Mầu nhiệm "Thiên Chúa Ba Ngôi": dưới góc nhìn của hoạ phẩm "Trinity"

Lan Mary
Bức họa "Trinity" là một kiệt tác của đan sỹ Andrej Rublev (1360-1430), có lẽ đã được hoàn tất vào năm 1411. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Andrej Rublev và có lẽ cũng được biết đến nhiều nhất trong tất cả các tác phẩm icon của Nga, đối với nhiều người, nó được coi là thành tựu cao nhất của nghệ thuật Nga. Lúc đầu bức họa đặt ở nhà nguyện được cất trên mộ thánh Sergio Radonez (1314-1392), từ năm 1929 được đưa về viện bảo tàng Tretjakov ở Moscow. Đan sỹ Andrej Rublev đã được Giáo hội Chính thống Nga tuyên phong hiển thánh vào năm 1988, nhân kỷ niệm 1000 năm dân tộc Nga đón nhận Tin Mừng. NGUỒN: https://fb com/MCGAA1/posts/pfbid02rRBVVxz3Yx1doQuZTMqfC4qMuWcoGD2Eyd3cGhrdB9TM9TAdWCPmPr1y1ruoEXgyl

Bức họa "Trinity" là một kiệt tác của đan sỹ Andrej Rublev (1360-1430), có lẽ đã được hoàn tất vào năm 1411. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Andrej Rublev và có lẽ cũng được biết đến nhiều nhất trong tất cả các tác phẩm icon của Nga, đối với nhiều người, nó được coi là thành tựu cao nhất của nghệ thuật Nga. Lúc đầu bức họa đặt ở nhà nguyện được cất trên mộ thánh Sergio Radonez (1314-1392), từ năm 1929 được đưa về viện bảo tàng Tretjakov ở Moscow. Đan sỹ Andrej Rublev đã được Giáo hội Chính thống Nga tuyên phong hiển thánh vào năm 1988, nhân kỷ niệm 1000 năm dân tộc Nga đón nhận Tin Mừng.

"Trinity" là một bức icon cao 1.4m rộng 1.1m, ngoài tên gọi chính thức, người ta còn đặt nhiều tên gọi khác cho nó như là "Lòng hiếu khách của ông Abraham" hay "Ba thiên sứ". Bức họa mô tả trình thuật ba thiên thần đến thăm Abraham tại cụm sồi Mamre được nói đến trong Kinh Thánh Cựu Ước. Nhưng không dừng lại ở việc mô tả một khung cảnh cụ thể, bức tranh còn ẩn dấu rất nhiều biểu tượng và ẩn dụ rút ra từ toàn thể Kinh Thánh. Cụ thể, "Trinity" được khá nhiều người xem như là những biểu hiện hữu hình của sự thống nhất, hòa hợp, khiêm nhường và yêu thương trong tương quan nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa. Công đồng Stoglav của Chính thống giáo họp năm 1551 đã trình bày bức icon này như khuôn mẫu tuyệt vời trong cách diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

1. Điều bất khả hiểu thấu


Nguồn cảm hứng của bức icon "Trinity" là đoạn văn của chương 18 sách Sáng thế thuật lại chuyện ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và bà Sarah tại cụm sồi Mamre để báo cho ông bà một tin mừng: bà Sarah, người vợ cả đời hiếm muộn của ông, tuy đã 90 tuổi, vào năm sau sẽ sinh một người con trai. Ngay từ thế kỉ IV, sử gia Công giáo Eusebius Caesarea cho biết rằng đã có một vài họa sỹ vẽ ba người khách lạ này dưới ý hướng muốn thể hiện một mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng đọc qua bản văn để nắm bắt những nét cơ bản của họa phẩm:
"ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: 'Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!' Khách trả lời: 'Xin cứ làm như ông vừa nói!'

Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: 'Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.' Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

Khách nói với ông: 'Bà Xa-ra vợ ông đâu?' Ông đáp: 'Thưa nhà tôi ở trong lều.' Người nói: 'Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.' Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau. Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã già nua tuổi tác, và bà Xa-ra không còn điều thường xảy đến cho đàn bà. Bà Xa-ra cười thầm tự bảo: 'Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!' ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ra-ham: 'Tại sao Xa-ra lại cười và nói: Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng? Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai.'"

