Đời sống Linh mục và những cơn cám dỗ - Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary
Có một điều mà cho đến bây giờ tôi cứ còn băn khoăn mãi, là sau khi trở thành linh mục rồi thì không còn ai dạy dỗ tôi nữa. Ở gia đình mỗi khi tôi sai, cha mẹ la rầy. Ở chủng viện khi tôi lỗi, thì cha giáo giáo huấn. Còn khi trở thành linh mục, nếu tôi sai, ai sẽ là người dạy bảo tôi? Mọi thứ tôi phải tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Những ngày sống nơi đất khách quê người, xa gia đình, xa nhà dòng, xa anh em và bề trên, tôi phải tự quyết định mọi thứ. Những lúc một mình như thế này, nhìn lại hành trình linh mục của mình, thật sự tôi như "chiên giữa bầy sói", và không biết mình sẽ sa ngã lúc nào. NGUỒN:

Có một điều mà cho đến bây giờ tôi cứ còn băn khoăn mãi, là sau khi trở thành linh mục rồi thì không còn ai dạy dỗ tôi nữa. Ở gia đình mỗi khi tôi sai, cha mẹ la rầy. Ở chủng viện khi tôi lỗi, thì cha giáo giáo huấn. Còn khi trở thành linh mục, nếu tôi sai, ai sẽ là người dạy bảo tôi? Mọi thứ tôi phải tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Những ngày sống nơi đất khách quê người, xa gia đình, xa nhà dòng, xa anh em và bề trên, tôi phải tự quyết định mọi thứ. Những lúc một mình như thế này, nhìn lại hành trình linh mục của mình, thật sự tôi như "chiên giữa bầy sói", và không biết mình sẽ sa ngã lúc nào.

Khi tôi mới chịu chức linh mục, trong cuộc họp của hội dòng, cha bề trên thông báo sẽ tổ chức thường huấn cho các linh mục dưới năm năm. Ngay lập tức trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ phản đối. Tâm trí tôi lý luận rằng, tại sao lại thường huấn các linh mục trẻ, trong khi các linh mục có tuổi đời cao hơn, có nhiều xì-can-đan hơn lại không thường huấn? Bây giờ nghĩ lại, tôi thực sự ngạc nhiên vì điều này.

Ngạc nhiên vì không chỉ tôi mà rất nhiều linh mục trẻ có tư tưởng rằng, sau khi trải qua thời gian 10 năm, 15 năm huấn luyện ở các chủng viện hoặc dòng tu thì xem như từ giờ trở đi, họ không cần phải học hỏi hay cần được đào tạo chi nữa. Từ bây giờ trở đi, mọi thứ họ tự quyết định và không cần ai giáo huấn nữa. Chỉ khi nào có vấn đề gì đó trầm trọng, thì mới cần được thường huấn. Chính vì não trạng không cần thường huấn, không cần đào tạo thêm mỗi ngày, không cần tự đào tạo bản thân... mà ngày nay, không ít các linh mục đã sa ngã.

Là một linh mục trẻ, phải sống và làm việc độc lập một mình, bản thân tôi đang phải trải qua những thử thách xem ra rất lớn mà khi còn là chủng sinh chẳng bao giờ tôi lường trước được sức mạnh của nó, ngay cả khi được các cha giáo dạy dỗ, hay cảnh báo trước. Xin được liệt kê những cơn cám dỗ trong đời sống linh mục mà bản thân tôi đang đối diện, mà thật khó để có thể tự sức mình đứng vững.

CƠN CÁM DỖ MANG TÊN "SỨC MẠNH CỦA TÌNH DỤC"


Tính dục nằm trong cốt tủy của con người. Tự bản chất đó là tốt nếu nó được thực hiện trong tình yêu vợ chồng. Cha giáo tôi dạy rằng "tinh hóa khí, khí hóa thần". Từ năng lực tưởng chừng rất phàm tục đó, linh mục có thể nâng nó lên để mặc lấy một giá trị thần thiêng, rồi lấy đó làm sức mạnh từ bên trong để phục vụ tha nhân. Hiểu là như thế, nhưng rồi sự "tự do, tự quyết định và cái lối suy nghĩ đã trưởng thành, và không cần đạo tạo nữa" của một số linh mục, đôi khi quá tự tin vào bản thân, để rồi nhiều người "khôn ba năm, dại một giờ." Thế là lỡ dại rồi thì tìm cách để che đậy, tìm cách để biện minh cho những sai trái của mình. Những mối tình thầm kín đó, được khoác một chiếc áo mới, công khai trở thành cha mẹ thiêng liêng; con cái, con đực thiêng liêng; anh anh, chị chị, em em thiêng liêng thiêng liếc gì gì đó... và rồi lại tiếp tục lún sâu vào vũng bùn. Tôi nhớ rất rõ lời dạy của Đức Giám Mục, khi tôi tham dự thánh lễ truyền chức một dòng ở Đà Lạt. Ngài liên tục nhấn mạnh rằng đừng bao giờ để cho mình sa ngã vào phụ nữ. Bởi dù sau này có dứt ra rồi nhưng nó sẽ là một vết nhơ, một nỗi ám ảnh theo mình suốt cả cuộc đời, mà không chỉ phụ nữ, kể cả đàn ông cũng thế.

