Tình thương của mẹ- Tác giả: Nguyễn Đăng Quế

Lan Mary

 

Tình thương của mẹ

Cả ngàn vì sao lấp lánh bầu trời, cả triệu hạt cát trải dài bãi biển, biết bao nụ hoa thi đua hương sắc dưới nắng ban mai, nhưng mỗi người chúng ta chỉ có một Mẹ, người mẹ duy nhất với tấm lòng đặc biệt thể hiện một tình thương bao la, tuyệt vời, ngời sáng hơn cả hào quang tinh tú, gắn liền với sự hy sinh cao cả, với sức mạnh kiên cường, cứng cáp hơn sắt đá, để che chở bảo vệ con dưới nắng gắt mưa phùn, giữa giông tố cuộc đời. Tất cả tình cảm chìm trong niềm tin yêu mãnh liệt, với tia hy vọng ấm áp xây đáp tương lai đẹp cho con, giống triệu bông hoa nở rộ báo hiệu mùa xuân sau tháng đông lạnh giá. Thật vậy chẳng có ngòi bút nào, chẳng có mỹ từ nào, tác phẩm của văn sĩ nào có khả năng xuất sắc diễn tả đầy đủ được tình mẫu tử gồm biết bao khía cạnh, dưới ngàn vạn dạng, với muôn vẻ muôn mầu.

Tình mẫu tử, tình thương yêu người mẹ dành tất cả cho con, vì con và cùng với con, đến trong đời một cách tự nhiên, hiện diện ngay từ phút ban đầu bé sơ sinh hé mắt chào đời và bền vững mãi đến giây phút cuối cùng người mẹ nhắm mắt lìa trần.

« Chân tình của mẹ chẳng hề vơi,
sẽ mãi yêu thương suốt cuộc đời ».

Thuộc về bản năng người phụ nữ nhưng không phải là một cảm xúc đơn giản, mềm yếu, bình thường mà là một tình cảm thiêng liêng, một sức mạnh kỳ diệu, một món quà đặc biệt, một phép mầu nhiệm Thượng Đế ban cho loài người. Không như tình bạn bè có sự lựa chọn, có tính cách vụ lợi, trao đổi hai chiều, có sự so sánh, ganh tị, đôi khi còn lừa đảo, lường gạt. Cũng chẳng giống tình yêu nồng cháy của lứa đôi, hữu hình, chia sẻ có giới hạn, tính toán, ích kỷ thủ lợi, có khi gian dối, ghen tuông, đôi khi gây gỗ, phản bội, dứt khoát, oan trái. Dĩ nhiên trên đời tránh sao không có những trường hợp ngoại lệ, khác thường, những hoàn cảnh bất đắc dĩ, trường hợp bệnh hoạn, sinh tử do tai nạn, giặc dã loạn ly làm mẹ phải xa lìa con, những luật lệ, phong tục cổ hủ, tranh chấp ngoan cố, cấm đoán bắt buộc mẹ phải chối bỏ con ; những bất ngờ đó xẩy đến, xáo trộn tình trạng gia đình, gây lu mờ, đảo lộn, sai lệch hình ảnh đẹp trung thực về người mẹ. Cũng may là những tình huống đó xẩy ra, hiếm so với thực tế. Từ cổ tới kim, trên toàn thế giới, tại mọi lục địa, trong mọi quốc gia, qua bao triều đại lịch sử, chẳng phân biệt mầu da, chủng tộc, thành phần tuổi tác, giai cấp xã hội hay vấn đề tôn giáo, phong tục tập quán, tình mẹ thương con từ muôn thủa thật vĩ đại, chân tình, vô biên, nồng nàn, vô điều kiện, không đòi hỏi báo đáp công sinh thành, nhân hậu, cao cả trong sự hy sinh, giáo dục, bao dung tha thứ. Người mẹ thương con hết lòng, rộng lượng, không tính toán đắn đo hay do dự, vì con là xương, là thịt của mình, con xấu hay đẹp vẫn là con của mẹ, mẹ có mười con, mẹ yêu cả mười và thương yêu từng đứa con một, dành cách riêng biệt cho mỗi đứa con, mẹ không ruồng bỏ mà còn đặc biệt chăm sóc đứa con kém cỏi, tật nguyền « Mẹ vẫn giữ niềm tin đầy hy vọng, đòi theo con dù mái tóc bạc đầu ». Mỗi lần đi trên đường gặp một bà mẹ đẩy con khuyết tật ngồi trên xe lăn, kín đáo trong lòng, tôi cảm phục sức chịu đựng của bà và cầu mong bà tiếp tục can đảm . Sau năm 1975, trong đám người đi thăm nuôi tại « trại tập trung cải tạo » miền rừng núi hẻo lánh Bắc Việt, thật ái ngại sót xa khi thấy một bà mẹ tóc đã điểm sương, lọm khọm chậm chạp mang đồ tiếp tế cho người con trai đang tù đầy, cô đơn, không rõ vì lý do nào mà chẳng có ai khác thăm nuôi…ngoài bà mẹ già.