St 18, 1-14


Tuy Kinh Thánh đã đưa ra một mô tả về ba người, nhưng có lúc lại như chỉ đang nói về một người, và ông Abraham cũng dường như chỉ thưa chuyện với một vị khách. Do đó, các Giáo phụ Công Giáo đã nghĩ rằng đây là một sự tiên báo mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Một mầu nhiệm đức tin, theo một nghĩa hẹp, là một trong những mầu nhiệm được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, "mà nếu Thiên Chúa không mạc khải thì không ai có thể biết được"". Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo dựng và trong việc Ngài mặc khải suốt dòng Cựu Ước, nhưng "đời sống nội tại của thực thể Ngài, là Ba Ngôi Chí Thánh, vẫn là một Mầu Nhiệm mà lý trí thuần túy của con người không thể nào đạt đến được" (GLHTCG 237). Bởi thế, bức họa "Trinity" của đan sỹ Andrej Rublev là một cố gắng, dù là đã đi rất xa, thậm chí có thể cho là xa nhất trong nỗ lực diễn tả bằng hình ảnh cái hiểu biết và trực giác của con người về mầu nhiệm cực thánh này, nhưng nó vẫn chỉ là hiểu biết của con kiến nhỏ bé dưới đất về bầu trời rộng lớn bao la trên kia mà thôi.

2. Và những nỗ lực thấu hiểu của con người


"Trinity" được vẽ theo chiều dọc trên một tấm gỗ. Nó mô tả ba thiên thần ngồi bên một chiếc bàn. Trên bàn, có một cái chén đựng đầu một con bê. Ở hậu cảnh, Rublev đã vẽ một ngôi nhà, một cái cây, và một tảng đá. Không có hành động hay chuyển động ngẫu hứng nào trong bức họa, bao trùm tất cả là một bầu khí thiêng thánh linh diệu của cõi thiên thu vĩnh hằng.

Ý hướng của bức họa đã nhận được nhiều cách giải thích khác nhau trong các thời đại khác nhau, nhưng đến thế kỷ 19 - 20, sự diễn tả nhận được nhiều đồng thuận nhất giữa các học giả là như sau: ba thiên thần đến thăm Abraham đại diện cho Thiên Chúa Ba Ngôi, "Một Thiên Chúa nhưng Ba Ngôi Vị", là Cha, Con và Thánh Thần. Các nhà phê bình nghệ thuật tin rằng các biểu tượng mà Andrei Rublev đưa vào trong bức họa phù hợp với ý hướng thần học trên. Hầu hết các nhà học giả đều cho rằng vị ở giữa ám tả Chúa Con, vị bên trái là Chúa Cha, và vị bên phải là Chúa Thánh Thần. Bố cục tổng thể của bức họa là vị bên trái ngồi thẳng còn hai vị kia hướng về Ngài, biểu thị ý hướng rằng Chúa Cha là Nguyên Ủy của tất cả, và hai vị kia đang biểu lộ sự quy phục đối với Ngài.

Theo các nhà học giả thì Andrej Rublev, trong nỗ lực khám phá học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi, đã từ bỏ hầu hết các yếu tố cốt truyện truyền thống thường được đưa vào các bức tranh về câu chuyện tiếp đón ba người khách lạ của Abraham và Sarah. Ông đã không vẽ cảnh Abraham và Sarah đón khách, cảnh con bê bị giết thịt, cũng không cho biết chi tiết nào về bữa ăn, mọi chi tiết của bức họa đều dồn vào việc đặc tả ba thiên thần. Các thiên thần tuy được Rublev họa tả là đang ở trong một bàn tiệc, nhưng ba vị không ăn mà đang nói chuyện với những cử chỉ đầy tự chủ và khoan thai, chứng tỏ bản chất thần thiêng trong cuộc đàm đạo của họ. Sự hiệp thông trong thinh lặng của ba vị thiên thần là trọng tâm của bức họa này.

