Lạy Chúa! Xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con. (Tv.141:3)
Lưỡi phát ra ngôn từ lượng được giá trị của con người.
Lưỡi giúp xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho người.
Lưỡi cũng có thể giết hại người khác.
Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự.
Miệng kẻ độc ác gây tang thương cho người.
Sống ở đời được người thương mến hay bị ghét bỏ cũng là do cái lưỡi.
Lưỡi còn là một phần quan trọng trong cơ thể con người.
Lưỡi không chỉ ảnh hưởng về tinh thần, còn quan hệ đến thân thể.
Lưỡi là phần quan trọng cho vị giác và cấu tạo âm thanh.
Các bác sĩ thường nhìn lưỡi bệnh nhân có thể suy đoán được bệnh gì ?
Những người bị câm khổ sở biết bao khi không dùng được lười để bày tỏ ý mình ?
Những câu Danh ngôn đã xác minh sự quan trọng của lưỡi như sau:
-Thà trượt chân hơn là trượt lưỡi.- Ahiqar
- Đừng để cái lưỡi biết trước ý-tưởng của anh.- Chilon de Sparten
- Lưỡi dài đời ngắn - Ba-tư
- Cái lưỡi con người là cái bánh lái chiếc tàu của họ. -Amenhemhét
- Cái lưỡi là cái tốt và cái xấu nhất trong mọi vật.- Esope
- Một cái lưỡi mềm có thể làm gãy xương.- (Thánh-kinh)
- Một nhát lưỡi còn ghê-gớm hơn một nhát gươm.- Ả-rập
- Không nọc nào độc bằng của cái lưỡi.- Anh
- Cái lưỡi không có xương,nhưng nó đủ cứng để phá vỡ trái tim bạn- Khuyết danh
- Cái lưỡi quyền lực vô song, Của cái mất tong cũng vì cái lưỡi- Căm-bốt
- Không có bằng chứng nào là cái lưỡi được nối với bộ não- Frank Tyger
- Số người chết vì cái lưỡi, nhiều hơn số người ngã gục vì gươm giáo ngoài chiến
trường - (Thánh Kinh)
-Nói và hùng biện không giống nhau: nói và nói hay là hai điều khác biệt. Kẻ ngu dốt có thể nói, người thông thái thì diễn thuyết - Heinrich Heine.
-Nói hay và hùng biện là một nghệ thuật, nhưng biết lúc nào cần ngừng lời cũng là một nghệ thuật chẳng kém- (Wolfgang Mozart)
-Hùng biện là bức họa của tư duy- (Blaise Pasca)
Lưỡi trong Ca dao
.-Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo,
Miệng không vành méo mó tứ phương
-Lưỡi người độc quá đuôi ong,
Xui người tan hợp rút lòng nghĩa nhân.
-Mai mưa trưa nắng chiều nồm,
Trời còn luân chuyển huống mồm thế gian.
-Mèo khen mèo dài đuôi,
Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo.
-Một lời trót đã nói ra,
Dù chạy bốn ngựa khó mà đuổi theo.
-Ngửa tay hứng nước mưa trời,
Rửa sao cho sạch những lời thế gian.
-Người khôn sao nỡ đánh đòn,
Một lời nói nhẹ cũng còn đắng cay.
-Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
-Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
-Vàng thời thử lửa thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.
-Lươn ngắn lại chê trạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồn.
-Lỗ miệng thì nói Nam mô,
Trong lòng thì đựng một bồ giao găm.
-Nói người lại nghĩ đến ta,
Thử sờ lên gáy xem xa hay gần.
.............
Theo Ki-tô giáo
.Đây là hệ lụy tất yếu. Chúa Giêsu đã nói rạch ròi với người Do Thái: "Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà xấu thì quả cũng xấu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình" (Mt.12:33-35).
"...Vô phúc cho tôi, tôi chết mất vì Lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Đức Vua Người là Chúa các đạo binh...Hãy xem than lửa này đã chạm đến Lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xóa bỏ,tội ngươi được tha thứ." (Is.6: 1- 8)
Tất nhiên Ngài cũng khuyến cáo mỗi chúng ta đấy!