Tình mẹ yêu thương thể hiện qua sự hy sinh tự nguyện và thầm lặng, vô song, vô biên, vô bờ bến, dưới ngàn khía cạnh : quên thân mình, chịu thiệt thòi, với mục đích duy nhất là đặt quyền lợi của con lên trên hết. Tình mẫu tử không có thước nào đo lường được và trên đường đời, không có người mẹ nào thương con kém bà mẹ khác, chỉ khác nhau về cách thực hiện tấm lòng yêu thương.Trên thực tế, sự hy sinh được biểu hiện theo nhiều hình thức khác nhau, bằng muôn cách, muôn vẻ tùy theo nhiều yếu tố : bản thân cá nhân của người mẹ kèm với tình trạng xã hội, kinh tế, văn hóa, phong tục, tôn giáo. Nhưng nói chung, vì con, người mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh tất cả, từ vật chất lẫn tinh thần : nhan sắc, tuổi thanh xuân, sức khỏe, cơ thể, thời gian, sở thích, hạnh phúc riêng tư, tiền tài, sự nghiệp.Ngay từ khi biết tin và chấp nhận sứ mạng làm mẹ, trong mấy tháng đầu thai nghén mẹ đã phải chịu cơn nôn ọe hành mệt mỏi, trong suốt chín tháng mười ngày cưu mang con, mẹ đã mang nặng, thân hình không còn thon thả, cơ thể bắt đầu lên cân theo đà phát triển của thai nhi, dáng đi chậm chạp, nặng nề, làn da bụng trước đây nhẵn phẳng bắt đầu in rõ những vết lằn nhăn nheo mất thẩm mỹ. Rồi đến ngày sinh, mẹ phải chịu cơn đau chuyển dạ xé ruột, cùng với bao lo lắng trong lòng « Đàn ông vượt biển có bè có bạn, đàn bà vượt cạn một thân một mình ». Nhưng chợt nghe tiếng con khóc đầu đời, được ôm ấp con vào lòng, như có phép nhiệm mầu, mọi cơn đau chợt biến, nhường ngay chỗ cho cảm giác hạnh phúc yêu thương dào dạt. Và từ ngày đó mẹ tíu tít bận rộn lo cho con thơ. Bài thơ « Ước gì mẹ có mười tay » (không rõ tác giả) có ghi «một tay bắt cá, còn tay này bắn chim, một tay chất chỉ luồn kim… » đâu cần phải ước mơ ! Thực sự, mẹ chỉ có hai tay nhưng mẹ có « phép tiên của tình yêu » nên mẹ sẵn sàng và có khả năng, ý chí thực hiện được cả trăm ngàn việc nhỏ lẫn việc lớn, hầu bảo đảm quyền lợi cho sự sống, cho tương lai của con. Bàn tay mẹ ấm áp ôm con, cẩn thận pha từng bình sữa, sửa soạn từng chén cơm ngon, nâng niu xoa dịu vết thương khi con vấp ngã, dịu dàng thay tã lót, âu yếm tắm rửa cho con được sạch sẽ thơm tho, trìu mến nắm tay con chập chững những bước đầu tiên, kiên nhẫn giúp con tập viết, cầm bút tô từng nét chữ khởi đầu. Mẹ ân cần dắt tay con ngày khai trường, đứng dưới nắng gắt hay mưa phùn đợi con tan trường. Mẹ thức khuya dậy sớm, mất giấc ngủ để săn sóc vỗ về con đau ốm. Để gần gũi và chăm lo cho con, mẹ tạm gạt bỏ tất cả các sở thích, thú vui tiêu khiển, họp bạn tiệc tùng. Đôi khi cả những giây phút riêng tư đầm ấm vợ chồng cũng bị thu hẹp. Mẹ dành tâm sức và toàn bộ thời gian lo cho con « Đố ai đếm được vị sao, đố ai đếm được công lao mẫu từ ». Có những trường hợp đặc biệt Mẹ phải hy sinh tiền tài, cơ sở, gián đoạn sự nghiệp, buông bỏ đường công danh. Để cứu sống con, không ngại hiểm nguy, mẹ dám hy sinh hiến dâng cả phần cơ thể quý báu như quả thận, con mắt, hay bịch máu để ghép, thay thế bộ phân trong cơ thể của con đã bị suy hoại. Trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc Việt Nam, hình ảnh xúc động của một người mẹ, vừa gục ngã giữa đường, thân xác gầy guộc, làn da nhăn nhúm bọc xương, mảnh áo trước ngực đã mở sẵn, cốt để đứa con nhỏ còn sống, biết đâu với bản năng sinh tồn, tìm được vú mẹ, mút được những giọt sữa…cuối cùng, nhạt nhẽo chẳng còn chất dinh dưỡng. Có những bà mẹ Việt Nam sau năm 1975 đã hy sinh gom góp hết tài sản gia đình chỉ đủ mua cho con một chỗ trên tầu trong làn sóng vượt biên rời quê hương điêu tàn với hy vọng tìm tương lai sáng sủa trên đất nước tự do.

