THÁNH GIUSE
Người thuộc dòng dõi Đế Vương
Sống đời hèn mọn khiêm nhường đơn sơ
Hết lòng nuôi dưỡng trẻ thơ
Từ khi nắng sớm sương mờ cần lao.
Ưu tư lo lắng biết bao
Chăm lo gìn giữ thế nào bình an
Cảnh túng nghèo, lúc khó khăn
Miền Na-gia-rét thanh bần mưu sinh.
Cũng đầy gian khó nhục vinh
Cũng đầy những tiếng cười khinh thói đời
Cũng bôn ba của kiếp người
Lấy lòng kiên nhẫn nụ cười sẻ chia.
Hết tình yêu mến sớm khuya
Vượt muôn sóng gió ngoài kia đợi chờ
Bao la ơn Chúa vô bờ
Một niềm tín thác nương nhờ cậy trông.
30/04/2022 Suối Ngàn
Người Thợ Mộc
Một ngày đầu tháng chạp năm 1878. Những tia nắng mặt trời mùa đông chiếu lấp lánh trên mái ngói đỏ tươi của ngôi nhà nguyện Đức Mẹ Ánh Sáng và trên cửa sổ trường học của các nữ tu Loretto. Bên trong tu viện, Mẹ Bề trên đang bận sắp xếp đồ đạc để đi xa, thì nghe một tiếng gõ cửa. Mẹ nói "Cứ vào đi", nhưng có vẻ hơi bực bội vì phải ngưng công việc lại.
Sơ Frances Louise xin lỗi và bước vào:
- Thưa mẹ, lại một người thợ mộc khác mới đến. Con bảo ông ấy là mẹ sắp đi bây giờ, không có thì giờ nói chuyện với ông, nhưng ông ấy nói...
- Tôi biết ông ấy nói gì rồi, - Mẹ Magdalene trả lời - Chắc ổng nói ổng là thợ khéo nhất vùng New Mexico, ổng biết cái khó khăn của ngôi nhà nguyện mới cất của chúng ta, ổng chắc chắn là có thể làm được cái cầu thang lên gác đàn, mặc dầu cái ông kiến trúc sư giỏi giang ở mãi tận Paris đã vẽ họa đồ xây cất nhà nguyện mà lại đãng trí quên không để chỗ làm cầu thang, và có tới năm ông thợ cả đã đến thử mà làm không được. Sơ nói đúng đấy, tôi không có thời giờ nghe lại câu chuyện đó nữa đâu.
- Nhưng coi ổng thật tử tế, ổng đang đứng ở ngoài kia cạnh con lừa... Sơ Frances Louise nói tiếp.
- Tôi biết chắc ổng là người tử tế rồi, và cả con lừa cũng dễ thương nữa. Nhưng bệnh tật đang hoành hành ở Santo Domingo, có thể là bệnh tả. Sơ Mary Helen và tôi phải đi bây giờ vì chỉ có hai chúng tôi đã bị bệnh đó rồi nên được miễn nhiễm. Trong lúc chúng tôi đi xa, sơ ở nhà phải coi sóc trường học. Chỉ vậy thôi. Sơ nói với ổng trở lại trong khoảng hai hay ba tuần nữa.
Nói xong mẹ cất tiếng gọi:
- Manuela!
Một cô bé da đỏ khoảng 12 tuổi, tóc đen láy, rón rén bước vào không gây một tiếng động. Cô bé bị câm nhưng có thể nghe và hiểu. Các dì phước đã cố dạy nhưng cô không nói được. Mẹ bề trên nói thật dịu dàng:
- Manuela, con mang đồ đạc của mẹ ra xe đi. Xe ở ngoài kia kìa.
Rồi bà quay sang sơ Frances Louise:
- Sơ ra nói với ông thợ mộc là tôi sẽ gặp ổng hai hoặc ba tuần nữa.
- Hai hay ba tuần. Vậy là chắc mẹ sẽ về vào dịp lễ Giáng sinh?
- Còn tuỳ theo ý Chúa. Nhưng cứ hy vọng như vậy đi.
Từ chỗ cỗ xe đang đậu, mẹ bề trên nhìn thấy ông thợ mộc đứng kia. Đó là một người khỏe mạnh, cao lớn hơn những người Mễ quanh vùng, ông để râu, đôi mắt đen trên khuôn mặt dạn dầy mưa nắng. Cạnh ông, đứng thật nhẫn nại một con lừa nhỏ da màu xám tro, lưng đeo đồ nghề thợ mộc và những khúc gỗ. Cô bé Manuela đang đứng vuốt ve cái mũi con lừa và nhìn người thợ mộc mỉm cười e lệ.
- Sơ nên giải thích cho ông thợ biết là con bé nghe được nhưng không nói được.
Sau những lời từ biệt vội vã, chiếc xe ngựa đi theo hướng tây nam trên con đường đầy bụi về phía những rặng núi. Bên trái là dòng sông Rio Grande như một giải lụa xanh. Chiếc xe chạy chậm chậm. Trong xe, mẹ bề trên và sơ Mary Helen cất tiếng hát thánh ca và kể chuyện Giáng sinh, người tài xế dạn dày sương gió chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật gù cái đầu ra vẻ thích thú.
Hai ngày sau họ tới San Domingo mới thấy không có bệnh dịch tả mà là bệnh sởi, nhưng cũng đã gây chết chóc cho bao nhiêu em bé da đỏ. Họ làm việc luôn tay để phụ giúp với cha Sebastian lúc đó đã mệt nhoài. Họ đến thăm các em bé bị sốt đang cố chống chọi với căn bệnh chết người trong những ngôi nhà tối tăm vách làm bằng đất nện.
* * *
Trở lại Santa Fe, nơi tu viện mà sơ Frances Louise có nhiệm vụ phải báo cho ông thợ mộc những lời mẹ bề trên đã dạy, là hai hay ba tuần nữa hãy trở lại. Ông quay lại nhìn khi sơ bước tới. Sơ cảm thấy mình thật nhỏ bé như một đứa trẻ dưới cái nhìn chăm chú của ông.
- Thưa ông, mẹ bề trên phải đi Santo Domingo Pueblo vì đang có bệnh ở đó, hai ba tuần nữa mẹ mới về, lúc đó ông hãy tới.
- Vậy thì tôi không trở lại được đâu, nhưng tôi đã coi nhà nguyện rồi và chắc sẽ làm được cái cầu thang lên gác đàn. Thang sẽ có hai vòng trôn ốc và 33 bậc.
Sơ Frances Louise cãi lại:
- Nhưng đã có tới năm ông thợ cả đến mà không làm được. Họ bảo không có chỗ để làm trụ cho cầu thang dựa vào, vậy tại sao ông lại chắc là ông làm được?
Một lần nữa đôi mắt ông nhìn sơ chăm chú, nhưng rồi ông mỉm cười và nói:
- Thang tôi làm không cần trụ dựa, và tôi làm được. Cứ tin tôi đi.
Thật là chuyện trớ trêu đây. Sơ không có quyền cho người lạ mặt này làm cầu thang, nhưng thâm tâm lại tin chắc ông làm được. Sơ tin ổng. Mẹ bề trên chắc phải vui lắm nếu dùng được gác đàn hôm khánh thành nhà nguyện vào mùa xuân tới. Vậy sơ nên làm gì bây giờ?
- Tôi không làm rộn ai cả. Ngay cả sơ cũng không biết có tôi ở đây đâu. Nhà nguyện thật đẹp, chỉ thiếu cái thang lên gác đàn, mà tôi thì làm được.
Sơ nghĩ bụng: Hai ba tuần nữa thì ông ấy không trở lại. Vậy đây là cơ hội duy nhất để hoàn thành ngôi nhà nguyện theo đề án của một kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng. Cứ tưởng tượng sau bao ngày bực bội mà nay lại dùng được cái gác đàn thật đẹp...
