TRĂM NỖI NGẬM NGÙI
Hẳn là hồn Cha rất đỗi lung linh
Cái Tập sách Cha nhờ con chấp bút
Con đã làm xong, gửi về Cha, kịp lúc
Có ai ngờ, Cha vội vã ra đi!
Cách trở, xa xôi, nào biết nói gì
Chỉ chết lặng người đi, như tượng đá!
Cả một kho tàng, ai người gác cửa?
Cha bỏ, ra đi, Cha có dặn dò?
Nghe tin cha đi, Sài Gòn đổ mưa
Tân Sa Châu ơi, từ nay, vĩnh biệt
Cha là Giuse Nguyễn Hữu Triết
Ở tít tắp bên kia bờ biền biệt
Khóc thương Cha, hơn là khóc chính mình...
【New Jersey, Hoa Kỳ - 16.06.2022】
VĂN HOÁ SÁCH CŨ VÀ CỔ VẬT
Lần đầu tiên tôi bước tới căn phòng cha chính xứ, khác với cơ ngơi, đầy đủ tiện nghi của các Đấng bậc là một sự xáo trộn bất ngờ. Hôm đó là một ngày nắng đẹp. Cha bước ra từ căn phòng bề bộn sách ấy, tôi cúi đầu chào và tự giới thiệu là con trai của ông Lê Đình Bảng, thừa lệnh bố mình đến biếu cha vài tập thơ, ít sách quý. Cha mời tôi một ly chè xanh vừa mới hãm. Tâm tình cha con cứ thế mà diễn ra theo ý Chúa. Cha nói: "Cha và ba con là hai người nặng nợ với văn hoá. Ở tủ sách ba con để lại còn những gì, cứ đem đến cho cha. Cha giữ hết. Chứ con không biết giá trị thì cất uổng lắm. Những bản thảo và nháp viết tay của ba con nữa. Chở hết đến cho cha nhé!..."
Trước mắt tôi là vị chủ chăn thực sự. Ngài đơn giản, đơn sơ như chính những giá trị quá khứ mà Ngài đang lưu giữ. Có ai ngờ vị mục tử ấy lại là một trưởng ban Mục vụ văn hoá của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Nợ văn hoá là cái nợ lịch sử. Ngài trân trọng từng trang sách, con chữ ở mọi lĩnh vực, đa tôn giáo. Ngài đã từng nói: "Đã là sách quý thì không phân biệt sách đạo và sách đời". Cho và nhận là một cách chia sẻ. Bánh ít đi thì bánh quy lại. Mỗi lần tôi tới biếu sách Ngài thì Ngài lại tận tay gửi cho ba tôi vài cuốn sách quý, tài liệu hay. Tình cảm cha con cứ thế ngày một thắm thiết hơn qua những giá trị văn hoá kia.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết được nhiều người biết đến là một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu ở Việt Nam với gần 30 năm tâm huyết. Mới vừa rồi, nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 136 năm Ngày Quốc tế Lao động và hướng đến kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp cùng Hội Cổ vật TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề "Sưu tập Nguyễn Hữu Triết – Tâm huyết một đời người". Bắt đầu từ năm 1994, cha Triết bắt đầu sưu tập những chiếc đèn cổ. Đi đến đâu, dù trong hay ngoài nước, hễ tìm được chiếc đèn xưa cũ Ngài lại mua mang về. Có cái giá rẻ, nhưng cũng có cái hàng chục triệu đồng. Góp nhặt những đồng tiền tiết kiệm được, cha mua đèn dầu cổ về trưng bày trong căn phòng bảo tàng do chính cha cất công gầy dựng. Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết: "Suốt hàng chục năm đam mê và tìm tòi, ông đã có một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 1.500 đèn dầu cổ. Chúng được xem như kho tàng quý lưu giữ nét văn hóa truyền thống vùng miền của Việt Nam và nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nổi bật là cây đèn gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm. Dù mất bao công sức sưu tầm, bỏ không ít tiền của và thời gian, nhưng cha không giữ cho riêng mình mà có nguyện vọng đem bộ sưu tập của mình phục vụ mọi người. Hiện giờ, gần 1.000 cây đèn trong số hơn 1.500 cây đã được cha chuyển cho Tổng giáo phận Sài Gòn và thánh địa Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế để mọi người có thể thưởng ngoạn".
Trước gian phòng là một chiếc xe ngựa cổ và một chiếc xe bò đang sắp cổ mà cha mua để sưu tập. Đồ cổ đối với cha là một quyển lịch sử sống. Giữ gìn sách cổ đối với cha chính là góp phần bảo tồn kho tàng văn hóa của dân tộc. Kho tàng này đã bị hao hụt do thiên tai, chiến cuộc, do ngoại nhân và sự thờ ơ của người trong nước. Đó cũng là hành động tôn vinh các bậc tiền bối, tri ân và ngưỡng mộ các Ngài và công việc này còn khuyến khích các nhà văn đương đại viết ra những cuốn sách để đời.
Hỡi ôi! Một ngày mưa Sài Gòn, nghe tin cha về miền Đất Hứa khi đang còn rất nhiều dang dở ở trần gian mệt nhoài này, tự dưng con nấc lên một tiếng để kịp nhớ về những kỷ niệm máu thịt mà cha con đã có với nhau. Con biết ba con bên kia bờ đại dương cũng xót xa, đau đớn đến dường nào. Bài thơ trên cũng là lời tiễn đưa cha. Cha chào vĩnh biệt tất cả để ra đi. Nhưng những ai sẽ kế thừa sự nghiệp mà người đời vẫn bảo là "thổi tù và hàng tổng" này?
Vô cùng thương tiếc Cha!
【Tân Sa Châu, Sài Gòn - 16.06.2022, Lê Đình Bảng 】
TIỄN CHA
Tiếc thương
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết
Chính xứ Tân Sa Châu
Trưởng ban Văn hóa TGP. Sài Gòn
Trời tháng Sáu cơn mưa nặng hạt
Đâu đấy nghe tiếng vạc kêu sương
Tân Sa Châu những làn hương
Không gian mờ nhạt đau thương não nề
Nhớ cha nhịn ăn tầm cổ vật
Những lo âu tất bật khôn ngơi
Hằng ngày đau đáu trọn đời
Tiền nhân gia sản một thời nay đâu?
Dù cho ruộng hóa bể dâu
Dặn lòng không để dãi dầu xót xa
Nên cha quyết chí bôn ba
Bắc nam hải ngoại thiết tha truy tìm
Vì cha yêu mến trọn tình
Quê hương văn hóa câu kinh thắm màu
Hỡi ôi thì giờ đã khép lại
Chúa gọi cha "nhổ trại" lên đường
Tám mươi tuổi thọ ngát hương
Ngũ tuần Thánh chức dặm trường cậy tin
Còn đây khắc khoải trong mình
Rồng Tiên văn hóa giữ gìn tinh khôi
Ai người tiếp nối vun bồi
Kẻo ra đạo mất nước thời cũng vong!
Bốn ngàn năm giống Lạc Hồng
Kitô thánh giáo khơi trong đạo nhà
Con nay bàng hoàng trong cõi lặng
Viết vội đôi câu tặng cố nhân
Dù con là kẻ không thân
Nhưng luôn ngưỡng mộ âm thầm về cha
Giờ cha thượng hưởng Thiên Tòa
Cầu cùng Chúa Cả cho nhà Việt Nam
Có người tiếp nối việc phần
Sáng danh Đạo Thánh rộn ràng quê hương
Giữ gìn di sản cha ông
Mai sau cùng gặp Thiên Đường phúc vinh!
【Phục duy! 15 tháng Sáu 2022, J.M Phi Minh】