CHƯƠNG BA THINH LẶNG: CHIỀU KÍCH PHONG PHÚ
Như chúng ta đã nói rằng, thinh lặng là một mầu nhiệm, và vì thế, nó có chiều kích rất phong phú, đang dạng trong nhiều lãnh vực của cuộc sống. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các chiều kích phong phú của thinh lặng trên các phương diện khác nhau.
1. Thinh lặng lắng nghe
Người thinh lặng đơn giản không chỉ không nói, mà phải biết lắng nghe. Lắng nghe trong thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe. Để lắng nghe, cần phải thinh lặng. Một tâm hồn ồn ào, xáo động, bấn loạn bởi những lo toan và mọi thú vui ảo, thì không thể lắng nghe.
Vì thế, con người phải trút bỏ tất cả để đi vào thinh lặng nội tâm. Chính trong thinh lặng nội tâm mà con người chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và lắng nghe tiếng Chúa. Và điều quan trọng nhất là lắng nghe những tiếng thinh lặng của Chúa Thánh Thần.
Sự thinh lặng lắng nghe còn thể hiện lòng quan tâm, một quà tặng của mình dành cho người khác và một biểu hiện nhã nhặn đạo đức. Tuyệt đỉnh của thinh lặng lắng nghe là lời nói được diễn tả trong thinh lặng, mà vẫn không hề đánh mất sự sinh động của nó.
Tâm hồn phải lắng nghe tiếng nói của thinh lặng và phải chấp nhận liên kết với sự thinh lặng, để cho Thiên Chúa đi vào trong tâm hồn mình.
2. Thinh lặng chiêm niệm
Thinh lặng chiêm niệm là thinh lặng trong Thiên Chúa. Trong sự thinh lặng này, chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, hiện diện và phơi bày trước nhan Người, dâng mình cho Người, chìm đắm trong Người, thờ lạy, yêu mến, lắng nghe và nghỉ ngơi trong Người. Đó là sự thinh lặng của vĩnh cửu, sự hiệp nhất của tâm hồn với Thiên Chúa.
Các thánh đã trải qua kinh nghiệm thần linh này. Các ngài đã ở lại trong thinh lặng trước nhan Chúa. Càng hướng lòng về Thiên Chúa, thì các ngài càng trở nên thinh lặng hơn. Thánh Philipphe Neri, thánh Têrêsa Giêsu đã nhìn thấy Thiên Chúa vô biên bằng đôi mắt của mình. Sự uy nghiêm này đã đến cuốn hút các ngài vào trong sự thinh lặng thờ kính và bình an nội tâm. Đây cũng có thể là trạng thái xuất thần của nhiều vị thánh đã chìm đắm trong thinh lặng chiêm ngắm.
3. Thinh lặng cầu nguyện
Như chúng ta đã biết rằng, cầu nguyện có nhiều hình thức khác nhau. Nhưng nếu cầu nguyện là nói chuyện, tâm sự với Chúa, gặp gỡ Chúa, thì cầu nguyện không thể ở trong môi trường ồn ào. Không ai vừa nghe nhạc đỏ hay nhạc sến, lại vừa cầu nguyện. Thành thử ra cái môi trường tốt nhất, hiệu quả nhất cho việc cầu nguyện, đó là thinh lặng.
Thật vậy, trong thinh lặng, con người cầu nguyện với Thiên Chúa, tâm sự với Ngài và Ngài nói với chúng ta như tình cha con thân thiết. Như vậy, thinh lặng và cầu nguyện sẽ không bao giờ tách rời nhau, nhưng làm phong phú lẫn nhau. Chính Chúa Giêsu cũng đã mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện trong tu phòng kín đáo, nơi đó, thinh lặng và cô tịch chiếm hữu hoàn toàn con người và con người gặp gỡ Thiên Chúa.
Thật đáng tiếc là theo thói quen truyền thống, người giáo dân mỗi lần đến nhà thờ, thì họ chỉ thích cầu nguyện ồn ào, nghĩa là đọc kinh. Một buổi cầu nguyện mà chỉ có đọc kinh: đọc hết này đến kinh khác. Từ khi bước chân vào nhà thờ cho đến khi ra về không có một chút thinh lặng nào, mà chỉ có đọc kinh liên tục. Giờ chầu Thánh thể, lẽ ra, người ta phải có thời gian thinh lặng, để tạ ơn, ca ngợi Chúa, tâm sự với Chúa, giải bày mọi tâm tư tình cảm với Chúa và để Chúa dạy dỗ, thì người ta lại gây ra bao tiếng ồn ào, náo nhiệt của kinh hạt. Người ta quên rằng, tác giả Thánh vịnh đã nói: "Lạy Chúa, đối với Chúa, thinh lặng cũng trở thành lời ca ngợi" (TV 64).