- Tôi không có quyền cho ông làm cầu thang đâu, nhưng thôi, ông muốn làm gì thì làm.
Người thợ mộc mỉm cười nói:
- Sơ sẽ không phải ân hận đâu. Tôi bắt đầu ngay bây giờ đây.
Ông quay lại Manuela, đặt bàn tay lên đầu cô bé. Sơ vội nói là nó bị câm nhưng nghe và hiểu được. Ông trả lời:
- Vâng, tôi đã biết về Manuela rồi. Tôi phải đi làm đây. Nói xong ông hạ đồ nghề xuống khỏi lưng lừa.
Sơ Frances Louise bước những bước run rẩy trở lại tu viện, dường như không tin được những gì nàng mới làm. Mẹ bề trên sẽ nói gì với sơ khi trở về? Quả thật người thợ mộc là người xa lạ nhưng nàng tin tưởng hoàn toàn nơi ông. Thâm tâm nàng tin rằng ông ấy nói được là làm được. Sơ quyết tâm không lo nghĩ gì nữa, phó mặc mọi sự nơi tay ông vì nàng nghĩ ông làm được. Công việc của sơ bây giờ là lo điều hành trường học thôi. Nhưng sơ thấy Manuela đang phụ giúp người thợ mộc đem đồ nghề vào nhà nguyện. Ông có vẻ quý mến con bé, và biết con bé bị câm ngay cả trước khi nàng nói cho ông hay. Ông quả thật là một người kỳ lạ.
Công việc ở trường và các việc khác chiếm hết thì giờ, làm nàng không có lúc nào rảnh rỗi. Sơ biết ông thợ mộc đang làm trong nhà nguyện vì mỗi khi đi ngang qua đó nàng nghe tiếng đục đẽo. Sơ cũng biết lúc nào không thấy Manuela là chắc cô bé đang ở trong nhà nguyện coi ông thợ làm việc. Con bé có vẻ quyến luyến người thợ lạ mặt này. Nhiều ngày trôi qua sơ mới có dịp vào thăm ngôi nhà nguyện và thấy công việc đã tiến hành.
Chiếc cầu thang bắc từ nền nhà đã gần lên tới gác đàn! Mặc dầu không biết gì về nghề mộc, nhưng sơ cũng thấy không có trụ để thang bám vào. Cũng không có cả tay vịn, nhưng các bậc thang xoáy tròn vỏ ốc từ mặt đất lên tới gác đàn. Ông thợ mộc đã làm đúng như lời hứa. Sơ bước lên một vài bậc thang xem có chịu nổi sức nặng hay không. Các bậc thang quả thật rất chắc chắn. Thế sao ông ấy làm được trong khi bao nhiêu ông thợ giỏi đều chịu thua? Sơ không biết, nhưng ông ấy hình như có những hiểu biết và khả năng mà những người thợ mộc khác không có.
Sơ biết mình phải báo cho mẹ bề trên biết rằng người thợ mộc đang làm ở nhà nguyện, nhưng phải đợi đến lúc mẹ về mới có thể giải thích mọi sự việc. Sơ bắt buộc phải viết một lá thư cho mẹ. Sơ cảm thấy có lỗi vì đã tự tiện cho phép người thợ mộc làm cầu thang, nhưng cả ngày bận rộn công việc, tối đến thì mệt mỏi lăn ra ngủ khi đầu vừa chạm gối.
Sơ biết người thợ cần thêm gỗ nhưng không hỏi ông lấy gỗ ở đâu. Sơ viết một lá thư khác cho mẹ bề trên, nói rằng công việc đang tiến triển khả quan. Sơ hy vọng mẹ sẽ mau về, vì cảm thấy cái lỗi của mình quá nặng không sao kham nổi, sơ sẽ thú lỗi với mẹ vì việc đã làm.
