Hành trình trở lại Công giáo của cựu mục sư Scott Hahn (3) - Tác giả: M. Hạnh Tử

Lan Mary
Ông nói: "Chúng ta là gia đình của Thiên Chúa, nhưng trên hết mọi sự, qua Thánh Thể nhận biết chúng ta đang quy tụ chung quanh bàn tiệc như người nhà của Thiên Chúa, con cái của Người. Thật là một đặc ân chúng ta đang có; thật là một ơn phước mà Người đã trao ban!" NGUỒN:

HÀNH TRÌNH TRỞ LẠI CÔNG GIÁO CỦA CỰU MỤC SƯ SCOTT HAHN (3)


5. Giai đoạn 5: Làm giáo sư trường đào tạo mục sư

Không lâu sau đó, ông được mời làm giáo sư dạy về Tin Mừng Gioan cho trường đạo tạo mục sư của HT Trưởng Lão. Ông đồng ý và bắt đầu giảng dạy bằng chủ đề giao ước, về gia đình của Thiên Chúa và ý nghĩa của việc tái sinh. Trong khi nghiên cứu ông nhận ra rằng tái sinh không chỉ có nghĩa là tin nhận Chúa Giêsu và xin Ngài ở trong tâm hồn mình - dù điều đó quan trọng - mà dựa vào chương 3 (TM Gioan) là một hành vi giao ước, một bí tích cụ thể là bí tích Rửa Tội (phép rửa). Ông giảng dạy điều này và được các sinh viên đón nhận.

Song song đó, ông đào sâu chương 6 (bài giảng về Bánh sự sống), và ông thừa nhận đây là chương ông thích nhất trong tất cả 4 Tin Mừng. Ông suy gẫm lời Chúa Giêsu: "Thật Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn thịt của con người và uống máu Người anh em không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu Thầy sẽ có sự sống đời đời và Thầy sẽ cho người chỗi dậy vào ngày sau hết, vì thịt Thầy thật là của ăn và máu Thầy thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Thầy thì ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy.'" Ông đọc đi đọc lại và suy nghĩ, giải thích câu nói đó ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng không có cách nào thỏa đáng. Ông vốn được học trong HT Tin Lành rằng chỉ nên hiểu điều Chúa Giêsu dảng theo nghĩa tượng trưng, nghĩa là Thịt và Máu mà Chúa Giêsu nói chỉ là biểu tượng chứ không phải thực tại. Nhưng càng nghiên cứu, ông càng nhận thấy sẽ là vô lý và vô nghĩa nếu cho rằng điều đó chỉ là biểu tượng.

Tại sao? Bởi vì ngay khi những người Do Thái nghe điều Đức Giêsu nói, họ bỏ đi. Cho đến lúc ấy, hàng ngàn người đang theo Ngài, và bỗng dưng đám đông ấy ghê tởm với điều Người nói, "Thịt Thầy thật là của ăn, máu Thầy thật là của uống," và tất cả họ bỏ đi. Hàng ngàn môn đệ bỏ Người. Nếu Đức Giêsu có ý định coi đó chỉ là biểu tượng, có lẽ Ngài sẽ nói, "Khoan đã, Thầy chỉ muốn nói điều ấy với ý nghĩa tượng trưng." Nhưng không! Chúa Giêsu không muốn nói điều đó theo nghĩa biểu tượng.

Sau đó ông để ý hơn về bữa tiệc ly và sự hiệp thông. Ông thấy rằng Đức Giêsu không bao giờ dùng chữ "giao ước" trong khi cuộc đời rao giảng. Người cẩn thận để dành chữ ấy cho đến khi thiết lập Thánh Thể và Người nói, "Chén này là máu của giao ước mới." Nếu giao ước có nghĩa là gia đình thì điều gì biến chúng ta thành một gia đình? Chia sẻ thịt và máu. Do đó nếu Đức Kitô hình thành một giao ước mới, đó là một gia đình mới, thì Người sẽ cung cấp gì cho chúng ta? Thịt mới và máu mới. Ông bắt đầu hiểu tại sao Giáo Hội tiên khởi hoặc trong vòng 700 năm đầu, không ai tranh luận về ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói. Tất cả các giáo phụ tiên khởi chấp nhận lời của Chúa Giêsu theo giá trị bề mặt và các ngài tin tưởng cũng như dạy rằng Đức Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Ông thực sự lo sợ và không biết phải quay về với ai.

Rồi một sự kiện xảy ra bất ngờ càng khiến ông bối rối. Đó là một sinh viên cựu Công Giáo thuyết trình về CĐ Trento theo hướng bảo vệ CĐ này. Rồi sau đó, anh ta hỏi ông: Martin Luther chủ trương sola Scriptura (duy Kinh Thánh). Vậy chỗ nào trong Kinh Thánh dạy như thế? Ông thừa nhận là chưa bao giờ đọc thấy điều đó. Rồi ông tránh né, xem đó là câu hỏi ngớ ngẩn, và trích 2 Timôtê 3:16 là mấu chốt: 'Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính, nhờ vậy, người của Thiên Chúa được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành...

Chàng sinh viên đáp: "Khoan đã, điều đó chỉ nói là Kinh Thánh được linh hứng và có lợi; nó không nói là CHỈ có Sách Thánh được linh hứng hay tốt hơn nữa, chỉ Sách Thánh thì có lợi cho những điều đó. Chúng ta cần những điều khác nữa như sự cầu nguyện," và rồi anh nói, "Còn 2 Thessalônica 2:15 thì sao? Trong đó, Phaolô nói với dân thành Thessalônica rằng họ phải kiên vững, họ phải bám lấy các truyền thống mà Phaolô đã dạy họ qua thư văn hay truyền khẩu."

Lý luân cả sinh viên này làm ông cạn lời, và ông đánh trống lảng, "Thôi, chúng ta đi sang các câu hỏi khác; tuần sau tôi sẽ trả lời câu ấy."

Dù trốn tránh, nhưng trong lòng ông suy nghĩ rất nhiều về điều ấy. Hôm sau, ông gọi điện thoại cho các thần học gia trên khắp thế giới và hỏi, "Chỗ nào trong Kinh Thánh dạy về sola Scriptura? Chỗ nào dạy rằng Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất của chúng ta?" Nhưng không ai trả lời được. Sau đó một giáo sư thần học gia của Oxford trả lời ông: "Anh Scott này, anh đừng mong tìm thấy minh chứng về sola Scriptura trong Kinh Thánh, vì đó không phải là điều Kinh Thánh bày tỏ. Đó là sự thừa nhận của chúng ta; đó là sự phỏng đoán của chúng ta khi tiếp cận với Kinh Thánh."

Câu nói đó khiến ôngthấy kỳ cục; ông hỏi, "Nhưng thưa giáo sư, điều đó có vẻ kỳ quặc vì chúng ta thường nói rằng chúng ta chỉ tin những gì Kinh Thánh dạy, nhưng chính Kinh Thánh lại không dạy rằng chúng ta chỉ phải tin những gì Kinh Thánh nói. Sự thừa nhận của chúng ta không được dạy trong Kinh Thánh. Điều đó giống như chúng ta đang cắt đứt cái cành mà chúng ta đang ngồi trên đó". Sau đó ông ấy nói, "Nhưng chúng ta còn chọn lựa nào khác?" Thật là một câu trả lời.

Một lần khác, ông nêu câu hỏi cho một người bạn về hình ảnh Hội Thánh là cột trụ của chân lý (Timôtê 3:15). Tôi muốn biết Hội Thánh đó là gì? Người bạn trả lời "Cho tôi biết giáo hội nào, hả Scott? Có quá nhiều hội thánh mà." Ông đáp: "Có bao nhiêu hội thánh thực sự thi hành công việc là trụ cột và nền tảng của chân lý? Tôi muốn nói, là một hội thánh dám nói rằng 'Chúng tôi là trụ cột và nền tảng của chân lý; hãy nhìn đến chúng tôi và các bạn sẽ được nghe Đức Kitô nói và giảng dạy'? Có bao nhiêu ứng viên cho công việc đó? Tôi biết chỉ có một. Tôi biết chỉ có Giáo Hội Công Giáo dạy rằng họ được thành lập bởi Đức Kitô; họ đã có khoảng 2,000 năm và đang rêu rao điều khủng khiếp tương tự như trong 1 Timôtê 3:15".

Vì công việc giảng dạy của ông quá hiệu quả, ông được hiệu trưởng của trường đề nghị soạn luận án tiến sĩ thần học để làm giám đốc trường khi mới 26 tuổi. Nhưng chỉ có đại học Công Giáo mới cấp học vị này. Ông không muốn học thần học Công Giáo nhưng không biết phải làm gì khác, và ông cầu nguyện.

6.Giai đoạn 6: Làm phụ tá quản trị cho hiệu trưởng


Sau khi cầu nguyện nhiều, hai vợ chồng quyết định trở về thành phố với mái trường xưa và làm phụ tá quản trị cho ông hiệu trưởng. Trong vòng hai năm, đọc hàng trăm cuốn sách, và lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu các thần học gia Công Giáo cũng như các học giả Kinh Thánh. Và ông sửng sốt trước các quan điểm thật sâu sắc của họ, và hơn thế nữa, các quan điểm ấy phù hợp với những điều tự tôi khám phá. Ông không thể tin được rằng các khám phá lạ thường, mới mẻ mà ông vất vả có được thì họ lại cho là đương nhiên như vậy, và điều đó làm ông áy náy.

Có lần ông đọc cho vợ nghe một đoạn văn kiện của công đồng Vatican II mà ông tâm đắc. Điều đó làm cô gay gắt, "Em không muốn nghe điều đó." Tôi đáp "Em thấy đó, đoạn văn nói về phụng vụ này thật tuyệt vời. Anh không rõ, nhưng anh nghĩ có lẽ Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên người Công Giáo."

Bà Kembery cảm thấy sốc và nói: "Công Giáo? Em là một người Presbyter, cha của em là mục sư Presbyter, chú của em là một mục sư Prebyter, chồng em từng là một mục sư Presbyter, anh trai của em muốn trở thành mục sư, và chính em cũng muốn trở thành mục sư. Em không muốn là một người Công Giáo."

Một vài tháng sau, sau khi đọc thêm nhiều, ông nói với vợ, "Kimberly, anh chưa chắc chắn, nhưng anh bắt đầu nghĩ rằng có lẽ Thiên Chúa kêu gọi anh để trở thành một người Công Giáo La Mã."

Kimbery càng tuyệt vọng hơn. Cô nói, "Có thể nào chúng ta trở nên người Anh Giáo không? Giáo phái nào cũng được ngoại trừ Công Giáo."

Scott Hahn kết thúc đoạn này với lời cảm thán: "Các bạn Công Giáo không thể nào hiểu được điều này. Các bạn không thể biết được sự sợ hãi như thế nào khi nghĩ đến phải bơi qua sông Tiber, khi phải thần phục Đức Giáo Hoàng." Do đó, vợ ông ngày càng tuyệt vọng. Cô bắt đầu cầu xin để có ai đó giải độc cho ông.

7.Giai đoạn 7: Trở lại Công Giáo


Xúc động vì dòng nước mắt và sự lo lắng của vợ, ông Scott nỗ lực tìm người giúp đỡ để "giải độc Công Giáo". Ông liên lạc với một người bạn thân từ thời sinh viên và là một giáo sư về văn chương Hy Lạp và Tân Ước. Người bạn tên Gerry, và là người rất xác tín với niềm tin Tin Lành. Cùng với Scott, Gerry luôn bám chặt vào chủ trương xem giáo hoàng của Công Giáo là tên phản Kitô. Họ đã từng sát cánh với nhau tranh luận với các tín hữu CG và cả với những tín hữu TL thuộc các nhánh khác có tư tưởng sai lạc.

Khi liên lạc với Gerry, Scott đã bàn luận Kinh Thánh và thần học rất lâu giờ, đôi khi cả 4 tiếng đồng hồ (gọi điện thoại). Lần nọ, Scott đọc cho Gerry nghe một đoạn từ cuốn sách của Cha Bouyer.

Gerry cảm thán: "Chà, thật phong phú và sâu xa. Ai viết đó?"

Scott trả lời: "Louis Bouyer."

Gerry: "Bouyer? Tôi chưa bao giờ nghe cả, ông ấy là gì?"

Scott hỏi lại "Anh muốn nói gì?"

Gerry: "Có phải là một người Methodist không?"

Scott: "Không."

Gerry: "Một người Baptist?"

Scott: "Không."

Gerry: "Vậy là người Lutheran sao? Hắn là gì?"

Scott: "Ông ấy là một người Công..."

Gerry hoảng hốt: "Xin lỗi, tôi nghe không rõ."

Scott lặp lại: "Ông ấy là Công Giáo La..."

Không để Scott nói hết câu, Gerry đánh trống lảng: "Khoan đã, hình như điện thoại nghe không rõ. Tôi nghe anh nói ông ấy là Công Giáo."

Scott tái xác nhận: "Gerry này, tôi nói ông ấy là Công Giáo và thực sự là Công Giáo, và tôi từng đọc rất nhiều sách của người Công Giáo."

Rồi bất thình lình như dòng thác Niagara tuôn trào, ông kể một hơi: "Tôi từng đọc Danielou, và Ratzinger, và de Lubac, và Garrigou-Lagrange và Congar, và tất cả đều thật phong phú; anh cũng phải nghiên cứu họ."

Gerry khá căng thẳng: "Từ từ. Này Scott, có lẽ linh hồn anh đang bị nguy hiểm."

Scott tiếp tục: "Gerry, tôi có thể gửi cho anh tên của những cuốn đó không?"

Gerry: "Dĩ nhiên, tôi sẽ đọc, sẽ làm bất cứ gì để cứu anh khỏi cái cạm bẫy này. Và tôi sẽ cho anh tên những cuốn khác." Gerry kể ra khoảng mười cuốn sách chống đối Công Giáo.

Scott đáp: "Gerry, tôi từng đọc các cuốn này rồi, tối thiểu một hai lần."

Gerry nói: "Vậy hãy gửi cho tôi tên các cuốn sách ấy," và Scott đã gửi cho anh.

Khoảng một tháng sau, họ lại hẹn nhau để nói chuyện lâu trên điện thoại. Kimberly thì càng phấn khởi hơn vì ít ra một hiệp sĩ đã đến để giải cứu chồng cô khỏi nanh vuốt của đạo Công Giáo. Do đó cô hồi hộp chờ đợi khi cuộc nói chuyện chấm dứt, và Scott cho cô biết là Gerry thật thích thú vì đang đọc tất cả những thứ mà Scott gửi và bắt đầu để ý đến lời của Scott một cách nghiêm túc. Kimbery vui vẻ nói: "Ô hay quá, em biết là anh ấy sẽ giúp mình mà."

Những cuộc đối thoại trên điện thoại tiếp diễn trong ba bốn tháng. Họ nói chuyện điện thoại "long distance" hai ba tiếng, có khi đến bốn tiếng đồng hồ để thảo luận về thần học và Kinh Thánh cho đến ba bốn giờ sáng. Kimberly thật vui mừng và cám ơn Gerry vì đã quá lo lắng cho Scott.

Một đêm kia, Scott bước vào phòng ngủ vào lúc khoảng hai ba giờ sáng; Kimbery vẫn vẫn thức và chờ ông. Đèn đã tắt, nhưng cô vẫn ngồi trên giường và hỏi Scott:

Kim: "Sao, thế nào rồi?"

Scott trả lời: "Tốt lắm."

Kim: "Nói cho em nghe đi."

Scott: "Gerry rất say sưa và bị kích thích về những chân lý trong Kinh Thánh mà Giáo Hội Công Giáo đề ra."

Kim hét lên: "CÁI GÌ!"

Scott không thể thấy rõ khuôn mặt của cô ấy, nhưng ông cảm được nó xệ xuống khi cô chùn người xuống tấm nệm, úp mặt vào gối và nức nở. Cô thực sự bị tổn thương và lạc lõng.

Một ít sau Gerry lại gọi Scott và nói: "Nghe đây, tôi hơi lo sợ. Các bạn tôi cũng vậy. Chúng ta đừng coi thường điều này. Tôi đã nói chuyện với Tiến Sĩ John Gerstner, đây là một người Presbyter có bằng cấp ở Harvard, một thần học gia chuyên bài bác Công Giáo. Ông ta sẽ gặp chúng mình nếu muốn."

Họ sắp xếp một cuộc gặp với Tiến Sĩ Gerstner trong sáu tiếng đồng hồ, cùng nhau đi qua Cựu Ước bằng tiếng cổ Do Thái, Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, và các tài liệu và công đồng trong lịch sử Giáo Hội. Sau sáu giờ đồng hồ, Scott và Gerry hy vọng sẽ thoát khỏi vũng nước nhờ bậc kỳ tài này.

Nhưng hỡi ôi, điều mà họ khám phá ra là Giáo Hội Công Giáo hầu như không cần đến một sự tự vệ nào cả. Giống như một con sư tử; chỉ cần đưa ra khỏi chuồng là đủ. Họ nêu lên các điểm giáo lý của Giáo Hội và các văn bản trong Kinh Thánh, và tiến sĩ Gerstner không thể trả lời cho bất cứ câu hỏi nào. Gerry và Scott kinh ngạc tự hỏi: "Điều này có nghĩa gì?" Không ai trong chúng tôi biết được.

Các sinh viên Tin Lành bài Công Giáo tích cực nhất đang tự hỏi không biết Thiên Chúa có phải là một người Công Giáo hay không? Thật kinh sợ.

Sau đó, Scott tìm đến đại học Marquette, nơi mà ông biết là có các thần học gia nổi tiếng về giao ước. Ông được trường đón nhận cho soạn luận án tiến sĩ ở đó.

Cũng trong thời gian này, Scott tìm đến các linh mục Công Giáo, nhưng ông đi âm thầm vào buổi tối vì không muốn ai hay biết. Ông nêu vấn đề với các linh mục là ông muốn trở lại, nhưng có vẻ họ hoảng sợ hơn là vui mừng, vì đã biết phần nào đến danh tiếng của Scott. Có vị thậm chí còn khuyên Scott là nên làm một mục sư tốt lành sẽ có ích hơn. Nhưng Scott trả lời: "Thưa cha, tôi không xin ông bẻ tay tôi và buộc tôi vào đạo. Tôi nghĩ là Chúa gọi tôi." Vị linh mục thực sự bối rối và ái ngại.

Trong những cuộc gặp gỡ này, Scott cũng nêu lên một số câu hỏi giáo lý với các linh mục, nhưng họ không trả lời được và thậm chí có vị còn tránh né. Điều này khiến Scott hoang mang. Ông chia sẻ với vợ, và Kim khuyên ông nên theo học ở một trường thần học Công Giáo thì sẽ đáng tin cậy hơn". Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, gia đình ông chuyển sang Milwaukee, nơi ông hoàn tất chương trình tiến sĩ trong 2 năm.

Hai năm đó đối với Scott là dồi dào nhất chưa từng có và cũng là quãng thời gian phong phú nhất để cầu nguyện. Ông nhận ra một điều thú vị là giữa các sinh viên Công Giáo, ông là người Tin Lành duy nhất hăng hái bảo vệ giáo huấn của Công Giáo chống lại các cuộc tấn công của Tin Lành và cả những tín hữu Công Giáo bất mãn nữa.

Hai điều thú vị mà Scott bắt đầu thực hiện trong thời gian này đó là: Lần chuỗi Mân Côi và tham dự Thánh Lễ. Trong đó, việc lần chuỗi Mân Côi đã khiến những người bạn Tin Lành của ông thực sự khó chịu và họ chất vấn ông một câu quen thuộc: "Ông cũng thờ bà Maria như người Công Giáo rồi à?"

Scott Hahn chia sẻ về những điều ông bắt đầu làm khi muốn trở về với Công Giáo Roma.

Thứ nhất, ông bắt đầu lần chuỗi Mân Côi. Ông cảm thấy bối rối và lo sợ điều ấy, và thậm chí xin Chúa đừng giận vì điều đó. Rồi ông bắt đầu đọc với tâm tình: Tôi là con cái của Thiên Chúa; tôi không chỉ có Thiên Chúa là Cha và Đức Kitô là anh mà còn có Mẹ là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu anh của tôi.

Một người bạn Tin Lành gọi điện cho ông và hỏi: "Anh cũng thờ Đức Maria như người Công Giáo à?"

Scott trả lời: "Họ không thờ Đức Maria; họ tôn kính Đức Maria."

Người bạn hỏi lại: "Vậy có gì khác biệt?"

Scott trả lời: "Để tôi giải thích. Khi Đức Kitô chấp nhận lời mời gọi của Chúa Cha để làm xuống thế người, Người chấp trách nhiệm vâng phục luật lệ, được tóm lược trong Mười Điều Răn. Có một điều răn nói rằng, 'Phải tôn kính cha mẹ. Trong tiếng cổ Do Thái, chữ 'kaboda' (tôn kính), có nghĩa vinh danh, dành bất cứ vinh dự và sự tôn kính nào của mình cho cha mẹ. Đức Kitô đã chu toàn lề luật ấy một cách tuyệt hảo hơn bất cứ ai khác bằng cách dành vinh dự của Người cho Cha trên trời và dành vinh dự của một vị chúa để vinh danh Mẹ Người. Tất cả những gì chúng tôi thi hành khi lần chuỗi là bắt chước Đức Kitô là Người đã vinh danh Mẹ Người với chính sự vinh hiển của Người. Chúng tôi vinh danh Đức Maria với sự vinh hiển của Đức Kitô."

Điều thứ hai ông thực hiện là âm thầm đi vào nhà nguyện dưới tầng hầm ở Marquette, Gesu. Ở đó có Thánh Lễ ban trưa và ông chưa bao giờ dự lễ. Ông ngồi ở ghế sau cùng để quan sát, chứ không quỳ, không bái gối cũng không đứng. Ông cảm thấy thật ngạc nhiên khi có 40, 50, 60, 80 hay 100 người đến tham dự Thánh Lễ buổi trưa, họ là những người bình thường đến nhà nguyện, bái gối, qùy cầu nguyện. Sau đó có tiếng chuông và tất cả đứng dậy. Thánh Lễ bắt đầu.

Cảm nhận của ông về thánh lễ hôm ấy là:
"Phụng Vụ Lời Chúa thật dồi dào, không chỉ có các bài đọc. Nhưng lời kinh của họ thấm đẫm ngôn ngữ Kinh Thánh và các trích dẫn từ Isaia và Edêkien. Tôi ngồi đó tự nhủ, "Đó là sách ngôn sứ Dacaria; đó là sách Êdêkien. Chà! Như thể KinhThánh đi vào đời sống và nhảy múa ngay trên cung thánh'"


Tới phần Phụng Vụ Thánh Thể, Scott nhìn xem và lắng nghe khi linh mục đọc lời thánh hiến và nâng bánh thánh lên cao. Vào lúc đó, ông phải thú nhận là chút hồ nghi sau cùng không còn nữa. Ông nhìn vào Mình Thánh và nói, "Lạy Chúa và Thiên Chúa của con." Khi dân chúng tiến lên rước lễ, ông thực sự đầm đìa nước mắt và cầu nguyện: "Chúa ơi, con muốn có Chúa. Con muốn hiệp thông trọn vẹn với Chúa. Chúa đã đến tâm hồn con. Chúa là Cứu Chúa và là Chúa của con, nhưng giờ đây con nghĩ Chúa muốn đến với lưỡi con và bao tử của con, đi vào thân thể con cũng như linh hồn con cho đến khi sự hiệp thông chấm dứt."

Sau Thánh Lễ, ông bước ra ngoài tự hỏi "mình đã làm điều gì vậy? Nhưng ngày hôm sau, ông trở lại, và ngày sau nữa, sau nữa. Ông không thể nói với một ai thậm chí cả với vợ ông. Nhưng trong một hoặc hai tuần lễ ông thực sự bị thu hút và hoàn toàn "fall in love" với Đức Kitô và sự Hiện Diện Thực Sự của Người trong Thánh Thể.

Rồi một ngày kia người bạn Gerry gọi cho ông để thông báo: "Vợ tôi và tôi quyết định sẽ trở thành người Công Giáo vào Phục Sinh này"

Scott như hét lên: "Ê Gerry. Lẽ ra anh phải ngăn tôi trở lại đạo Công Giáo; bây giờ anh lại đi trước tôi sao? Chơi vậy thì không đẹp."

Gerry trả lời: "Nghe đây Scott, tôi không biết anh còn có những thắc mắc nào hay chống đối nào, nhưng tất cả các câu hỏi của chúng ta đều được trả lời."

Scott đáp: "Tôi cũng vậy."

Gerry nói: "Thấy chưa, tôi đâu có tò mò."

Sau khi cúp máy, Scott chợt nghĩ rằng sự trì hoãn vâng phục của ông hiện tại chẳng khác nào bất tuân Thiên Chúa. Chẳng phải Kinh Thánh đã nói rõ về Đức Maria, về giáo hoàng, và ngay cả về luyện ngục (1Cor 3,15) và về Hội Thánh như gia đình của Thiên Chúa trong đó mọi người là anh chị em với nhau sao?

Scott giải thích cho các bạn về ý nghĩa chính của Gia Đình Thiên Chúa mà đó là điều có ý nghĩa nhất trong đức tin Công Giáo. Đức Maria là mẹ của chúng ta, Đức Giáo Hoàng là người cha tinh thần, các thánh như anh chị, Thánh Lễ là một bữa tiệc gia đình, các ngày lễ giống như ngày kỷ niệm sinh nhật hay thành hôn. Chúng ta là gia đình của Chúa. Chúng ta không phải là trẻ mồ côi; Chúng ta có mái nhà.

Nhưng Scott cũng thừa nhận là ông chưa về đến nhà. Do đó ông bắt đầu xin Chúa: "Chúa muốn con làm gì? Gerry thì đang chuẩn bị gia nhập. Chúa muốn con làm gì? Con muốn về nhà. Con muốn rước Chúa trong Thánh Thể."

Sau đó Scott kể cho vợ nghe: "Kimberly, em không thể đoán được điều mà vợ chồng Gerry đang chuẩn bị làm đâu".

Kim: "Điều gì?"

Scott: "Họ sẽ trở nên người Công Giáo vào Phục Sinh này (1986)."

Kim nhìn ông, thở dài và nói: "Rồi sao? Điều đó có gì khác biệt đâu? Anh đã từng hứa là anh không gia nhập Công Giáo cho đến năm 1990 là sớm nhất."

Scott trả lời: "Phải, em đã nhắc anh điều đó; đúng vậy, anh đã hứa như vậy. Nhưng anh có thể được miễn cho điều đó nếu em cảm..."

Kim cắt ngang: "Không, không, đừng..."

Scott ngăn cô lại: "Em sẽ cầu nguyện cho anh điều đó chứ?"

Kim khó chịu: "Anh đừng dùng vấn đề cầu nguyện để tránh lời hứa."

Scott nói: "Nhưng Kimberly này, em không muốn nghe điều ấy, em không muốn đọc về điều ấy, em không muốn thảo luận về điều ấy. Nhưng đối với anh, việc trì trệ vâng phục một điều mà Thiên Chúa đã cho biết quá rõ thì cũng giống như bất tuân phục."

Kim buồn bã đáp: "Em sẽ cầu nguyện về điều đó, nhưng em bảo cho anh biết, em cảm thấy bị phản bội. Em cảm thấy bị bỏ rơi. Chưa bao giờ trong đời em cảm thấy cô đơn như vậy. Tất cả các ước mơ của em đều tiêu tan vì vấn đề này."

Sau một thời gian cầu nguyện Kim nói với Scott:
"Đây là điều đau lòng nhất trong đời, trong hôn nhân của chúng ta, nhưng em nghĩ đó là điều Thiên Chúa muốn em thi hành."


Vào lễ đêm Phục Sinh 1986, Kim vẫn đến tham dự Thánh Lễ rửa tội, gia nhập đạo Công Giáo của Scott. Sau khi kết thúc các nghi thức, Scot trở về chỗ ngồ và thấy Kim đang khóc, ông choàng tay qua người cô và họ bắt đầu cầu nguyện.

Scott cảm nhận trong lòng mình lời Chúa nói với ông: "Thầy đâu có bắt con trở thành một người Công Giáo mà quên đi tình yêu của con dành cho Kimberly, vì Thầy yêu cô ấy nhiều hơn con. Thầy yêu cầu con trở nên người Công Giáo vì tình yêu của con. Vì con không có sức mạnh để yêu thương cô ấy nhiều như Thầy muốn con yêu vợ con, Thầy sẽ ban cho con những gì còn thiếu sót trong Thánh Thể." Rồi trong âm thầm, ông đáp lại:
"Chúa ơi, xin Chúa làm ơn giải thích điều đó cho vợ con đi."
Và ông cảm thấy bình an.

Sau khi Scott trở lại Công Giáo, mối quan hệ giữa hai vợ chồng có phần lạnh nhạt hơn, điều này khiến ông lo lắng. Rồi khi Kim mang thai đứa con thứ ba được bốn tháng, cô bị xuất huyết và có nguy cơ sinh non, tính mạng cả hai mẹ con bị đe dọa. Scott thực sự sợ hãi và cầu nguyện với mọi vị thánh mà ông nhớ tới, nhất là thánh Giê-ra-đô. Phép lạ đã xảy ra, hai mẹ con đã được cứu sống bình an.

Scott cảm thấy rằng Chúa quá gần gũi với gia đình ông và đã cứu vãn cuộc hôn nhân đang đổ vỡ. Ngay sau khi sinh Hannah, Kimberly nói với Scott: "Em không biết rõ lý do, nhưng Thiên Chúa khiến em nghĩ rằng Hannah sẽ là một đứa con của sự hòa giải. Em không rõ điều đó có nghĩa gì."

Điều bất ngờ tiếp theo đã xảy ra khi Kim nói vs Scott: "Em không rõ lý do, nhưng em nghĩ Thiên Chúa muốn em để Hannah rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo."

Scott ngạc nhiên thốt lên: "Cái gì!, em nói gì cơ?"

Kim trả lời: "Em không rõ, nhưng thật là như vậy."

Sau đó không lâu, hai ông bà đưa bé đến nhà thờ để rửa tội. Kimberly đã lưu lại hình ảnh và nghi thức của lễ rửa tội và gửi cho gia đình, bạn hữu của cô. Nhưng cô ấy vẫn chưa sẵn sàng tìm hiểu Công Giáo. Cô bắt đầu đọc và cầu nguyện. Scott để Kim hoàn toàn tự do và không đá động đến vấn đề này.

Một kỷ niệm đáng nhớ của Scott là cuộc gặp gỡ với Đức GH Gioan Phaolo II vào năm 1990. Ông được các mục sư Hội Thánh Trưởng Lão, đặc biệt là bố vợ của ông, mời tham dự cuộc hội kiến này. Nhân dịp này, Scott không chỉ gặp Đức Giáo Hoàng mà còn được mời tham dự Thánh Lễ của ngài trong nguyện đường riêng. Ông chia sẻ cảm nhận khi đó như sau:
"Tôi chỉ cách ngài có vài bước và cảm được sự cầu nguyện của ngài. Bạn có thể nghe được lời cầu nguyện của ngài với đầu gục xuống trong đôi bàn tay, mang vác gánh nặng của Giáo Hội với tất cả tâm hồn."


Sau cuộc gặp gỡ này, Scott đưa ra hai quyết tâm cho bản thân. Một là hằng ngày tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng; hai là chia sẻ với anh chị em trong Đức Kitô về giáo hoàng và về gia đình (Giáo Hội) của Chúa, nơi giao ước của Ngài được thể hiện cụ thể trong Thánh Thể.

Ông nói: "Chúng ta là gia đình của Thiên Chúa, nhưng trên hết mọi sự, qua Thánh Thể nhận biết chúng ta đang quy tụ chung quanh bàn tiệc như người nhà của Thiên Chúa, con cái của Người. Thật là một đặc ân chúng ta đang có; thật là một ơn phước mà Người đã trao ban!"


M. Hạnh Tử, Sao chép có lược bỏ và điều chỉnh từ bản dịch của tác giả Pet. Trần Văn Nhật