Tổng quan về tiến trình văn học Công giáo Việt Nam (Phần 3) - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

PHẦN III
« THỜI KỲ HỘI NHẬP »

(từ 1980 đến nay)

1.Sơ lược bối cảnh lịch sử.


Từ sau 1975 đến nay bối cảnh lịch sử, xã hội đã bước sang giai đoạn khác. Đất nước hòa bình, thống nhất và chuyển sang hội nhập toàn cầu hóa. Nhà nước đã có đường lối, chính sách tôn giáo để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập (Luật tôn giáo, tín ngưỡng; quan điểm về phát huy nguồn lực tôn giáo của Đại hội Đảng lần thứ XIII).

Về văn học nghệ thuật, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra chủ trương và giải pháp: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”. Hội Nhà văn Việt Nam có kế hoạch quảng bá tác phẩm văn chương Việt Nam ra nước ngoài; và đến nay (2021) còn được mời tham gia giải Nobel văn học. Hội Nhà Văn đã tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” ngày 20/10/ 2017 tại Hà Nội. Có 100 nhà văn trong nước và hải ngoại tham dự.

Về phía Giáo hội, Công đồng Vaticano II đã mở ra một thời đại mới cho giáo hội. Trân tinh thần ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam có thư chung 1980 đề ra đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”: “…chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.

Khi Việt Nam mở cửa làm bạn với thế giới trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác hai bên cùng có lợi thì một làn sóng văn hóa thế giới tràn vào cùng với mọi tốt xấu của thời đại. Đó là Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, Chủ nghĩa Thực dụng Mỹ, Chủ nghĩa thế tục, Chủ nghĩa Duy vật vô thần, các trào lưu tư tưởng trong đó có không ít những trào lưu suy đồi (chủ nghĩa sex, Ấu dâm, nô lệ tình dục, buôn bán phụ nữ, Sugar Dady-Sugar Girl) gây ra xuống cấp về đạo đức, nạn phá thai, bạo hành trong gia đình, ngoài xã hội, tội ác trong giới trẻ ngày càng gia tăng…cùng với làn sóng văn học (dịch) có nhiều yếu tố suy đồi khác (truyện ngôn tình, văn học sex, phim ảnh bạo lực…)

Tất cả những vận động xã hội như thế đặt văn học Công giáo trước những trách nhiệm lương tâm khác với giai đoạn trước 1975, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội: nhà văn Công giáo đã có thể tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Việc in ấn tác phẩm đã có Luật xuất bản. Trang mạng internet của các giáo phận có Mục vụ văn hóa giúp phổ biến tác phẩm rộng rãi. Trình độ người đọc đã cao hơn hẳn so với trước kia. Các sinh hoạt văn học Công giáo được bình thường hóa (thành lập Câu lạc bộ thi ca; tổ chức tọa đàm, hội thảo; tổ chức các giải thưởng văn học Công giáo…).

2.Tình hình văn học Công giáo từ 1980 đến nay


Tôi lấy mốc 1980 bởi Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đã mở ra con đường giáo hội Việt Nam hội nhập với dân tộc sau nhiều chục năm đất nước bị chia cắt, đặc biệt là sự thống nhất giáo hội 2 miền Nam Bắc cùng thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Đời sống tinh thần của giáo hội (tu sĩ, giáo dân) thay đổi hẳn so với trước 1975, và vì thế văn học Công giáo cũng mở ra một trang mới.

Giai đọan đầu, các nhà văn người Công giáo ở Sàigòn trước 1975 hầu như đi định cư ở nước ngoài. Những người còn lại cũng không thể viết như trước kia. Tất cả báo chí Công giáo ngưng hoạt động, ngoại trừ tờ Công giáo và Dân tộc, nhưng tờ báo này không phải là tờ báo của Giáo hội. Thành ra, văn học Công giáo không có môi trường phát triển (không có người viết, không có báo chí phổ biến, không có các hoạt động văn học như Tọa đàm, Hội thảo). Trong một thời gian dài, tình hình sáng tác văn học Công giáo bị đứt đoạn.

Phải từ năm 2000 trở đi, mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường (sáng tác, in ấn, tổ chức ra mắt sách, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ, tổ chức các giải thưởng văn học…) và một thế hệ nhà văn Công giáo mới xuất hiện, tạo nên diện mạo mới cho văn học Công giáo.

HỘI THẢO, TỌA ĐÀM


Trước hết là các cuộc Hội thảo, Tọa đàm (thống kê không đầy đủ):

Tọa đàm về chủ đề: "Một số vấn đề Văn Hóa Công Giáo Việt Nam" tại Tòa Tổng Giám Mục Huế từ ngày 24-27 tháng 10 năm 2000.

“Tọa đàm-thơ-Nhạc phát huy văn học nghệ thuật Anrê phú Yên” tại Trung tâm Mục vụ Tổng hợp Anrê Phú Yên Giáo xứ Tuy Hòa năm 2006.

Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière do Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục giáo phận Huế tổ chức ngày 7, 8 & 9/9/2010.

Đại hội Dân Chúa được tổ chức từ ngày 21-25/11/2010. Có 301 vị gồm 32 giám mục và các đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Ngoài ra, còn có các đại diện đến từ Giáo hội Canada, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.

Hội thảo khoa học: “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 13/01/2016 do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức.

Hội thảo “Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào hai ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Tọa đàm trực tuyến ngày 19/9/2021 với chủ đề “Văn học Công giáo đương đại”do Ban Văn hóa Giáo phận Quy Nhơn tổ chức.

CÁC CUỘC THI


Các cuộc thi văn học Công giáo (thống kê không đầy đủ) đã quy tụ và bồi dưỡng đội ngũ tác giả văn chương Công giáo thế hệ mới:

1.Cuộc thi “Nhánh Huệ Nước Trời” (tháng 09/2010)

2-Giải văn thơ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp.

3- Giải Văn Hóa Nghệ thuật Đất Mới (Giáo phận Xuân Lộc, duy trì từ năm 2011 cho đến nay)

4- Giải Viết Văn Đường Trường (Giáo phận Qui Nhơn, 2012-2018)

5- Giải Văn thơ Lm. Đặng Đức Tuấn (Giáo phận Qui Nhơn)

6- Chương trình chuyên đề (Trung tâm mục vụ Sài Gòn)

7- Giải Đức Mẹ Tà Pao (Giáo phận Phan Thiết).

8- Giải Viết về yêu thương (trang Văn thơ Công giáo).

9- Giải Hoa Núi Rừng (giáo phận Kontum).

10- Giải Hương sắc Ban Mê (giáo phận Ban Mê Thuột).

CÁC CÂU LẠC BỘ


(Thống kê không đầy đủ)

Câu lạc bộ Thơ Tâm Nguyện Hải Phòng. CLB Chút Tâm Tình Đà Nẵng, CLB “Đồng Xanh Thơ” gồm có CLB Đồng Xanh Thơ Phan Thiết, CLB Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, CLB Đồng Xanh Thơ Nha Trang; Câu lạc bộ “Thi Ca Cầu Nguyện”.

Các câu lạc bộ này đều ấn hành (bản điện tử) tuần san, nguyệt san sáng tác của các thành viên. Và sau hơn 10 năm số bài thơ của các câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài gòn và CLB Thi Ca Cầu Nguyện lên đến trên 5 vạn bài. Có thành viên đã phổ biến hơn 1.000 bài thơ Công giáo.

