THING LẶNG THÁNH
Lời nói đầu
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều nhận thấy rằng, cuộc sống ngày hôm nay của con người bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Tiếng ồn ào đã thâm nhập vào cuộc sống con người như một cơn sóng thần và âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách. Con người bị tấn công bởi biết bao tiếng thét gào, la lối, hỗn độn trong cuộc sống hiện đại ồn ào và cực kỳ nhạy cảm. Thời gian thinh lặng càng ngày càng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống đời thường của đa số những con người ngày nay. Hầu như con người bị chìm sâu trong làn sóng dư luận, bị chao đảo theo các ngọn gió tin tức truyền thông, rồi những tiếng ầm ầm của máy móc hay những âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại, tiếng ồn ào trong các quán ăn, nhà hàng… đã chiếm hết tâm trí con người đến nỗi họ không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Sự hụt hẫng, trống rỗng, mà nhiều người ngày nay cảm nhận, chứng tỏ rằng họ đã đánh mất một chiều kích của chính mình. Họ đã quên mất con đường về căn nhà lương tâm và về mảnh vườn nội tâm của lòng mình, nơi có thể nói cho họ biết tất cả.
Thiếu thinh lặng, con người chẳng bao giờ nghe được tiếng nói của lương tâm, không thể nhận biết chính mình và thậm chí còn thu hẹp mọi mối tương quan với người khác. Như vậy, sự thinh lặng cần thiết biết bao cho cuộc sống con người!
Xét về phương diện nhân bản, thì chỉ có sự thinh lặng mới giúp con người thực sự lắng nghe, để nhờ đó mà thấu hiểu và đón nhận tha nhân một cách chân thực. Thinh lặng còn giúp cho con người bước vào những mối tương quan nhân loại bền vững hơn. Paul Xardel đã nói thật chí lý: “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều, nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”.
Xét về phương diện tâm linh, thinh lặng lại càng cần thiết hơn nữa, bởi vì tiếng ồn bên ngoài có thể gây biến động bên trong thay vì cho thấy những chiều sâu của tâm hồn. Chính nhờ sự thinh lặng trong tâm hồn, mà con người mới có thể tiến tới đời sống tâm linh trổi vượt, điều mà con người hằng khát khao mong mỏi. Sự thinh lặng ấy tạo điều kiện quân bình cho đời sống con người và sự tăng trưởng của cá nhân mỗi người.
Trong cái thế giới ồn ào ngày nay, thiết nghĩ, cần phải sống thinh lặng nhiều hơn, bởi vì sự thinh lặng rất cần thiết để mỗi người nhìn lại chính mình. Trong sự thinh lặng, con người dễ dàng làm chủ bản thân, làm chủ giác quan, và đặc biệt, khi thinh lặng con người buộc phải đối diện với chính mình. Từ đó, con người có cơ hội tìm về nội tâm, tìm về với chính con người thật của mình để nhìn lại, tìm hiểu và suy xét bản thân…
Và đỉnh cao của sự thinh lặng đó là con người chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa là bạn của thinh lặng. Một điều chắc chắn rằng, con người không thể gặp gỡ Thiên Chúa trong sự ồn ào, náo động. Điều đó cho chúng ta thấy ở nơi các ngôn sứ, các ngài đã gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng và cô tịch. Chính Chúa Giêsu cũng gặp gỡ Chúa Cha trong thinh lặng và tĩnh mịch của sa mạc. Như vậy, chỉ có trong thinh lặng, thì con người mới có thể lắng nghe Lời của Thiên Chúa nói với mình theo đúng nghĩa của Lời Chúa là Lời Hằng Sống, Lời mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Như vậy, trong đời sống thánh hiến tu trì thì lại càng cần đến sự thinh lặng. Bởi vì là những người đi theo Chúa Giêsu, các linh mục và nam nữ tu sỹ càng cần phải có nhiều thời gian thinh lặng, để gặp gỡ Thiên Chúa giống như Thầy Chí Thánh của mình. Không gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng, các linh mục và nam nữ tu sỹ sẽ dần dần xa rời Thiên Chúa, làm cho đời sống tu trì của mình trở thành gánh nặng và buồn chán.
Vì thế, xin mạo muộn giới thiệu đến quý độc giả tập sách nhỏ mang tựa đề: THINH LẶNG THÁNH. Hy vọng tập sách này góp phần nhỏ bé trong việc tìm lại ý nghĩa thiêng thánh của thinh lặng, để nhờ đó mà người kitô hữu nói chung, cách riêng đối với các linh mục & nam nữ tu sỹ, những người sống đời tận hiến cho Thiên Chúa, ngày càng kết hiệp mật thiết với Chúa trong thinh lặng.
Tập sách nhỏ này được lấy nguồn cảm hứng chính từ cuốn sách “Sức mạnh của thinh lặng” do ĐHY Robert Sarah biên soạn và một số cuốn sách có liên quan tới chủ đề thinh lặng. Trong khi sưu tầm và biên soạn cũng sẽ không tránh được những hạn chế, thiếu sót. Vì thế, rất mong quý độc giả thông cảm và chân thành chia sẻ góp ý.
Xin chân thành cảm ơn.
Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Chánh xứ Sầm Sơn
Tổng Đại Diện Gp. Thanh Hóa
CHƯƠNG MỘT
KHÁI NIỆM THINH LẶNG
1. Phân biệt im lặng và thinh lặng
1.1. Im lặng là gì?
Im lặng là ngừng hoạt động của môi miệng, nghĩa là câm, không nói ra bằng lời. Thậm chí người ta không thèm nói vì đang tức giận đến tột độ hoặc quá đau khổ đến nỗi không thốt nên lời. Tuy nhiên, ngay chính lúc im lặng là lúc người ta nói nhiều nhất: không nói bằng lời, nhưng nói bằng tư tưởng, bằng trí óc. Chẳng hạn khi gặp một cô gái đẹp đi ngang qua, tôi im lặng nhìn ngắm chứ không thốt ra lời ca ngợi hay chê bai, nhưng trong khi đó, ngôn ngữ của tư tưởng, của trí óc vẫn không ngừng hoạt động.
1.2. Thinh lặng là gì?
Thinh lặng là một trạng thái hoàn toàn khác, là khi mặt hồ của tâm hồn không hề gợn sóng, và thinh lặng là khi chúng ta đang lắng nghe, đang đắm mình trong một không gian bình an, tĩnh tại, phẳng lặng và dịu êm.
Theo từ điển Petit Robert[1], thinh lặng là thái độ của một người giữ im lặng, không nói. Nó biểu thị một sự thiếu vắng tiếng nói, tiếng ồn ào và âm thanh, là tình trạng của một nơi chốn không nghe được bất cứ âm thanh nào.[2]
Ở đây người ta đặt vấn đề rằng: sự thiếu vắng tiếng ồn, tiếng nói và thiếu vắng âm thanh, phải chăng nó luôn là thinh lặng? ĐHY Sarah đã trả lời: Thinh lặng không phải là một sự thiếu vắng. Ngược lại, thinh lặng là biểu hiện của một sự hiện diện mãnh liệt nhất trong mọi sự hiện diện.[3]
2. Các trạng thái thinh lặng
2.1. Thinh lặng bên ngoài
Thinh lặng bên ngoài không có nghĩa là không nói hay câm; không phải lúc nào mặt cũng lầm lì, lặng lẽ, ủ rủ, buồn rầu. Nhưng thinh lặng bên ngoài là chúng ta giữ gìn tiếng nói, giao tiếp vừa đủ nghe, tránh làm những việc gây ồn ào, nhất là khi sử dụng những phương tiện vui chơi giải trí với âm thanh quá lớn khi không cần thiết.
2.2. Thinh lặng bên trong
Thinh lặng bên trong hay còn gọi là thinh lặng nội tâm, nghĩa là con người chúng ta ở trong một trạng thái không suy nghĩ bất cứ một điều gì; loại bỏ mọi tư tưởng bực dọc, ghen gét, hận thù; loại bỏ những lo toan cơm áo gạo tiền ra khỏi tâm trí. Lúc bấy giờ tâm hồn chúng ta ở trong trạng thái tĩnh lặng, không có bất cứ một điều gì làm xáo trộn nó. Điều này có thể nói là nó khá giống như thiền định và yoga. Đây là trạng thái thinh lặng để nhận biết chính mình và tha nhân.
2.3. Thinh lặng thánh
Thinh lặng thánh là thinh lặng nội tâm (như đã nói ở trên). Nhưng chúng ta không dừng lại ở đó, mà chúng ta còn tiến xa hơn nữa, đó là tâm trí chúng ta gặp gỡ Chúa; tâm hồn chúng ta hướng về Chúa. Chẳng hạn trong phụng vụ thánh lễ, sau khi rước lễ, chúng ta ở lại trong thinh lặng thánh, đó là tâm trí chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa trong tâm tình cảm tạ và tri ân. Chính trong những giây phút thinh lặng thánh thiêng đó, chúng ta sẽ được gặp Chúa và Người sẽ nói với tâm hồn chúng ta.