Như vậy, tự bản chất, đối với Thiên Chúa, thì thinh lặng đã là cầu nguyện. Trong thinh lặng, người ta không cần phải đọc kinh, nhưng cầu nguyện bằng việc chìm đắm trong Thiên Chúa.
4. Thinh lặng phụng vụ
Thinh lặng phụng vụ thuộc thinh lặng thánh thiêng, bởi vì nó là một luật căn bản của mọi cử hành phụng tự.
Chúng ta còn nhớ phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh, khi mà vị chủ tế tiến về phía cung thánh và ngài đã nằm dài, phủ phục trước bàn thờ. Ngài nằm như thế một lúc lâu trong sự thinh lặng tuyệt đối. Cử chỉ thinh lặng đó cho thấy rằng, con người nhận biết về sự hư vô của mình, một cách khiêm cung, con người chỉ có thể phủ phục và tôn thờ trước mầu nhiệm của Thập giá trong thinh lặng thánh thiêng.
Phụng vụ thánh lễ là mầu nhiệm thánh. Trong khi đó, chỉ có thinh lặng mới dẫn con người vượt qua ngôn từ, để đến với mầu nhiệm, đến với việc thờ kính trong tinh thần và trong chân lý. Thinh lặng là một khai tâm mầu nhiệm, nó dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà không phá hủy mầu nhiệm. Thinh lặng còn che phủ các mầu nhiệm, không phải để cất giấu, nhưng là để mạc khải. Mầu nhiệm thánh chỉ có thể được diễn tả trong thinh lặng. Như vậy, trong phụng vụ, ngôn ngữ của các mầu nhiệm chính là thinh lặng.
Theo Đức ông Guido Marini, Trưởng ban phụng vụ phủ Giáo hoàng: "Một phụng vụ được cử hành sốt sắng, trong phần khác nhau, phải có một sự đan xen hợp lý giữa thinh lặng và lời nói, trong đó thinh lặng làm sống động lời nói... Sự thinh lặng phải có không được xem là một sự nghỉ ngơi giữa các phần của phụng vụ. Nhưng chính xác hơn được xem như một khoảnh khắc chính thức của nghi lễ, bổ sung cho lời đọc, lời nguyện, thánh ca và các cử chỉ".
Đức Thánh Cha Benedito 16 đã xác định ý nghĩa sâu xa của sự thinh lặng trong phụng vụ như sau:
"Thinh lặng đương nhiên cũng thuộc về phụng vụ. Sự thinh lặng phải trọn vẹn, chứ không phải chỉ là sự vắng mặt của lời nói và hành động. Những gì chúng ta mong chờ nơi phụng vụ mang lại cho chúng ta, đó là sự thinh lặng thật sự, tích cực, nơi đó chúng ta có thể tìm thấy chính mình. Một thinh lặng không phải là sự nghỉ ngơi đơn thuần, nhưng là sự bình tâm mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm".
4.1. Thinh lặng của Lời Chúa
Ngày nay, có lẽ do bị chi phối bởi những hoạt động bên ngoài, mà khi cử hành phụng vụ thánh lễ, người ta không còn chú tâm vào sự thinh lặng của bàn tiệc Lời Chúa. Linh mục chủ tế nhiều khi không chuẩn bị bài giảng của mình trong thinh lặng cầu nguyện và chiêm ngắm, cho nên khi lên tòa giảng, ngài nói thao thao bất tuyệt, chẳng đi vào trọng tâm của Lời Chúa ngày hôm đó. Thay vì dọn bữa tiệc Lời Chúa cho giáo dân ăn, thì ngài nói về chính trị, kể vài câu chuyện cười vui nhộn...
Đức Hồng Y Ratzinger đã không ngần ngại cảnh báo rằng, nếu chúng ta không hiểu chỗ đứng của thinh lặng, chúng ta sẽ có nguy cơ bỏ qua Lời Chúa. Vì vậy, chúng ta phải đi vào trong nơi sâu thẳm của thinh lặng, nơi đó mầu nhiệm cao cả, vượt trên mọi lời nói của nhân loại, sẽ thông ban. Hơn nữa, ngài còn khẳng định với chúng ta rằng, Lời Chúa mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng.
