Con chữ đầu đời- Tác giả: Gioan Lê Sính

Lan Mary

 

CON CHỮ ĐẦU ĐỜI - HÀNH TRANG CỦA ƯỚC MƠ

(Gioan Lê Sính)

Sự học của tôi thực sự được bắt đầu từ Trường Sơ.

Trường Sơ là tên chúng tôi tự nghĩ ra cho căn phòng sáng sủa có đầy đủ bàn ghế, bảng đen, phấn trắng ấy. Trường cách làng tôi một cánh đồng. Các sơ mở lớp học dạy miễn phí để xóa mù chữ cho trẻ em nghèo. Tôi không được xếp vào diện nghèo nhưng vì tôi đã qua một năm ở Mẫu giáo mà không được nhận lên lớp Một nên mẹ tôi buộc phải xin cho tôi vào Trường Sơ học. Quyết định này của mẹ tôi đã tạo ra một cú hích cho cuộc đời tôi để từ đó tôi từ một thằng nhóc phá phách lì lợm không thuộc bảng chữ cái chính thức bước vào con đường học tập, làm một người “có chữ” hẳn hoi.

Tôi bây giờ đã bốn mươi nhưng ký ức vẫn còn lưu giữ hình ảnh và kỷ niệm dưới Trường Sơ. Có kỉ niệm chỉ nhập nhòe như tấm ảnh đã bị thời gian làm đổi màu hoen ố nhưng cũng có kỉ niệm vẫn rõ ràng sống động như tấm ảnh đã qua một lớp plastic của ký ức mà thời gian không thể xâm phạm được. Những giờ ê a tập đọc cùng chúng bạn, những nét bút thẳng thớm đầu tiên, và cái cảm giác hãnh diện tự tin rằng mình không hề mít đặc là những điều ký ức tôi đã hằng ghi nhớ và bảo vệ khư khư. Ngày ấy, các sơ không phân lớp theo độ tuổi như các trường khác vẫn làm, thay vào đó, các sơ phân lớp theo độ sáng dạ của từng đứa dù tất cả chúng tôi đều học chương trình tiền tiểu học. Qua kiểm tra, tôi được các sơ nhận xét là sáng dạ và cho tôi vào học chung lớp với những bạn sáng dạ khác. Có lẽ các sơ không bao giờ biết được điều ấy có ý nghĩa với tôi đến thế nào. Nó đã mang lại cho tôi một niềm tin và một cái nhìn khác về bản thân mình. Chuỗi ngày sau đó là khoảng thời gian thật êm ái đối với tôi, các sơ rèn cho tôi từng nét, nhắc cho tôi từng chữ, sửa cho tôi từng việc làm và dạy tôi biết thế nào là yêu thương.

Những gì tôi học được ở Trường Sơ không chỉ là con chữ để làm hành trang ban sơ cho cuộc đời mà còn là khái niệm đầu tiên về Tình yêu để bây giờ khi đã trưởng thành và có đủ trí khôn, đủ trải nghiệm đắng cay lẫn hạnh phúc với cuộc đời, tôi biết ơn và trân trọng nhiều hơn những gì tôi đã có ở Trường Sơ. Chúng tôi học theo tiết và cũng có giờ ra chơi như các trường khác. Thói quen phá phách nó sống trong người tôi như một loại ký sinh. Tôi nhảy từ thềm hành lang của nhà thờ sang bên kia lối đi. Cạnh đó, lúc ấy, là hàng rào của nương sắn. Tôi đáp đất với một gai nè cắm phập vào chân. Máu rỏ xuống đất tươi ròng. Gai nè găm sâu quá, tôi lặng người đi ngồi nhìn máu chảy, cảm giác sợ nhiều hơn là đau. Tụi bạn cuống quýt chạy tìm sơ. Sơ đỡ tôi dậy, động tác thật dứt khooác sơ rút gai nè khỏi chân tôi rồi nâng bàn chân của tôi lên miệng mút cho tôi. Ôi, bàn chân nhơ nhớp của tôi! Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, tôi vừa thương sơ vừa thấy lo lắng, tôi cho rằng sơ đang làm phép thánh. Hồi đó, tôi chẳng biết tí gì về Chúa, tôi chỉ mơ hồ nghĩ rằng các sơ không giống người bình thường và các sơ có phép thánh.

Cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ thôi xúc động mỗi khi nhớ lại ngày hôm ấy. Thời điểm ấy, cả làng chẳng có lấy một tiệm thuốc tây nào, bông băng, dung dịch sát khuẩn hay bất cứ thứ dụng cụ y tế cơ bản nào cũng đều thật hiếm hoi. Sơ phải làm vậy để sơ cứu cho tôi, bây giờ tôi vẫn còn áy náy vì chân tôi dính toàn bùn đất…

Bây giờ, trong nhiều lần nghe giảng về tình yêu với tha nhân, trong đầu tôi lại hiện ra bức chân dung của sơ ngày hôm ấy, chân dung một vị nữ tì của Chúa mà đến cả tên tôi cũng không hề biết vì chúng tôi luôn gọi sơ là Sơ. Nhà thờ giáo xứ Hòa Đa vẫn ở đó nhưng hơn ba mươi năm đã qua, tôi không biết bây giờ Sơ có còn ở đó hay là không?

Hơn ba mươi năm tôi mang hành trang là những con chữ nặng ân tình ấy đi giữa cuộc đời, đã có lúc tôi chông chênh, đã có lúc tôi tuyệt vọng nhưng cuối cùng tôi cũng được biết Chúa và được ơn trở lại. Giờ đây, tôi chỉ có một ước mong duy nhất là làm sao có thể viết tiếp được hai chữ Tình Yêu.

Gioan Lê Sính

Đà Nẵng, ngày 18 tháng 2 năm 2022