TỪ CHIẾC NÔI SỞ KIỆN, HÀ NAM
Hôm ấy, cả vùng cúp điện, cúp nước. Căn gác nằm sâu trong ngõ hẻm, nóng như lò gạch. Nhìn chồng sách cũ trên cái kệ tồi tàn, tôi mơ hồ thấy cả một quá khứ bồng bềnh. Tiếng nước nhỏ giọt không đều ở đâu đó, dàn hoa leo héo hon, vẽ ra một mùa hè khô cạn, oi nồng. Ông lão già râu cước ngồi đó, đôi tay run run, bắt đầu đưa tôi về câu chuyện "nhà họ Lê" thuở nào. "Hồi ấy, quãng năm 1943-1944 thì phải. Mấy anh em "nhà thầy" chúng tôi đang giúp xứ. Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo, Hoài Chiên, Nguyễn Khắc Xuyên, Thiên Quang, Hoài Đức v.v... Người ở Sở Kiện, kẻ ở Bút Đông, Hà Nam. Những ngày rảnh rỗi một chút, chúng tôi đạp xe đến thăm nhau bàn bạc "làm thế nào để có một nền tân nhạc Công giáo Việt Nam". Cái giấc mơ đầu đời của lứa tuổi thư sinh ấy tưởng như sẽ tan ra như bọt xà phòng! Thế mà nó lại thành hiện thực. Chúng tôi cứ âm thầm học tập, giúp xứ, biên soạn và sáng tác quên ngày quên đêm. May cho chúng tôi là có một mạnh thường quân, cha Trần Đình Nam đang làm hiệu trưởng trường Dũng Lạc, luôn luôn động viên, đôi khi có cả tí tiền còn bồi dưỡng.
Tháng 7 năm 1945, tròn một con trăng trước ngày cờ bay, súng nổ thì phong trào âm nhạc Công giáo Việt Nam ra đời. Từ chiếc nôi Sở Kiện (Hà Nam), đoàn người tiên phong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã mạnh dạn nêu cao tôn chỉ "cải lương hình thức, duy trì quốc tính, cùng nhau lấy ca nhạc làm phương tiện phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc". Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với những tập CUNG THÁNH, làm cho nền âm nhạc phụng vụ Công giáo và lời nguyện cầu của dân Chúa Việt Nam càng thêm phong phú, đa dạng.
Hai năm sau, 1947, Hà thành dậy lửa. Lần đầu tiên ở miền Bắc, một nhà sách, nhà phát hành Đa Minh thiện bản ra đời. Với thiện chí làm căn bản để phổ biến văn hoá và ánh sáng Phúc âm, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã có một điểm tựa để mở ra cuộc hành trình muôn dặm về sau.
ĐẾN NHẠC ĐOÀN LÊ BẢO TỊNH
Anh em chúng tôi giống nhau ở chỗ "cùng ăn cơm nhà Chúa". Song từ 1945, vì lẽ này lẽ khác, ra ngoài đời phần lớn - còn lại một mình Hoài Đức - gia nhập hội "Trùng Sơn". Từ mấy anh em ban đầu, từ sự thành công của 14 tập cung thánh, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã hình thành một cơ cấu nhân sự có trình độ, năng lực và uy tín với nhiệm kỳ 2 năm.
Đoàn trưởng: Hùng Lân - Phó đoàn: Lm.Hoài Đức - Thư ký: Nguyễn Bang Hanh - Thủ quỹ: Thiên Phụng - Cố vấn kỹ thuật: Thiên Quang.
Năm 1954, anh em chúng tôi theo nhau di cư vào Nam hết. Chỉ một mình Giuse Tâm Bảo (Nguyễn Văn Để?) và chẳng tăm tích gì. Ở Sài Gòn, chúng tôi lại bắt đầu viết một trang sử mới...
Đến ngày 1.11.1961 (xuất bản Cung thánh 15), số đoàn viên chính thức đã tăng lên 45 người. Cụ thể, có 11 linh mục, 11 tu sĩ, còn lại là các nhạc sĩ tên tuổi từ khắp các địa phận của ba miền đất nước như: Hà Nội (14), Hải Phòng (1), Bắc Ninh (3), Nha Trang (9), Hưng Hoá (1), Lạng Sơn (1), Bùi Chu (1), Thái Bình (1), Hòn Gai (1), Nghệ An (1), Vinh (1), Huế (2), Đà Nẵng (2), Quảng Nam (1), Sài Gòn (1), Trà Vinh (1), Long Xuyên (1)...
