Hành trình trở lại Công giáo của cựu mục sư Scott Hahn (2) - Tác giả: M. Hạnh Tử

Lan Mary
Ông đi vào phòng, đóng cửa rồi khóa lại và nghiền ngẫm. Ông cảm thấy lo sợ. Một người Luther đi ngược! Đối với ông lúc đó có nghĩa đối nghịch với sự cứu độ. Ông nghĩ rằng, có lẽ ông đọc sách quá nhiều nhưng ít cầu nguyện, do đó ông bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn. Rồi ông bắt đầu đọc thêm nhiều sách chống đối đạo Công Giáo, nhưng tất cả chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bởi đó ông quay về với các tài liệu Công Giáo và tìm hiểu NGUỒN:

HÀNH TRÌNH TRỞ LẠI CÔNG GIÁO CỦA CỰU MỤC SƯ SCOTT HAHN (2)


3. Giai đoạn 3: Học làm mục sư


Sau khi đám cưới khoảng một hai tuần, hai vợ chồng ông vào trường huấn luyện (Công Giáo gọi là chủng viện). Ông lấy bằng ba năm tại chủng viện Gordon-Conwell ở Boston; vợ ông lấy bằng hai năm. Sau cùng cả hai đều có cử nhân và đứng nhất lớp. Ông thú nhận là đã theo đuổi việc học này với một kiểu cách trả thù nào đó. Những ai biết ông đều công nhận ông rất nhiệt thành. Ông dùng bất cứ thời giờ nào rảnh rỗi để đọc và học hỏi Kinh Thánh, hay các sách về Kinh Thánh nhằm trưng ra các ý nghĩa của Kinh Thánh.

Ông kể lại một số sự kiện quan trọng có ảnh hưởng trong thời gian học này như sau:

Thứ nhất là môn học mà Kimberly theo học năm thứ nhất có tên là Đạo Đức Học Kitô Giáo. Giáo sư cho mọi người chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận về nhiều đề tài. Có nhóm về vấn đề phá thai, có nhóm về chiến tranh nguyên tử, có nhóm về án tử hình. Kimberly và nhóm của cô nghiên cứu về vấn đề ngừa thai.

Trưởng nhóm này đã nhanh chóng đi tới kết luận: "Tất cả chúng ta đều biết là Tin Lành, là Kitô Hữu Duy Phúc Âm, việc ngừa thai thì không có gì trở ngại, tôi muốn nói là một khi chúng ta không dùng dụng cụ ngừa thai mà có thể đưa đến phá thai như I.U.D., v.v.' Anh ta nói thêm là chỉ những người tự nhận mình là Kitô Hữu mà chống ngừa thai nhân tạo là người Công Giáo: 'Dĩ nhiên, họ lý luận rằng vì họ dưới quyền của một Giáo Hoàng độc thân và được hướng dẫn bởi các linh mục độc thân không muốn nuôi con nít nhưng muốn các cha mẹ Công Giáo đẻ thật nhiều để họ có thể tuyển chọn các linh mục và nữ tu. Chỉ có vậy!'"

Kiểu cách lý luận đó không thuyết phục nổi Kimberly. Cô hỏi, "Bạn có chắc đó là những lý luận mà người Công Giáo đưa ra hay không?" Và anh chàng đó không trả lời được, nên nói: "Nếu vậy thì cô muốn tự mình đi tìm hiểu sao?" Kimberly trả lời, "Được," và cô quyết tâm tự mình tra cứu.

Sau khi tìm hiểu, Kimberly chia sẻ với Scott: "Em tìm thấy rằng mãi cho đến năm 1930, bất cứ nhánh Tin Lành nào cũng phản đối ngừa thai dựa trên căn bản Kinh Thánh." Cô trao cho Scott cuốn "Birth Control & The Marriage Covenant" (Kiểm Soát Sinh Sản và Giao Ước Hôn Nhân) của John Kippley. Scott bắt đầu đọc sách này với nhiều lý thú vì với khả năng nghiên cứu riêng, ông đã đọc trọn bộ Kinh Thánh một vài lần, ông tin rằng nếu muốn biết Thiên Chúa, thì phải hiểu về giao ước, vì giao ước là ý nghĩa chính trong tất cả Kinh Thánh. Do đó khi cầm sách lên, ông thích thú khi thấy chữ 'giao ước' ở tựa đề. Khi vừa mở sách ra và bắt đầu đọc, ông nhận ra tác giả là một người Công Giáo nên nói với vợ: "Khoan đã, Kimberly, ông này là người Công Giáo. Em muốn anh phải đọc sách của một người Công Giáo sao?" Và ông nảy ra ngay lúc đó một tư tưởng rằng, „người Công Giáo làm gì mà để chữ 'giao ước' ngay trong tựa đề? Họ đã chộp cái ý niệm đẹp đẽ của từ lúc nào?"