Thế rồi một ngày Manuela tới và dẫn sơ ra nhà nguyện. Có điều gì không ổn chăng? Sơ do dự không muốn vô, nhưng Manuela lấy tay đẩy nàng đi vào cửa. Nhà nguyện trống vắng, nhưng khi ngước mắt nhìn chiếc cầu thang thì nàng dụi mắt như không tin ở đôi mắt mình: sừng sững trước mặt là một chiếc cầu thang xoáy trôn ốc từ nền nhà lên tới gác đàn đã hoàn tất! Nó rất đẹp khiến nàng tưởng tượng như có các thiên thần đi lên đi xuống cất cao giọng hát mà âm thanh đang văng vẳng đâu đây...
Ngày mai là giáp lễ Giáng sinh và như vậy năm nay các học sinh trong trường có thể từ cầu thang này đi lên gác đàn hát những bản thánh ca. Giọng của chúng sẽ trầm bổng như giọng các thiên thần ca hát từ trên cao. Và ôi, nếu mẹ bề trên có mặt để mà nghe chúng ca hát. Dòng nước mắt vì quá vui chảy dài trên đôi má sơ, nàng kéo Manuela đi ra khỏi nhà nguyện.
Nhưng người thợ mộc đâu rồi? Sơ phải tìm ông ấy. Sơ không biết tên ông, và cũng không có thỏa thuận phải trả ông bao nhiêu để làm công việc này. Tiền thì đã có quỹ trường học đài thọ. Nhưng phải tìm ra ông ấy đã.
- Manuela, con có thấy ông thợ mộc đâu không?
Con bé gật đầu, đưa tay ra dấu là ông ấy đi rồi.
- Ông có mang theo đồ nghề và dẫn con lừa theo không?
Con bé gật đầu.
- Ông ấy mới đi chiều nay à?
Một lần nữa, cô bé lại gật đầu. Bỗng dưng, sơ Frances Louise biết là sẽ không bao giờ gặp ông nữa. Ông đến làm xong một việc mà không ai làm được và rồi đi mất.
* * *
Tại San Domingo. Đêm xuống, cả mẹ bề trên và dì phước Mary Helen đều mệt nhoài, nhưng đôi lúc mẹ cũng nói chuyện với cha Sebastian về lễ khánh thành ngôi nhà nguyện mới xây, dự trù vào khoảng tháng tư và Đức Tổng Giám Mục sẽ tới. Lẽ ra lễ thánh hiến sẽ sớm hơn nếu không có chuyện cái gác đàn không ai lên được trừ phi phải bắc thang mà trèo! Mẹ nói:
- Tôi đã nói với Đức Giám mục Lamy rằng đề án mà vẽ mãi tận Paris là cả một lỗi lầm. Nếu có gì trục trặc thì chúng tôi biết làm sao? Nhưng ngài nói rằng nhà nguyện của chúng tôi ở Santa Fe là rập khuôn theo ngôi nhà nguyện Sainte Chapelle tại Paris, nên tôi là ai mà dám cãi lại ngài? Vậy mà cái ông Mouly tài ba vẽ ra cái gác đàn quá cao ngay bên trên cái cửa sổ màu hồng làm chẳng ai trèo lên được.
Cha Sebastian nói cho vui:
- Có lẽ ông ấy nghĩ là để dành cho ca đoàn thiên quốc hát đấy. Loại ca viên có cánh ấy mà!
Mẹ bề trên đáp:
- Thật chẳng thú vị vậy đâu. Tôi đã cầu nguyện rồi cầu nguyện, nhưng không thấy có giải pháp nào cả. Đơn giản là vì không có chỗ trên nền nhà nguyện để làm nơi tựa cho một loại cầu thang như thế.
Ngày qua ngày, lễ Giáng sinh đã gần kề. Hai lần, người cỡi ngựa từ Santa Fe đến Alberquerque mang thư của sơ Frances Louise tới. Mọi chuyện ở tu viện đều đâu vào đấy cả, nhưng mẹ bề trên có thắc mắc về mấy đoạn trong thư: "Các em nhỏ đã sửa soạn mừng Giáng sinh. Cô bé Manuela và người thợ mộc rất thân thiện với nhau. Thật kỳ lạ là ông ấy hình như biết rất nhiều về chúng ta."
Mẹ tự hỏi: Ông thợ mộc làm gì ở đấy nhỉ?
Bức thư thứ hai đến cũng có đề cập đến người thợ mộc: "Mỗi sáng ông lại mang gỗ đến, rồi mỗi đêm ông ấy lại đi. Khi chúng con hỏi để trả tiền cây và công thợ, ông ấy chỉ mỉm cười không nói."
Không biết sơ ấy nói chuyện gì đây. Hay là lại nhẹ dạ mà cho cái ông ấy làm ở nhà nguyện? Mẹ quyết định phải trở về xem sự thể ra sao. Lúc đó, bệnh tình ở San Domingo đã ổn định, và tuyết có thể rơi làm cản lối về trước ngày lễ Giáng sinh. Vậy là họ sửa soạn cho chuyến trở về.
Tuyết rơi xuống thật, làm chuyến về rất chậm. Khuya ngày giáp lễ Giáng sinh, mãi gần nửa đêm, những con ngựa mệt mỏi mới ngừng lại trước cửa tu viện. Đèn vẫn còn thắp sáng. Manuela chạy vù xuống các bậc thềm, theo sau là dì phước Frances Louise. Mặc dầu thấm lạnh và mỏi mệt, mẹ bề trên cảm thấy có nỗi nao nức gì quanh đây mà bà không hiểu nổi.
Và bà cũng không hiểu nổi khi họ dẫn bà, vẫn còn đang mặc áo choàng ấm quấn quanh người, xuống dãy hành lang đi tới ngôi nhà nguyện còn mới tinh khôi. Mấy ngọn đèn cầy leo lét cháy. Sơ Frances Louise thì thầm vào tai mẹ:
- Thưa mẹ, coi kìa. Nhìn coi kìa!
Trông giống như một cuộn khói, chiếc cầu thang đứng sững trước mặt họ như trong một giấc mơ. Đế thang nằm trên nền nhà nguyện, còn đỉnh thì sát vào gác đàn. Nó không tựa vào đâu, mà cứ như trôi trong không gian. Không có cả tay vịn. Thang có hai vòng tròn trôn ốc, màu gỗ sơn bóng loáng chập chờn dưới ánh bạch lạp. Dì phước Frances Louise thì thầm:
- Ba mưới ba bậc, mỗi bậc là một năm trong đời Chúa.
Mẹ bề trên bước tới như người đi trong mơ. Bà đặt một chân trên bậc thứ nhất, rồi bậc thứ hai và bậc thứ ba. Không cả một tiếng rung rinh. Bà nhìn xuống cô bé Manuela đang ngước mặt lên.
- Không thể được! Thời giờ đâu mà làm xong được!
Sơ Frances Louise nói:
- Ông ấy mới làm xong ngày hôm qua. Hôm nay ông không đến. Không ai thấy ông ở Santa Fe cả. Chắc là đi rồi.
- Nhưng ổng là ai mới được chứ? Sơ cũng không biết tên ổng à?
Sơ lắc đầu, nhưng Manuela bước tới, gục gặc cái đầu ra vẻ quả quyết. Miệng cô bé há ra, nó hít một hơi thở mạnh và phát ra một thanh âm giống như tiếng hổn hển. Hai dì phước nhìn bé chăm chăm. Cô bé cố một lần nữa, và lần này miệng nó phát ra một vần, rồi một vần nữa:
- Jo--se
Cô bé níu lấy tay mẹ bề trên và lặp lại cái tiếng đầu tiên mà bé nói được: "Jose".
Dì phước Frances Louise làm dấu thánh giá, còn mẹ bề trên thấy lòng mình thắt lại. Jose là tiếng Tây ban nha, có nghĩa là Giuse. Giuse Người Thợ Mộc. Giuse, Người Thợ Cả...
