mới bắt đầu nhú mầm trong bụng.
Chris quay về lại Mỹ, lập gia đình với Ellen. Riêng Kim, sau những thăng trầm trôi nổi bởi cờ đỏ sao vàng, cuối cùng cũng mang bé Tâm vượt biển thoát sang được Thái Lan vào năm 78. Bé Tâm gặp lại được bố trên vùng đất mới, nhưng Kim lại kết liễu cuộc đời bằng một viên đạn (có lẽ đã) bắn thẳng vào đầu...Là người Việt Nam, cho nên khi Kim nằm xuống giữa vũng máu nấc nghẹn những hơi thở cuối cùng, khán giả Việt Nam sẽ bùi ngùi, cảm nghiệm được nhiều hơn về thân phận, nếu phải gọi là đớn đau, của người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua..."
Tác giả mượn vở nhạc kịch MISS SAIGON để dẫn về thời hiện tại, sau hơn 40 năm nước Việt chấm dứt chiến tranh, nhưng dưới sự cai trị của những con người theo chủ nghĩa Cộng Sản, nước Việt đã băng hoại ngay từ những buổi ban đầu Cộng Sản cai trị, những nền tảng đạo đức cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt mà tiền nhân đã dày công đắp bồi gìn giữ, không bị đồng hóa bởi nền văn hóa của Trung Hoa, dù trải qua 1000 năm bị đô hộ. Và thê thảm hơn, sau khi họ chiếm trọn miền Nam, số phận nữ nhân trở thành bọt bèo, thành hàng hóa, thành nô lệ, thành con người xuất khẩu lao động, tình dục... điển hình như "làm dâu Đài Loan", "làm điếm Cam Bốt" lược nói qua ở trên. Tác giả nhấn mạnh:
"Mà không phải chỉ có MISS SAIGON, nhưng ngay cả những LITTLE MISS SAIGON tuổi của lên 8 lên 10 ngây thơ nhảy dây bán hàng, giờ này lại đang tiếp tục bán thân tại những hang động ở Nam Vang để làm thú vui cho người ngoại quốc.
Nói đi thì cũng phải nói lại, làm sao mà cản ngăn cho được hiện tượng LITTLE MISS SAIGON bán thân trên đất Nam Vang, bởi vì chính cha mẹ của bao nhiêu LITTLE MISS SAIGON hân hoan xòe tay ra nhận tiền đô của Tú Bà, đồng ý bán những cô con gái tuổi lên 8 lên 10 của chính mình vào trong những hang động phục vụ thú vui cho ngoại nhân."
"Phóng viên ABC quay sang một thương gia mặt Á Châu, chân mày rậm, mắt nhỏ híp lại, đuôi mắt kéo xếch lên, mặc áo vét trắng, quần tây trắng, tay cầm máy chụp hình Canon của Nhật, tay kia ôm LITTLE MISS SAIGON tuổi lên mười, miệng hát bài, "Mới Mười Tuổi",
– Ông biết bé gái này mới lên mười?
Thương gia giơ cao tiền đô la, cất giọng hát bài, "Tiền",
– Tiền là tiên là Phật! Là sức bật của tuổi trẻ! Là sức khỏe của tuổi già... Sau năm 45 đảo chánh Nhật, tốt thí của chủ thuyết Đại Đông Á vẫn là con bé này...
Đau đớn thay cho thân phận LITTLE MISS SAIGON sau năm 75!"
Phần sau của bút ký, Nguyễn Trung Tây có thêm 2 tiêu đề: "Ông Tư Dì Tư", văn nói tiếng Nam, hai vợ chồng già này nhắc lại chuyện tình của mình và những phong tục tập quán tốt đẹp của người dân quê miền Nam; và "Truyện Chớp", kể những câu chuyện không tốt lành mấy, như là một nghịch lý, xảy ra trong đời sống thường nhật.
Tập Ký Bút ngoài những bài được dịch sang Anh ngữ còn kèm theo 2 truyện ngắn trong tập truyện "Ông giáo bán mắm" và 1 bài phê bình "MISS SAIGON: Phận Việt Nam" cũng được dịch sang tiếng Anh bởi Anthony Duc Le.