Và rồi ông bắt đầu đọc. Ông chia sẻ như sau: Sau hai ba chương, tôi bắt đầu thấy tác giả có lý, do đó tôi vội ném sách lên bàn. Tôi thực sự không muốn thấy tác giả này hơn tôi. Nhưng tôi lại cầm lên và đọc tiếp. Các lý luận của ông thật có ý nghĩa. Từ Kinh Thánh, từ giao ước, ông cho thấy hành vi hôn nhân không chỉ là hành vi thể xác; nó là một hành vi tinh thần mà Thiên Chúa đã hoạch định để qua đó giao ước hôn nhân được làm mới lại... Chính trong giao ước hôn nhân cả hai trở nên một, và Thiên Chúa đã hoạch định như vậy để khi cả hai trở nên một, và họ kết hợp mật thiết đến nỗi chín tháng sau bạn phải đặt tên cho nó. Và đứa bé được thụ thai, hiện thân của sự nên một mà Thiên Chúa đã kết hợp hai người qua hành vi hôn nhân. Đó là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã hoạch định giao ước hôn nhân. Thiên Chúa phán, "Chúng ta hãy dựng con người trong hình ảnh và giống chúng ta," và Thiên Chúa, là ba trong một, đã dựng nên con người, nam và nữ, và nói, "Hãy sinh sôi nẩy nở." Hai người trở nên một và khi hai trở nên một, cái nên một ấy là đứa trẻ thứ ba, và sau đó họ trở nên ba trong một. Bắt đầu tôi thấy được các ý nghĩa, và tác giả cũng đưa ra nhiều lý luận khác. Khi đọc xong cuốn sách, tôi bị thuyết phục."

Điều khiến Scott khó chịu là chỉ có Giáo Hội Công Giáo La Mã còn duy trì giáo huấn cổ xưa có nguồn gốc từ Kinh Thánh, bởi vì trong năm 1930, Anh Giáo đã cho phép ngừa thai, và không lâu sau đó mọi nhánh Tin Lành khác trên thế giới thực tế đã chịu thua trước áp lực vũ bão của cuộc cách mạng tình dục. Vào thập niên 1960 và 70, chính giáo phái Hội Thánh Niên Trưởng Tại Hoa Kỳ của Scott Hahn, không chỉ tán thành ngừa thai nhưng cả việc phá thai theo yêu cầu và toàn quốc giúp quỹ cho việc phá thai, và điều đó làm Scott kinh hoàng.

Trong năm thứ ba và năm sau cùng ở chủng viện, Scott bắt đầu gặp khủng hoảng. Ông đang nghiên cứu về chủ đề giao ước trong Kinh Thánh và nghe có một thần học gia khác cũng nghiên cứu về giao ước, là Giáo Sư Shepherd ở Philadelphia dạy tại Chủng Viện Westminster. Scott biết đến Shepherd chỉ vì ông này đang bị kết án là rối đạo. Người ta nói rằng sự rối đạo của ông bắt nguồn từ sự hiểu biết về giao ước. Do đó Scott kiếm một vài tài liệu và bài viết của ông để đọc qua. Scott nhận ra giữa ông và giáo sư Shepherd có cùng tư tưởng.

Cần biết rằng trong đạo Tin Lành, ý tưởng giao ước được hiểu một cách thực tế như đồng nghĩa với hay có thể hoán đổi với chữ khế ước. Khi bạn có giao ước với Thiên Chúa, cũng giống như có khế ước. Bạn trao cho Thiên Chúa tội lỗi của bạn; Người trao Đức Kitô cho bạn, và mọi sự chỉ là trao đổi đức tin để được cứu độ.

Nhưng càng nghiên cứu Scott nhận thấy trong Do Thái Giáo và trong Kinh Thánh, một giao ước khác với một khế ước cũng như một hôn nhân khác với sự mãi dâm. Trong khế ước bạn trao đổi tài sản, trong khi với giao ước bạn trao đổi con người. Trong khế ước bạn nói, "Đây là của bạn và đó là của tôi," nhưng Sách Thánh cho thấy trong giao ước bạn nói, "Tôi là của bạn và bạn là của tôi." Ngay cả khi Thiên Chúa giao ước với chúng ta, Người nói, "Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và ngươi sẽ là dân của ta." Sau khi nghiên cứu tiếng cổ Do Thái, Scott còn biết thêm rằng chữ 'Am, có nghĩa người dân, đồng nghĩa là người bà con, gia đình. Ta sẽ là Thiên Chúa và cha của ngươi; ngươi sẽ là gia đình ta, con cái ta. Như thế giao ước tạo thành các mối giây thân thuộc hợp thành một gia đình với Thiên Chúa.

Sau khi đọc tài liệu về chủ đề giao ước của Giáo Sư Shepherd, Scott đồng ý với điều ông nói: giao ước của chúng ta với Thiên Chúa có nghĩa là phận làm con. Scott nghĩ, "Nếu vậy thì đúng. Tại sao người ta lại bảo Shepherd rối đạo?"Sau đó có người nói với ông, "Ông Shepherd đang đặt ra vấn đề sola fide." Cái gì! Không thể nào được. Vì đây là Phúc Âm mà. Đó là chân lý đơn giản của Đức Kitô. Người đã chết vì tội lỗi; tôi tin ở Người. Người cứu độ tôi, rõ ràng và đơn giản; nó đã xong rồi. Sola fide? Ông ấy đặt vấn đề đó sao? Không thể nào được. Scott quyết định gọi điện cho Shepherd và hỏi: "Tôi vừa mới đọc xong những điều ông viết về giao ước; nó thật có ý nghĩa. Tôi cũng đi đến cùng một kết luận. Nhưng tại sao điều này lại dẫn ông đến việc đặt lại vấn đề học thuyết sola fide của Luther?" Shepherd giải thích rằng ý niệm về công chính hóa của Luther thì rất hạn hẹp. Nó có nhiều điểm đúng, nhưng cũng thiếu sót nhiều sự thật.

Sau cuộc nói chuyện, Scott tự tìm hiểu thêm và khám phá thấy rằng đối với Luther, và có thể nói với tất cả các tín hữu Tin Lành duy Kinh Thánh, Thiên Chúa là một quan tòa, và giao ước là khuôn viên tòa án mà tất cả chúng ta là tội phạm. Nhưng vì Đức Kitô đã chịu hình phạt của chúng ta, chúng ta có sự công chính của Người, và Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta, do đó chúng ta không bị trừng phạt; chúng ta được công chính hóa. Với Luther, nói cách khác, sự cứu độ là một trao đổi hợp pháp, nhưng với Phaolô trong thư Rôma, thư Galát, sự cứu độ là như vậy, nhưng còn hơn thế nữa. Nó không chỉ là một trao đổi hợp pháp vì giao ước không hướng về một tòa án La Mã mà hướng về một căn phòng gia đình Do Thái. Thiên Chúa không chỉ là một ông tòa; Thiên Chúa là một người cha, và phán quyết của Người thì nhân từ của một người cha. Đức Kitô không chỉ là người đại diện cho một nạn nhân vô tội đã gánh lấy tội lỗi, hình phạt của chúng ta; Người là trưởng tử trong các anh chị em. Người là anh cả trong gia đình, và Người thấy chúng ta tán loạn, như đứa con hoang đàng, như phiến loạn tách rời khỏi đời sống gia đình của Thiên Chúa. Và qua giao ước mới, Đức Kitô không chỉ trao đổi trong ý nghĩa pháp luật; Đức Kitô đã ban cho chúng ta tư cách làm con của chính Người để chúng ta thực sự trở nên con cái Thiên Chúa.

Nhưng khi Scott tiếp tục đi vào các văn bản của Luther và Calvin, ông không còn thấy điều đó. Ông khám phá rằng có những kẽ hở rõ ràng trong giáo lý của 2 vị này. Do đó Scott đi đến kết luận rằng sola fide thì sai lầm.

- Thứ nhất, chỉ vì trong Kinh Thánh chẳng có chỗ nào nói đến điều đó cả.

- Thứ hai, vì Luther đã thêm vào chữ "CHỈ" trong bản dịch sang tiếng Đức, trong thư Roma 3, dù rằng ông biết rất rõ là chữ "chỉ" không có trong bản văn tiếng Hy Lạp. Không thấy chỗ nào mà Thánh Thần đã linh ứng cho các tác giả Kinh Thánh để nói rằng chúng ta được cứu độ chỉ bởi đức tin.

Thánh Phaolô dạy rằng chúng ta được cứu độ bởi đức tin, nhưng trong thư Galát ngài nói rằng chúng ta được cứu độ bởi đức tin hoạt động trong đức ái. Và đó không phải là phương cách sinh hoạt của một gia đình hay sao? Người cha không bao giờ nói với con cái rằng, "Này mấy đứa, vì các con ở trong gia đình này còn mấy đứa bạn con không ở trong nhà này, nên các con không phải làm việc, các con không phải vâng lời, các con không phải hy sinh vì các con đã được miễn. Các con sẽ được hưởng thừa kế bất kể các con hành động thế nào." Đó không phải là kiểu cách hành động.

Sau khi thấu hiểu điều này, Scott thay đổi ý nghĩ và trở nên rất băn khoăn. Một trong những giáo sư sáng giá của ông là Tiến Sĩ John Gerstner, từng nói rằng "nếu chúng ta sai lầm về sola fide, tôi sẽ quỳ gối bên ngoài điện Vatican ở Rôma sáng ngày mai để sám hối." Lúc bấy giờ các sinh viên của ông trong đó có Scott đã cười khoái chí. Nhưng ông đã đưa ra điểm quan trọng; đây là điểm mà từ đó tất cả các học thuyết khác phát sinh. Và nếu Tin Lành sai lầm, họ cần phải tìm hiểu xem còn có những chỗ nào sai lầm nữa. Scott băn khoăn, nhưng không quá lo lắng.

4. Giai đoạn 4: Trở thành Mục Sư của Hội Thánh TL ở Virginia


Không lâu sau, ông được hội thánh ở Virginia, một hội thánh nổi tiếng ở Mỹ, đã mời ông làm mục sư với lương bổng hậu hĩnh. Ông nhanh chóng nhận lời và đến đó giảng, hướng dẫn học Kinh Thánh, gặp gỡ trong một cuộc họp. Họ nói, "Thật tuyệt vời; chúng tôi muốn ông ở đây. Chúng tôi sẽ trả ông hậu hĩnh để ông có thể theo học tối thiểu 20 giờ một tuần về Kinh Thánh và thần học. Tuy nhiên, chúng tôi muốn ông giảng tối thiểu 45 phút mỗi sáng Chúa Nhật để khai mở cho chúng tôi về Ngôi Lời. Chúng tôi muốn ông nhận chìm chúng tôi trong Lời Chúa".

Điều đầu tiên ông giảng về giao ước. Điều thứ hai là chấn chỉnh những hiểu lầm về giao ước để cho họ thấy giao ước có nghĩa là gia đình. Điều thứ ba ông cho họ thấy rằng gia đình của Thiên Chúa thì có nhiều ý nghĩa hơn cho chúng ta và những gì Đức Kitô đã thi hành hơn bất cứ điều gì trong Kinh Thánh. Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Con, và Thiên Chúa qua Thánh Thần đã biến chúng ta thành một gia đình với Người. Và một khi ông bắt đầu giảng giải điều này, dạy điều nọ, nó lan tràn như cháy rừng. Nó lan qua giáo xứ; người ta có thể thấy nó ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình.

Điều thứ bốn ông dạy họ về phụng vụ, giao ước và gia đình, và nói rằng trong Kinh Thánh giao ước được cử hành qua việc phụng tự là nơi gia đình Thiên Chúa tụ tập để ăn tiệc để cử mừng sự hy tế của Đức Kitô. Trong bài giảng cũng như trong lớp dạy ông đề nghị phải có bữa tiệc gia đình, sự hiệp thông. Ông dùng cả chữ "Thánh Lễ" (Eucharist). Họ chưa bao giờ nghe chữ này cả. Ông nói, "Có lẽ hàng tuần chúng ta phải cử mừng vì được là giao ước của Thiên Chúa-gia đình qua sự hiệp thông." Họ hỏi: "Ông nói gì?" Ông đáp, "Thay vì dùng bài giảng làm tâm điểm, tại sao chúng ta không dùng bài giảng như phần mở đầu và chuẩn bị để đi vào việc ăn mừng chúng ta là gia đình của Chúa?" Họ đồng ý.

Có người cho rằng hàng tuần là quá nhiều và sợ "quen quá hóa nhờn". Nhưng ông trả lời: "Thử nghĩ coi. Có thể nào ông nói với vợ ông là anh chỉ yêu em bốn lần trong một năm? Cưng ơi, nói cho cùng, thân quá hóa nhờn. Ông biết là ông muốn được vợ ông hôn nhiều hơn bốn lần một năm chứ."

Khi thay đổi phụng vụ, hội thánh của ông cảm thấy một sự thay đổi trong cảm nghiệm đời sống của giáo xứ cũng như trong gia đình. Và khi càng dạy họ về giao ước, ông càng phấn khởi để thấy họ càng thèm khát muốn biết hơn nữa.

Bên cạnh đó, ông cũng dạy một vài giờ tại một trường trung học Kitô Giáo địa phương cũng thuộc về hội thánh này. Ông khởi sự dạy về lịch sử cứu độ, và lúc đầu, họ lo lắng vì môn này quá mơ hồ, tất cả những địa danh, tên tuổi còn chưa đọc đúng chứ nói gì đến ý nghĩa của những chữ ấy. Bởi đó ông nói với các em, "Một khi các em nghĩ về giao ước như gia đình, điều đó thật đơn giản." Ông dẫn các em qua hàng chuỗi giao ước trong Cựu Ước mà từ đó dẫn đến Đức Kitô.

Khi nghe ông trình bày về giao ước gia đình, có một em giơ tay hỏi, "Nếu chúng ta thực sự phát triển điều này thì sẽ giống như cái gì?" Ông vẽ hình kim tự tháp lên bảng và nói, "Hãy coi đó như một đại gia đình với hình ảnh người cha và mẹ ở những mức độ khác nhau, và tất cả chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô."

Rồi ông nghe có tiếng xì xầm ở cuối lớp, "Em thấy nó giống Giáo Hội Công Giáo." Ông trả lời, "Không, không! Điều tôi nói với các em là giải pháp cho các vấn đề, là thuốc giải độc." Sau đó, trong bữa ăn trưa cô lớp trưởng nói với ông, "Chúng em nghĩ rằng thầy sẽ trở thành một người Công Giáo La Mã." Ông hốt hoảng: "Đừng nói vậy. Thầy không muốn mất việc, nhưng Rebecca này, điều tôi nói với các em thì không phải là đạo Công Giáo; nó là thuốc giải độc cho chất độc của đạo Công Giáo." Cô ta đứng đó, nhìn đăm đăm, "Tất cả đều đồng ý là thầy sẽ trở nên một người Công Giáo." Và cô quay lưng bỏ đi.

Chiều hôm ấy khi về đến nhà, Scott kể cho Kimberly nghe chuyện ấy rồi nói: "Em có thể tưởng tượng được không, anh mà là người Công Giáo sao được?" Nhưng vợ ông không cười. Cô nhìn nhìn ông và hỏi, "Không phải vậy sao?" Ông bối rối: "Em biết anh là một tín đồ của Calvin, một người Tin Lành, một người chống Công Giáo. Anh đã phân phát biết bao nhiêu sách của Boettner; anh đã làm nhiều người Công Giáo bỏ Giáo Hội. Anh đã quá quen với Martin Luther." Kembery trả lời: "Thì vậy, nhưng đôi khi em tự hỏi không biết anh có phải là người Luther đi ngược hay không."

Ông đi vào phòng, đóng cửa rồi khóa lại và nghiền ngẫm. Ông cảm thấy lo sợ. Một người Luther đi ngược! Đối với ông lúc đó có nghĩa đối nghịch với sự cứu độ. Ông nghĩ rằng, có lẽ ông đọc sách quá nhiều nhưng ít cầu nguyện, do đó ông bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn. Rồi ông bắt đầu đọc thêm nhiều sách chống đối đạo Công Giáo, nhưng tất cả chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bởi đó ông quay về với các tài liệu Công Giáo và tìm hiểu.
(Còn tiếp)