Tôi còn nhớ có một lần, tôi tham dự thánh lễ kỷ niệm 70 năm thành lập của một giáo xứ thuộc giáo phận Phát Diệm. Đức cha Giuse Nguyễn Năng chủ tế. Sau phần bài giảng Lời Chúa của Ngài là thinh lặng. Cả cộng đoàn chìm đắm trong thinh lặng vài phút. Thật là tuyệt vời! Trong thinh lặng thánh thiêng đó, tất cả mọi người, từ chủ tế cho đến các linh mục đồng tế và mọi người giáo dân, đều chìm đắm trong thinh lặng, để cho Lời Chúa dạy dỗ và thấm nhập vào trong tâm hồn mỗi người.
Qua dụ ngôn người đi gieo giống, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, Lời Chúa lớn lên, trưởng thành hay bị bóp nghẹt là tùy thuộc vào thái độ lắng nghe của mỗi người. Và hầu chắc một điều là nếu chúng ta lắng nghe Lời Chúa với thái độ thinh lặng lắng nghe, thì chắc chắn Lời Chúa sẽ sinh hoa kết trái trong lòng chúng ta, hạt được 100, hạt được 60 và hạt được 30. Còn nếu không lắng nghe Lời trong thinh lặng cầu nguyện, thì Lời Chúa sẽ bị bóp nghẹt bởi gai góc, bị nắng mùa hè thiêu đốt làm cho chết.
Trong sắc lệnh hướng dẫn Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói rằng, phải tìm lại được cái giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm Lời Chúa đã nói với chúng ta.
Là linh mục, nam nữ tu sỹ, chúng ta hãy dành nhiều thời gian cho Chúa, cho việc cầu nguyện, cho việc đọc và suy gẫm Lời Chúa trong thinh lặng chiêm niệm bằng phương pháp Lectio Divina.
4.2. Thinh lặng Thánh Thể
Có thể nói đỉnh cao của thánh lễ là mầu nhiệm Thánh Thể. Không có gì nhỏ bé hơn, dịu êm hơn và thinh lặng hơn Chúa Kitô hiện diện trong Bánh Thánh. Mẫu bánh nhỏ này thể hiện sự khiêm nhường và thinh lặng tuyệt hảo của Thiên Chúa, sự yêu thương, vỗ về của Ngài dành cho chúng ta.
Chúng ta hãy bắt Mẹ Têrêsa Calcutta, thích ở lại trong thinh lặng lâu giờ trước Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể. Sở dĩ Mẹ có một sức mạnh phi thường như vậy là vì Mẹ đã chìm đắm trong thinh lặng Thánh thể. Trong thinh lặng, Chúa Giêsu Thánh Thể đã dạy dỗ và tăng thêm sức mạnh cho Mẹ, để Mẹ có thể phục vụ tha nhân đến quên mình.
Tại Đại hội Giới trẻ thế giới ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, năm 2011, thay vì đọc bài diễn văn, nói chuyện với giới trẻ, Đức Thánh Cha Benedicto 16 đã mời các bạn trẻ cùng với ngài đi vào thinh lặng thờ phượng. Quỳ trước Thánh thể, ngài đã giảng bằng sự thinh lặng của ngài. Lúc bấy giờ có hơn một triệu bạn trẻ sau lưng ngài, ướt sũng tới xương và đứng trong bùn lầy. Mặc dù thế, một sự thinh lặng thánh thiêng bao trùm cả đám đông, nói cách khác, sự thinh lặng tràn ngập sự thờ kính. Đây là một kỷ niệm không thể nào quên, một hình ảnh của Giáo hội hiệp nhất xung quanh Thiên Chúa của mình, trong sự thinh lặng tuyệt đối.
4.3. Linh mục với thinh lặng
Khi cử hành phụng vụ, linh mục phải làm mẫu gương tuyệt vời cho các kitô hữu trong việc thinh lặng thánh thiêng. Trước hết, phòng thánh là nơi thánh thiêng, để linh mục chuẩn bị tâm hồn, đại diện cho dân Chúa dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Thế nhưng Đức Hồng Y R. Sarah, Tổng trưởng thánh bộ Phụng vụ và Kỷ luật Bí tích đã than phiền rằng "Thật buồn và hầu như là phạm thánh, khi nghe có các linh mục và các giám mục không ngừng luyên thuyên trong phòng thánh, và ngay cả trong khi rước lễ vào, thay vì định tâm và suy niệm trong thinh lặng mầu nhiệm tử nạn của Chúa Kitô trên thập giá..." Ngoài ra, ngài còn cho thấy có biết bao nhiêu linh mục đang tiến tới bàn thờ hiến tế mà vẫn tán ngẫu, trò chuyện hoặc chào hỏi những người hiện diện, thay vì đắm mình vào trong sự thinh lặng thánh thiêng đầy niềm tôn kính... Có biết bao nhiêu linh mục tiến bức lên bàn thờ một cách ngạo nghễ và chào hỏi giáo dân bên phải, bên trái, để tỏ ra dễ mến. Thinh lặng thánh là một tài sản quý giá của các tín hữu và các giáo sĩ không được tước đoạt điều đó của họ.
Thánh lễ là mầu nhiệm Thánh Thể cao trọng mà linh mục cử hành hàng ngày. Vì thế, linh mục phải dành thời gian sống thinh lặng, để nhờ đó mà ngài có thể làm nổi bật ý nghĩa và sức mạnh thánh thiêng của Kinh nguyện Thánh thể. Hơn nữa, thánh lễ là điều thánh thiêng nhất của linh mục, cho nên linh mục phải cử hành với sự xứng đáng, thinh lặng và thánh thiện. Thế nhưng để được như thế, thì người linh mục phải biết khi nào cần thinh lặng và khi nào cần phải nói. Vậy linh mục phải giữ thinh lặng khi nào? Chắc chắn phải giữ thinh lặng hầu như mọi lúc, trừ khi nào cần phải nói. Nếu linh mục có sở thích nói nhiều, thì ấy là cám dỗ của ma quỷ.
4.4. Thinh lặng trong thánh lễ
Theo sách lễ Roma, trước hết, thinh lặng được ấn định trong việc sám hối. Sau khi chủ tế làm dấu thánh giá, kêu gọi cộng đoàn phụng vụ sám hối, thì thinh lặng một lát, rồi cả cộng đoàn thú nhận tội lỗi bằng kinh Thú nhận hoặc bằng công thức sám hối khác theo qui định của luật phụng vụ. Mục đích của việc thinh lặng này là giúp cho mọi người tham dự phụng vụ ý thức rằng: họ đang ở trước sự hiện diện của một Thiên Chúa cực thánh, đang khi đó họ là những tội nhân; và họ đang âm thầm dâng lên Chúa Chí Thánh những ý nguyện của họ.
Trong lời nguyện nhập lễ, linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn cầu nguyện. Mọi người cùng với linh mục chủ tế giữ thinh lặng giây lát.Sau đó, linh mục chủ tế đọc lời nguyện nhập lễ.
Phần phụng vụ Lời Chúa cũng vậy. Theo như Lễ Quy năm 1969, thì phụng vụ Lời Chúa bao gồm cả những khoảnh khắc thinh lặng. Những khoảnh khắc thinh lặng này có thể được thực hiện một cách thích hợp sau bài đọc thứ nhất, sau bài đọc thứ hai và cuối cùng là sau bài giảng. Đây là những lời khuyên, để giúp cho giáo dân kết hợp với linh mục trong đức tin và thinh lặng.
Thinh lặng sau khi rước lễ. Sự thinh lặng này giúp cho chúng ta dâng lên Chúa lời ca ngợi, cảm tạ và cầu nguyện trong tâm hồn.
Rồi sau khi tráng chén xong, linh mục có thể trở về ghế và có thể giữ thinh lặng thánh một lúc.
Sau đó, linh mục đứng tại ghế hay tại bàn thờ, hướng về giáo dân và đọc: "Chúng ta dâng lời cầu nguyện", rồi giang tay đọc lời nguyện hiệp lễ, nhưng trước khi đọc lời nguyện này, linh mục có thể giữ thinh lặng trong giây lát...
Như thế, sự thinh lặng không bao giờ vắng mặt trong công thức của nghi lễ Rôma, miễn là người ta thực hiện theo những chỉ dẫn và các linh mục dựa theo những lời khuyên của nghi lễ. Tuy nhiên, trong thực tế, xem ra người ta lại quên hầu hết các khoảnh khắc thinh lặng trong thánh lễ. Người ta cử hành cho thật nhanh, đọc không ngưng nghỉ, không thinh lặng vì bị chi phối bởi những công việc bên ngoài. Có những vị linh mục cử hành thánh lễ đọc nhanh theo kiểu "liên hoàn cước", không có một chút tâm tình sốt mến, tâm tình phụng vụ cũng như tâm tình thờ phượng.
Đây chính là yếu điểm trong việc cử hành phụng, đặc biệt là đối với các linh mục trẻ ngày nay. Vì thế, các linh mục cần phải chấn chỉnh lại cung cách cử hành phụng vụ sao cho phù hợp với những chỉ dẫn trong luật phụng vụ đã qui đinh về những thời khắc thinh lặng trong thánh lễ.
(Còn nữa)