Con ngoảnh đầu nhìn lại.
Sau lưng mình chẳng có ai.
Sân nhà thờ ngập nắng. Gió lùa lồng lộng. Những giây cờ đủ màu sắc rung lên phần phật trong gió. Bên ngoài cổng nhà thờ là con đường chính của xứ đạo. Bên kia con đường là màu xanh ngút ngàn của vườn cây đang vào mùa đơm hoa kết trái.
Tiếng chiêng tiếng trống được gióng lên. Những hồi kèn ngân vang giục giã. Đoàn đồng tế bắt đầu di chuyển về phía trước. Vậy là con bước theo...
Lòng con vừa rộn ràng vừa xao xuyến. Cảm giác bồi hồi thật khó tả.
Trong những ngày tháng tuổi thơ, đã rất nhiều lần con được tham dự Thánh Lễ có đoàn đồng tế. Bầu khí trang trọng của những Thánh Lễ ấy đã lưu lại trong lòng con nhiều dấu ấn sâu đậm. Con còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên mình được tham dự Thánh Lễ có thật nhiều Cha là vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Năm đó con vừa tròn 6 tuổi. Ba dẫn con đi tham dự Thánh Lễ Truyền Dầu ở nhà thờ Chánh Tòa của Giáo Phận. Bầu khí hôm ấy thật linh thiêng và long trọng. Một đoàn Linh Mục đồng tế với phẩm phục áo lụa màu vàng, như một dòng chảy liên tục kéo dài từ cổng vào đến tận bậc thềm của nhà thờ. Con với ba đứng lẫn trong đoàn người dự Lễ. Ba chỉ cho con các Cha mà ba quen biết. Có một số Cha đã từng ghé thăm nhà mình. Khi đến với gia đình mình, các Cha bình dân dung dị và khác lắm. Giờ mặc phẩm phục linh mục, đứng trong hàng đồng tế, nhìn ai cũng nghiêm trang và thánh thiện vô cùng. Khi chỉ cho con các Cha ngày xưa học cùng lớp với mình, giọng ba tự nhiên như chùng xuống. Con biết, ước mơ về đời tu là một ước mơ dang dở nhưng chưa bao giờ lịm tắt trong lòng ba. Chỉ vì những đổi thay của thời cuộc. Chỉ vì sinh ra vào thời buổi khó khăn... Ba về làm nông dân cuốc đất. Để đêm đêm, ba gởi gắm ước mơ dang dở ấy vào những câu chuyện kể ru con vào giấc ngủ. Những câu chuyện luôn bắt đầu như thế này: "hồi xưa, lúc ba còn ở chủng viện..." Những câu chuyện kể của ba đã gieo vào con những hạt giống đầu tiên của ước mơ sống ơn gọi dâng hiến.
Trong Thánh Lễ Truyền Dầu năm ấy, con có cảm giác như những hạt mầm ơn gọi đã bắt đầu cựa mình vươn dậy trong con. Con nghe lòng mình cháy bỏng ước mơ sẽ là người viết tiếp những trang còn dang dở trong ước mơ của ba. Con ước lớn lên mình sẽ được đứng trong hàng đồng tế, sẽ được mặc phẩm phục linh mục, sẽ không phải chỉ là người đứng xem Lễ từ bên ngoài nhưng là người cử hành Thánh Lễ.
Ước mơ ấy thầm kín nhưng mãnh liệt, cứ âm thầm mà lớn lên trong lòng con.
Hôm nay ước mơ ấy thành sự thật.
Con bước đi trong đoàn đồng tế.
Nhưng con lại không nghĩ rằng lần đầu tiên mình xuất hiện thì sau lưng mình chẳng có ai. Chưa bao giờ con phải sống cái cảm giác sau lưng mình không còn ai. Nhất là trong bầu khí thiêng liêng này. Một đoàn rước kéo dài, nhưng mọi người đều đứng ở phía trước. Con là người đứng ở cuối cùng.
Hôm nay con là nhân vật chính.
Con thấy như toàn bộ sức nặng của cả hai hàng người đều được đặt trên đôi vai mình. Mọi người bước đi như một dòng chảy, cứ tự nhiên tiến về bàn thờ. Con thấy mình bị hút vào dòng chảy ấy.
Bỏ lại khoảng trời sau lưng.
Bỏ lại con đường đầy nắng và gió.
Vậy là con bước về phía trước, theo đoàn rước tiến vào nhà thờ.
Trong đoàn rước có rất nhiều người con quen biết. Đúng hơn, đó là những người thân thiết nhất của con. Đi ngay phía trước con là cha Bề Trên, người đã nhận con vào làm ứng sinh trong nhà Dòng từ mười lăm năm về trước. Kế bên Ngài là người mà con trân trọng gọi là Cha Bố, người đã hết lòng nâng đỡ con trong quãng đời sinh viên và trong suốt thời khoảng gian đầu tiên khi con mới chập chững tìm hiểu ơn gọi. Phía trước nữa là các Cha trong đoàn đồng tế, đa số là những người thân thiết với con và gia đình, những người bạn, người anh, người cha của con.
Ngay trước đoàn đồng tế là ba má. Má hôm nay mặc một chiếc áo dài màu sậm, rất ra dáng của một bà cố. Ba thì diện một bộ đồ vest, nhìn sang và đẹp quá chừng. Con biết, cả ba và má đều rất hạnh phúc trong giây phút này. Cả hai đang sống rất sốt sắng tâm tình của người dâng con trong Đền Thánh. Vậy là cuối cùng những hy sinh và những giọt mồ hôi của má cũng được Chúa đền đáp xứng đáng. Vậy là cuối cùng ba cũng được đứng trong hàng đồng tế, cách mấy Cha mang phẩm phục linh mục chỉ một chút chứ có bao nhiêu!