MỘT THẾ HỆ MỚI

(tác giả tiêu biểu, thống kê không đầy đủ)

Song Nguyễn (Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh), Francis Lê Đình Bảng, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, Lm. Ngô Phúc Hậu, Lm. Gioan Phaolô Trăng Thập Tự, Lm. Nguyễn Tầm Thường, Mạc Tường...

Những tác giả trẻ: Đặng Thị Vân Khanh, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Đức Tuyển, Nguyễn Thiển… (trường viết văn Nguyễn Du); Nguyễn Phương Thảo, Sr M.Vinc-Nguyễn Thị Chung, Lm Đình Chẩn, Nguyễn Văn Học, Vinh Kiu, Từ Thanh Huy, Đặng Kim Thoa…(giải VHNT Đất Mới); Lm. Cao Gia An, Lm. Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Đinh Thu Hằng, Trăng Làng, Trần Dũng, Nguyễn Thị Khánh Liên, Dương Thái Chân… (giải Viết Văn Đường Trường)...

Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn đề ra chương trình “Tiếp sức giúp các tác giả trẻ Công giáo in sách lần đầu”, đón mừng kỷ niệm 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) đã in sách của các tác giả Nguyễn Thị Khánh Liên, Vinh Kiu, Phạm Hải Miên…

THƠ CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI


Các tác giả thơ Công giáo đương đại tập trung nhiều ở các Giải thưởng văn học, ở các Câu lạc bộ và đăng bài trên trang mạng của các giáo phận. Lực lượng này đông đảo gồm các Linh mục, tu sĩ, giáo dân mọi thành phần. Trên nền “thơ phong trào”, đã xuất hiện những tài năng, cốt cách mới với thi pháp mới, thể hiện sâu sắc tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng. Đội ngũ này kế tục được các thế hệ đi trước và góp phần phát triển thơ ca Công giáo trong giai đoạn mới (thế kỷ XXI):

Đó là các nhà thơ thế hệ trước như Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Sơn Ca Linh, Lm Trần Việt Hùng, Trần Vạn Giã, Mạc Tường, Mặc Trầm Cung, Dzuy Sơn Tuyền, và thế hệ các nhà thơ trẻ Lm. Cao Gia An, Lm Đình Chẩn, Lm Trần Trung Hậu, Song Lam, Thanh Hương, Nguyễn Đỗ Thái An, Nguyễn Vũ Hồng Kha, Nguyễn Thị Như Hà (có hai tập thơ hơn 900 bài Haiku lấy cảm hứng từ Kinh thánh)…

Đóng góp quan trọng của thơ ca giai đoạn này là sáng tạo các hình tượng mới, khám phá cách thể hiện mới, khai thác những tầng vỉa văn hóa mới, đem thơ về với đời sống và suy tư Triết học, Thần học sâu sắc hơn. (mời đọc bài: Thơ Công giáo đương đại-Những sáng tạo mới).

Thơ Công giáo đương đại tập trung ở “thơ suy niệm” Kinh thánh. Các bài Kinh thánh Chúa nhật và các ngày lễ trọng, các mùa trong năm (Mùa Vọng-Giáng Sinh, Mùa Chay-Phục Sinh, tháng hoa Đức Mẹ, tháng thánh Giuse, tháng các linh hồn, Xuân) được các tác giả thuật lại và từ đó rút ra những bài học suy niệm.

Thể Diễn ca, Huấn ca truyền thống được các tác giả kế thừa khá sung sức. Các sách Kinh thánh được thi hóa là: Xuất hành, Sách Tôbia & Sách Giu-đi-tha, Sách Sáng Thế, Sách Étte, Sách Tông Đồ Công Vụ, Lịch sử cứu độ…). Sứ điệp tình thương (diễn ca Kinh thánh) của Lm Fx Nguyễn Xuân Văn là một công trình đồ sộ có nhiều giá trị. Đỗ Quang Vinh là tác giả đặc biệt diễn ca nhiều sách: Sáng thế diễn ca, Thánh vịnh diễn ca, Sách Giảng viên diễn ca, diễn thơ sách Diễm ca và Huấn ca, Châm ngôn & Khôn ngoan diễn ca…

Khuynh hướng thơ thế sự nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng cũng được nhiều tác giả quan tâm (Trăng Thập Tự, Sơn Ca Linh, Trần Mộng Tú, Cao Gia An, Trần Đỉnh…)

Hầu hết các tác giả “Thơ phong trào” làm theo thể Lục bát, Song thất lục bát, thơ 7-8 chữ (kiểu thơ Lãng Mạn) và một ít làm thơ Thất ngôn Đường luật song không có sáng tạo mới. Một vài tác giả trẻ làm thơ cách tân theo kiểu “Thơ Trẻ” thế tục đầu thế kỷ XXI.

Ảnh hưởng của thơ Hàn Mạc Tử vẫn còn trong sáng tác của một vài người làm thơ hôm nay (dùng lại thể thơ 7-8 chữ Lãng mạn, Tượng trưng, Siêu thực; dùng lại vốn từ trong thơ Hàn Mạc Tử).

***

Mời đọc các bài viết của Bùi Công Thuấn: Thơ ca Công giáo Việt Nam đương đại-Những sáng tạo mới ; bài giới thiệu thơ của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài gòn, Câu lạc bộ Thi Ca Cầu Nguyện, Thơ Sơn Ca Linh, Thơ Lê Đình Bảng, Thơ Trần Mộng Tú, Thơ Trần Vạn Giã, Thơ Cao Danh Viện…[[1]].

VĂN XUÔI CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI


Các tác giả văn xuôi người Công giáo thế hệ trước hầu hết định cư ở hải ngoại (xin đọc bài : Sơ khảo về Văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại của Nguyễn Vy Khanh).

Ở trong nước, bộ sách của ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận (Đường hy vọng và 5 chiếc bánh và 2 con cá ), và bộ sách Thao thức của ĐGM GB Bùi Tuần là 2 bộ sách có ảnh hưởng sâu sắc đến việc cứu rỗi các linh hồn. ĐGM Fx Nguyễn Văn Sang, tính đến cuối năm 2009, đã cho xuất bản gần 20 đầu sách (cuốn Hành hương và thăm viếng tái bản đến 3 lần). ĐGM Đaminh Nguyễn Chu Trinh (bút danh Song Nguyễn) đã in 15 cuốn (gồm 10 truyện dài và 5 tập truyện ngắn[[2]]):

1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2009.
2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nxb Hội Nhà văn, 2018.
3. Đồng Hành, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2010.
4. Định Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2011.
5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1. Nxb Tôn Giáo, 2011.
6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn 2. Nxb Tôn Giáo, 2011.
7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nxb Tôn Giáo, 2011.
8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nxb Tôn Giáo, 2012.
9. Những Người Mẹ, tập truyện ngắn 5. Nxb Tôn Giáo, 2012.
10. Chỉnh Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2013.
11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài. Nxb Phương Đông, 2013.
12. Vì sao sáng, truyện dài. Nxb Tôn giáo, 2015.
13. Tiếng Kêu, truyện dài. Nxb Hồng Đức, 2019.
14. Đường lên Núi Cúi. Truyện dài tư liệu. Nxb Hồng Đức, 2019.
15. Đường đến Núi Cúi-Hành trình của Đức tin, Hồi ký. Nxb Đồng Nai. 2021

Các tác giả và tác phẩm văn xuôi Công giáo thế hệ mới còn khá ít ỏi. Hầu như chỉ tập trung ở Giải Viết văn Đường trường và Giải VHNT Đất Mới.

Tôi đặc biệt quan tâm đến các tác giả truyện dài sau đây mà đọc tác phẩm của họ, tôi thấy ngòi bút của họ đầy nội lực, cách viết của họ mới mẻ, hiện đại. Họ đem đến cho văn học Công giáo những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mới, khác hẳn với thế hệ trước. Mặc dù khả năng kiến tạo tác phẩm và vốn sống của họ còn ít nhiều hạn chế, song tôi tin rằng nhiều người trong số họ có sức đi xa trên con đường nghệ thuật.

Họ có cái nhìn sâu sắc vào hiện thực và đặc biệt là thái độ diễn ngôn trước các vấn đề của thời đại, những vấn đề thách thức lương tâm Công giáo. Tác phẩm của họ là một lời tuyên xưng đức tin, lan tỏa tình nhân ái ; là sự lên tiếng bảo vệ sự sống, chia sẻ những đau khổ, bất hạnh ; cảnh báo cái xấu, cái ác; đồng thời đặt ra những vấn đề của người trẻ hôm nay như: sự tha hóa lối sống, công ăn việc làm; sự khác biệt văn hóa, tôn giáo ở những môi trường xã hội khác nhau; mối quan hệ tôn giáo và thế tục; tình yêu hôn nhân, sự đổ vỡ của gia đình, vẻ đẹp của người sống đời dâng hiến…

(Ghi nhận các tác giả tiêu biểu)

1.Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên: Sông chảy về đâu (tập truyện).
2.Nhà văn Pet. Nguyễn Văn học: Miền Thánh đợi (tập truyện).
3.Têrêsa Nguyễn Phương Thảo: Ôi tội hồng phúc.
4.M.Vinc Nguyễn Thị Chung: Đâu là hạnh phúc thật, Thử chết một lần, Khi trái tim lên tiếng, Chàng xe ôm, Thuận Thiên.
5.Maria Phạm Thị Lành: Huỳnh đệ vàng, Lối về, Phía sau hố thẳm tội lỗi, Hương Thạch thảo .
6.Maria Hà Thị Thúy Diễm, Con hoang, Những nốt nhạc nên đời, Xương bánh đúc, Khóc muộn.
7.Maria Hồ Thị Phương Anh: Đóa Quỳnh bất tử.
8.Pet.Trần Thế Huy: Người hành khất trước cổng tu viện; Đôi bờ xa cách.
9. Vinc Chung Thanh Huy: Bão (tập truyện).
10.Innocentio Nguyễn Thị Duyên, O.Cist. Di trú tới Thiên Chúa,
11.Maria Goretti Nguyễn Thị Tú Xuân: Ngựa chứng trong tu viện; Vòng xoáy yêu thương; và Ngã tư thập tự.
12.Vinh Kiu: Maria ngoại truyện; Đóa hồng thứ 40.
32.Seraphim Đặng Kim Thoa: Sứ mạng; Thiên Chúa Cha của Tôi
14.Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh. Đời làm hạt
15.Maria Pacome Hồ Thị Phượng, O.Cist. Ba ơi! Khi nào mẹ về?

***

Mời đọc thêm các bài: Văn xuôi Công giáo Việt Nam đương đại-Nhận dạng… (Bùi Công Thuấn). Nhà văn Khánh Liên & Những sáng tạo nghệ thuật; Nhà văn Nguyễn Văn Học và những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo; Văn học Công giáo-Giáo phận Quy Nhơn; Văn học Công giáo-Giáo phận Xuân Lộc; Văn học Công giáo-Giáo phận Phát Diệm; Các nhà nghiên cứu Công giáo.

DỊCH THUẬT


Việc dịch Kinh thánh và các tài liệu của Tòa thánh, Giáo hội đã có nhiều dịch giả song dịch thuật tác phẩm văn học, thì dịch giả Công giáo còn rất hiếm.

Các dịch giả Kinh thánh có uy tín là: Cố Chính Linh (1913), Lm Gérard Gagnon (1963), Lm Trần Đức Huân (1970), Lm Nguyễn Thế Thuấn (1976), ĐHY Trịnh Văn Căn (1985) và Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ chính thức thành lập vào ngày 01/11/ 1971 đến nay đã trên 50 năm.

Chặng 1: 25 năm đầu tiên (1971-1996)


Họp mặt nhóm ngày 01/11/1971 tại Đan viện Biển Đức-Thủ Đức có: Lm Xuân Ly Băng, Lm Trần Phúc Nhân, Lm Thiện Cẩm OP, Lm Huỳnh Công Minh, Lm Nguyễn Hồng Giao OFM, Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh OFM.

Những thành viên gia nhập từ 1976 đến 1997:

Lm Nguyễn Hữu Phú, Lm Hoàng Đắc Ánh, Lm Trịnh Văn Thậm, Lm Nguyễn Tất Trung, Lm Nguyễn Ngọc Rao, Lm Nguyễn Cao Luật, Lm Nguyễn Đạt Tam, Lm Nguyễn Cao Siêu, Lm Trần Hòa Hưng, Lm Hoàng Kim, Lm Trần Ngọc Thảo, Nt Lê Thị Thanh Nga, Nt Mai Thành, Lm Phạm Xuân Hưng, Hoàng Ngọc Lễ.

Từ 2011-2021:

Lm Vũ Văn Lượng, Lm Nguyễn Thiên Minh, Lm Trần Hưng Vĩnh Quang, Sr Nguyễn Thị Ngọc Nữ (MTG Thủ Thiêm), Sr Đỗ Thị Hồng Thắm (dòng Đức Bà), anh Nguyễn Tuấn Hoan

Đến nay (2021) nhóm hiện có 15 người thuộc ba thế hệ (ông-cha-con cháu) sinh hoạt như một gia đình.

Các cộng tác viên: Nguyễn Thị Hồng Sen, Nguyễn Thái Long, Nguyễn Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Mai Thảo, Nguyễn Anh Tuần, Vy Diễm Uyên.

Lần kỷ niệm 40 năm (2011), nhóm đã ấn hành 1 triệu bản Kinh Thánh và khoảng 3 triệu bản Tân Ước lưu hành cả ở trong nước và quốc tế. [[3]]. Nhóm làm việc theo những đường hướng sau đây :

1. Dịch Kinh Thánh từ nguyên văn Híp-ri, A-ram hoặc Hy-lạp, có đối chiếu với bản dịch La-tinh.

2. Làm việc tập thể theo tổ, mỗi tổ luôn luôn có chuyên viên Kinh Thánh (các phần dẫn nhập và chú thích có thể do một cá nhân soạn).

3. Mục tiêu: cung cấp một bản dịch đúng ý nguyên văn, với tiếng Việt dễ hiểu.

Lm An-bê-tô Trần Phúc Nhân cho biết, (tính đến 2010) Nhóm Phiên Dịch CGKPV đã phiên dịch và lần lượt ấn hành các tác phẩm chính yếu sau đây (năm in lần thứ nhất) :

– Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1991)

– Tân Ước : bản dịch với chú thích dài (1993)

– Kinh Sách : Các bài đọc (1994)

– Tân Ước : bản dịch không có chú thích (1995)

– Các sách Ngôn Sứ : bản dịch với chú thích dài (1996)

– Các sách Giáo Huấn : bản dịch với chú thích dài (1998)

– Kinh Thánh trọn bộ : bản dịch với chú thích ngắn (1998).