Ba thiên thần có khuôn mặt giống nhau và chiều cao cũng ngang nhau. Cả ba vị đều chống gậy, không phải chỉ vì là lữ khách theo trình thuật của sách Sáng thế, nhưng cây gậy họ cầm trong tay trái tượng trưng cho uy quyền. Ba cây gậy dài bằng nhau, cho thấy cả ba đều ngang nhau về quyền lực. Tuy vậy, gậy của vị bên trái được chống thẳng hoàn toàn, còn gậy của vị ở giữa hơi nghiêng, và gậy của vị bên phải lại nghiêng nhiều hơn nữa, điều này biểu thị thứ bậc mặc định giữa ba nhân vật. Cả ba thiên thần đều được thể hiện là có cánh, biểu hiện bản chất thuộc về thiên giới của họ. Đặc biệt, cả ba đều có hào quang chiếu tỏa quanh đầu, tượng trưng cho cho thần tính và sự trường sinh.


3. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần


Hội Thánh Công Giáo không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng tuyên xưng Một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: "Ba Ngôi đồng bản thể". Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, những mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn: Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính (x. GLHTCG 253). Tức là, Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể.

Thế nhưng ""Chúa Cha", "Chúa Con" và "Chúa Thánh Thần" không phải đơn thuần là những danh xưng chỉ các dạng thức của "Hữu Thể" thần linh, bởi vì Ba Ngôi thật sự phân biệt với nhau: Chúa Con không phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha và Chúa Con (x. GLHTCG 254). Ba Ngôi phân biệt nhau qua các tương quan về nguồn gốc, bởi vì sự phân biệt thật sự giữa các Ngôi Vị với nhau không phân chia thần tính duy nhất nên sự phân biệt đó chỉ cốt tại các mối tương quan quy chiếu các Ngôi Vị với nhau (x. GLHTCG 255). Tức là, Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị.

Đan sỹ Andrej Rublev đã vẽ vị thiên thần bên trái với những biểu tượng dành cho Chúa Cha. Ngài mang một tấm hoàng bào chiếu tỏa ánh quang huy chói ngời rực rỡ. Màu vàng lộng lẫy oai nghiêm đó tượng trưng cho ánh sáng vĩnh cửu, cho sự toàn năng, cho lòng tín trung ngàn đời của Thiên Chúa. Bàn tay phải của Ngài đang ra dấu chúc lành, biểu thị việc Chúa Cha là nguồn mạch của mọi kế hoạch thánh hóa (x. Ep 1,3). Thiên thần bên trái tuy được vẽ đang ban phước cho cái chén, nhưng bàn tay của ngài lại được vẽ ở một khoảng cách khá xa so với, tạo cảm giác như thể Ngài đang trao quyền cho vị thiên thần ngồi giữa.

Vị thiên thần ở giữa tượng trưng cho Chúa Con. Ngài hướng về Chúa Cha và đang giơ tay ban phước lành cho cái chén đồng thời cúi đầu nhận lấy nó, làm chúng ta có thể liên tưởng đến những lời Chúa con đã nói trong vườn Gethsemani: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39). Phẩm phục của Ngài có màu xanh, màu của thanh thiên vĩnh hằng, tượng trưng cho thiên tính. Cả ba thiên thần đều mang áo màu thiên thanh, bởi vì cả ba vị đều là Thiên Chúa; nhưng đối với vị ở giữa thì màu xanh được khoác ra ngoài, còn hai vị kia thì mang ở trong. Điều này muốn nêu bật lên rằng thiên tính nơi Chúa Con vẫn nổi bật dù Ngài đã mang lấy xác phàm. Màu đỏ sậm của áo trong Ngài tượng trưng cho máu Ngài đã đổ ra để ban sự cứu chuộc cho nhân loại. Ngoài ra Ngài còn đeo một dây stola vàng, biểu hiệu của chức vụ Thượng Tế.

