“QÙY TRƯỚC ĐỀN VÀNG”,
THƠ CỦA “NGƯỜI ĐI NHẶT CHỮ” TÀI HOA.
(Đọc tập thơ Quỳ trước đền vàng của Lê Đình Bảng. Nxb Tôn Giáo 2010)Bùi Công Thuấn
Con chỉ là người đi nhặt chữ
Lang thang nơi phố chợ đông người
Để nghe mạch chảy, nghe trời đất
Ngàn vạn âm vang của cuộc đời…
(Kinh khuya)
Những dòng thơ trên đủ giới thiệu cho bạn đọc một hồn thơ khoáng đạt, cao rộng. Hồn thơ ấy “nghe mạch chảy” của thời gian, “nghe trời đất” cất lời và, nghe ”ngàn vạn âm vang của cuộc đời”. Đó là một hồn thơ đã vượt ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian để trái tim rung cảm dào dạt trước vẻ đẹp rất lạ lùng và kỳ diệu của cuộc đời này.
Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra Lê Đình Bảng còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu…
Quỳ trước đền vàng là tập thơ riêng về Đức Maria.
KHÁM PHÁ MỚI MẺ VỀ HÌNH TƯỢNG ĐỨC MARIA
Ở Việt Nam, việc sùng kính Đức Maria đã trở thành lòng đạo nhiệt thành của giáo dân. Trong một năm có đến 2 tháng hoa, tháng Năm và tháng Mười, dành để giáo dân quây quần xung quanh Mẹ, đọc kinh Mân Côi, kiệu hoa, dâng hoa. Các tước hiệu dành cho Đức Maria cũng rất phong phú: Đức Mẹ Hằng cứu giúp, Đức Mẹ ban ơn lành, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Maria Nữ vương hòa bình… Linh địa Công giáo cũng là linh địa của Đức Mẹ: Đức Mẹ La vang, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Măng Đen, Đức Mẹ Tàpao… Kinh nhạc để cầu nguyện cùng Đức Maria cũng rất phong phú và có nhiều bài tuyệt hay.
Vì thế, thật không dễ để có thể khám phá ra những điều mới mẻ về hình tượng Đức Maria. Trước đây, Hàn Mặc Tử đã viết bài Ave Maria tuyệt hay, bài thơ lại được Nhạc sư Hải Linh phổ nhạc, tạo nên một lâu đài nghệ thuật tráng lệ:
…Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân rất đỗi anh linh…”
Những câu thơ dát bằng châu ngọc ngôn ngữ ấy sẽ là đỉnh thi sơn mà những nhà thơ Công giáo đi sau khi viết về Đức Maria không dễ vượt qua.
Lê Đình Bảng đã khắc họa được một hình tượng Đức Mẹ rất đẹp nhưng hoàn tòan khác với hình tượng Đức Maria của Hàn Mặc Tử.
Nhà thơ họ Hàn ca tụng Đức Mẹ “bằng hương hoa sáng láng/ Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng”, và đặt Đức Mẹ trên trời cao với chuyển động của vũ trụ: “xôn xao muôn tinh tú/ …náo động cả muôn trời”. Xung quanh Đức Mẹ “Sáng nhiều quá” và “Thơm dường bao”.
Lê Đình Bảng đem Đức Mẹ về gần gũi với mình, gần gũi với đời sống khó nghèo gian nan. Đức Mẹ hòa trong khung cảnh thiên nhiên Việt Nam, cô đọng trong những tình tự dân tộc, và sâu lắng trong tâm thức Việt về người mẹ. Đặc biệt, Lê Đình Bảng dùng hình ảnh “Mẹ hóa đá” đã có trong văn hóa dân gian Việt để khẳng định lòng tin: Mẹ vững như núi đá chở che con Mẹ mấy trăm năm ở những linh địa. Nhờ thế, bạn đọc ngoài Công giáo có thể tiếp cận được thơ về Đức Mẹ một cách tự nhiên, như thơ về người mẹ trần gian của mình.
Mẹ sống với đàn con những ngày nước trắng đồng không, những ngày mưa giông, bão lụt khắp cả Bắc, Trung, Nam:
Mẹ là giại nứa phên tre
Những khi nắng quái, bốn bề mưa giông
Lòng tin con, ngã ba sông
Trông ra nước trắng đồng không mấy bờ
(Heo may lời con)
Mẹ với đời nghèo khó âm thầm nhẫn nhục.
Mẹ tít tắp đầu non
Hai trăm năm nhẫn nhục
…Đất vẫn nghèo sỏi đá
Vẫn lá rau, con cá
Con bốn mùa nắng nôi
Đêm đêm thắp sao trời
Mẹ, mưa nguồn tắm gội
Cây đời con tốt tươi”
(Mẹ vẫn ở đầu non)
Một hình tượng giàu phẩm tính dân tộc:
Mẹ vẫn đứng cùng phong rêu quá khứ
Hai trăm năm, phơi rát mặt gió Lào
Cháy lòng con bao nỗi nhớ xôn xao
Mỗi khi đếm từng mùa thu đi, thay lá
(Trường ca Mẹ La vang)
Một tứ thơ rất đẹp về cái nóng khắc nghiệt của gió Lào làm đá rịn mồ hôi.
Bỗng dưng con thấy bồi hồi
Sông khuya đá rịn mồ hôi gió Lào…
…Mẹ là bến lặng bờ trong
Để con nương náu mà giong thuyền về
(Kinh nguyện La Vang)
Mẹ là Mẹ cả núi sông.
Dừng đây, đôi ngả đi, về
Chênh vênh đá dựng, tư bề núi non
Tít mù làng bản, sơn thôn
Rưng rưng khói biếc hoàng hôn nhớ nhà…
…Mẹ sông, Mẹ núi, Mẹ ngàn
Mẹ ôm lấy cả vô vàn chúng sinh
(Mẹ. Suối an bình)
Lê Đình Bảng gặp gỡ hồn thơ Hàn Mạc Tử, nhưng vẫn rất khác:
Vì đêm ấy mới là đêm trừ tịch
Xác-hồn-thiêng-vô-nhiễm trổ thành hoa
Giữa ba tòa sen ngát ánh dương pha
Giữa băng tuyết rỡ ràng ơn phước lạ
Hai nghìn năm, Mẹ sầu bi hóa đá
Lạnh vô cùng, tím ngắt những hoàng hôn…
(Cửa đẹp)
Lê Đình Bảng khác Hàn Mặc Tử vì khắc tạc Đức Maria trên nền của hiện thực Việt Nam:
Sau cuộc chiến tưởng chừng không được gặp
Lúa ngô reo hay triệu triệu tấm lòng
Mấy đồng trong, nước trắng cũng về sông
Mẹ đứng đó, hai trăm năm, lệ đá”
(La Vang. Tháng Tám mùa thu)
Lê Đình Bảng tâm tình với Mẹ:
Con mải mê cuộc sống
Để bây giờ tay không
Vẫn lạc chợ, trôi sông
Vẫn cơm đường, cháo chợ
Mẹ thành non thành đá
Phong rêu với bụi bờ…
(Lên ngàn)
Và đây là lời nguyện cầu:
Lạy Mẹ Tà Pao giáng phúc, ban ơn
Xin mở rộng cửa thiêng đường, Mẹ nhé
Và thương lấy những đoạn trường, dâu bể
Để chúng con làm muối mặn cho đời
Thả lưới xa bờ, chỗ nước xa khơi
Bên phải mạn thuyền, cá tôm đầy chặt
(Trường ca Mẹ Tà Pao)
Lê Đình Bảng ít nói đến Mẹ trên trời. Đức Maria trong thơ Lê Đình Bảng cũng không đậm chất thần học trong Kinh thánh như Mẹ đồng công Cứu chuộc, Mẹ Thiên Chúa. Người Mẹ ấy cũng không phải là Mẹ của những ơn phép lạ mà người bình dân thường cầu xin (lâu lâu lại có tin đồn Đức Mẹ hiện ra chỗ này, chỗ kia). Đức Maria của Lê Đình Bảng gần gũi thân thương lắm, và rất Việt Nam.
Tôi rất thích tứ thơ này về Đức Mẹ, vì Mẹ cùng “nắng nôi dãi dầu”, cùng ”áo rách thương nhau” với con dân Việt.
Đội ơn Đức Mẹ Môi Khôi
Cho con yêu cả nắng nôi dãi dầu
Cũng đành áo rách thương nhau
Cái duyên cam quít vừa sâu vừa đằm…
(Con về thăm xứ bưởi)
Và đây là hình ảnh người mẹ trần gian đã nuôi nấng nhà thơ niềm tin yêu cậy trông với Đức Mẹ trên trời. Hình ảnh người mẹ này thật mới lạ trong thi ca Việt đương đại.
Mẹ ngồi trước hiên, tay lần tràng hạt
Đếm cả đời người được mấy mùa vui…
Nhà ta đó, tiếng súng xa đồn bót
Đêm đêm về, nghe thầm thĩ cầu kinh…
Mẹ cong lưỡi chữ R phát Riệm
Mỗi lần dạy con dâng hạt, dâng hoa
Lần chuỗi Mân Côi kính nhớ Đức Bà
Mấy chục năm qua con vẫn nhớ lời mẹ…
(Tháng Giêng, Về Phát Diệm)
Của cải mẹ cha cho có vậy
Để dành khi con lớn, con khôn
Những câu kinh sách, phiên chầu, lễ
Đã thấm vào da thịt, máu, xương
Đã nên nhân đức, nên lòng đạo
Nuôi sống cả đời con, xác, hồn…
(Chuyện những mùa hoa)
NHỮNG BÀI THƠ TÌNH CÔNG GIÁO
Hình như sau bài thơ tình Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh (1950), tôi chưa được gặp bài thơ tình Công giáo nào (?). Vì thế khi được đọc Quỳ trước đền vàng, tôi thật ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ tình Công giáo của Lê Đình Bảng:
Quê nhà
Tháng Năm rồi tới tháng Mười
Làm sao quên được một thời ấu thơ
Cùng em đi lễ nhà thờ
Hoa bằng lăng nở tím bờ ao sen
Em quỳ, tôi cũng quỳ bên
Hương trầm lên, khói trầm lên trước tòa
Mẹ là vườn ngát hương hoa
Chúng con, giọt nước mưa sa ngoài đồng
Bạn đọc ngoài Công giáo không hiểu tại sao nhà thơ lại nói đến tháng Năm và tháng Mười trong kỷ niệm tình yêu. Đó là hai tháng “nhà đạo” dành tôn kính Đức Mẹ. Trong hai tháng này, nhà thờ Công giáo có nghi thức dâng hoa, rước kiệu Đức Mẹ, không khí vui như ngày lễ hội.
Tình yêu trong bài thơ chỉ là kỷ niệm đơn sơ nhưng thánh thiện, tinh khiết: kỷ niệm nhà thơ cùng em đi lễ nhà thờ, con đường có hoa bằng lăng tím và có cả ao sen. Em quỳ, tôi cũng quỳ bên/ Hương trầm lên, khói trầm lên trước tòa.