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG
Có thể phân chia quá trình hoạt động của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh thành hai giai đoạn chính:
- Từ 1945-1947: Tự xuất bản: 14 tập Cung thánh (300 bài).
- Từ 1947-1975: Hợp tác với nhà sách Đa Minh thiện bản (Bùi Chu do ông Đạt trông coi), đã lần lượt xuất bản:
NHẠC TÔN GIÁO
- Cung thánh hợp tuyển (1952), tái bản lần 1 (1952 với 3000 quyển); lần 2 (1955 với 3000 quyển); lần 3 (1956 với 4000 quyển); lần 4 (1957 với 4000 quyển).
- Cung thánh Tổng hợp: 174 bài chọn lọc, san định đã in ra từ 1945 trong 14 tập trước (1960 với 5000 quyển).
- Cung thánh XV (1962 với 5000 quyển).
- Cung thánh XVI.
- Cung thánh Tổng hợp tái bản (1963).
- Cung thánh Tổng hợp tái biên (1975): 352 trang, 174 bài, 22 tác giả.
NHẠC THÁNH THIẾU NHI
- Lời chim xanh: 60 bài ca vũ.
- Cùng múa hát: 20 bài ca vũ.
(dùng trong sinh hoạt học đường).
SÁCH NHẠC GIÁO KHOA
- Của Hùng Lân: Cây đàn sống (2 tập). Nhạc lý toàn thư: Chương trình trường Quốc gia Âm nhạc. Âm nhạc thất, lục, ngũ, tứ: Giải thưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, 1952. Giải đáp câu hỏi nhạc lý.
- Của Lm.Hoài Đức: Nhạc lý ca điệu Grêgorio: Cuốn nhạc lý về chant Grêgorien được soạn lần đầu tiên bằng Việt ngữ. Phần từ điển âm nhạc rất độc đáo.
- Của Thiên Quang: Kỹ thuật hoà âm: Tổng hợp lý thuyết và thực hành từ các trường phái Pháp (Dubois, Réber, Lartier, Caussade) và Mỹ (Alchin, Piston, Sessions). Đặc biệt có phần giảng khoa hoà âm phương Đông như Trung Quốc, Nhật và Việt Nam.
- Của Thiên Phụng: Âm nhạc đệ thất (giáo trình).
NHÌN LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Có thể khẳng định rằng gần một thế kỷ qua (1945-2022), tên tuổi uy tín, trình độ và giá trị của một tập thể hàng trăm nhạc sĩ, của một sự nghiệp hàng ngàn tác phẩm của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã thực sự chinh phục lòng người, đã đi vào lịch sử Việt Nam. Những ai đã ghi dấu ít nhiều kỷ niệm vàng son giữa thập niên 1940, hẳn không thể nào quên được cái không khí bừng bừng sôi sục trong tim gan người mình. Phố phường 5 cửa ô vang rền Thanh Niên Hành Khúc, Kèn Rạng Đông, Khoẻ Vì Nước, Hè Về, Học Sinh Hành Khúc, Việt Nam Minh Châu Trời Đông... Nơi nhà thờ xứ đạo ngân nga thánh nhạc Hùng Lân, Hoài Đức, Tâm Bảo, Duy Tân, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Chiên, Thiên Phụng... Thì ra, đạo và đời cùng một nhịp luân vũ khát khao tự do, rộn rã nồng nàn. Thánh nhạc Lê Bảo Tịnh đậm đà làn điệu Sáng Thế Ký, Xuất Hành và Tân Ước. Đầy đủ những: Trúc, ti, cung bậc, bình ca, dân nhạc. Thậm chí không ít tác giả, tác phẩm mà giá trị đã vượt xa bên ngoài bờ cõi. Phải chăng đó là niềm tự hào to lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh nói riêng?"Anh em chúng tôi đã múc từ nguồn cội gia tài kinh sách lễ nhạc Việt Nam, xuất phát từ trong lòng Giáo hội, có pha trộn một chút nỗi niềm riêng tây. Chúng tôi tạ ơn lớp tiền bối đã