Vị thiên thần bên phải mang y phục phủ ngoài màu xanh lá, màu tượng trưng cho sự sống, bởi vì Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho mọi loài thọ tạo. Đầu của Ngài hơi nghiêng về vị thiên thần ở giữa, bởi vì vai trò của Chúa Thánh Thần là nhắc nhớ cho nhân loại những lời của Chúa Giêsu. Hai cánh của Ngài buông thõng xuống, thân của Ngài cũng hơi khom, đó là những biểu hiệu của một Đấng đón nhận mọi điều từ hai vị kia để rồi lại ban phát cho vũ hoàn. Đôi cánh của hai thiên thần bên trái và trung tâm lồng vào nhau còn cánh của thiên thân bên phải không đụng đến cánh của thiên thần ở giữa, chúng bị chia cắt một cách khó nhận thấy bởi cây gậy của thiên thần ở giữa. Những điều trên nhắc nhớ lại một câu nói về Chúa Thánh Thần trong tín biểu Công đồng Constantinopolis I năm 381: "Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra."

Ngay từ khởi đầu, Hội thánh xác quyết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của đường lối và phương thế, mà Thiên Chúa thật và duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải cho con người để giao hòa và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi (x. GLHTCG 234).

4. Muôn loài muôn sự đều quy hướng về Ngài


Ngoài ba nhân vật chính, trong bức họa cũng có khá nhiều yếu tố đi kèm mang giá trị biểu đạt phong phú. Trước tiên, chúng ta có thể thấy đằng sau vị thiên thần bên trái có ngôi nhà. Đó là căn nhà của ông Abraham, những cũng tượng trưng cho "Nhà Cha", nơi mà tất cả nhân loại đang mong trở về như được nói tới trong Tin Mừng theo thánh Gioan: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em" (Ga 14, 2). Hình ảnh ngôi nhà hẳn cũng làm chúng ta nhớ đến dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về nhà cha (x. Lc 15, 11-24).

Sau lưng vị thiên thần ở giữa có một cây. Theo văn mạch của trình thuật thì đó là cây sồi Mamre những nó có lẽ cũng tượng trưng cho "cây biết lành biết dữ" (St 2, 17), chính từ cây ấy mà nguyên tổ đã mang tội lỗi vào thế gian, và cùng với nó là sự chết. Chúa Giêsu Kitô, được biểu thị bằng vị thiên thần được gắn kết vào gốc cây trong hình, đã hoàn lại sự sống cho nhân loại nhờ một cây khác, bằng cái chết trên cây Thập giá, và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài (x. Ga 3, 14-15).

Ngay sau vị thiên thần bên phải là một tảng đá. Tảng đá là nhắc nhớ về biến cố nước đã chảy ra từ tảng đá cho dân Israel lữ hành trong sa mạc được uống thỏa thuê (x. Xh 17,8) gợi nhớ về một nơi vững chắc để người tín hữu nương tựa (x. Tv 18, 3). Tảng đá cũng biểu trưng cho hang đá Bethlehem, nơi Con Thiên Chúa sinh ra bởi lòng Đức Trinh Nữ Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tảng đá cũng là biểu tượng ngôi mộ mai táng Chúa Giêsu, và đã bị phá tung vào lúc ngài Phục Sinh. Cả ba yếu tố nói trên đều nói lên một kế hoạch cứu độ vũ hoàn do Chúa Cha sắp đặt và được hoàn tất nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần. "Căn nhà, cây sồi, tảng đá" đại diện cho toàn thế giới gồm bởi con người, sinh vật và đất đá. Tất cả đều nằm trong kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.