- Jose! Mắt Manuela ứa lệ. Jose!
Tất cả đều im lặng trong ngôi nhà nguyện dưới bóng đèn leo lét. Không ai cử động gì. Mẹ Magdelene nghe tiếng chuông nửa đêm vọng lại qua thành phố đầy tuyết trắng bao phủ. Bà đi xuống khỏi cầu thang, nắm tay cô bé. Bà thấy như được nâng bổng lên cao bằng nỗi bàng hoàng kỳ diệu, lòng tri ân và tình thương mến. Bà biết đó là gì rồi, đó là tinh thần của ngày lễ Giáng sinh đang tỏa ngập quanh ba người.
Ghi chú
1- Đây là một truyện truyền kỳ, và giống như bao nhiêu truyện truyền kỳ khác, đều được kể đi kể lại, mỗi lần lại thêm một ít chi tiết. Nhưng chiếc cầu thang này có thật, và vẫn còn ở Santa Fe, thủ phủ tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ.
Sơ Mary Magdelene là mẹ bề trên đầu tiên của Nhà Nguyện Đức Mẹ Ánh Sáng (Our Lady of Light) và ngôi trường học do các dì phước dòng Loretto điều hành. Bà đến Santa Fe năm 1852 bằng tầu thủy và xe ngựa. Lúc đó Giám Mục Santa Fe là J.B. Lamy. Kiến trúc sư vẽ kiểu nhà nguyện là ông Projectus Mouly ở Paris. Hồ sơ trường học không thấy có ghi khoản tiền trả cho chi phí làm chiếc cầu thang, cũng không thấy ghi ai là người đã làm cầu thang đó nơi khoảng trống nhỏ bé tưởng không thể làm cầu thang được, khiến cho du khách đến thăm ai cũng lắc đầu và các kiến trúc sư ai cũng chăm chú nhìn và nói: "Không thể được!"
2- Khi ngôi nhà nguyện sắp hoàn thành, thợ mộc mới thấy cái gác đàn cao quá, sát ngay trần nhà, và nếu làm chiếc cầu thang đi lên thì chiếm mất quá nhiều chỗ trên nền nhà nguyện.
Trong cơn bối rối các dì phước hướng tới thánh Giuse, quan thày những người thợ mộc, và làm một tuần cửu nhật cầu xin Người. Đến ngày thứ chín, một người lạ mặt xuất hiện xin làm thử cầu thang. Mất từ 6 đến 8 tháng và chỉ dùng có một cái cưa, một cái búa, một thước thợ hình chữ T, một cái thùng để ngâm gỗ, người thợ hoàn thành kiệt tác thật lạ lùng này. Ông thợ đi mất trước khi mẹ bề trên Magdelene trả tiền công cho ông.
Cầu thang cao 22 feet (khoảng 7 mét). Các bậc thang không có điểm tựa ở trung tâm, kết thành hai vòng tròn 360 độ, tổng cộng là 33 bậc. Các đường vòng cung được ráp nối hết sức tinh vi, gỗ được nối ghép bẩy chỗ ở phía trong, chín chỗ ở phía ngoài, không dùng một chiếc đinh sắt nào mà toàn dùng những miếng chốt bằng cây. Gỗ làm cầu thang lấy từ cây thông loại cứng không thấy có tại New Mexico. Tay vịn cầu thang sau này mới được thêm vào để thêm an toàn cho người xử dụng.
3- Nhà nguyện hiện nay đổi tên là Nhà Nguyện Loretto (Loretto Chapel), được coi là kiến trúc gothic đầu tiên tại miền tây Mississipi. Một công ty tư nhân điều hành nhà nguyện cho khách hành hương và du khách. Nhiều đám cưới được tổ chức tại đây, cô dâu chú rể thích chụp ảnh đứng trên giữa cầu thang nhìn xuống.
Địa chỉ của nhà nguyện: 207 Old Santa Fe Trail, Santa Fe, NM 87501. Số điện thoại: 505-982-0092
Phạm Hoàng Nghị