Trong trạng thái thinh lặng đó, phương pháp Lectio Divina là rất phù hợp, để giúp cho chúng ta cầu nguyện với Chúa, gặp gỡ Lời Chúa và để cho Lời Chúa dạy dỗ chúng ta trong thinh lặng. Đây là một thinh lặng mà trong đó chúng ta chỉ ngắm nhìn Thiên Chúa, Thiên Chúa ngắm nhìn chúng ta và bao bọc chúng ta trong mầu nhiệm yêu thương của Ngài.
Cho nên, người kitô hữu và nhất là đối với các linh mục, nam nữ tu sĩ, chúng ta cần phải đạt tới tình trạng thinh lặng thánh thiêng này. Điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ dừng lại ở thinh lặng bên ngoài và thinh lặng nội tâm, mà chúng ta còn phải đạt tới thinh lặng thánh. Nói như vậy cũng thật là khó để giữ thinh lặng trong chúng ta, vì cuộc sống ngày nay đầy dãy những ồn ào và xáo trộn. Vì thế, muốn có được thinh lặng thánh, thì chúng ta cần phải rất cố gắng sống thinh lặng bên ngoài cùng như thinh lặng bên trong.
2.4. Sự liên kết thinh lặng
Có thể nói được rằng giữa các trạng thái thinh lặng có một sự gắn kết với nhau. Thật vậy, sự thinh lặng bên ngoài chỉ là bước chuẩn bị cho chúng ta tiến đến thinh lặng bên trong (nội tâm). Và từ thinh lặng nội tâm (bên trong) dẫn chúng ta đi đến thinh lặng thánh thiêng.
Thành thử ra muốn đạt được thinh lặng thánh, thì trước hết, chúng ta phải trải qua thinh lặng bên ngoài. Rồi từ thinh lặng bên ngoài lại dẫn chúng ta tiến đến thinh lặng nội tâm. Và từ thinh lặng nội tâm, chúng ta dần thăng tiến đến thinh lặng thánh.
Một khi đã đạt tới thinh lặng nội tâm rồi, thì chúng ta dùng Lectio Divina để cầu nguyện, gặp gỡ Chúa bằng suy gẫm Lời của Ngài, lời Chúa sẽ dạy dỗ chúng ta trong thinh lặng. Đó là thinh lặng thánh thiêng. Người ta không thể đạt được thinh lặng nội tâm, nếu không giữ thinh lặng bên ngoài. Và người ta cũng sẽ không đạt được thinh lặng thánh, nếu không có thinh lặng nội tâm.
2.5. Thinh lặng tiêu cực
Một điều mà chúng ta cần phải xác định rằng, không phải bất cứ sự thinh lặng nào cũng đương nhiên là lành mạnh, là dấu chỉ của sự khôn ngoan hay của chiều sâu nội tâm. Cho nên, chúng ta cần phải cảnh giác khi sự thinh lặng không xuất phát từ nội tâm chân chính, không hướng về Thiên Chúa và tha nhân, thì sự thinh lặng của con người sẽ là một sự hàm hồ và thiếu nhân đức.
Thời nay, với công nghệ thông tin bùng nổ, thời đại internet, thiếu gì những con người sống trong thinh lặng. Chẳng hạn như những “game” thủ, tức là những người nghiện game. Họ ở trong thinh lặng suốt đêm. Nhưng sự thinh lặng đó không phát xuất từ nội tâm chân chính. Nhìn bề ngoài, xem ra người ta sống trong thinh lặng, nhưng bên trong thì đầy dãy nhưng toan tính độc ác và những thỏa mãn tính vui thú xác thịt. Đó chính là thinh lặng tiêu cực, mà chúng ta cần phải tránh xa. Đồng thời chúng ta cũng phải biết giáo dục con em chúng ta không đi vào con đường thinh lặng tiêu cực này. Trong sách “Những nẻo đường thinh lặng”, Michel Hubaut đã chỉ cho chúng ta thấy những thinh lặng tiêu cực, đó là[4]:
Thinh lặng dửng dưng: xem thường người khác với cái nhìn dửng dưng, ích kỷ và trịch thượng.
(Còn tiếp)
(Trích tác phẩm Thinh Lặng Thánh của Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ, Tổng Đại diện Gp. Thanh Hoá, chính Sầm Sơn)
[1] Cfr. ĐHY R.Sarah, SỨC MẠNH CỦA THINH LẶNG, Nhà sách Đức Mẹ Hòa Bình, 2019, Tr. 43.
[2] Ibid. Tr. 43.
[3] Ibid. Tr. 43.
[4] Cfr. Michel Hubaut, NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG, NXB Tôn giáo, 2007, chương 10: Mặt sáng và tối của thinh lặng.