– Ngũ Thư : bản dịch với chú thích dài (1999).

– Các sách Lịch Sử : bản dịch với chú thích dài (1999).

– Lời Chúa cho mọi người : Kinh Thánh (2006) (cùng một bản dịch Kinh Thánh trọn bộ nói trên, nhưng với các dẫn nhập và chú thích nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ).

– Kể chuyện Kinh Thánh cho Trẻ Em (2007).

– Kể chuyện Kinh Thánh cho Thiếu Niên (2007).

– Tân Ước : bản dịch và chú thích có hiệu đính (2008).

– Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina Năm B (2008).

– Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina Năm C (2009).

– Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ (2009).

– Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina Năm A (2010).

– Ngũ thư : bản dịch để học hỏi (2010).

Tính cho đến nay, tổng số các sách đã ấn hành là 130.000 cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 250.000 cuốn Kinh Thánh trọn bộ và 1.855.000 cuốn Tân Ước [[4]].

***

Dịch tác phẩm văn học:

Lm Giuse Trần Văn Đỉnh (bút danh Đình Chẩn- làm việc tại Tòa Giám mục Phát Diệm), đã dịch:

-Hồn thơ Thiên linh- Tiên Sa Hài Đồng Giêsu. (62 bài, dịch và tổng hợp thơ Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

-Thần khúc của Dante Alighieri (1265-1321).

Các bản dịch giàu tính văn chương và có tính dân tộc sâu sắc.

***

KỊCH CÔNG GIÁO


So với giai đoạn đầu thế kỷ XX, kịch Công giáo « giai đoạn hội nhập » (từ 1980 đến nay) không có tác phẩm nào công diễn trên sân khấu kịch thế tục như một vở kịch nghệ thuật. Khoảng từ 2010 trở lại đây, hình thức « Diễn nguyện » nở rộ trong các giáo xứ vào mùa Giáng Sinh. Các giáo xứ tự phát viết kịch bản « Lịch sử ơn Cứu độ », rồi diễn trong đêm canh thức chờ Giáng sinh. Đó là một hình thức nghệ thuật bình dân. Đôi khi cũng có đạo diễn chuyên nghiệp tham gia, song nội dung diễn nguyện chỉ nhằm sân khấu hóa Kinh thánh, không phải là một tác phẩm kịch nghệ thuật.

Tác giả Trần Duy Nhiên (1941-2009)

Trần Duy Nhiên sinh năm 1941 tại Kontum, sớm mồ côi. Anh được gửi cho các Sr Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn ở Đà lạt nuôi.

Sau khi đậu Tú Tài, anh về Sàigòn học Đại học Sư Phạm và đi dạy học ở Cần Thơ, Đà Lạt. 42 năm dạy học, anh từng khủng hỏang lòng tin. Anh tham gia nhiều họat động xã hội từ thiện, từ đồng bằng, đến Tây nguyên với các Nhóm Thiện Chí và Hoa Nhân Ái của Cha Tiến Lộc, với Nhóm Đức tin Văn hóa của cha Nguyễn Thái Hợp... Anh còn là Tổng Thư ký của CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, nơi quy tụ một số trí thức Công giáo với đường hướng: canh tân, đối thọai, hòa giải và cộng tác với mọi người thiện chí…Anh viết trên 20 kịch bản để phục vụ cho một số sinh hoạt của cộng đồng dân Chúa. Vở “Cuốn Phúc Âm thứ năm” đã được diễn trên 200 lần tại nhiều giáo xứ và giáo phận. [[5]].

“Vở kịch là một buổi chia sẻ về đời sống đức tin của một cộng đoàn Ki-tô hữu. Mở màn, người ký giả lên tiếng chia sẻ về một nguyện vọng khá điên rồ của anh ta, anh ta muốn tự viết cuốn Phúc Âm thứ năm bởi bốn cuốn Phúc Âm của Tân Ước đã quá lỗi thời. “Tôi nghĩ đã đến lúc phải có một người trình bày về Đức Giêsu Kitô cho thời đại này, đã đến lúc phải có một cuốn Phúc-âm thứ năm. Và nếu không có ai viết, thì tôi, tôi sẽ tự viết lấy.” Thoạt tiên, ai cũng sẽ cho rằng anh ta ngông cuồng bởi ngót nghét hai nghìn năm trôi qua chưa từng có thêm cuốn Phúc Âm nào và người đọc Kinh Thánh vẫn luôn được thuyết phục rằng cuốn sách này đã dừng ở đây, mãi mãi không dày thêm nữa. Nhưng thật không may, sự ngông cuồng của anh ký giả lại cũng chính là sự ngông cuồng mà mỗi chúng ta âm thầm cưu mang trong sâu thẳm con người mình. Kinh Thánh đã cũ, những dụ ngôn và bối cảnh xã hội không còn gần gũi với con người hôm nay, chúng ta có cần một Phúc Âm mới không? Và có muốn chính tay mình sẽ viết lấy?”[[6]]

***

Đọc kịch bản Người con hoang đàng của Trần Duy Nhiên

Nội dung kịch bản xây dựng theo dụ ngôn Người cha nhân hậu Đức Giêsu kể trong đoạn Tin Mừng (Lc 15, 11-32). Trần Duy Nhiên phân đoạn và viết lời thoại: Vở kịch bố cục 3 phần: phần A, phần Chuyển tiếp và phần B:

PHẦN A:

(Là các lớp đối thoại):

Đối thoại người cha với người anh,

Sau đó là đối thoại người anh với người em. Người em nói lý do ra đi là vì ở nhà, em là người cô đơn. Em ra đi để tìm tình người.

Tiếng nói từ hậu trường: Người con hoang đàng quyết ra đi và không bao giờ trở lại. Nhưng chúng ta còn nhớ rõ Phúc-âm đã nói gì. (Đọc Phúc-âm Luca 15,13-20). “Người con thứ trẩy đi phương xa... và nó đã trỗi dậy mà về cùng Cha nó”.

Kịch tiếp tục với các lớp:

Người anh khuyên cha vào nhà vì ngày nào người cha cũng chờ con.

(Anh đi, Cha đợi. Em trở về chạy đến phủ phục)

(Cha đưa em đi ra, gia nhân cúi chào, rồi vội vã đi hướng khác. Anh vào).

Anh đối thoại với gia nhân.

Anh đối thoại với người cha

Anh đối thoại với người em . (Anh bỏ đi, em chạy theo)

PHẦN CHUYỂN TIẾP:

(Người Hướng Dẫn ra và nói:)

HD: Thưa (các bạn), trong Kinh Thánh, câu chuyện dụ ngôn đến đây là kết thúc. Nhưng thực ra Lời Chúa không bao giờ là một chấm hết. Lời Chúa luôn đòi buộc ta lên đường…Về phần Chúa mọi việc đều đã rõ. Nhưng phần còn lại thuộc về chúng ta. Người cha đã mở rộng bàn tay hòa giải, nhưng còn chúng ta, những người anh em, chị em trong gia đình ruột thịt cũng như trong gia đình Giáo Hội chúng ta có chịu hòa giải với nhau không?

Thường thường khi diễn đến đây chúng tôi dừng lại để cho khán giả lên trình bày một phương hướng hòa giải giữa hai anh em. Giờ này là giờ của các bạn, xin các bạn hãy đặt mình vào vai người anh hoặc người em để đề nghị một giải pháp.... (Có thể cộng đoàn trao đổi ở đây, nếu có thời gian, trước khi tiếp tục).

Vì thời giờ có hạn nên hôm nay chúng tôi tạm gợi ý một trong bao nhiêu hướng giải quyết mà bạn trẻ đã từng đề ra. Vậy xin mời người đóng vai người anh ra đây cho chúng tôi phỏng vấn.

(người anh ra: trả lời phỏng vấn)

PHẦN B:

Anh em nói chuyện hòa giải, cả hai cùng nhận trách nhiệm về phần mình:

Người em nói: Em là người có lỗi, và phải nhận lấy hậu quả chứ không có quyền bắt anh phải chịu đựng em. Vì vậy, anh hãy ở lại để phụng dưỡng Cha già, em sẽ ra đi ngày mai. Nhưng trước khi ra đi, em chỉ xin anh một điều: anh hãy nói rằng anh tha thứ cho em.
Anh nói với em: tôi có một phần trách nhiệm trong việc ra đi của chú. Tôi chưa bao giờ thông cảm chú, chưa bao giờ yêu thương chú như Cha đã yêu thương chúng mình.

***

Nhận xét

Trần Duy Nhiên đã “sáng tạo” phần chuyển tiếp, bỏ phần người em đi hoang của dụ ngôn (Lc 15, 11-32), và viết thêm phần B (ngoài dụ ngôn) để giải thích Kinh thánh theo quan điểm của mình.

Kịch bản có tính chất hiện đại. Tác giả mời khán giả tham gia vào vở kịch và mở ra nhiều hướng giải quyết mâu thuẫn kịch. Đây là một điểm đáng ghi nhận về nghệ thuật.

Chủ đề của đọan Kinh thánh là lòng nhân hậu của người Cha (của Thiên Chúa). Chủ đề này không được tô đậm trong kịch bản, trái lại Trần Duy Nhiên khai thác chủ đề “cô đơn” và sự khao khát “tình người” của người em. Người em ra đi vì ở nhà, em là người cô đơn, ra đi để tìm tình người, không phải ra đi để ăn chơi hoang đàng. Tôi e điều này lệch chủ đề đoạn Tin Mừng.

Trần Duy Nhiên bỏ đoạn người em đi hoang, đói khát phải ăn thực phẩm của heo là bỏ đi một phần quan trọng của cốt truyện. Quá trình người em trải nghiệm hiện sinh rồi thức tỉnh trở về là một quá trình đầy kịch tính và cũng đầy nhân tính. Bỏ qua phần này thì không thể giải thích được sự bao dung tha thứ của người cha. Người cha bao dung với em vì em tự ý thức tội lỗi của mình mà trở về. Người Cha nói: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy" (Chết trong tội lỗi và lạc mất Ơn Cứu Độ). Chính phần tự thức tỉnh có ý nghĩa quyết định. Mỗi người phải tự ý thức tội lỗi của mình mà trở về thì mới được Chúa thứ tha. Người anh không tự ý thức được nên bị trói buộc trong đau khổ, ganh tị.

Rõ ràng Trần Duy Nhiên đã xây dựng vở kịch và giải thích Kinh thánh (phần B) theo cảm quan riêng mà không trình bày một cách khách quan bài học Đức Giêsu dạy theo quan điểm Thần học của Giáo hội. Phải chăng đây là chỗ non tay của tác giả? Gọi là non tay bởi vì: làm hỏng cốt truyện của dụ ngôn, và thêm vào phần B (ngoài đoạn Tin Mừng) giải thích không đúng chủ đề Kinh thánh.

Kịch bản loại này là hình thức “sân khấu hóa” Kinh thánh trong sinh hoạt cộng đồng của giáo dân. Ai cũng thuộc và hiểu dụ ngôn của Chúa. Nếu diễn cho công chúng thế tục, họ sẽ không hiểu đầu đuôi cốt truyện là gì (vì tác giả cắt bỏ đoạn giữa, thêm vào phần B không hợp lý) và làm lệch chủ đề đoạn Kinh thánh.

Trong khóa ba ngày của phong trào Cursillos luôn diễn dụ ngôn “Người con hoang đàng” với mục đích thúc đẩy sự thức tỉnh tâm hồn tham dự viên về lòng nhân hậu của Chúa. Trần Duy Nhiên đã từng tham dự khóa huấn luyện tâm linh này.

KỊCH PHONG TRÀO


Giải VHNT Đất Mới có một số “kịch bản phong trào” có thể diễn trong các sinh hoạt cộng đoàn:

Hành quyết song hùng (Bùi Văn Nghiệp-Sài gòn)

Cha như là một vì sao (Kịch thơ về cha Trương Bửu Diệp tử đạo). Têrêsa Phạm Thị Thanh Lan-Đà Lạt.

Món quà kỳ diệu (Kịch thơ). Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh (dòng nữ Đaminh Gò Vấp).

Đứa mục đồng mù. Giuse Nguyễn Văn Hân (ĐCV Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu).

Đi về hướng mặt trời (Kịch bản phim truyện). Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành, Hà Nội. Kịch bản này đã được dựng thành phim và được công luận Công giáo cổ vũ.

VĂN HỌC CÔNG GIÁO HẢI NGOẠI

Mời đọc bài «Sơ thảo về văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại » của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh (tôi xin phép lược ghi)[[7]]:
Theo Nguyễn Vy Khanh, Văn học Công giáo Việt Nam ở hải ngoại có những đặc điểm và thành tựu như sau :

Có thể ghi nhanh rằng Văn-học Công-giáo hải-ngoại do và của người viết Công-giáo ở hải-ngoại, bằng tiếng Việt và trong không khí tự do, dân-chủ, đa dạng và đa văn-hóa!

Đã có những tạp chí và nhóm như Dân Chúa, Tin Nhà, Định Hướng, Đường Sống, Thời Điểm Công-giáo, Sứ Điệp, Triết Đạo, Diễn Đàn Giáo Dân v.v. Các nhà văn hóa và văn nghệ sĩ đã khởi sự nghiệp trước 1975 tiếp tục sứ mạng và thêm những tác giả mới: Lm. Nguyễn Tầm Thường, Lm. Trần Cao Tường, Lm. Nguyễn Trung Tây, Đường Phượng Bay, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Trúc, Trần Công Tiến, Nguyễn Văn Thành, Song Thao, Bùi Vĩnh Phúc, Cao Xuân Lý, Hoàng Chính, Trần Mộng Tú, Trần Thu Miên, Vinh Hồ, Trần Phong Vũ, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Ước, v.v

Ngoài các sách mục-vụ và rao giảng Tin Mừng thì trong các tác phẩm văn-học nghệ thuật, tính chất đạo Chúa nhẹ nhàng hơn về tính nghệ thuật, văn-chương.

Chủ đề chính là thân phận lưu vong. Ý niệm "lưu đày", "lưu vong" đã đến rõ nét với văn-chương Việt-Nam và đã thay đổi nội dung nhiều lần. Một đề tài khác đặc-biệt riêng của văn-học hải-ngoại là về những thuyền nhân (và bộ nhân) tị nạn. “Kẻ Lạ” (người ngoài, người xứ khác,..) là đề tài thứ hai thường thấy. Trong diễn trình hội nhập, phát hiện khủng hoảng về cội nguồn, căn cước, diện mạo (ta là ai?). Đề tài Cái Chết trở lại thường xuyên với người viết lưu-vong, ban đầu liên hệ đến sự rời bỏ quê-hương, người thân, về sau do tâm sinh lý của lão hóa. Hội nhập là tình cảnh đối lại với di trú, lưu đày.

Thơ văn sống đạo và tâm linh của người Công-giáo cũng nhiều và khá đa dạng giữa lòng văn-học hải-ngoại. Thơ có Dấu Chân Trên Cát của Trần Phong Vũ, Mưa Nắng Sân Trường và Câu Kinh Tôi Đọc Giữa Đời Thơ của Trần Thu Miên, thơ của Nguyễn Khánh Hòa, Vinh Hồ (Bên Này Biển Muộn ý tình hiện đại trong khuôn khổ cổ điển của thơ luật bên cạnh một số bài tự-do), Vi Vi, v.v., truyện và tiểu-thuyết của Hoàng Thị Đáo Tiệp, Trần Phong Vũ, Hồ Linh, Trần Đình Ngọc, Lm Trần Cao Tường, Gs Trần Văn Toàn, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Hà Thượng Nhân, Phạm Xuân Thu, Nguyễn Văn Thành, Quyên Di, Đường Phương Bay, Lm Lã Mộng Thường, Nguyễn Tất Nhiên, Duyên Anh, Nguyên Sa…

Nguyễn Vy Khanh cũng giới thiệu các nhà biên khảo: Kim Định, Nguyễn Hữu Mục, Võ Long Tê, Nguyễn Khắc Xuyên, Lm Vũ Đình Trác, Gs Trần Văn Đoàn, Đỗ Quang Vinh, Bùi Vĩnh Phúc, Cao Thế Dung, Nguyễn Đăng Trúc, GS Trần Văn Toàn, GS Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy Khanh…

Các tác giả trẻ “Cách tân”: Khải Minh, Nguyễn Thụy Đan, Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Báo chí Công giáo: Dân Chúa, Dân Chúa Châu Âu, Dân Chú Úc châu, Trái tim Đức Mẹ, Chính nghĩa, Đường Sống, Cộng đồng tu sĩ, Liên lạc, Chứng nhân Công giáo, Người tín hữu, Thời điểm Công giáo Việt Nam, Diễn đàn giáo dân, Dấn Thân, Triết đạo, Đất Mẹ…

Nguyễn Vy Khanh nhận xét:

“Hiện nay các tác-phẩm của các nhà văn Công-giáo thường có tính xã hội, tôn giáo và tâm linh hơn là văn-chương! “.

(Mời đọc thêm bài viết của Bùi Công Thuấn: Thơ Trần Mộng Tú, Truyện ngắn Nguyễn Trung Tây-truyền thống và hiện đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh).


NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CÔNG GIÁO


Trong bài ghi nhanh-Các nhà nghiên cứu Công giáo, tôi ghi nhận 27 nhà nghiên cứu người Công giáo (còn một số vị tôi không tìm được tiểu sử chính xác nên không ghi vào danh sách dưới đây):

Vũ Văn Kính (1919-2009), Nguyễn Khắc Xuyên (1923-1993), GS Lm Thanh Lãng (1924-1988), Lm Nguyễn Hưng (1927-2010), Lm Vũ Đình Trác (1927-2003), Võ Long Tê (1927-2017), Lm Giuse Đỗ Quang Chính (1929-2012), GS Nguyễn Văn Trung (sinh 1930), Lê Phụng (1933-2017), Lê Ngọc Bích (1933-2009), Nguyễn Văn Lục (sinh 1938), Lm GoanKim Nguyễn Hoàng Sơn (sinh 1942), Lê Đình Bảng (sinh 1942), Lm Giuse Trương Đình Hiền (sinh 1950), Nguyễn Vy Khanh (sinh 1951), TS-Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông (sinh 1957), Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính (sinh 1958), Lm. Gioan Võ Đình Đệ (Sinh 1960), TS Liễu Trương (Paris), Phêrô Lê Minh Sơn (sinh 1968), Lm Phanxicô Xavie Nguyễn Hai Tính (sinh 1972), ThS Lê Thị Hà (sinh1984), Nt Đinh Thị Oanh (sinh 1986), Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến, Maria Teresa Nguyễn Thị Thắm (sinh 1979), ThS. Nguyễn Thị Kim Hồng (sinh 1989), Đinh Phạm Phương Thảo (sinh 2000)…

(Mời đọc bài: Bùi Công Thuấn-Các nhà nghiên cứu Công giáo)[[8]]

BÁO CHÍ CÔNG GIÁO


Mời đọc bài :

-TS Phạm Huy Thông-Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam.

- GS.TS Đỗ Quang Hưng-« Chặng đường 40 năm “Công Giáo và Dân Tộc” như tôi biết" [[9]].

***

Tôi xin phép hai tác giả, lược ghi một vài thông tin của hai bài viết trên:

1.Báo chí Công giáo ở Việt Nam:

Trước 1945: Nam Kỳ địa phận (1908-1945), sang đẩu thế kỷ XX, “Hầu như giáo phận nào, dòng tu nào cũng ra báo”.

Trước 30/4/1975:

Sau cách mạng tháng 8-1945, hầu như tất cả các tờ báo Công giáo đều đóng cửa. Miền Bắc chỉ còn tờ Chính nghĩa của Uỷ ban Liên lạc Công giáo ra đời từ năm 1955.

Sau năm 1954, tại miền Nam, báo Công giáo bắt đầu hồi phục và phát triển

mạnh. Khó có thể kể tên hết các tờ báo Công giáo thời kỳ này, hầu như các dòng tu, hội đoàn, trường học Công giáo đều có tờ báo riêng. Thời kỳ này xuất hiện nhiều tờ báo có khuynh hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc và canh tân giáo hội.

Sau 30/4/1975, có các tờ báo: Chính nghĩa, Công giáo và Dân tộc (của Ủy baqn đoàn kết Công giáo Tp HCM), Bản tin Hiệp thông (của Hội đồng giám mục Việt Nam được cấp phép ngày 26-7-2001)

Ở hải ngoại có các tờ báo: Chuông Việt, Chân trời mới, Nguyệt san Dân Chúa, Đức Mẹ hằng cứu, Thời Điểm Công Giáo

2. Báo “Công Giáo và Dân Tộc

Tờ báo không trực thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Công giáo & Dân tộc khai sinh và xuất bản ở Paris, Pháp (năm 1970) do nhóm Huynh đệ Việt Nam - đứng đầu là linh mục Nguyễn Đình Thi.

Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

Bài viết là ý kiến riêng của Gs-Ts Đỗ Quang Hưng về tờ Công giáo và Dân tộc dưới góc nhìn chính trị của một nhà nghiên cứu.

***


ĐẶC ĐIỂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO « THỜI KỲ HỘI NHẬP »


(từ 1980 đến nay)

1. Gần 50 năm qua (1975-2022), đất nước đã hòa bình thống nhất, đã hội nhập toàn cầu hóa và phát triển, song quá trình hội nhập dân tộc (ngôn ngữ chính trị gọi là « hòa hợp hòa giải ») diễn ra khá chậm. Đến nay, sinh hoạt Công giáo đã hoàn toàn thống nhất Bắc Nam với đường hướng « Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc », xã hội đã dần dần vượt qua những định kiến lịch sử về Công giáo. Người Việt Công giáo trong và ngoài nước đã có sự hiểu biết nhau nhất định (tuy vẫn có nhiều khác biệt văn hóa).

2.Văn học Công giáo Việt Nam có hai bộ khác nhau: Văn học Công giáo Việt Nam trong nước và văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại. Tuy cùng chung đức tin, cùng chung nhiệm vụ loan báo Tin Mừng song có hai bộ phận này thuộc về hai thế hệ tác giả khác nhau, sinh hoạt ở những môi trường văn hóa khác nhau, phản ánh hiện thực cộng đồng tôn giáo khác nhau, và thái độ diễn ngôn khác nhau.

Nhà văn Công giáo hải ngoại đa phần là thuộc thế hệ trước 1975, từ miền Nam Việt Nam đi định cư nước ngoài vì nhiều lý do. Họ đối mặt với sự khác biệt văn hóa nước sở tại, họ mang nặng quá khứ với nhiều mặc cảm và họ nhìn về Việt Nam với những nhận thức khác với người Công giáo trong nước (xin đọc truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây, tiểu thuyết Ôi tội hồng phúc của Têrêsa Nguyễn Phương Thảo và thơ Trần Mộng Tú…)

Nhà văn Công giáo trong nước, những người thuộc thế hệ trước 1975 có tâm thế ưu tư khác với thế hệ trẻ hồn nhiên (xin đọc thơ Trần Vạn Giã, văn Nguyễn Đức Thông, của Nguyễn Thị Khánh Liên, Vinh Kiu). Người thuộc thế hệ trước cố gắng vượt qua những vết hằn của lịch sử để bắt nhịp với thời đại mới, thế hệ trẻ nỗ lực gìn giữ truyền thống để hướng đến tương lai.

3. Số lượng người Công giáo cầm bút khá đông đảo, song « nhà văn Công giáo », viết những tác phẩm « văn học Công giáo » đứng được trên diễn đàn văn học nghệ thuật là rất ít.

Dù vậy, ý thức xây dựng một nền văn học Công giáo là rõ nét và có những thành tựu vượt trội so với giai đoạn trước. Xin đọc 15 tác phẩm của Song Nguyễn, truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây, truyện của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, thơ và truyện ngắn của Lm Cao Gia An, thơ Công giáo của Trần Mộng Tú, thơ của Lê Đình Bảng, Xuân Ly Băng, Sơn Ca Linh; tiểu thuyết Ôi tội hồng phúc của Têrêsa Nguyễn Phương Thảo, tập truyện Sông chảy về đâu của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Khánh Liên, Truyện dài Đóa hồng thứ 40 của Vinh Kiu…

Số nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Công giáo (gồm cả người Công giáo và người ngoài Công giáo) ngày càng đông hơn và có sự quan tâm hơn hẳn giai đoạn trước (tôi đặc biệt quan tâm đến những nhà nghiên cứu trẻ như Ths Lê Thị Hà (Viện Hán Nôm), Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nt Bích Hạt, Nt Đinh Ngọc Oanh…. Những giá trị của Văn học Công giáo có sức thu hút nhiều nghiên cứu sinh, nhiều sinh viên viết luận văn thành công hơn giai đọan trước. Gần đây là Ths Nguyễn Thị Kim Hồng với luận văn Thạc sĩ: «Đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (Qua 5 tập Có một vườn thơ đạo); Sinh viên Đinh Phạm Phương Thảo chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học năm 2020-2021: “Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng, một vở kịch hiện đại đầu thế kỷ XX”. Nt Đinh Ngọc Oanh nghiên cứu sinh Tiến sĩ nghiên cứu về tuần báo Nam Kỳ địa phận. Khóa luận tốt nghiệp Đại học của Nguyễn Mạnh Phong, (ĐH KHXH&NH Tp HCM) năm 2018: “Từ quan điểm của Alan Dundes, khảo sát Kinh thánh như một hiện tượng folklore”; sinh viên Phùng Thị Phương Thảo, ĐH KHXH&NH Tp HCM, khóa luận tốt nghiệp năm 2020, nghiên cứu “Tiểu thuyết tôn giáo trên Nam Kỳ địa Phận”;…

4. Đã đến lúc giáo hội (Hội đồng Giám mục Việt Nam) thực sự quan tâm đến việc xây dựng một nền văn học Công giáo trong Mục vụ văn hóa của Giáo hội, có vậy văn học Công giáo mới có cơ may phát triển. Tình trạng “tự phát” của văn học Công giáo giống như người gieo hạt, may ra có hạt gieo vào đất tốt, còn không sẽ thui chột đi mất. Suốt gần 50 năm từ 1975 đến nay, vốn liếng văn học Công giáo còn quá ít ỏi so với yêu cầu và thực lực của người Công giáo viết văn, và so với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

***

TỔNG QUAN

1. Trong tiến trình lịch sử 400 năm, chưa bao giờ văn học Công giáo là một nên văn học được xây dựng một cách có ý thức, có tổ chức, có tôn chỉ hoạt động, có kế thừa và phát triển. Những gì Văn học Công giáo có được đến hôm nay chỉ là tự phát của cá nhân tác giả.

Giáo hội coi văn học là công cụ truyền giáo nên việc xây dựng một nền văn học Công giáo không phải là mục đích. Văn học Công giáo đành chịu phận đứng bên lề văn học dân tộc. Cho đến nay cũng chưa có một công trình văn học sử chính thống nào ghi nhận văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc như thơ Thiền Lý-Trần, một nền thơ làm nên diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ X-XV.

Thực tế này đòi hỏi các nhà văn, nhà thơ Công giáo nỗ lực sáng tạo hơn nữa; các nhà nhà nghiên cứu Công giáo cần có nhiều công trình chuyên sâu hơn, việc sưu tầm tác phẩm văn học Công giáo và thành lập thư viện Công giáo là rất cấp thiết. Giáo hội cần đặt việc sáng tác và nghiên cứu văn học Công giáo thành một hoạt động trong Mục vụ văn hóa của mình, nghĩa là xây dựng một nền văn học có ý thức.

2. Trong thực tế, Văn hóa Công giáo đã góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa dân tộc ở nhiều lĩnh vực. Cũng vậy, Văn học Công giáo cũng đã góp phần tích cực vào sự phát triển của căn học dân tộc. Cụ thể là:

Văn học Công giáo đem đến cho văn học dân tộc tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo, thay thế hẳn ảnh hưởng tư tưởng phong kiến; ảnh hưởng văn hóa, điển ngữ văn học Trung quốc (cái mà ngày nay được gọi là ý thức thoát Trung).

Văn học Công giáo góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam (về nội dung, tư tưởng, thi pháp) với những tác phẩm tiên phong như tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên: Truyện Thầy Laza rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, tuồng Quốc ngữ đầu tiên là Tuồng Cha Minh (1881), Hàn Mạc Tử góp phần hiện đại hóa thơ Việt… Tuần báo Nam Kỳ địa phận (1908-1945) đóng góp nhiều giá trị cho báo chí Việt ngữ buổi đầu.

Văn học Công giáo đem đến cho văn học Việt Nam những hình tượng mới (thí dụ hình tượng Inê Huỳnh Thị Thanh trong Inê tử đạo vãn là một nhân vật hiện thực, một phụ nữ Việt trung kiên trong đức tin, khác hẳn với Thúy Kiều của Nguyễn Du và Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu là những nhân vật Trung Quốc minh họa cho đạo đức phong kiến.