Thực vậy, tôi ngày càng nhận thấy sức mạnh tính dục khủng khiếp biết chừng nào. Lúc khởi đầu một công việc, một sứ vụ nào đó, bản thân tôi và tôi chắc rằng linh mục nào cũng có thể mạnh mẽ và quân bình trong các tương quan. Nhưng rồi lâu dần, từ một nhóm người, linh mục thường bị quy hướng về một vài thành viên nào đó, cuối cùng là một người. Linh mục không thể trốn chạy cơn cám dỗ tính dục, nhưng phải luôn đối diện với nó hàng ngày, hằng giờ mỗi khi tiếp xúc với giáo dân, ngay cả khi trở về với chính mình trong căn phòng vắng, cơn cám dỗ dường như mãnh liệt hơn. Nếu không có một đời sống cầu nguyện thâm sâu và sự kết hợp mật thiết với Chúa, với Đức Mẹ và Các Thánh, nếu không có một kỷ luật cá nhân vững mạnh khó mà linh mục vượt qua được cám dỗ.

CƠN CÁM DỖ ĐỘI LỐT "TỪ BỎ TIỀN BẠC"


Ai mà chẳng cần tiền. Linh mục thì lại cần tiền hơn bao giờ hết để xây nhà thờ, để làm bác ái, để sinh hoạt quản trị các hội nhóm trong giáo xứ, để chi các khoản điện, nước, hoa, để bảo trì các vật dụng trong nhà thờ... Trăm ngàn tỷ thứ phải chi mà dựa vào tiền dâng không thì sao đủ. Vậy nên phải có ân nhân, đại ân nhân, đại đại ân nhân. Thế là đành tạm gác qua việc giáo dục thiếu nhi, đồng hành với các thanh thiếu niên, huấn đức cho các gia đình, quan tâm đến người già neo đơn... thì linh mục lại bận phải kêu gọi khuyên góp. Rồi từ những đóng góp cho giáo xứ để làm bác ái, để mua cây đàn, để làm thứ này thứ kia..., thì cũng kèm theo đó là rượu ngoại tiếp đón cha, tặng cho cha cái áo cái quần, rồi cái xe cho cha... Cuối cùng đâu phải linh mục nào cũng nhạy bén để nhận ra rằng mình đang bị rơi vào cạm bẫy của tiền bạc bạc tiền. Đâu phải linh mục nào cũng phân biệt được tiền nào chung, tiền nào riêng, tiền nào bác ái, tiền nào bỏ túi...

Cũng vì không biết mình đang rơi vào cơn lốc của bạc tiền ẩn dưới vẻ bề ngoài của xây nhà thờ, hay làm bác ái... nhiều linh mục đã có những cư xử không quân bình trong các tương quan với giáo dân, giữa người giàu và người nghèo, đôi khi bản thân cũng không nhận ra mình đang cư xử thiếu tế nhị, thậm chí không công bằng với những con chiên của mình. Thế nên, dù bên ngoài xem ra là một linh mục khó nghèo, từ bỏ tiền bạc để hết mình làm công việc cho Chúa, nhưng thực chất khó mà nghèo. Thực chất là lợi dụng lòng rộng lượng của những đại ân nhân, lợi dụng lòng chân thành của những bà góa nghèo để vun vén cho bản thân mình. Từ đó linh mục sống thượng lưu, xa cách giáo dân, phản chứng Tin mừng.

CƠN CÁM DỖ "CHỐNG ĐỐI BỀ TRÊN"


Tôi không biết bắt đầu diễn tả cơn cám dỗ này như thế nào nữa. Vì tôi không đủ lý lẽ để thuyết phục mọi người rằng bề trên luôn luôn đúng. Tôi từng có ý tưởng chống đối bề trên kịch liệt. Nhưng may mắn thay, cho đến lúc này, tất cả các bề trên của tôi, dù rằng hiện tại có những vị đang bị "tai tiếng gì đó" nhưng với tôi, họ thực sự là những người mà Chúa đã gửi đến để dạy bảo tôi. Tôi tôn trọng họ, vì tôi tin rằng Chúa muốn đào tạo tôi bằng con người đầy những giới hạn đó.

Thật buồn, tôi từng chứng kiến một vài linh mục công khai nói xấu, lên án bề trên/ giám mục gay gắt và đôi khi bản thân tôi cũng bị lôi kéo vào câu chuyện của họ. Để rồi chính bản thân tôi, đôi khi cũng đặt ra những câu hỏi, tại sao bề trên lại quyết định sai lầm, hay thiên vị như thế? Tại sao bề trên lại nghe theo nhóm này nhóm kia? Hoặc có vẻ như bề trên không có bản lĩnh đối đầu với chánh quyền, hay nhu nhược trong việc quyết định một việc gì đó...? Thật ra, không phải các bề trên/giám mục luôn luôn đúng trong các quyết định, thế nên nhiều người bị cám dỗ soi mói những lần "vạ miệng" hay một chút "thiếu sót" nào đó của bề trên để tìm cách hạ uy tín, hay chà đạp danh dự như thể trút cơn giận dữ vì đã can thiệp vào cuộc đời của mình. Thậm chí vì lợi ích của một nhóm nào đó, mà một vài linh mục liên kết với nhau nhằm gây áp lực buộc bề trên/giám mục từ chức... Tôi cảm thấy rùng mình vì không hiểu tại sao lại có những suy nghĩ táo bạo đến như thế.

Thực tế có những linh mục đang phạm sai lầm, nhưng lại không đủ khiêm nhường để nhận lỗi. Thế nên chẳng may được gọi về Tòa Giám Mục hay về Nhà Mẹ của Dòng để nghỉ ngơi, tĩnh tâm sám hối, xem xét lại bản thân trong sự khiêm nhường và kín múc sức mạnh từ Thánh Thể và Lời Chúa, thì nhiều người lại cho rằng mình bị bề trên/giám mục cầm tù, giam lỏng, thế là lợi dụng sức mạnh của giáo dân để gây áp lực cho chính bề trên hay giám mục của mình. Thậm chí, nhiều người lợi dụng sức mạnh của mạng xã hội để phơi bày những thứ vốn dĩ là "tòa trong" để có thể lôi kéo một nhóm người nào đó, vốn không hiểu biết đầy đủ những phẩm trật trong đời sống giáo hội, theo phe mình, ủng hộ mình... Họ không biết rằng, khi làm như thế vô tình họ trở thành cánh tay nối dài của ma quỷ nhằm chia rẽ chủ chăn với chiên, làm xáo trộn đời sống cộng đoàn. Ở điểm này, tôi không nhận định ai sai, ai đúng, nhưng với tôi,ĐỨC VÂNG PHỤC LÀ THƯỚC ĐO CHUẨN NHẤT CHO THẤY HÀNH ĐỘNG ĐÓ CÓ XUẤT PHÁT TỪ THẦN KHÍ CHÚA HAY KHÔNG? Ai có đủ khiêm nhường để hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, thông qua bề trên?

Những ngày này, chẳng hiểu sao trên mạng lại loan truyền những tin tức không hay về một cha nào đó bị phạt vạ, về một bề trên hay một giám mục nào đó đã có những cư xử không tốt... Đọc những tin tức như thế tôi cảm thấy rất buồn. Tôi buồn vì bản thân mình đã không cố gắng nên thánh mỗi ngày. Hội thánh là thân thể của Đức Ki-tô, một bộ phận đang bị đau thì trong đó có cả trách nhiệm của tôi. Bản thân tôi đã không cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày để hàn gắn những vết thương, chính vì thế đã gián tiếp gây ra những tai tiếng không hay cho Giáo hội của Chúa.

Có những khi trước mặt Thánh Thể Chúa, tôi đã tự tát vào mặt mình thật đau như thể Chúa đang tát tôi vài cái bạt tai để tôi sáng mắt và có thể nhận ra lỗi lầm của mình. Nhiều người hỏi tôi, cha sống xa như vậy có khó khăn gì không? Bệnh đau đầu thế nào? Học hành ra sao? Tôi viết bài này trước là đặt mình trước mặt Chúa để tự vấn bản thân, sau là muốn chia sẻ với những người thân yêu của tôi, những người đã luôn đồng hành với ơn gọi từ những ngày đầu cho đến lúc này. Tôi chẳng muốn lên án dạy đời ai cả. Cha giáo tôi dạy rằng, điều quan trọng nhất trong đời tu là sự chân thành. Tôi muốn chia sẻ một tâm tình chân thành nhất tự trái tim tôi. Tôi không sợ mình sai, chỉ sợ mình không biết mình sai. Tôi sợ mình biết mình sai mà không chịu sửa. Tôi sợ mình chịu sửa mà không biết sửa chỗ nào và từ đâu? Tôi cần người hướng dẫn!

Thinh lặng, nhìn thật sâu vào Thánh Thể Chúa, rồi nhìn vào quyển Kinh thánh còn mới tinh đang cầm trên tay... Tôi biết mình phải bắt đầu từ đâu rồi!

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS