Tấm ảnh kỷ niệm- Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary

 

LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH – CẦU CHO ƠN GỌI THIÊN TRIỆU

---
Tùy bút
TẤM ẢNH KỶ NIỆM

-----|sss|-----
(Tui viết bài này dành riêng cho các bậc phụ huynh, những người đang muốn hướng con cái mình sống theo ơn gọi Dâng hiến)
---
Bạn hãy nhìn vào bức ảnh cũ này, bạn thấy những gì? Một cậu bé đang được hôn nhẫn của Giáo Mục sau khi được ngài trao quà. Cậu bé ấy là tui đó nha. Và đây là câu chuyện đằng sau bức ảnh này.
---
Trong số chín bà chị gái, tui cực kỳ ghét bà thứ tám. Cả nhà ai cũng cưng chiều, nhưng có mỗi bả là hay đánh và la mắng tui, lại còn bắt tui quỳ gối mỗi khi buổi trưa trốn ngủ đi lội ao, bắt cá, hoặc tung tăng với đám bạn trong xóm rong ruổi khu mồ mả ngoại giáo kiếm đồ cúng ăn. Tuy vậy có một điều tui ghét bà tám hơn cả là hay bắt tui đi lễ vào mỗi buổi chiều. Đang rong chơi mà nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng phải về đặng đi lễ thì thật tiếc chừng nào. Thế nên tui thường xuyên trốn lễ. Tui với thằng bạn thân cứ vào vườn điều để hái trái ăn. Thứ trái chát ngầm nhưng mỗi khi nhắc đến lại thấy thèm. Sau một vài lần bị ăn đòn vì phát hiện áo dính đầy mủ điều loang lỗ, bọn tui chú ý và kinh nghiệm hơn. Nhưng rồi cũng vẫn bị phát hiện trốn lễ đi chơi. Tui thì bị bắt quỳ gối, còn nó thì bị ăn đòn. Chúng tôi vẫn chứng nào tật đấy. Thằng bạn nhanh chí canh mấy đứa đi lễ về và hỏi cha mặc áo màu gì đặng khi bị người lớn hỏi thì biết đường trả lời. Con nít mà, sao qua mặt người lớn được! Thế là tui tiếp tục bị ăn đòn. Nhớ có lần, gần đến giờ đi lễ, mà tui lại dùng dằng không muốn đi, chẳng biết phải làm cách nào để khỏi đi lễ, nên tôi nảy ra một ý định táo bạo, lấy kéo cắt đứt quai dép. Nhà tui khi đó nghèo lắm, đâu dễ mua dép mới, vậy mà chỉ vì không thích đi lễ tui sẵn sàng cắt đứt đôi dép duy nhất của mình. Thế là tui bị cho ăn đòn túi bụi, và đó là trận đòn tui nhớ nhất.
---
Sau trận đòn nhớ đời đó, chẳng hiểu sao tui lại siêng đi lễ. Không biết là tui sợ ăn đòn hay có điều gì đó từ bên trong thúc giục. Cứ mỗi khi cha dâng Mình Thánh và Chén Thánh lên cao, rồi đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…” là tui đếm một lần, hai lần, ba lần... (Sau này học cao hơn về thần học, tui mới biết đó là trung tâm và chóp đỉnh của Thánh Lễ.) Tui nhớ không lầm là tui đếm được mấy trăm lần như thế. Điều đó cũng có nghĩa là tui đi lễ liên tục hơn một năm không bỏ ngày nào.
---
Tháng 8 năm 1994 tui được Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu. Thật may mắn tui được chọn đọc Sách Thánh. Đó thật sự là một kỷ niệm đáng nhớ và tự hào. Hai tháng sau, tui được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, và lần này, tui cũng vinh dự được Đọc Sách Thánh, nhưng quan trọng hơn, tui lại được chọn là thiếu nhi duy nhất trong giáo xứ được chính Đức Giám Mục tặng quà vì là thiếu nhi siêng năng đi lễ nhất. Một bạn khác được tặng quà như tôi là do được giải nhất giáo lý.