Văn học Công giáo Việt Nam phản ánh một hiện thực mới, khai thác những quặng mỏ, vỉa tầng văn hóa mới bổ sung vào văn học dân tộc (xin đọc, Thuật tích việc nước Nam của Lm Đặng Đức Tuấn, Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, 15 tập truyện của Song Nguyễn, 6 tập thơ Lê Đình Bảng…)

Văn học Công giáo Việt Nam đem đến cho văn học dân tộc vốn từ ngôn ngữ “nhà đạo”, làm phong phú ngôn ngữ Việt (thí dụ vốn từ trong thơ Hàn Mạc Tử rất lạ so với ngôn ngữ thơ đương thời), sáng tạo thế giới nghệ thuật mới (thế giới nghệ thuật trong thơ Lê Đình Bảng, trong văn của Song Nguyễn…)

Văn học Công giáo là khuôn mặt văn hóa, là tiếng nói của người Công giáo, một bộ phận trong cộng đồng dân tộc, những tiếng nói có trách nhiệm với dân tộc. Xin đọc: các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn, vẻ đẹp văn hóa Việt trong thơ Lê Đình Bảng, ý thức của giáo dân, Linh mục “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” trong bộ truyện dài Đất Mới của Song Nguyễn,,,)

Tất cả những giá trị của văn học Công giáo trong tương quan với lịch sử và văn học dân tộc cần được nghiên cứu sâu rộng, có vậy mới có thể khẳng định được nền văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc.

3. Nhìn suốt tiến trình 400 năm văn học Công giáo, nỗ lực « hội nhập » với dân tộc được thực hiện ngay từ những bước đi đầu tiên. Majorica viết những tác phẩm chữ Nôm chính là sự hội nhập bằng ngôn ngữ và văn hóa. Những thể loại Diễn ca, Huấn ca, Vãn, truyện hạnh thánh đều là những thể loại của văn học dân tộc, được vận dụng tự nhiên cho sáng tạo văn học Công giáo. Thể lục bát, Song thất lục bát, thi pháp ca dao được tiếp tục làm mới trong tác phẩm văn học và đặc biệt trong Kinh sách. Những thể loại đó đến nay đã thành truyền thống của văn học Công giáo và trở thành một dòng văn học chảy suốt 400 năm. Diễn ca Kinh thánh luôn được các tác giả đương đại phát triển. Nhiều sách Kinh thánh đã được chuyển thể diễn ca (Sứ điệp tình thương, Nxb Tôn Giáo 2001 của Lm Fx Nguyễn Xuân Văn với 9760 câu Lục bát là một thí dụ).

Việc hội nhập với văn học dân tộc còn được thực hiện bằng cách xây dựng những hình tượng con người Việt Nam. Chẳng hạn, Inê tử đạo Vãn xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt kiên trung trong đức tin. Tuồng Cha Minh viết về thánh Philipphê tử đạo Phan Văn Minh (tuồng Việt, cốt truyện, nhân vật Việt). Ngay cả hình tượng Đức Maria cũng được Việt hóa rất đẹp, rất gần gũi trong thơ Lê Đình Bảng (xin đọc tập thơ Quỳ trước đền vàng, Nxb Tôn Giáo. 2010), Có thể tìm thấy hình ảnh người Công giáo Việt Nam suốt từ những năm trước 1945 đến đầu thời kỳ « đổi mới » (1986) trong các tập truyện của Song Nguyễn, của Nguyễn Đức Thông. Và ngay cả các truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây viết cho độc giả người Việt ở hải ngoại cũng ấp ủ khát vọng bảo tồn ngôn ngữ, gìn giữ văn hóa Việt cho các thế hệ Việt Kiều thứ hai, thứ ba…

Văn học Công giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc như vậy nhưng tại sao vẫn chưa trở thành một bộ phận văn học dân tộc? Có lẽ do những định kiến lịch sử xã hội trong suốt 400 năm đạo Công giáo truyền vào Việt Nam mà văn học Công giáo chịu số phận thiệt thòi chăng? Chẳng hạn, thời nhà Nguyễn đã coi Công giáo là « tả đạo », đạo Nho mới là « chính đạo », chỉ vì người ta ngộ nhận đạo Công giáo không cho thờ ông bà (bất hiếu) ; cho đến nay, dư luận xã hội vẫn phản đối A. Rhodes về những « tư tưởng » của ông trong « Phép giảng tám ngày », …

Giáo hội Việt Nam ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất đã đề ra đường hướng « Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc », đó là đường hướng gắn bó với dân tộc, vì thế văn học Công giáo cần phải hội nhập với dân tộc sâu sắc hơn nữa. Đức Giêsu ngày xưa đã nhập thể và hòa mình với mọi kiếp người thế nào thì Văn học Công giáo hôm nay cũng cần phải « nhập thể » với cộng đồng dân tộc mình như thế, đó cũng là yêu cầu Phúc Âm hóa môi trường của Giáo hội.

4.Xét đến cùng, Văn học Công giáo Việt Nam chưa có tác phẩm lớn ; hơn thế, còn quá ít tác phẩm hòa vào dòng chảy văn học yêu nước và văn học nhân đạo chủ nghĩa của dân tộc.

5. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy: “…Giáo Hội vẫn không ngừng trân trọng giá trị của nghệ thuật. Ngay cả khi không phải là những cách diễn tả tôn giáo điển hình, nghệ thuật chân chính vẫn rất gần gũi với thế giới đức tin, đến nỗi ngay trong những tình huống văn hóa và Giáo Hội cách biệt nhau, nghệ thuật vẫn là cây cầu đưa ta đến với kinh nghiệm tôn giáo.”(Thư gửi nghệ sĩ năm 1999). Đã đến lúc Giáo hội mời gọi các nhà văn ngoài Kitô giáo, những người “thiện tâm” được Chúa chúc bình an trong đêm Giáng Sinh, viết tác phẩm văn học Công giáo (sáng tác và nghiên cứu…).

Tháng 4/ 2022

(Tác giả giữ bản quyền)

____________________________

[1] Bùi Công Thuấn-Thơ ca Công giáo Việt Nam đương đại-Những sáng tạo mới


[2] Mời đọc chuyên luận: Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật Song Nguyễn. Nxb HNV 2014, tái bản 2019
https://www.mediafire.com/file/piaiojap3jg7cnl/5_TI%25E1%25BA%25BEP_C%25E1%25BA%25ACN_SN_t%25C3%25A1i_b%25E1%25BA%25A3n_2019.rar/file

[3] Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ghi dấu 40 năm hiện diện
http://congdoanvinhhatinh.com/index.php/news/Tin-Giao-hoi/Nhom-phien-dich-Cac-Gio-Kinh-Phung-Vu-ghi-dau-40-nam-hien-dien-472/

[4] Lm An-bê-tô Trần Phúc Nhân-Các bản dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=41

[5] Những kỷ niệm về GS Trần Duy Nhiên
Nguồn: http://ttntt.free.fr/archive/tranduynhien7.html

[6] Cuốn Phúc Âm Thứ Năm" của Trần Duy Nhiên
https://gphaiphong.org/gioi-thieu-sach/cuon-phuc-am-thu-nam-cua-tran-duy-nhien-8593.html

[7] Nguyễn Vy Khanh-Sơ khảo về văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại
Nguồn: Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam. Bản điện tử lần thi71 I, trang 496

[8] Bùi Công Thuấn-Các nhà nghiên cứu Công giáo

[9] Đỗ Quang Hưng-Chặng đường 40 năm “Công giáo và Dân tộc” như tôi biết

Ts Phạm Huy Thông-Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam
http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/67554.htm