Theo đoạn Tin Mừng trên ta thấy Chúa Giêsu khuyên bảo phải rất thận trọng khi phát xuất lời nói, vì thê trong dân gian đã có câu dạy rằng: "Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói."
Thánh Giacôbê cảnh báo chúng ta về sự dùng miệng lưỡi "Bệnh ngoài miệng chui vào, vạ trong miệng chui ra. Lưỡi là bộ phận phát ra lời nói có thể cứu sống cũng có thể giết chết. Vì thế ai khôn ngoan về lời nói cũng là người hoàn hảo, có khả năng kèm chế được toàn thân. "
Đến ngày phán xét người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh em mà anh em sẽ được trắng án và cũng vì lời nói của anh em mà anh em sẽ bị kết án (Mt.12: 36)
Người ăn nói tử tế sẽ được bao điều tốt lành!
(Cn.12: 14)
Có thì nói có, không thì nói không.
(Mt.5: 37)
Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
(Mt.28: 20)
Anh em là chứng nhân của Thầy tại Jerusalem trong khắp miền Juđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.
(Cv.1: 8)
Người sống thanh liêm và thực thi công chính và trong lòng suy nghĩ điều ngay, Lưỡi không đặt điều vu khống.
(Tv.14)
Ngài có những lời mang lại sự sống đời đời.
(Ga.6: 68)
Lề luật gọi những kẻ Thiên Chúa ngỏ lời là những thần thánh, mà lời Kinh thánh không thể hủy bỏ.
(Ga.10: 35)
Thật, Tôi bảo thật các ông: "Ai nghe lời tôi và Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống."
(Ga.5: 24)
Luôn trả lời cho những ai chất vấn anh em về niềm hy vọng của anh em. (1Pr.3: 15)
Vì hơn người quý mạng sống, môi miệng tôi những tán dương Ngài. (Tv.63:4)
Lạy Chúa! Xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con! (Tv.141n: 3)
Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan và lưỡi họ nói lên điều chính trực. (Tv.37: 30)
Vinh hay nhục đều ở cái lưỡi cả và cái lưỡi chính là mối họa cho con người. (Hc.5:13)
Lạy Chúa! Miệng lưỡi con chưa thốt lên lời Ngài đã biết tất cả! (Tv.139: 4)
Ít nói không phải là nói ít, mà là đừng nói những điều vô ích.
(St. Francois de Sales)
Thánh Nữ Faustina tông đồ Trái Tim Chúa Giêsu viết trong nhật ký: "Những sai lỗi của cái lưỡi thật đáng kinh hồn. Linh hồn sẽ không đạt đến sự thánh thiện, nếu không canh phòng cái lưỡi của mình."
Năm xưa theo học tại Đại học Chiến tranh Chính trị, Đà lạt, trong giờ khóa sinh đóng góp ý kiến xây dựng trường. Nhiều người đã đề nghị lên Vị Chỉ huy trưởng khi tuyển dụng khóa sinh theo học, nên quan tâm đến 2 điểm chính cần thiết nhất là 'VIẾT và NÓI' . Khi đó trường không có khoa hùng biện, nhưng bù lại có nhiều giờ thi đua trần thuyết và biện luận, cũng đem lại một số kết quả tốt đẹp.
Thời gian này các trường Đại học VN cũng chưa mở phân khoa hùng biện, nhưng nếu có thì ngày nay các trí tuệ đỉnh cao cũng âm thầm đóng cửa vì quá nhạy cảm. Hiện nay tại VN cũng có những lớp học dạy cho trẻ em tập ăn nói mạnh dạn trước đông người, quảng cáo với những mỹ từ 'Đẳng cấp- Siêu đẳng- Tuyệt chiêu' nhưng không phải là phân khoa hùng biện của Đại học.
Trong lúc này nhiều quốc gia Âu châu đã mở phân khoa hùng biện rồi.
Cùng ngược dòng lịch sử cổ đại trước Công nguyên Hy Lạp và La Mã đã có phân khoa Hùng biện, nhiều nhân vật nổi tiếng trong đó có Marcus Antonius là một tướng lãnh và chính trị gia với nhiều diễn văn lôi cuốn đã được đưa vào vở kịch Julius Caesar của Shakespeare.