Khi con bước theo đoàn người tiến vào lòng nhà thờ, đi vào giữa hai hàng người, tự nhiên lòng con trào dâng một niềm an ủi thật khó diễn tả. Ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Con không còn cảm thấy lạ lẫm và e sợ nữa. Con cũng không còn thấy cô đơn vì sau lưng mình chẳng còn ai nữa. Lòng con như tan ra và bay vút lên hòa theo tiếng hát của cả cộng đoàn. Hóa ra đây đâu phải là Thánh Lễ của riêng con. Hóa ra ơn gọi này đâu phải là chuyện của cá nhân con. Hóa ra con có được ngày hôm nay đâu phải chỉ nhờ công sức cố gắng và khả năng của chính mình. Đúng hơn, hôm nay con dâng Thánh Lễ của mọi người. Hôm nay mọi người dâng con lên Chúa như hoa quả kết tinh từ biết bao hy sinh, bao mồ hôi nước mắt, bao ý nguyện âm thầm, bao lời kinh tha thiết. Hóa ra trong thiên chức linh mục của con mọi người đều có phần cả.
Vậy là con mạnh dạn bước lên cung thánh. Cúi mình thật sâu hôn bàn thờ, con mỉm cười hạnh phúc và thầm thỉ đọc lời tâm nguyện là châm ngôn đời linh mục của con: Hinneni. Lạy Chúa, Con Đây!
Hinneni là một từ Do-thái. Từ ấy đã đánh động con ngay từ buổi đầu tiên khi con bắt đầu làm quen với ngôn ngữ này. Cái tiếng Do-thái lạ lắm, cho phép ghép nhiều thành tố vào với nhau để lập nên một từ có nghĩa. Hinne là một từ phổ thông, được dùng chỉ như một từ đệm để thêm một chút sắc thái nào đó cho câu, chứ thật ra tự mình từ ấy chẳng có ý nghĩa gì. Trong những bài học đầu tiên của con ở bộ môn chú giải Kinh Thánh, có Cha giáo sư còn khuyên: mỗi khi gặp từ này thì nên làm lơ nó đi, khỏi mất công đọc và dịch. Nói chung, tự bản chất, hinne là một từ không mang nhiều sắc thái văn chương và rất ít giá trị diễn nghĩa. Chẳng hạn, sau khi ông A-đam và ba E-va ăn trái cấm, khi Chúa gọi ông: "A-đam, ngươi ở đâu?", A-đam chỉ có thể đáp buâng quơ theo kiểu hinne, hinne...
Thế nhưng khi được gắn thêm tiếp vĩ ngữ –ni để thành hinneni, từ này có một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Hinneni là lời đáp trả tích cực của những người được Thiên Chúa gọi. Như lời của Áp-ra-ham thưa với Đức Chúa khi Chúa gọi ông và mời ông dâng hiến con mình là I-sa-ac (St 22,1). Như lời của Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,4). Như lời đáp nhanh nhảu của cậu bé Sa-mu-en giữa đêm trường trong Đền Thánh của Thiên Chúa (1Sam 3,4). Như lời đáp của I-sa-ia ở khởi đầu ơn gọi ngôn sứ của mình (Is 6,8). Lời thưa "Xin Vâng" của Đức Maria khi được dịch sang tiếng Do-thái cũng sẽ là Hinneni.
Ngày hôm nay con liều lắm nên mới dám cất lời, hòa vào vô số những cung giọng đã vang lên dọc suốt dòng lịch sử cứu độ để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa.
Tiếng Do-thái còn dạy con rằng, âm nhấn của toàn chữ này nằm ở cuối cùng. -ni có nghĩa là "tôi", là "con", ở ngôi thứ nhất số ít. Chính "cái đuôi" này mang lại ý nghĩa và sức nặng cho toàn chữ. Chính việc đặt trọn vẹn con người của mình vào lời đáp trả mới làm nên ý nghĩa trọn vẹn của một ơn gọi. Bằng không, tất cả chỉ là một lời đáp hinne buâng quơ...
Thánh Lễ mở tay của con diễn ra trong một ngôi nhà thờ ọp ẹp. Bốn bề trống trơn. Thật ra, đó chỉ là một căn nhà tạm được dựng lên trong thời gian chờ đợi xây nhà thờ. Từ trên cung thánh nhìn xuống, con nhìn thấy những cây cột gỗ được chắp vá tạm bợ. Mái tôn thấp và cũ. Trần nhà thờ không che đậy và không trang trí. Bốn bên nhà thờ không hề có vách. Sân nhà thờ nền đất. Mọi thứ hãy còn ngổn ngang và bề bộn... Nhưng con dám chắc, nếu dâng Lễ mở tay trong một ngôi nhà thờ khang trang và hoành tráng, có lẽ tâm tình của con sẽ không được sốt mến và đẹp như ở đây, vào lúc này. Con là đứa con đầu tiên của giáo xứ này được làm linh mục. Mọi người mừng với con, như mừng một mầm xanh sớm mọc lên trên vùng đất nghèo và cỗi cằn của sa mạc. Mầm xanh là dấu hiệu hữu hình của ân sủng, là dấu chỉ của việc được Thiên Chúa ghé mắt đoái thương.
Mầm xanh báo hiệu một mùa sống mới.
Vậy là mọi sự chỉ mới khởi đầu.
【Cao Gia An, S.J, Trích tuyển tập "Nhật Ký của một linh mục trẻ"】