---
Bây giờ mọi người thử nhìn lại bức ảnh một lần nữa. Một cậu bé đang hôn nhẫn Giáo Mục, tay cầm quà, mặc áo sơ mi đóng thùng đẹp trai nha. Nhưng hãy nhìn xuống đôi chân, một đôi dép mới đơn sơ và sạch sẽ. Tui vẫn nhớ như in cái mùi mủ nhựa của dép mới. Nhìn đôi san đan của bạn bên cạnh để thấy gia đình tui khi đó nghèo khó hơn so với gia đình của các bạn cùng trang lứa. Đôi dép mà tui đã cắt đi năm nào, giờ được thay bằng một đôi khác và sau này là nhiều đôi khác nữa, nhưng quan trọng, từ khi đó trở đi, những đôi dép đưa tui đến nhà thờ thay vì lang thang rong chơi cùng đám bạn. Tui cũng chẳng bao giờ cắt dép mình một lần nào nữa. Đi lễ giờ không còn do bị ép buộc mà là sự tự nguyện. Cũng cùng năm đó, cha xứ tui thay đổi, cha mới về. Ngài mời gọi các thiếu nhi nam vào ban lễ sinh. Rất nhiều cha mẹ đến xin cha xứ cho con mình vào ban giúp lễ, nhưng duy chỉ có mình tui là cha xứ chọn gọi đích danh mà không cần cha mẹ xin. Đó là dấu ấn quan trọng trong ơn gọi của tui.
---
Thế rồi tất cả những bạn lễ sinh đến tuổi dậy thì ương bướng lần lượt nghỉ hết, chỉ còn lại mình tui, tui ghép cặp với các bạn mới vào sau này. Cũng từ khi đó trở đi, ngày ngày tui càng yêu mến Bàn Thánh hơn. Chẳng biết sao tui chỉ muốn phục vụ Bàn Thánh và ở lại nhà thờ mãi thôi. Thời gian làm lễ sinh của tui kéo dài 8 năm từ năm tui 10 tuổi cho đến khi 18 tuổi. Tôi thi vào nhà Dòng Thánh Thể và bắt đầu hành trình ơn gọi của mình.
---
Đó là câu chuyện tuổi thơ của tui. Xem ra rất bình thường như bao câu chuyện ơn gọi của người khác. Điều tui muốn nói ở đây, trong bài viết này là ơn gọi không tự nhiên mà đến, nó phải được nuôi dưỡng từ khi còn bé. Có rất nhiều cha mẹ, thậm chí ngay cả các anh chị tui cũng nói con muốn con con đi tu, nhưng nói nó không chịu. Làm sao nó chịu được trong khi nó không có môi trường? Làm sao nó có ơn gọi trong khi cha mẹ không bao giờ mang nó đến nhà thờ? Làm sao nó có ơn gọi được trong khi cha mẹ chẳng bao giờ đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện… Một đứa trẻ, chưa biết gì, nếu cha mẹ không có những hướng dẫn, thậm chí dùng áp lực như cách mà chị tui đã làm với tui thì có lẽ tui cũng không có và chẳng bao giờ yêu mến ơn gọi. Đôi khi “thương cho roi cho vọt” vẫn có giá trị của nó. Một đứa trẻ không tự mình quyết định tương lai cho mình, nó cần sự chỉ dẫn của người lớn. Đó là ông bà cha mẹ, là các anh chị lớn trong gia đình.
---
Ngày cầu cho ơn gọi, nhiều người mong muốn con mình sau này cũng biết dâng mình cho Chúa như các cha, các sơ. Đừng đợi đến khi chúng lớn, nhưng hãy gợi ý cho chúng từ khi chúng còn nhỏ. Đôi khi trong gia đình chúng ta phải “đóng vai ác”. Tuy vậy, chính sự nghiêm khắc của chúng ta sẽ là cách tốt nhất cho con cái mình có một nền tảng đức tin vững chắc. Và từ nền tảng đó, con cái của chúng ta sẽ mạnh dạn bước theo Chúa sống đời thánh hiến. Tôi tin là như thế.
------
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS