Lòng biết ơn trong Tín Ngưỡng Dân Gian Việt Nam (Phần III)- Tác giả: M.Hạnh Tử

Lan Mary

 

PHẦN III
LÒNG BIẾT ƠN ĐIỀU CHỈNH NHỮNG LỆCH LẠC
TRONG CÁI NHÌN VỀ CÁC GIÁ TRỊ HIỆN THỜI


Như đã trình bày trong 2 phần trên : Lòng biết ơn có một tầm quan trọng trong truyền thống đạo lý Việt Nam (phần I) và sự tác hại khi thiếu vắng lòng biết ơn trong xã hội Việt Nam hiện tại, một xã hội mà dường như những giá trị vật chất và thực dụng đang lấn át những giá trị tinh thần truyền thống (phần II). Liệu trong lòng xã hội ấy lòng biết ơn còn có chỗ đứng không? Còn giá trị không? và có góp phần điều chỉnh được những lệch lạc về cách nhận định, đánh giá các giá trị trong thời đại hôm nay không? Xin tiếp tục tìm câu trả lời trong phần trình bày tiếp theo.

Trước tiên, có thể khẳng định lòng biết ơn luôn có một giá trị bất biến, giá trị thời sự, nghĩa là lòng biết ơn vẫn còn có giá trị với xã hội hôm nay. Vì sao dám khẳng định như vậy? Thưa, vì trong tương quan giữa người với người, lòng biết ơn chính là một chiếc cầu nối xây dựng sự hiệp thông, hiệp nhất, đồng thời, lòng biết ơn dạy cho con người biết cách làm người. Lòng biết ơn chính là một trong những biểu hiện của các giá trị được đề cao trong xã hội hôm nay. Có nghĩa là lòng biết ơn là một giá trị nhân bản, tinh thần và nhất là, lòng biết ơn là một giá trị giáo dục.

I. Chỗ đứng của lòng biết ơn trong xã hội hôm nay

1. Lòng biết ơn – một giá trị nhân bản.

Văn hoá Việt Nam mang đậm nét chữ Nhân, mà lòng biết ơn là một biểu hiện. Yếu tố này đã góp phần xây dựng tình đoàn kết dân tộc trong suốt bao thế kỷ và luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc.

Ngày nay dù nền kinh tế thị trường có làm cho con người đề cao vật chất nhưng lòng biết ơn không bao giờ mất đi vị trí của nó trong đời sống con người cũng như trong văn hoá dân tộc. Lòng biết ơn là một thái độ nhân bản cần phải có trong cách cư xử giữa người với người. Trong xã hội văn minh hôm nay, người ta luôn coi trọng và đề cao những nguyên tắc nhân bản như điều kiện để đối thoại. Mà lòng biết ơn chính là một trong những thái độ hành xử rất tốt đẹp, nó khiến người ban ơn cảm thấy công khó của họ được đón nhận và trân trọng, nhờ đó mà họ mở lòng ra, và ngược lại nó khiến người đón nhận cảm thấy vui vì biết rằng họ được quan tâm, được giúp đỡ. Lòng biết ơn khi đó trở thành một món quà mà người đón nhận trao lại cho người đã giúp đỡ họ. Chính ở điểm này mà lòng biết ơn xoá nhoà khoảng cách giữa hai người, xoá đi sự phân biệt đẳng cấp.

Tác giả Huỳnh Huệ đã nhận định rằng “lòng biết ơn làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô độc trên thế giới này”. Để dẫn chứng cho nhận định của mình, tác giả trích dẫn câu nói của Kevin Eikenberry “có một liệu pháp kỳ diệu không mất tiền và rất ít công sức, nhưng lại giúp các bạn hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn, lạc quan và sáng tạo hơn. Liệu pháp này là lòng tri ân. Lòng tri ân hấp dẫn những thứ ta muốn, cải thiện các mối quan hệ, làm giảm đi tính tiêu cực, làm tăng khả năng giải quyết vấn đề và đặc biệt giúp ta học những điều mới”.

Chính vì thế mà các nhà tâm lý luôn đề nghị chúng ta sử dụng lòng biết ơn trong cuộc sống hằng ngày như một nghệ thuật sống vui, sống đẹp. Ngày nay nghiên cứu sâu rộng về cảm thức biết ơn đang trở thành một lãnh vực thu hút sự chú ý của nhiều nhà tâm lý học, vì những tác động rõ rệt của cảm thức biết ơn đến thái độ sống của một con người. Nó giúp người ta sống yêu đời hơn. Nhà tâm lý học David De Steno của Đại học Northeastern trong một công trình nghiên cứu đã phát hiện ra rằng “lòng biết ơn hướng con người đến những hành vi đạo đức hoặc ít vị kỷ hơn. Và nó củng cố mối quan hệ mật thiết với xã hội, vốn là yếu tố nền tảng cho sự phát triển cả về vật lý lẫn tâm lý của con người”.

Chính vì lòng biết ơn có giá trị nhân bản cao đẹp như thế, nên tác giả Hoàng Thanh Minh đã mời gọi mọi người thực hiện nếp sống nhân bản qua lời cám ơn: “Hai tiếng cám ơn có giá trị tâm lý và tình cảm khá sâu sắc. Nó thể hiện nhân cách của một người học thức biết hoà đồng với mọi tầng lớp, lứa tuổi và còn là lực hút mọi người tới cộng tác hay gần gũi trong mọi trường hợp với mình.

Hai tiếng cám ơn không đơn thuần là lễ phép trong xã giao, dịch vụ mà còn là động lực lôi cuốn người khác đến với mình, ngày càng nhiều thêm. Những tiếng cám ơn trong xã giao và dịch vụ luôn luôn có ý nghĩa nồng thắm và khôn ngoan. Đó còn là những tiếng dịu dàng, thân ái của người lịch duyệt mà một người có ý thức cần phải để ý tới.”

2. Lòng biết ơn – một giá trị tinh thần.

Người Việt Nam thường tự hào là dân tộc đề cao tinh thần hơn vật chất, điều đó được thể hiện qua những thành ngữ, tục ngữ mang đậm tính triết lý sống kiểu “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm” … Thậm chí đôi khi, ý thức coi thường vật chất, đề cao tinh thần ấy đã lên đến đỉnh điểm để trở thành một sự phủ nhận: “Giàu nhân giàu nghĩa thì giàu, giàu tiền, giàu bạc ai cho là giàu”. Thế nhưng, trong xã hội thực dụng và tiêu dùng hôm nay, liệu bài học truyền thống này còn có giá trị? Thiết nghĩ, trong mọi thời đại, những giá trị tinh thần vẫn luôn được đề cao dù ở hình thức khác nhau, trong đó, giá trị tinh thần vẫn được xem là một yếu tố nổi bật của đời sống xã hội, nên lòng biết ơn, một giá trị tinh thần, vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng.

Không chỉ dừng lại nơi những tương quan nhân bản, tức là xây dựng tình thân ái giữa người với người, lòng biết ơn còn là một giá trị tinh thần. Bởi theo linh mục Nguyễn Ngọc Thế S.J, “lòng biết ơn gắn liền với chính tình yêu thương, mà thực sự điều đáng kể nhất trong cuộc sống này chính là tình yêu”. Như vậy, ở đây tác giả đã đồng hoá lòng biết ơn với tình yêu, mà tình yêu là một giá trị tinh thần. Do đó, chúng ta cũng dám khẳng định rằng, lòng biết ơn là một giá trị tinh thần, một giá trị luôn được xã hội đề cao. Chúng ta có lý do để khẳng định như vậy, vì lòng biết ơn thực sự chỉ xuất phát từ một tâm hồn tràn ngập yêu thương. Biết ơn không chỉ là lịch sự mà nó gắn liền với lòng yêu thương. Cám ơn nhiều bao nhiêu thì tình yêu thương càng nhiều bấy nhiêu. Tình yêu này hướng về đối tượng đã giúp đỡ tôi và tôi tri ân họ bằng tất cả con tim, và như vậy cũng có thể nói rằng tôi đang yêu mến họ. Khi nói tình yêu gắn liền với lòng biết ơn, có nghĩa là tình yêu nảy sinh và tăng triển hay không cũng một phần do lòng biết ơn, và ngược lại, vô ơn sẽ là một thái độ quay mặt đi và lãnh đạm trước “nhận và cho của tình yêu”. Lòng biết ơn vì thế trở thành một hàng rào của tình yêu và của ban tặng.

Như vậy, lòng biết ơn vừa là chiếc cầu nhân bản giúp người gần người, vừa là sợi dây tình yêu liên kết con người chặt chẽ với nhau. Thế nên ai luôn sống biết ơn thì người đó cũng đang sống trong tương quan mật thiết với con người. Biết ơn làm nảy sinh bầu khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng chia sẻ. Vì thế, một xã hội mà trong đó mọi người đều ý thức sống tinh thần biết ơn nhau, thì xã hội đó sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Cũng vậy, thế giới này sẽ hiệp nhất, sẽ tràn ngập tình yêu và sự bình an nếu ai ai cũng nuôi dưỡng và thực thi lòng biết ơn chân chính.

Ngày nay, trong những dịp lễ kỷ niệm, người ta thường tặng nhau những tấm thiệp, những cánh hoa hay những món quà nho nhỏ để diễn tả tình yêu, sự quan tâm và nhất là lòng biết ơn mà người ta dành cho nhau. Đó là những liều thuốc tinh thần giúp người ta sống đẹp, sống có ý nghĩa. Lòng biết ơn quả là một giá trị tinh thần cao quý.

3. Lòng biết ơn – một giá trị giáo dục

Có thể nói rằng, tự bản chất lòng biết ơn đã là một giá trị giáo dục. Vì sao vậy? Vì lòng biết ơn dạy cho người ta biết làm người.

Như đã đề cập, giáo dục là một giá trị được mọi thời đại coi trọng như một yếu tố để xây dựng và phát triển xã hội. Muốn thành công trong giáo dục, người ta thường vận dụng phương cách giáo dục bằng truyền thống kết hợp với những kiến thức hiện đại. Những giá trị truyền thống giúp con người hiểu về truyền thống văn hoá dân tộc để rút ra những tinh tuý cho cuộc sống, những kiến thức hiện đại trang bị cho con người hành trang để sống trong một thế giới hiện đại.

Trong xã hội Việt Nam, vấn đề giáo dục truyền thống vẫn thường được quan tâm như một phương thế để bảo vệ và phát huy truyền thống dân tộc. Những giá trị truyền thống đó lại được chuyển tải cách cụ thể nơi các Tín Ngưỡng Dân Gian, chẳng hạn như lòng yêu nước được diễn tả trong Tín ngưỡng thờ thần hoàng và những người có công với đất nước; lòng biết ơn diễn tả trong Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên … lòng yêu nước và lòng biết ơn đều được tóm gọn thành một giá trị truyền thống là “uống nước nhớ nguồn”. Từ lý luận này, chúng ta có thể thấy rằng, lòng biết ơn chính là một giá trị giáo dục cần được đề cao.

Quả vậy, mục đích của Nhà Nước và xã hội là gì khi dạy dỗ cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc? Những lễ hội như lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ kỷ niệm các chiến thắng lịch sử, lễ tôn vinh các anh hùng dân tộc là để làm gì? Những tượng đài, những viện bảo tàng chứng tích được xây dựng có ý nghĩa gì nếu không phải là nhằm giáo dục cho hậu thế về tâm tình biết ơn tiền nhân vì đã xây dựng và bảo vệ đất nước, cũng như mời gọi hậu thế tiếp tục tinh thần yêu nước kiên cường của tiền nhân! Ở đây, lòng biết ơn đã được dùng như một tiền đề để giáo dục lòng yêu nước.

Lòng yêu người, lòng quý trọng sự sống được diễn tả nơi Tín ngưỡng Phồn Thực cũng là một ý nghĩa giáo dục về việc tôn trọng sự sống của con người. Lòng biết ơn dạy cho người ta hiểu rằng, con người không tự nhiên xuất hiện trên đời này và họ không thể tự tay đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống. Nói tóm, con người được sinh ra và được sống trong sự bao bọc, bởi công ơn của biết bao người. Chính vì thế, những ai ý thức được điều này sẽ phải sống xứng đáng, sống đẹp với những gì họ đang có và biết ơn những ai đã góp phần vào cuộc sống của họ.

Lòng biết ơn mà hai tín ngưỡng Thờ Trời và Thờ kính Tổ Tiên ẩn chứa giáo dục con người về ý nghĩa cuộc sống và trách nhiệm làm người. Hai tín ngưỡng này nói lên hai nguồn gốc của con người: nguồn gốc thiêng liêng là sự sống mà họ nhận được từ thượng đế và nguồn gốc tự nhiên là sự sống họ nhận được từ ông bà, cha mẹ. Điều này làm cho họ cảm nhận được sự kỳ diệu và linh thiêng nơi sự sống mà họ đang có. Từ đó, họ biết sống có ý nghĩa và khám phá những nét đẹp, những ý nghĩa kín ẩn và nhỏ bé nhất trong mọi khía cạnh của cuộc sống, để họ luôn có thể ngạc nhiên, trầm trồ và hân hoan khi đối diện với bao sự kiện diễn ra hằng ngày. Tất cả mọi sự đều có ý nghĩa đối với những ai có lòng biết ơn. Họ là những người có một tinh thần mạnh mẽ và quảng đại, bởi lòng biết ơn dạy cho họ nhận ra cả thế giới này là những món quà được trao cho họ, thì họ cũng sẽ biết cho đi cách dễ dàng những gì họ đang có: một nụ cười, một ánh mắt yêu thương hay một chút của cải vật chất … Lòng biết ơn là người thầy dạy tuyệt vời.

II. Lòng biết ơn điều chỉnh những lệch lạc trong các giá trị hiện thời

Có được một chỗ đứng quan trọng và vững chắc trong đời sống xã hội như vậy rồi thì lòng biết ơn truyền thống sẽ làm gì để điều chỉnh những lệch lạc trong các giá trị hôm nay? Thiết nghĩ, đóng góp đầu tiên mà lòng biết ơn mang lại chính là góp phần xây dựng một nền văn minh tình thương, một xã hội yêu thương.

1. Góp phần xây dựng một nền văn minh tình thương

Thế giới hôm nay được xem là một thế giới văn minh, nghĩa là một thế giới phát triển về mọi mặt: kinh tế, chính trị và nhất là khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật giải phóng con người khỏi những vất vả của đời lao động thủ công, cung cấp cho con người những phương tiện hiện đại, tiện nghi, thoải mái. Tuy nhiên, thế giới văn minh ấy cũng đồng thời đang cổ xuý cho các chủ nghĩa duy vật chất, duy hưởng thụ, cá nhân.

Khi trình bày về những giá trị được đề cao trong xã hội Việt Nam hôm nay, người viết đã nêu lên những thực trạng đáng buồn của xã hội khi mà vật chất đã làm cho con người trở nên thờ ơ, dửng dưng với những giá trị đạo đức truyền thống. Vì đề cao giá trị của vật chất, vì muốn có một cuộc sống tiện nghi và văn minh, con người ngày nay vội vã, hối hả lao vào kiếm tiền, và có tiền rồi thì lao vào hưởng thụ. Trong khi đó, đời sống tinh thần hoặc bị quên lãng hoặc bị vật chất hoá khiến cho đời sống con người trở nên khô cằn và thiếu vắng tình người, tình yêu. Ở đó, mọi giá trị đạo đức bị coi nhẹ: tình yêu và hôn nhân bị xem thường, sự sống không được quý trọng … được thể hiện qua tình trạng ly dị và phá thai tràn lan, khiến Việt Nam bị xếp vào hạng thứ 3 trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Có lẽ nguyên nhân chính yếu dẫn đến hậu quả này là do xã hội đang thiếu vắng tình thương.

Để điều chỉnh tình trạng này, nhu cầu cấp bách là phải tái lập mối dây tình thương trong xã hội, cần xây dựng một nền văn minh tình thương. Văn minh tình thương là một nền văn minh được xây dựng bằng tình yêu. Trong đó, đối tượng được quan tâm hàng đầu chính là con người với trọn vẹn phẩm giá của nó.

Nói đến văn minh, người ta dễ liên tưởng đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật và đặt cơ sở trên khoa học kỹ thuật. Trái lại, văn minh tình thương được xây dựng bằng tình yêu. Nó không mang lại những tiện nghi vật chất nhưng là mang lại cho con người một thế giới của sự sống và tình yêu. Nơi đó, phẩm giá con người được tôn trọng và bảo vệ xứng đáng, liên hệ tình yêu giữa người với người được cổ võ xây dựng.

Nhưng làm sao lòng biết ơn có thể góp phần xây dựng nền văn minh này? Lòng biết ơn truyền thống, từ nguyên thuỷ ý nghĩa của nó, luôn là một diễn tả tình yêu đối với thần linh, với con người và với thiên nhiên. Có nghĩa là, lòng biết ơn vừa là một giá trị tâm linh, vừa là một giá trị nhân bản. Lòng biết ơn nối kết con người lại với nhau bằng cách làm cho họ hiểu rằng con người cần đến nhau trong cuộc sống. Nhu cầu sống còn và xã hội tính nơi con người không cho phép họ tự biến mình thành ốc đảo, nhưng phải hoà mình, phải dấn thân vào thế giới. Và khi dấn thân như vậy, con người biết rằng họ đang sống với và sống cho người khác. Lòng biết ơn là một thái độ đương nhiên phải có nơi những tâm hồn biết yêu thương.

Trong tín ngưỡng phồn thực, lòng biết ơn sự sống chính là thể hiện tình yêu thương và quý trọng sự sống nơi dân tộc Việt Nam: biết ơn trời vì được ban cho sự sống, được hiện hữu trên đời. Bất kỳ ai khi ý thức được giá trị của sự sống họ đang có sẽ biết quý trọng sự sống của chính mình và của tha nhân. Thế nên, có thể nói hành vi phá thai đang lan tràn trong xã hội Việt nam hôm nay xuất phát từ sự ích kỷ và từ thái độ thiếu tình yêu thương đối với sự sống. Sự sống của một thai nhi là kết quả của tình yêu mà vợ chồng dành cho nhau, hay của hai người yêu nhau. Do vậy, hành động phá thai có thể xem là sự chối bỏ tình yêu, chối bỏ sự hiến dâng và trao ban của hai người. Người ta chỉ có thể có tình yêu đích thực, một tình yêu trong sáng và vô vị lợi khi đón nhận sự sống như dấu chỉ của tình yêu. Để được như vậy, người ta cần phải tái khám phá lòng biết ơn trong sự trao ban của tình yêu, trong sự sống của thai nhi mà người ta vừa góp phần tạo nên.

Cũng vậy, nguyên nhân sâu xa của những tranh chấp, hận thù trong gia đình và ngoài xã hội đều khởi đi từ sự thiếu vắng tình yêu. Người ta không nhìn thấy tha nhân là người hỗ trợ nhưng là những kẻ cạnh tranh. Tha nhân không mang lại điều gì tốt đẹp cho tôi mà chỉ là một sự đe doạ đến quyền lợi của tôi. Nói như triết gia Jean Paul Satres, “tha nhân là hoả ngục”. Chính vì thế, người ta không còn thấy phải mắc nợ ai cái gì. Họ tranh chấp để đòi quyền lợi cũng vì vậy.

Nền văn minh tình thương mà lòng biết ơn xây dựng khởi đi từ sự tôn trọng phẩm giá con người. Thế giới này được dựng nên cho con người và chỉ có ý nghĩa khi có con người. Thế nên con người là trọng tâm của thế giới chứ không phải cái gì khác. Lòng biết ơn nhắc nhở chúng ta rằng, sự sống và phẩm giá con người là một điều kỳ diệu, một món quà tuyệt vời chúng ta nhận được từ Tạo Hoá. Do đó, chúng ta phải biết tôn trọng sự sống và phẩm giá của chính mình cũng như của tha nhân. Nếu như tương quan giữa người với người không bị đặt trên cán cân của quyền lợi cá nhân, nhưng trên tình yêu và sự tôn trọng biết ơn lẫn nhau, thì xã hội sẽ tốt đẹp, hiệp nhất, mọi người thành anh em một nhà như ước mong của Khổng Tử “Tứ hải giai huynh đệ”.

Người Việt Nam luoân tự hào là con rồng cháu tiên, xuất phát từ 100 trứng do Mẹ Âu Cơ sinh ra, chỉ duy nhất dân tộc VN gọi nhau là “đồng bào”, cùng bào thai, cùng nguồn cội, từ “đồng bào” đã thể hiện lòng tự hào về mối tình huynh đệ thắm thiết của dân tộc va nếu tinh thần này được phát huy thì tình yêu thương giữa người với người sẽ ngày càng đậm đà, gắn kết. Và lịch sử dịng H?ng L?c đã minh chứng lòng biết ơn hay tinh thần “uống nước nhớ nguồn” là một điểm nối kết bao thế hệ. Kẻ đi sau nhớ ơn người đi trước đã xây dựng và bảo vệ đất nước, đã để lại những trang sử hào hùng, và lòng biết ơn thôi thúc người đi sau tiếp bước tiền nhân. Và như vậy, sự tự hào dân tộc và lòng yêu nước xuất phát từ lòng biết ơn. Chính từ lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội của dân tộc mà người Việt Nam luôn được mời gọi sống đoàn kết yêu thương nhau như lời ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Lòng biết ơn là môi sinh của tình yêu, nên khi tình yêu nảy sinh và phát triển thì tình người trong xã hội cũng trở nên ấm áp và thân thiết hơn: “Lòng biết ơn giúp cho tương quan được sâu xa hơn, giúp cho tình yêu được triển nở hơn, giúp cho thế giới đỡ thê lương hơn và giúp cho mỗi người nhận ra được chính mình nhiều hơn, để yêu đời hơn, yêu người hơn”. Một khi xã hội đạt đến mức độ này thì nền văn minh tình thương sẽ hoàn hảo. Thực tế là trong xã hội và thời đại nào, người ta cũng mong muốn đạt tới một tình trạng an bình như thế, và thiết nghĩ nếu mọi người đều biết sống tinh thần biết ơn thì nền văn minh tình thương sẽ được thiết lập.

2. Bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống

Để đất nước Việt Nam phát triển theo châm ngôn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”, theo tác giả Đông Phong, sự phát triển đó cần phải được đặt nền vững chắc, nghĩa là: “Hai chân đứng vững trên đất là tinh thần – vật chất và chính trị, khoa học – văn hoá. Phải xây dựng trên nền tảng tinh hoa truyền thống dân tộc và môi sinh tiến bộ … Hai chân có đứng vững thì mới làm chủ từng bước đi, từng chặng đường”.

Tác giả thật có lý khi đặt truyền thống như một nền tảng cho sự phát triển, vì quả thật, hiện tại và tương lai được xây nền trên quá khứ nên sự phát triển của hiện tại và tương lai cũng phải khởi đi từ tinh hoa truyền thống. Trong đó, những giá trị truyền thống nổi bật và là những nét đẹp tinh thần mà dân tộc Việt Nam luôn tự hào đó là lòng yêu nước, tình yêu chung thuỷ trong hôn nhân gia đình và lòng nhân nghĩa. Thực trạng đáng lo ngại của xã hội Việt Nam hôm nay là sự hao mòn của những giá trị truyền thống đó. Thế nên, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và toàn diện của dân tộc Việt Nam, một yêu sách cần được đặt ra là phải bảo vệ, duy trì và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trong đó, hai giá trị nổi bật có ảnh hưởng trên vận mệnh dân tộc và cần phải được bảo vệ là lòng yêu nước và tình yêu chung thuỷ trong hôn nhân gia đình.

2.1 Lòng yêu nước

Lòng yêu nước luôn được đề cao như một truyền thống hào hùng của dân tộc. Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử dân tộc Việt nam đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và xương máu để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trước những kẻ thù hùng mạnh hơn nhiều, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu không phải bằng sức mạnh của vũ khí hay quân số nhưng bằng nhuệ khí hùng tráng của lòng yêu nước, dám hy sinh mạng sống vì dân tộc:

“Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Chế Lan Viên).

Tinh thần quyết tử ấy đã giúp dân tộc Việt Nam có được những chiến thắng oanh liệt. Lòng yêu nước trở thành một biểu tượng bất khuất, kiên cường của người Việt Nam. Học giả Phan Ngọc đã nhận định rằng: “Ý niệm về tổ quốc đã chín sớm trong tâm thức người Việt Nam. Đối với người nông dân trồng lúa nước, Tổ quốc là Nước – Nhà, là Đất – Nước, là Tổ tiên – Nòi giống. Người làm nông nghiệp quý trọng và biết ơn hạt giống bao nhiêu, họ càng quý trọng tổ tiên và nòi giống bấy nhiêu. Họ biết ơn mảnh đất, nguồn nước đã nuôi sống mình, quý trọng và gắn bó máu thịt với thành quả lao động trao truyền từ đời này qua đời kia. Tín ngưỡng của người Việt là sự thiêng hoá tình cảm con người đối với quê hương đất nước, đối với tổ tiên.”

Trong hoàn cảnh hoà bình hôm nay, làm sao để nuôi dưỡng và tiếp nối truyền thống yêu nước của tiền nhân, khi mà lợi ích các nhân, lợi ích kinh tế và thậm chí văn hoá nước ngoài cũng đang xâm chiếm đất nước chúng ta? Thiết nghĩ, lòng biết ơn chính là yếu tố góp phần bảo vệ và phát huy tinh thần này. Quả vậy, đạo lý uống nước nhớ nguồn chính là nơi hun đúc tình yêu quê hương, đất nước.

Giá trị giáo dục của lòng biết ơn mà các ngày kỷ niệm của dân tộc về các chiến thắng lịch sử, về những anh hùng dân tộc hay những liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, những tượng đài kỷ niệm, những viện bảo tàng muốn gợi lên chính là lời nhắc nhở về tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, yêu nước trong thời đại hoà bình hôm nay không còn phải là đổ máu ngoài chiến trường nhưng chính là thái độ trân trọng, tự hào về những giá trị văn hoá dân tộc và phát huy tinh thần ấy cũng như giới thiệu hình ảnh đất nước cho thế giới. Bởi đó, thái độ chối bỏ, chê bai văn hoá dân tộc hay vội vã tiếp thu những văn hoá nước ngoài một cách thiếu chọn lọc chính là một sự vô ơn đối với tiền nhân.

2.2 Hôn nhân và gia đình

Một giá trị khác cũng rất quan trọng và cần phải bảo vệ trước sự xâm hại của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân hôm nay chính là sự chung thuỷ và cao cả của tình yêu hôn nhân gia đình. Quả vậy, tình yêu là một điều thánh thiêng và gia đình chính là nền tảng của xã hội, thế nên sự tan rã của gia đình cũng như sự hạ thấp giá trị của tình yêu là một nguy cơ đe doạ sự đoàn kết của xã hội cũng như của dân tộc. Trong bối cảnh này, một lần nữa lòng biết ơn lại là một nhân tố cần được nhắc đến để duy trì và bảo vệ tình yêu và gia đình. Bảo vệ và giữ gìn truyền thống gia đình không có nghĩa là bảo vệ và duy trì mô hình gia đình truyền thống, với các thế hệ chung sống: tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường … hay con cái phải sống lệ thuộc cha mẹ suốt đời, nhưng là duy trì liên hệ tình cảm gia đình không để cho chủ nghĩa cá nhân phá hoại những liên hệ ấy.

Để bảo vệ gia đình, trước tiên, cần phải bảo vệ sự cao trọng và đề cao sự chung thuỷ trong hôn nhân. Truyền thống Việt Nam luôn xem hôn nhân như một việc hệ trọng nhất của đời người, và sự chung thuỷ luôn được xã hội mọi thời đại cổ võ và đề cao. Nguyên nhân của những cuộc ly hôn hiện nay, ngoại trừ những trường hợp bạo hành, thì đa phần đều là do vợ chồng không hiểu nhau, không thông cảm cho nhau … Và nguyên nhân sâu xa hơn chính là thiếu tình yêu và lòng biết ơn lẫn nhau. Nếu như vợ chồng yêu thương nhau thật lòng thì giữa họ cũng sẽ có lòng biết ơn, chồng biết ơn vợ vì sự quan tâm, lo lắng cho gia đình, vì những bữa ăn ngon … vợ biết ơn chồng vì những công việc chồng làm cho gia đình … Một khi cả hai yêu thương nhau và biết ơn lẫn nhau, thì sẽ không có chuyện ly dị vì không hiểu nhau, không thông cảm cho nhau.

Một khi hôn nhân được bảo vệ bởi tình yêu chung thuỷ, thì con cái, vì được sinh ra và giáo dục trong bầu khí yêu thương, cũng sẽ biết ơn cha mẹ vì cuộc sống gia đình hạnh phúc mà chúng đang có. Để rồi từ đó, mối dây liên kết gia đình càng trở nên bền chặt và cũng nhờ đó xã hội được ổn định, hài hoà và vững chắc. Những vấn đề nhức nhối của xã hội như nạn phá thai, tình trạng ly dị khiến con cái bơ vơ, trở thành những đứa trẻ đường phố, rồi gia nhập những băng đảng phá hoại … sẽ dễ dàng được giải quyết.

3. Khơi gợi những giá trị tâm linh

Truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc Việt Nam đã cho thấy đời sống người Việt đượm nhuần trong bầu khí tâm linh. Biểu tượng tâm linh của người Việt dễ dàng được nhìn thấy qua những Am, Miếu, Chùa, Chiền, Đình Làng ở khắp nơi từ thôn quê đến thành thị. Bầu khí tâm linh ấy đã góp phần hình thành nên tính cách con người cũng như văn hoá Việt Nam.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật, ngày nay xã hội Việt Nam đang chứng kiến một sự “tan loãng” của bầu khí tâm linh truyền thống. Những giá trị vật chất đã khiến một số người bị rơi vào hai thái cực hoặc thờ ơ với tôn giáo hoặc mê tín đến độ dị đoan. Hiện nay, hai hình thức này đang lan rộng và cần được đặt vấn đề một cách cụ thể. Trong hai hình thức này, sự thờ ơ với tôn giáo là đáng quan tâm hơn cả. Vì sao? Vì sự thờ ơ này khiến người ta không còn quan tâm đến vấn đề tâm linh nữa. Nguyên nhân của sự thờ ơ này một phần là do sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Những thành tựu của khoa học đã làm cho người ta nghĩ rằng thế giới này không có gì bí ẩn và siêu nhiên hết. Niềm tin tâm linh chỉ là một sự ấu trĩ của những người vô học và với họ, khoa học kỹ thuật, kinh tế vật chất mới là điều kiện để xây dựng con người và xã hội, còn tôn giáo chỉ là “thuốc phiện mê dân”, hay chỉ là một thứ trang sức của những người thích hoài cổ. Thực trạng này đáng lo ngại đến nỗi học giả Hoàng Quốc Hải đã phải thốt lên: “Con người Việt Nam dường như không còn gì để yêu thương và kính sợ … mất tâm linh, con người không còn nơi gửi gắm, tôn giáo không còn thì dân chúng bị bơ vơ. Rõ ràng là con người đã dại dột phá bỏ đền đài của tâm linh, cũng là phá bỏ đi nơi trú ngụ của tâm hồn mình”.

Trong tình trạng đó, lòng biết ơn nơi các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam là một lời mời gọi tái khám phá những giá trị tâm linh. Những lễ hội, nghi lễ và tâm tình của các tín ngưỡng đưa con người đi vào sự trầm lắng của chiều sâu tâm linh. Trong đó, lòng biết ơn trong tín ngưỡng thờ tổ tiên giúp người ta suy tư về cuộc đời để thấy rằng con người hiện hữu trên đời không phải nhờ vật chất nhưng nhờ tình yêu sự sống của cha mẹ và tổ tiên; sự phát triển nhân cách, đạo đức và tri thức của con người không do khoa học kỹ thuật và vật chất mang lại nhưng là được hấp thụ bởi sự giáo dục đầy yêu thương của gia đình và tình người của những con người cụ thể trong xã hội. Thế nên, cuộc đời con người được kết dệt bởi một chuỗi dài những yêu thương và công ơn của người khác. Con người chỉ thực sự hoàn thiện khi biết sống tâm tình biết ơn với những gì họ đã nhận được. Tình yêu của cha mẹ và của mọi người chúng ta không thấy mà chỉ cảm nhận qua những gì họ thể hiện, nhưng chúng ta vẫn tin nó có thật. Thì cũng vậy, sống trong trời đất, mỗi ngày con người đón nhận được bao hồng ân: sự sống, vẻ đẹp thiên nhiên, ánh sáng mặt trời, những cơn mưa dịu mát … đó là những dấu chỉ, những biểu hiện của tự nhiên mà con người cũng cần phải nhận ra để biết ơn. Tác giả David Steindl-Rast đã viết: “Từ sáng đến tối, trong từng khoảnh khắc của thời gian, chúng ta nhận được vô vàn món quà và hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta”ø. Đó cũng chính là bài học mà tín ngưỡng mời gọi chúng ta hướng đến.

Một khi nhìn thấy những giá trị thiêng liêng nơi những hiện tượng vật chất, con người mới thấy rằng thế giới này không phải chỉ là sự kết hợp của một mớ những nguyên tố hoá học được hình thành một cách ngẫu nhiên. Nhưng trật tự thế giới và sự hài hoà của nó cùng với những sự kiện trong đời sống con người luôn có một chiều kích tinh thần và tâm linh. Nhưng để có được cái nhìn này thì niềm tin tín ngưỡng tâm linh là cần thiết và trở nên chiếc cầu nối kết con người với thế giới thiêng liêng. Trong đó, lòng biết ơn diễn tả nơi các tín ngưỡng chính là ánh sáng soi dẫn hạnh phúc và mang đến ảnh hưởng thiêng liêng, bởi tâm linh chính là con đường để con người tìm lại sự cân bằng về mặt tinh thần. Đó là giải pháp để con người định lại cái tâm của chính mình.

Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, niềm tin và giáo lý có hệ thống khoa học, uyên bác nơi các tôn giáo lớn rất khó được người Việt chấp nhận hoàn toàn, hoặc phải “khúc xạ” cho thích hợp với những đặc điểm của văn hoá Việt Nam mới được đón nhận. Trái lại, niềm tin đơn sơ và thành kính mà các tín ngưỡng dân gian chuyển tải lại dễ dàng được đón nhận và thực hành. Xin đan cử Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như một dẫn chứng tiêu biểu.

Nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan và thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến đã viết: “Là một loại hình tín ngưỡng dân gian từ lâu đã thấm đượm và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên có sức sống lâu bền. Tín ngưỡng này không chỉ chứa đựng những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc mà còn thể hiện quan niệm của người Việt về thế giới, về nhân sinh. Do đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng tích cực tới đời sống của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Sự ảnh hưởng này được thể hiện qua hệ thống giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được chuyển tải vào hoạt động nhân cách con người Việt cũng như trong việc thoả mãn nhu cầu tâm linh của mỗi cá nhân”. Tín ngưỡng này hình thành nơi người Việt Nam một cái nhìn về thế giới bên kia vừa gần gũi vừa xa lạ với thế giới hiện thực, vừa như ở đâu đó xa xôi lại như ở ngay bên cạnh, thậm chí thâm nhập và chi phối vào thế giới hiện hữu của người đang sống. Đó cũng chính là giá trị tâm linh mà lòng biết ơn đối với tổ tiên đã khơi gợi lên trong tâm hồn con người.

KẾT

Lòng biết ơn là sợi dây linh thiêng nối kết con người với siêu nhiên qua niềm tin tín ngưỡng, đồng thời nối kết con người lại với nhau trong lòng nhân nghĩa, tình yêu thương nhân ái. Bài học tâm linh về lòng biết ơn mà các Tín Ngưỡng Dân Gian chuyển tải có một giá trị sâu sắc vì vừa là một giá trị truyền thống vừa có tính thời sự, bởi đó là bài học, là giá trị gắn liền và cần thiết cho đời sống con người.

Xã hội Việt Nam hôm nay tưởng chừng như đang bị thống trị bởi một thứ văn hoá ngoại lai đề cao vật chất, đề cao tự do cá nhân mà chối bỏ những giá trị tinh thần truyền thống. Tuy nhiên, trong xã hội ấy, những giá trị truyền thống, chẳng hạn như lòng biết ơn, vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc và là một niềm tự hào về truyền thống dân tộc. Chúng trở nên như mạch nước ngầm tưới mát xã hội hiện đại phong phú về vật chất kỹ thuật nhưng lại khô cằn về tinh thần và tâm linh.

Trên đây là một cố gắng nho nhỏ của người viết để thử tìm hiểu và trình bày về lòng biết ơn trong truyền thống của văn hoá Việt Nam được diễn tả qua các Tín Ngưỡng Dân Gian, trong tương quan với những giá trị thời đại của xã hội, với những thách đố và khó khăn của thời đại toàn cầu hoá.

Người viết không có tham vọng và cũng không đủ khả năng để giải quyết rốt ráo vấn đề nhằm phục hưng những giá trị truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện nay, cụ thể là đề tài mà người viết nêu lên, vì lòng biết ơn là một truyền thống của dân tộc. Đã là truyền thống thì chắc chắn nó rất sâu rộng, đỏi hỏi tính chuyên môn. Thế nên, người viết chỉ muốn nêu lên thao thức của bản thân trước một thực trạng đáng lưu tâm của xã hội Việt Nam là văn hoá dân tộc đang bị lấn át bởi văn hoá ngoại nhập. Người viết ước mong có thể đóng góp một ý kiến nhỏ vào trong thao thức chung của những người tâm huyết với văn hóa dân tộc. Và hy vọng rằng, đề tài này có thể khơi lên một ý tưởng nào đó cho những ai muốn đào sâu về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Vì kiến thức hạn hẹp về văn hoá và Tín Ngưỡng Dân Gian, đồng thời do nguồn tại liệu hạn chế cũng như thiếu những chuyến đi tham khảo thực tế, nên chắc chắn bài nghiên cứu này không tránh khỏi những thiếu sót, sai sót hay nhầm lẫn và đôi khi thiếu tính thuyết phục. Do đó, người viết kính mong được sự thông cảm và đóng góp ý kiến của mọi người, để đề tài này được chính xác hơn, sáng sủa hơn và thuyết phục hơn.

Xin chân thành cám ơn!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Thanh Sơn, Lê Thị Thu Ngân, Con người Việt Nam – giá trị truyền thống và hiện đại, Nxb Quân Đội Nhân Dân 2008.

2. Giáo Sư Trần Văn Đoàn, Mẫu Tính Trong Văn Hóa Việt 2002, trích từ trang web của Đài Chân Lý Á Châu.

3. GS Hoàng Tụy, “Xin cho tôi nói thẳng”, bài viết đăng trên tạp chí Tia Sáng, www.chungta.com.

4. GS Phan Đình Hiệu, “Đừng quay lưng với những giá trị truyền thống”, bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, www.tuoitreonline.com.vn.

5. Hoàng Phê và Ban biên tập, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng 2008.

6. Hoàng Quốc Hải, Văn hóa- phong tục, Nxb Phụ Nữ 2005.

7. Hoàng Thanh Minh, Văn hoá cuộc sống, Nxb Lao Động 2005.

8. Huỳnh Bửu Sơn, Giáo dục và bệnh thành tích, bài viết đăng trên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần, www.chungta.com.

9. Lê Hà, “Chuyện cái phong bì xưa và nay”, bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn www.chungta.com.

10. Lê Ngọc Anh, Vấn đề giáo dục đạo đức và nếp sống văn hóa gia đình truyền thống trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Nguồn Internet www.chungta.com.

11. Lê Thi, Mối quan hệ các nhân – gia đình trong bối cảnh Việt Nam đi vào toàn cầu hóa, đăng trên trang web www.chungta.com.

12. Lm Aân Đức, Tín Ngưỡng Việt Nam, giáo trình nội bộ 2001.

13. Lm Nguyễn Ngọc Thế S.J, “Lòng biết ơn”, bài viết đăng trên trang web: www.donghanh.org

14. Lm Nguyễn Thế Thoại, Tôn giáo học – các tôn giáo lớn tại Việt Nam.

15. Đào Văn Tập, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Giáo Dục 1997.

16. Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, trích lại trong “Tôn giáo học-các tôn giáo lớn tại VN” Lm Nguyễn Thế Thoại.

17. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 1, Nxb Tp Hồ Chí Minh 1998.

18. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh trọn bộ Tân-Cựu Ước, Nxb Tôn Giáo 2002.

19. Đỗ Trinh Khuê, Văn Hóa, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam dưới nhãn quan học giả L.Cadière, Nxb Thuận Hóa 2006.

20. Đông Phong, Về nguồn văn hoá dân tộc, Nxb Mũi Cà Mau 1996.

21. PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Ths Nguyễn Thị Hải Yến, “Niềm tin vào tín ngưỡng Thờ cúng Tổ Tiên …”, bài viết đăng tải trên trang web: www.hids.hochiminhcity.gov.vn

22. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà, Tín ngưỡng và giải mã tín ngưỡng trong văn hóa dân gian người Việt. Nguồn Internet: www.vns.hnue.edu.vn

23. Phạm Ngọc Minh, Triết lý Trống Đồng, luận văn triết học năm 2005.

24. Phan Chánh Dưỡng, Con người và vai trò của giáo dục, bài viết đăng trên trang web www.chungta.com

25. Thanh Tùng, “Xã hội Việt Nam trong những giá trị thực – ảo, đăng trên tạp chí triết học www.chungta.com.

26. Toan Ánh, Nếp cũ – Hội hè đình đám, quyển hạ, Nxb Trẻ 2005.

27. Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục 2000.

28. Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản Sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng Hợp Tp.HCM 2006.

29. Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Nxb Văn Hóa Thông Tin 2001.

30. Võ Thị Hảo, Ngành giáo dục có thể làm gì để cứu vãn nhân cách Việt? Bài viết đăn trên trang web: www.chungta.com.

31. Vương Trí Nhàn, “Lớp Trẻ cần tự hình thành hệ thống giá trị mới”, đăng trên diễn đàn triết học www.chungta.com.