Thời gian qua mau, con lớn khôn, từ bé thơ con trở thành thiếu nhi, thanh niên, trưởng thành và lập gia đình. Trên từng nấc thang, từng giai đoạn cuộc đời, mẹ vẫn luôn luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình trưởng thành liên quan đến đời sống thực tế, tinh thần, sự nghiệp, thân thế, nghĩa là trong hành trình sống làm người của con «Con dù khôn lớn vẫn là con mẹ, đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con » (nhà thơ Chế Lan Viên).Bằng lời khuyên, bằng gương sáng Mẹ dậy bảo, kiên nhẫn giáo dục, khuyên nhủ, đôi khi mẹ nghiêm khắc dẫn dắt, gieo cho con một nền tảng vững chắc cho tâm hồn với đức tính chân thật, kiên cường. Mong xây dựng cho con một tương lai tốt đẹp, thành đạt trong xã hội, Mẹ tần tảo, tiết kiệm để có tiền cho con học hành tấn tới, có bằng cấp cao, đạt sự nghiệp vững chắc. Đôi khi mẹ phải van lơn, bẩm thưa, đỡ đòn khi con gặp sự bất trắc. Mẹ vui mừng mãn nguyện, hãnh diện thấy con thành đạt, mẹ lo lắng, buồn tủi xót xa thấy con thất bại hay vấp ngã « Mẹ khóc khi con khóc, mẹ đau khi con đau ».

Trong lịch sử có rất nhiều gương sáng của các bà mẹ nổi tiếng như bà mẹ của Thầy Mạnh Tử đã ba lần dọn nhà để chọn môi trường sống thích hợp cho con, tránh ảnh hưởng xấu từ bên ngoài và không ngớt dậy dỗ con, giúp con trở thành bậc Đại Hiền Triết. Bà Thánh Monique, được chọn làm bổn mạng các bà mẹ công giáo là người mẹ gương mẫu, sống đạo đức bằng lời cầu nguyện, đức tin trông cậy, phó thác nơi Chúa. Suốt một đời bà đã kiên trì và can đảm sống bằng sự hy sinh, bằng lời van xin, khuyên nhủ đầy nước mắt để cải hóa người con từng sống bội đạo, ngụp lặn trong tội lỗi trụy lạc trác táng. Sau này nhờ mẹ Monique, con của Bà trở thành Thánh Augustinô hiển vinh.

Nhân ngày Lễ Hiền Mẫu năm nay, kính lạy Mẹ Maria, Mẹ toàn năng của đấng Tối Cao và Mẹ của chúng con, theo mệnh lệnh yêu thương của Chúa Giêsu « Đây là con của Bà » nơi chân thập giá. Mẹ là gương sáng cho các bà mẹ công giáo, xin Mẹ dẫn dắt, soi sáng, ban ơn phước cho chúng con được can đảm, chung kiên, nhẫn nại trong bổn phận, giữ đạo đức trong niềm tin, khoan dung, nhân ái trong tâm hồn, để chu toàn nhiệm vụ làm mẹ và tạo dựng không khí lành thánh cho gia đình.

Paris 30/5/21, Fête des Mères
Viết tặng tất cả các bà mẹ.

Nguyễn Đăng Quế
Nguồn:giaoxuvnparis.org