khai sơn phá thạch: Đức Cha Dom.Hồ Ngọc Cẩn, cha già Vượng ở Nam Định, cha Tiến Ninh ở Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, cha J.M.Nguyễn Văn Thích và ông Đinh Doãn Sắc ở Huế, cha Phaolô Qui, cha Phaolô Đạt ở Sài Gòn... Lại vui mừng khôn xiết khi thấy một dải thiên hà vằng vặc những chòm sao bắc đẩu như: Nhạc đoàn Ca Thánh (Phát Diệm), Thiên Cung (Hải Phòng), Hương Thánh Kinh (Thanh Hoá), Sao Mai, ca vịnh (Bùi Chu), Phan Văn Minh (Vĩnh Long) và Suối Nhạc (Roma)... Từ thập niên 1960 trở lại đây, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, một ngọn triều lớp lớp của những nhạc sĩ tài hoa đã thổi vào thánh nhạc Việt Nam luồng sinh khí bất tuyệt. Tôi không thể kể ra hết được!"
KẾT TỪ
Nay, lịch sử đã sang trang. Coi như chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Phần còn lại là gia tài thánh nhạc Việt Nam đã và đang được đặt lên vai, được bàn giao cho các thế hệ mai sau. Cây đàn Cithara cứ ngân nga vang mãi trên bầu trời Việt Nam. Bởi vì nói theo thánh Augustinô "Hát là cầu nguyện hai lần".
Quyển sách "Cung thánh tổng hợp tân biên" được gấp lại. Bìa màu nhót đỏ chói. Có mấy tàu dừa phất phơ trong gió. Xa tít là vầng trăng khuya. Ông lão râu cước cố nhổm đứng dậy xiết chặt tay tôi. Hình như ông vừa trải qua một khoảnh khắc nhói đau của cơn bệnh tai biến mạch máu não: "Tâm Bảo chết ở ngoài Hà Nội lâu rồi. Thiên Phụng khuất bóng. Hùng Lân cũng đã đi xa... Anh em mỗi người mỗi nơi, mỗi nỗi trăn trở hệ luỵ khác nhau". "Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt, hát khen con một Chúa Trời", "Lạy Mẹ là ngôi sao sáng", "Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn"... Tất cả những ca từ ấy từ trong trái tim mọi người tín hữu Việt Nam tuôn ra cửa miệng, như một hơi thở, một lời khấn nguyện không bao giờ nhạt phai... Từ Sở Kiện, Hà Nam đến Chủng viện Hoàng Nguyên và Piô XII Chợ Lớn. Từ địa chỉ 6/12 Tự Đức Đa Kao, là ngôi nhà thân yêu của ông bà Hùng Lân cho đến căn gác hẻo lánh chật chội này. Một chặng đường dài gần 100 năm mà chòm sao bắc đẩu Lê Bảo Tịnh đã kinh qua. Có những gấm hoa và mật đắng cùng với những viên cuội lặng lẽ, nhọc nhằn. Vâng, đến đây thì ai cũng rõ câu chuyện "nhà họ Lê, Lê Bảo Tịnh" mà người kể chính là linh mục-nhạc sĩ Giuse Hoài Đức, một trong những nhạc đoàn trưởng kỳ cựu của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh; người tù còn sống sót trở về từ những trại giam khổ sai miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, tác giả bài thánh ca Giáng Sinh vượt thời gian "Cao Cung Lên". Hùng Lân sắp giỗ 36 năm (1986), Thiên Phụng 40 năm (1982), Tâm Bảo 38 năm (1984), Hoàng Ngô 25 năm (1997), Nguyễn Khắc Xuyên 17 năm (2005)... và Hoàng Phúc, Hoài Chiên, Duyên Lý, Hoài Đức (2007)... là những người tín hữu Công giáo Việt Nam, làm sao chúng tôi quên được những con người, những tài năng cùng những giai điệu và ngôn từ của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh?
【Lê Đình Bảng】