Nhiều người hùng biện do thiên phú và có nhiều người do siêng năng học hỏi luyện tập mà thành công.
Được thiên phú như truyện Tào Phi đã khuất phục người anh là Tào Thực muốn hại mình qua bài thơ 'Thất bộ thi' (bài thơ 7 bước):
Nấu đậu dùng củi đậu, Đậu ở trong nồi khóc, Vốn sinh cùng một gốc, Sao nỡ đốt thiêu nhau!
Trong lịch sử Việt Nam xưa Mạc Đĩnh Chi đâu có thua kém Tào Phi. Ông được cử làm sứ thần sang Trung Hoa thời nhà Nguyên, thấy ông thấp bé khinh thường liền ra câu đối thử tài:
Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tan ngọc thổ. (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng)
Ông liền ứng khẩu đáp lại:
– Nguyệt cung tinh đan, hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(Trăng là cung, sao là đạn, khi hoàng hôn mặt trăng bắn rơi mặt trời)
Ý Trung Hoa muốn ví mình như mặt trời có thể đốt cháy các nước nhỏ. Nhưng Mạc Đĩnh Chi đáp lại là các nước nhỏ nhiều khi lại bắn rơi mặt trời. Ông muốn ám chỉ việc nhà Trần đã 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông. Nể phục tài ứng khẩu khí tiết của ông, vua Nguyên phong cho ông là 'Lưỡng Quốc Trạng Nguyên'
Còn ngay bây giờ, ta có thể gọi Tổng thống Zelensky của Ukraine là nhà hùng biện qua các bài diễn văn gởi đến các quốc gia kêu gọi sự trợ giúp chống lại Nga xâm lăng cách tàn bạo vào nước đất ông....
Để kết thúc, xin mượn truyện ngụ ngôn nổi tiếng về cái lưỡi của Esope:
Một hôm, Xanthos gọi tên đầy tớ:
- Esope, hôm nay mày hãy cố tìm mua cho tao một món đồ ăn quí, tốt, đặc biệt nhất. Có hiểu không ?
- Dạ.
Esope mau lẹ ra chợ mua một xâu lưỡi đem về.
Xanthos hỏi:
- Tại sao mày mua tòan lưỡi như thế ?
Esope trả lời:
- Thưa ông, vì tôi thiết tưởng không có gì quí và tốt cho bằng lưỡi. Lưỡi là chìa khóa triết lý, mỹ thuật và chân lý.
Xanthos cho là tên đầy tớ kỳ khôi. Hôm sau ông lại gọi Esope:
- Hôm nay thì mày hãy mua cho tao một của gì người ta cho là xấu nhất.
Không chút lưỡng lự, Esope lại ung dung ra chợ... Và khi trở về, lại thấy mang theo một... xâu lưỡi.
- Tại sao hôm nay, mày lại còn mua lưỡi nữa ?
- Thưa ông, tôi trộm nghĩ, lưỡi cũng là một lợi khí nguy hiểm nhất trên đời. Nó là mầm chiến tranh ly lọan, là nguyên nhân mọi sự chia rẽ hiềm thù ghen ghét... Tôi trộm nghĩ: trên đời không gì xấu và hèn cho bằng lưỡi.
Bài phụ thêm: Lưỡi
Và biểu tượng lưỡi trong văn hóa truyền thống.
Từ góc độ khoa học, Lưỡi là cơ quan vị giác nằm trong khoang miệng của động vật có xương sống. Ở động vật có vú, lưỡi là khối cơ vân chắc, phủ ngoài bằng lớp biểu bì phân lớp, phía dưới là lớp mô liên kết. Mặt trên lưỡi có nhiều nhú cảm giác (chồi cảm giác). Trên lưỡi chia thành một số vùng tương ứng với khả năng cảm giác, vị giác khác nhau. Các vị giác mà lưỡi có thể cảm nhận rồi "phản ánh" như: ngọt, mặn, chua, cay, đắng... (Wikipedia). Lưỡi là bộ phận mềm, không xương, chuyển động bằng các cơ, có khả năng uốn dẻo linh hoạt. Lưỡi có chức năng vô cùng quan trọng trong hoạt động ăn uống và nói năng của con người. Trong ăn uống, lưỡi nhận, đưa và đảo thức ăn trong khoang miệng. Lưỡi là bộ phận cảm nhận vị giác, giúp con người cảm nhận được các vị khác nhau của thức ăn. Trong nói năng, lưỡi là cơ quan cấu âm không thể thiếu. Để phá ra một tiếng/ âm tiết, con người phải sử dụng các bộ phận trong khoang miệng như răng, môi, ngạc, dây thanh, lưỡi... Lưỡi có vai trò tạo ra sức cản luồng không khí thoát ra từ họng để phát ra các âm thanh. [4,151]
Chính vì lưỡi có đặc điểm và chức năng như trên nên trong quan niệm văn hóa truyền thống, lưỡi trước hết biểu trưng cho lời ăn tiếng nói của con người.
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã cho rằng, lưỡi là biểu tượng của sự hình thành, tạo tác lời nói, là nguồn gốc của lời. Trong tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ được thể hiện bằng từ mother-tounge (tounge là cái lưỡi), hoặc thành ngữ Keep your tounge cũng có nghĩa là giữ mồm, giữ miệng, thận trọng lời ăn tiếng nói. Trong tiếng Việt, cũng có những câu như:
– Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
– Ngậm cái miệng lại không tao đánh cho gãy lưỡi bây giờ!
– Ăn nói cẩn thận không có lại bị cắt lưỡi.
Khi lời nói làm phật lòng, gây tức giận người khác, lưỡi – công cụ tạo ra lời nói đó, nguồn phát ra lời nói đó – phải là nơi để trút giận, để ngăn nó tiếp tục.
Đức Phật đã dạy rằng bệnh tật của con người từ miệng vào, tai ương của con người cũng từ miệng mà ra (vạ miệng). Lưỡi – nguồn gốc của lời nói – "bị" cho là nguồn gốc của tai ương [1, 549] . Thánh Gia-cô-bê đã nói: "Lưỡi tuy bé nhỏ, nó đã nói lên nhiều điều vĩ đại mà chính nó cũng làm hoen ố cả con người chúng ta." (8). Esope trong câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng đã cho rằng không có gì quý giá bằng lưỡi vì lưỡi là chìa khóa của triết lý, mỹ thuật và chân lý, cũng không có gì trên đời xấu bằng lưỡi, nó là mầm chiến tranh ly loạn, là nguyên nhân của hiềm thù, ghen ghét (8). Lịch sử đã chứng minh, rất nhiều trường hợp con người không cần dùng gươm dao, súng đạn để tiêu diệt kẻ thù mà chỉ cần dùng cái lưỡi (Uốn ba tấc lưỡi). Sức mạnh của cái lưỡi chính là sức mạnh lời nói.
Từ chỗ biểu trưng cho lời ăn tiếng nói, ý nghĩa của lưỡi tiếp tục phát triển, mở rộng, trở thành một biểu tượng phản ánh nhân cách con người.
Cổ nhân đã dạy: Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường; Biết mặt không biết lòng. "Mặt" là cái thể hiện ra bên ngoài, "lòng" là suy nghĩ thực bên trong. Lời nói chính là một trong những "mặt" thể hiện đó. "Mặt" này vô cùng đa dạng. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Việt lại tồn tại nhiều từ ngữ, thành ngữ liên quan đến lời nói đến như vậy (nói dóc, nói bóng nói gió, nói càn, nói cạnh nói khóe, nói chọc, nói chơi, nói chua, nói cứng, nói mỉa, nói ngoa, nói ngang, nói nhăng nói cuội, nói như thánh phán, nói như vẹt, nói phách, nói phét, nói trạng, nói quấy nói quá,...). Mỗi kiểu nói thể hiện một tâm trạng, tính cách khác nhau. Như vậy, lưỡi tạo lời nói, lời nói thể hiện nhân cách nên lưỡi biểu trưng cho nhân cách thể hiện trong giao tiếp, ứng xử, phát ngôn hàng ngày. Do tính chất mềm dẻo của lưỡi được ẩn dụ cho lời nói dễ thay đổi (Lưỡi không xương trăm đường lắt léo) nên nói chung biểu tượng lưỡi khi gắn với nhân cách của con người thì thường mang sắc thái tiêu cực. Chẳng hạn, sự độc địa, ác tâm: Miệng lưỡi thế gian; Lưỡi người độc quá đuôi ong...; sự giả tạo, phản trắc: Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (tục ngữ); chót lưỡi đầu môi (thành ngữ); Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi (Nguyễn Công Trứ); Những sự ba đào xeo tấc lưỡi (Hồ Xuân Hương)...