Kỷ niệm chỉ có vậy nhưng bài thơ tình có sức ám ảnh về những điều mới lạ. Đó là tứ thơ “Cùng em đi lễ nhà thờ/ Hoa bằng lăng nở tím bờ ao sen”. Cái mới lạ của tứ thơ là sự kết hợp màu tím bằng lăng lãng mạn với hoa sen hồng thuần khiết. Nhưng mà, ao sen gần nhà chùa hơn “nhà đạo”, và hương trầm, khói trầm bay lên nghi ngút cũng là không gian Thiền. Cả hai chất liệu tưởng như xa lạ và trái ngược với cái đẹp Công giáo lại được miêu tả hết sức tự nhiên. Một điều lạ nữa là nhà thờ thường đông người nhất là trong tháng hoa. Ở thôn quê ngày xưa, trong nhà thờ, nam nữ không được ngồi bên nhau như Tây. Trong bài thơ này, nhà thơ và em lại rất riêng tư. Cùng quỳ bên nhau, cùng hướng lên Đức Mẹ, tâm hồn họ bay lên cùng với hương trầm và khói trầm ngào ngạt.
Lê Đình Bảng đem vào thơ tình Công giáo chất liệu làng quê thấm đẫm tình tự dân tộc kết hợp với vẻ đẹp của cái riêng tư phương Tây tạo nên một bài thơ tình rất đẹp. Đó là cái đẹp của một tình yêu đơn sơ, thánh thiện, sự tinh khiết, gắn bó với làng quê, tình quê. Tình yêu này rất khác với tình yêu đậm chất nhục thể trong thơ tình Xuân Diệu.
Thơ tình Lê Đình Bảng neo được trong lòng người đọc nhiều cảm xúc là nhờ cái tình tự làng quê rất đậm ở những tứ thơ thật tài hoa:
MÙA TRĂNG VU LAN NHỚ MẸ
Năm ấy em lên mười mấy tuổi
Tôi từ phố huyện về thăm quê
Trời mưa, mưa mấy ngày không ngớt
Con nước lên sấp sấp bậc hè
Nghe thoáng, ở bên bờ giếng, đợi
Đầu vườn cây khế mới ra hoa
Hình như cơn gió nồm nam gọi
Đôi sáo nâu về đậu trước nhà
Chúng cũng như mình thôi, vất vả
Nhịn ăn, đâu nhịn được tình yêu
Trời ơi, cái tháng ba năm đói
Mong bếp nhà ai lên khói chiều
Có phải vì em mau nước mắt
Khi không, ra đứng ngóng đầu thôn
Em buồn, tôi cũng buồn lây, nhỉ
Nom cứ như hai đứa mất hồn
Em biết tôi mồ côi bố mẹ
Những thèm yêu, thèm nhớ người dưng
Giờ, em ở phía nơi chân sóng
Tôi, đóm sao khuya lạc cuối rừng
Chả biết đến khi nào gặp lại
Mà thời gian đằng đẵng vô chừng…
Cứ mỗi mùa Vu Lan cúng quả
Nghe chùa bên mở huệ, tuần chay
Dọc đường ra nghĩa trang em bảo
“Mẹ ngủ trong gò đất cỏ may
Thành bụi, thành tro than lãng đãng
Vầng trăng tơ mọc giữa ban ngày”
Hiện thực sống đạo ở làng quê làm phong phú thêm không gian nghệ thuật của thơ ca Việt Nam.
Tôi từ phố Hiến xa xôi
Cây rau, ngọn cỏ, suốt đời long đong
Hôm vô tới xứ Đàng Trong
Chờ em ở mãi Ba Giồng mới lên
Đò theo sông Hậu, sông Tiền
Những mông mênh nước, những mênh mang trời
Nửa khuya, cập bến Chùa Dơi
Thoảng nghe kinh kệ, nhịp vơi, nhịp đầy
Hạt mừng em giấu trong tay
Hạt thương, tôi dỗ dành cây hoa hường
Đường nào xuôi ngả Thơm Rơm
Qua Hàm Luông, ghé Cái Mơn mấy hồi
Đền vàng, quỳ trước song đôi
Khấn dâng, một mảnh gương soi trước tòa
Đây là Phép Ngắm Rosa
Và đây tràng chuỗi Đức Bà Môi Khôi
Bao giờ cho đến tháng Mười
Chim quyên xuống đất thuyền tôi lên bờ
Nắng vàng ngoài dậu ô rô
Hôm nay lễ trọng, nhà thờ đông ken
Dập dìu trai gái đua chen
Cho tôi theo kiệu về bên xứ nhà
Lạy trời, đừng nổi phong ba
Để tôi neo một bến phà-quê em…
Bài thơ hay ở chất giọng ca dao, ở sự tài hoa của nhà thơ trong nghệ thuật kể chuyện, ở cái tình tự quê hương rất sâu trong những tứ thơ đột ngột mới lạ và ở nét đẹp lễ hội Công giáo làm mới hẳn không gian thơ (so với không gian nhà chùa trong thi ca dân tộc).
Tôi trích hơi dài và không bình gì thêm, vì cái hay của thơ Lê Đình Bảng như hương hoa thấm vào rất sâu ở mọi giác quan của người đọc, tạo nên cái âm vang nghệ thuật trong tâm hồn, đó là một thứ hạnh phúc rất lạ chỉ có nghệ thuật mới có thể đem đến.
NHÀ THƠ, NGƯỜI NHẶT CHỮ TÀI HOA
Thơ Lê Đình Bảng hiện lên hình ảnh “người nhặt chữ” tài hoa. Đó là một thi nhân lãng tử, một gã thương hồ. Nhà thơ tự hỏi:
Hoa quỳ năm ngoái, năm xưa
Có còn yêu gã thương hồ hay không.
(Mẹ như trăng ở đầu nguồn)
Người thơ hòa trong dòng người hành hương đi mọi miền đất nước: Đỉnh Mẫu sơn (Lên đình Mẫu Sơn), đền thánh Đức Mẹ La Vang (Trường ca Mẹ La Vang),vào nam viếng Đức Mẹ Bãi Dâu (Nguyện cầu Mẹ Bãi Dâu), về thăm Đức Mẹ ở Xứ Bưởi Năm Roi (Con về thăm xứ Bưởi), Về thăm Mẹ Hòn Chông, Tháng 5 về quê Mẹ Trà Kiệu, Về thăm Mẹ Trà Kiệu-Bến Tre. Nhà thơ”lên núi chay tịnh bốn mươi ngày” (Lên ngàn), lên Tây Nguyên viếng Đức Mẹ Măng Đen (Kinh cầu Mẹ Măng Đen), về Phan Thiết viếng Mẹ Tà Pao (Trường ca Mẹ Tà Pao)…
Trăm năm trước những ai về Dinh Cát
Về Cổ Vưu, Cây Da, ghé Hội Yên
Những nhà thờ - họ đạo, xóm làng bên
Cờ xí rợp mấy vùng quê lương, giáo
Người ở Kinh ra, cân đai, áo mão
Kẻ Đàng Ngoài vô, thanh lịch, đài trang
Qua Truông nhà Hồ, vượt phá Tam Giang
Chốn heo hút bỗng dập dìu phường phố
Đợi con nước, tuần trăng, xem quỳnh nở
Tháng Tám mùa thu, đến hẹn lại lên
Trăm nẻo về, cùng một bến đông ken
Muôn ngã rẽ chảy đầy nguồn sông Mẹ
(Trường ca Mẹ La Vang)
Lòng thành chẳng dám đơn sai
Chúng con Kinh Bắc, dặm dài đường xa
Những là mớ bảy mớ ba
Chân son phách nhịp, miệng hoa hát tình…
…Đương mùa vải chín trên cây
Thảo thơm dâng Mẹ những ngày hành hương
(Nỗi niềm Kinh Bắc)
Trong dòng người đông ken ấy, “gã thương hồ” đầy ắp tâm sự. Đó là nỗi niềm của “kẻ đã treo gươm rửa kiếm”, đời”Như một ngọn nhang tàn thắp khuya”, nhưng còn lắm gian nan.