Để kết thúc bài Bạt, tôi xin trích thêm một đoạn văn tạ ơn rất "thơ" của tác giả tu sĩ bình bát Nguyễn Trung Tây, mà tôi thiết nghĩ, bạn đọc nên đọc trọn bài "Và lễ Tạ Ơn tới", sau đoạn mở đầu dưới đây:
"Tạ ơn cho lá xanh đậm và bầu không khí nóng hừng hực khi mùa hè tới với những con số 100 đỏ chói trên hàn thử biểu. Tạ ơn cho làn gió êm dịu khi mùa thu về, lá đổi màu rực rỡ trên hàng cây. Tạ ơn cho tuyết trắng, tuyết trắng buông rơi thả nhẹ, tuyết trắng bám chặt cây khô bơ vơ trụi lá. Tạ ơn cho những nụ hoa đâm chồi nẩy lộc trong sân vườn lún phún màu xanh, màu xanh xanh mới, màu xanh hy vọng. Tạ ơn cho gió nóng và gió lạnh. Tạ ơn cho gió hè và gió thu. Tạ ơn cho bốn mùa, bốn mùa luân phiên thay đổi."
Tác giả đóng lại tập bút ký bằng một ghi nhận về nạn dịch Covid-19 đã bịt miệng con người cả thế giới bằng một bài ngắn gọn, tựa đề là "Một Năm Rồi, Người Sợ Người". Trận đại dịch Corona 19 toàn cầu vẫn còn đang kéo dài và đã nhanh chóng sinh ra vài đứa con quái dị hơn, chưa biết bao giờ con người tiêu diệt được chúng hoàn toàn? Hiện tại gần đây, nước Việt Nam đang bị chúng tấn công đến phải giới nghiêm Sài Gòn và cả nước gần như tê liệt bởi cô lập từng địa phương, khiến cho người Việt hải ngoại rất quan tâm lo lắng, vì ai cũng có bà con quyến thuộc.
Tuy bút ký là ghi lại những câu chuyện cuộc đời hay sự đời của một cá nhân trải nghiệm, nhưng không phải là không mở ra những chân trời cho ta hình dung suy tưởng. Mỗi một con người từ sinh ra mở mắt chào đời đến nhắm mắt lìa đời đều là một truyện dài mê ly hấp dẫn mà không một truyện nào giống một truyện nào cả. Không có chữ nghĩa nào hay bằng một đời sống thực, nếu văn chương một quyển tiểu thuyết hay ho tuyệt vời, có nghĩa là đọc lên thấy sao giống in như chuyện thật đang xảy ra ngoài đời; nói gọn là văn chương dùng để diễn tả đời sống, với khả năng cao nhất của nó là tạo thêm sự suy diễn để nảy sinh sự cảm nhận, xúc động, là một cảm xúc hoàn toàn chủ quan của người phát sinh.
Nguyễn Trung Tây khi đặt tựa đề sách là "Chữ nghĩa tu sĩ bình bát" là ông ngầm muốn nói rằng chữ nghĩa ấy chính là cái đời sống của tu sĩ bình bát. Chữ được sinh ra từ người, rồi gắn cho nó một ĐỊNH NGHĨA, và nó chỉ tượng hình tượng ý có giới hạn chừng mực chứ không thể siêu việt; cho nên những ý tưởng siêu việt không thể nào dùng ngôn ngữ để diễn đạt, điều mà trong Phật giáo gọi là "bất khả tư nghì". Chữ chỉ có thể tượng HÌNH và tượng ÂM nhưng hoàn toàn không thể tượng VỊ, làm sao chữ tả được vị ngọt?? mà trong đời sống có rất nhiều thứ cần phải NẾM QUA mới biết MÙI VỊ. Thế thì đời sống và con người mới đích thị là chữ nghĩa đúng chữ nghĩa nhất.
【Lê Giang Trần,(Little Saigon, Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021)】