Bàn tiệc mà ông Abraham khoản đãi ba vị khách quý cũng mang một ý nghĩa biểu đạt phong phú. Bàn hình chữ nhật, chính là tượng trưng cho vũ trụ theo truyền thống của người Dothái, và cũng muốn ám chỉ đến Bàn thờ tế lễ. Ở chính giữa bàn là một chén, biểu hiệu của Chén máu Giao ước mới (x. Lc 22, 20). Ở chính giữa chén là cái đầu của con bê mà ông Abraham làm thịt để đãi khách quý. Trong Cựu Ước, tiệc này là tượng trưng của bữa tiệc Vượt Qua, nhắc nhớ cuộc giải phóng khỏi thân phận nô lệ, nhưng trong Tân Ước, con vật hiến tế được dâng lên trên bàn thờ chính là Chúa Giêsu Kitô, Chiên Thiên Chúa (Ga 1, 29), Đấng giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ tội lỗi (x. Cl 1, 14). Như vậy, bàn tiệc mà ông Abraham đãi khách trở nên biểu tượng của bàn tiệc Thánh Thể, bí tích của Tình Yêu. Chính khi san sẻ tình yêu mà con người nhận ra Thiên Chúa, chính khi trao ban tình yêu mà con người được dự phần vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 16).

Trong ngôn ngữ biểu tượng của Andreij Rublev, diễn đạt thâm thúy nhất của ý tưởng về sự Đồng Bản Thể của Ba Ngôi Thiên Chúa là việc ông đã làm cho những nét vẽ đường viền thân hình ba vị thiên thần trong bức họa tạo thành một đường tròn, biểu thị một sự hoàn hảo khôn cùng. Ba thiên thần không được đưa vào trong một loại vòng tròn hào quang nào đó, mà thay vào đó, chính họ tạo ra một đường tròn viên mãn. Bởi vậy, để nắm bắt điểm tinh túy của bức họa, mắt chúng ta không thể dừng lại ở bất kỳ vị nào trong ba vị mà phải quan sát bức họa bằng cái nhìn toàn cục. Đường tròn thể hiện sự Đồng Bản Thể của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là "bản lai diện mục" của bức họa thần thiêng này.

5. Ngôn bất tận ý


Nếu như Raphael diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bức họa "Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể" vẽ năm 1511 bằng lối đặc tả mang đậm tính suy lý Tây Phương, thì cách đúng 100 năm trước, bức icon "Trinity" vẽ năm 1411 của thánh đan sỹ-họa sỹ Andrej Rublev lại biểu tả mầu nhiệm Ba Ngôi bằng lối vẽ mang tính chiêm niệm đặc trưng Đông Phương. Bức họa đã trình bày khá thành công việc Thiên Chúa mặc khải kế hoạch cứu độ, mặc khải mầu nhiệm thông hiệp tình yêu Thiên Chúa, lại vừa mặc khải cho con người một cách thức tuyệt diệu để thông dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Cách thức đó chính là nhờ bí tích Thánh Thể, qua việc lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, đồng thời cũng qua việc đón tiếp lẫn nhau, chấp nhận nhau, và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13, 34). Trong Tông thư Mane Nobiscum Domine, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhắc đến icon "Trinity" của thánh Andrej Rublev, để nhắc đến mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa.

"Ngôn bất tận ý", điều đó lại càng đặc biệt đúng với những tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm những tư tưởng thần học thâm thúy như "Trinity" của thánh Andrej Rublev. Thế nên, chắc hẳn việc những trình bày và diễn giải của chúng tôi trong bài viết này chưa làm thỏa lòng một số độc giả, cũng là điều dễ hiểu. Để thay lời kết, chúng tôi xin dẫn lại Lời nguyện dâng Chúa Ba Ngôi của Chân phước Elizabeth Chúa Ba Ngôi: "Lạy Thiên Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình để an trú trong Chúa, bất động và thanh thản như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng; xin đừng để điều gì có thể quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng Bất Biến của con, nhưng mỗi giây phút xin đem con vào sâu hơn nữa trong mầu nhiệm thẳm sâu của Chúa! Xin ban bình an cho linh hồn con; xin biến linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa yêu thích, và nơi nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước gì con ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa."

Lạc Vũ Thái Bình - Trần Gia Hân
Huế, 06-2022

Tư liệu tham khảo:
- Kinh Thánh (ấn bản 2011)
- Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo
- Phan Tấn Thành - Đời sống tâm linh tập 5
- Michael Bird - 100 ý tưởng thay đổi Nghệ thuật