Ngoài ra, đặc điểm mềm dẻo (trong sự so sánh với răng) của lưỡi còn là cơ sở để tạo hàm ý, biểu trưng cho cách sống linh hoạt, khôn khéo. Xưa, Lão Tử đến thăm người thầy Phương Dung đang ốm nặng. Lão Tử đã trả lời rất đúng ý thầy về cái răng và cái lưỡi. Sở dĩ lưỡi còn là vì lưỡi mềm, còn răng rụng vì răng cứng. Đạo lý này không chỉ đúng với răng và lưỡi mà còn ứng với mọi việc trong thiên hạ [9]. Triết lý phương Đông đề cao tính linh hoạt, tùy cơ ứng biến. Sống không cứng nhắc, lựa theo tính chất sự việc mà ứng xử có hiệu quả, lạt mềm buộc chặt còn hơn là chỉ khư khư ôm lấy nguyên tắc của riêng mình.
Bên cạnh đó, cũng trong sự đối sánh với răng, cặp biểu tượng răng – lưỡi còn biểu trưng cho một cách sống khác. Lưỡi và răng được nhân hóa là hai anh em trong cùng một nhà, lưỡi là anh và răng là em. Bài thơ vịnh chuyện Răng cắn lưỡi đã minh chứng cho điều đó: Vào thời Tự Đức, Nguyễn Đăng Hành, con Nguyễn Đăng Giai, là người hay chữ. Nhân dẹp được âm mưu lật đổ của Hồng Bảo, Tự Đức mở tiệc ăn mừng. Trong khi đang đãi yến các quan, nhà vua ăn uống sơ ý nên để răng cắn phải lưỡi. Vua bèn lấy sự việc này bảo các quan làm thơ để mua vui. Các quan đều làm thơ dâng lên vua, nhưng chỉ có bài của Nguyễn Đăng Hành là hay hơn cả. Bài thơ như sau: Ngã sinh chi sơ, nhữ vị sinh/ Nhữ sinh chi hậu, ngã vi huynh/ Kim triều hạnh hưởng cao lương vị/ Hà nhẫn độc thương cốt nhục tình. Dịch là: Tớ sinh, ngươi ra đời/ Ngươi sinh sau tớ, tớ thời làm anh/ Hôm nay ăn uống ngon lành/ Mối tình cốt nhục sao đành hại nhau?
Rõ ràng đây là bài thơ nói về việc răn cắn lưỡi. Lưỡi có trước khi mọc răng, vậy thì lưỡi là anh mà răng là em. Thế mà khi được miếng ăn ngon đáng lẽ cùng nhau hưởng thụ thì răng lại nỡ lòng cắn lưỡi để tranh ăn lấy một mình, Tự Đức xem xong biết là Hành muốn ám chỉ việc riêng của mình, nhà vua sai đem tác giả ra cửa Ngọ Môn đánh ba chục roi về cái tội châm biếm phạm thượng. Sau đó, để tỏ rằng mình biết quý trọng văn tài, nhà vua lại thưởng tiền lụa rất hậu. Câu chuyện răng – lưỡi nhắc nhở ta phải biết sống có trên có dưới, có trước có sau. (Theo Kho tàng giai thoại Việt Nam)
Như vậy, trong văn hóa thế giới, văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa Việt nói riêng, lưỡi đã là hình ảnh mang ý nghĩa rộng hơn ý nghĩa biểu vật vốn có của nó. Trên nền nhận thức chung, người Việt đã mượn lưỡi để biểu hiện cho lời ăn tiếng nói, biểu hiện cho nhân cách, lối sống của con người.
(Trích một đoạn viết về Lưỡi của TS Hoàng Kim Ngọc)
Kính chúc Quý Vị luôn Hồn an Xác mạnh nhờ Miệng Lưỡi khôn ngoan!
【Đinh Văn Tiến Hùng】