“Xót kẻ đã treo gươm rửa kiếm
Thân ngựa già thoắt biến màu sương
Mơ phai tàn cuộc đoạn trường
Nước trôi sông vắng con đường tịch liêu”
(Khóc mẹ)
Như một ngọn nhang tàn thắp khuya
Heo may khẽ động đã tan lìa
Đời con những nắng trưa, mưa sớm
Đắm đắm trông lên một nẻo về
(Mẹ hằng xuân)
Đời con, thuyền ván ra khơi mãi
Giông gió tư bề, giông gió thôi…
Những lúc chênh chao mùa đổi gió
Mẹ ơi con mệt đứt hơi rồi
Chèo buông, không lái, trôi đầu sóng
Mẹ dẫn đưa con về đến nơi
(Đầu sóng xa khơi)
Biết vậy nhưng không thể khác được, vì đã trót tài hoa. Nhà thơ tâm sự với Mẹ:
Mẹ biết, lòng con như chỉ rối.
Sợi thưa mau, ngang dọc bời bời
Chả là, con trót đa mang quá
Gieo gió, đành cam gặt bão thôi
Đã mấy lần ăn năn sám hối
Ngựa quen đường cũ đã lâu rồi
Làm sao rửa sạch bao lầm lỗi
Chẳng lẽ làm hư phí của giời
(Phù dung)
Dù trăn trở cuộc sống “nắng mưa” nhưng người thơ gần gũi và tin yêu Mẹ, có khi đùa vui bên Mẹ.
Mẹ ơi khi Mẹ lên trời
(Cho con cưỡi ngựa đi mời quan viên)
Đêm nay chờ nụ trăng lên
Thuyền ơi, đừng dạt về bên kia bờ
(Mẹ như trăng ở đầu nguồn )
Bạn đọc những câu thơ đầy ắp tâm sự của Lê Đỉnh Bảng, và nhiều khi kinh ngạc về sự tài hoa của thi nhân. Tài hoa ấy thể hiện ở sự phát hiện “Cái đẹp” của đời sống Công giáo, cái đẹp của tình yêu lứa đôi thánh thiện tinh khiết, cái đẹp của những tứ thơ bất ngờ, cái đẹp của thơ ca cổ điển, cái đẹp ở vốn từ giàu có trong sự giao thoa giữa ngôn ngữ bình dân với ngôn ngữ bác học. Còn có Cái đẹp của sự kết tinh thơ cổ điển, thơ lãng mạn với ca dao và cái đẹp của một “hồn thơ đạo” cao rộng phóng khoáng, sánh ngang với hồn thơ Đường và cốt cách thơ Thiền.
Đây là những câu thơ thấp thoáng Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du:
Xót người vò võ trông mong
Chân mây, đầu núi, quãng đồng, dặm xa…
Xót người dầu dãi trên non
Hơi sương, khói núi, hoàng hôn, nguyệt tà
(Nguyện cầu Mẹ Bãi Dâu)
Âm hưởng những câu Kiều vừa sang trọng vừa day dứt:
Cũng đành gửi lại mai sau
Phất phơ ngoài nội bông lau cuối mùa
Lấy gì đền đáp thân thưa
Mẹ ơi, bong bóng chiều mưa tội tình?
Hạt buồn vào cõi ba sinh
Hạt hư vô của phận mình long đong
Kể từ con biết trông mong
Trái tim như cứ bồng bềnh, ủ ê.
Từ hôm nguồn bỏ sông về
Xa nhau, bỗng nhớ non khuya bóng chày
Bãi bờ nghìn dặm quanh đây
Bên kia lũy khuất, bên này rào ngăn
(Cho mai sau đời con )
Phảng phất khí vị Thiền, và âm vang thơ cổ điển:
Mai sớm đầu sương phơi sắc thắm
Đã chiều phai nhạt mấy tràng giang
Xin làm hạt bụi rơi vương vãi
Mỗi bước chân qua chẳng ngó ngàng
(Phù dung)
Hạt sương đầu ngọn cỏ sớm mai phơi sắc là hạt sương của Vạn Hạnh Thiền sư (“Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”- Thị đệ tử). Tứ thơ “Đã chiều phai nhạt mấy tràng giang” gợi ra hình ảnh nỗi buồn cổ điển của Huy Cận trong bài Tràng giang. Nhưng Lê Đình Bảng kết hợp hòa điệu tư tưởng Thiền, màu sắc cổ điển với tư tưởng con người chỉ là tro bụi của Thiên Chúa giáo tạo nên một tứ thơ mới lạ.
Cái tình tứ tài hoa này thật thú vị:
Nghĩ mình, một chút mưa sương
Giọt vui chưa cạn, giọt thương đã nhòa
Những ngày chơm chớm hương hoa
Thoáng qua, chỉ một thoáng qua, phai tàn
Chiều chiều mây trắng bay ngang
Ấy ai, đò dọc, đò ngang xa vời
Bây giờ sông rẽ ngăn đôi
Nhớ nhung là của hai người nhớ nhung
(Nhớ nhung)
Và sự tinh tế đến kinh ngạc:
Ở đây, cồn bãi lưa thưa
Thoảng nghe chuông lễ nhà thờ hôm mai
Ở đây, trứng cá, bông xoài
Một cơn gió thoảng rụng ngoài hiên mưa
(Về thăm Mẹ Hòn Chông)
XIN ĐƯỢC CHIA SẺ VỚI NHÀ THƠ
63 bài thơ trong Quỳ trước đền vàng đều là những bài thơ hay, có nhiều bài cái hay níu lấy người đọc không dứt ra được (Trường ca Mẹ La Vang, Kinh nguyện La Vang, La Vang. Tháng Tám mùa thu, Về La Vang. Nhà Mẹ trăm gian, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đồng dao, Quê nhà, Mùa trăng Vu lan nhớ mẹ, Tiệc cưới Cana, Về thăm Mẹ Hòn Chông, Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ…).
Rất vui và rất quý vì sau Hàn Mặc Tử, thơ ca Công giáo lại có được một ngòi bút tài hoa như nhà thơ Lê Đình Bảng. Quỳ trước đền vàng đặc sắc ở những hình ảnh rất đẹp của đời sống Công giáo. Tình yêu Công giáo rất tinh khôi. Tiếng thơ là tiếng tâm tình chân thực. Và hơn tất cả, Quỳ trước đền vàng khám phá, sáng tạo nhiều tứ thơ mới lạ so với thơ ca đương đại; khám phá hình tượng Đức Mẹ hòa trong thiên nhiên, cuộc sống và tâm thức Việt. Cái Tôi “nhà đạo” của thi nhân đã vượt qua Cái tôi cô đơn bế tắc của Thơ Mới. Lê Đình Bảng vẫn làm thơ truyền thống, nhưng đã nâng phẩm chất nghệ thuật của thơ truyền thống Việt lên một bước mới, đó là sự kết hợp mỹ học truyền thống với mỹ học Kitô giáo đậm chất Việt.
Nhà thơ vẫn chưa ngừng bay lên:
Xin mở rộng cửa thiên đường Mẹ nhé
Con bay lên theo cánh gió của trời
Mẹ là biển, là sao mai chiếu rạng
Thuyền con neo, chờ bến lặng, ra khơi
(Thuyền đời)
Tháng 6/ 2020
____________________________________
(*) Lê Đình Bảng sinh năm 1942, tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán- Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1966, ĐH Sư Phạm Sài Gòn-Việt Hán năm 1971. Hiện định cư ở Gibbsboro, New Jersey, USA.
https://buicongthuan.wordpress.com/2020/06/24/tho-le-dinh-bang-quy-truoc-den-vang/