Chúng ta là đồ cũ- Tác giả: Trần Nguyên Đán

Lan Mary

 

Nhà văn Trần Nguyên Đán, chữ nghĩa cẩn thận, không dư một chữ, không thừa một câu, chưa kể, tư tưởng thâm trầm, văn phong chắc nịch, kết cấu bất ngờ. Bước vào văn chương Trần Nguyên Đán, đọc giả không thể cưỡi ngựa xem hoa; nhưng cẩn thận với từng chi tiết tác giả vẽ ra, tô điểm, và tự hỏi tại sao. Câu trả lời rồi sẽ được kiếm thấy. Văn chương Trần Nguyên Đán là một bức tranh lập thể, mới thoạt nhìn, đọc vài hàng, lẫn lộn. Nhưng càng nhìn, càng đọc, càng mê.

Xin giới thiệu tới đọc giả, “Chúng Ta Là Đồ Cũ”, tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Nguyên Đán.

Nguyễn Trung Tây, SVD

Tôi muốn một sự thay đổi. Người đàn ông viết như thế trên cái laptop đã cũ của mình. Mỗi ngày ông ta viết vậy hàng chục lần, như một cuộn băng nhựa bị nấc nghẹn cứ lập đi lập lại một chữ. Ông thèm khát một sự đổi mới trên cái laptop cũ. Ngay cả ông cũng không nghĩ rằng ông đã quá cũ để có thể thay đổi. Như một bức tranh bị bỏ quên trong phòng vẽ cả chục năm, trong căn nhà cũ kỹ như viện bảo tàng. Vì căn nhà nằm lọt thỏm trong sự xô bồ náo động của một downtown nên mỗi ngày rất nhiều người đi qua đi lại bên ngoài viện bảo tàng ấy, không hề biết bên trong viện bảo tàng có một bức tranh cũ thèm khát sự thay đổi.

Lời khẩn thiết lâu ngày đã được đáp ứng. Ngày kia có một người đàn bà đi vào viện bảo tàng. Viện bảo tàng nhỏ, đến nỗi bà chẳng cần đi, chỉ đứng có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ. Viện bảo tàng cũ, đến nỗi bà phải khom lưng để bước vào cửa và phải kéo cái mũ rơm rộng vành có chút sờn rách nếu nhìn kỹ để che đầu, sợ bụi trên trần nhà rơi vãi xuống mái tóc bạc (bà cũng giống một mệnh phụ cũ kỹ, lỗi thời, bạc màu còn đội mũ rộng vành kiểu các bà ngày xưa), không như bây giờ, các cửa hàng mũ ế ẩm, người ta làm tóc đẹp, không muốn lấy mũ che lại, để đầu trần, phô bày tất cả sự khỏe mạnh của cái đầu thon, mái tóc dầy kín hay buông xõa. Mũ rộng vành bây giờ chỉ còn thích hợp với nữ hoàng Elizabeth trên tám mươi tuổi khi bà xuất hiện trước đám đông để làm đẹp cho hình ảnh của nước Anh, thật ra chỉ để cho người ta nhìn thấy quốc gia này nhăn nheo hơn mà thôi) Dường như chỉ có những người thuộc loại vang bóng một thời mới đội mũ rộng vành đi vào viện bảo tàng.

Tấm thảm cũ xì cũ rích run lên, cảm động dưới bước chân của người đàn bà cũ kỹ. Có một người cảm động hơn, run rẩy hơn nhìn bước chân của người đàn bà. Đó là người đàn ông thèm khát sự thay đổi. Ông ta đã viết câu đó đến lần thứ hai mươi mốt trên cái laptop cũ trong ngày hôm nay khi người đàn bà đến bất ngờ, bước vào, chẳng cần gõ cửa, phép lịch sự tối thiểu. Cần gì gõ, cửa chính hầu như mở toang cả ngày lẫn đêm, thiếu điều bốc luôn cả mái, gỡ hết các vách tường, để phô bày cho nhân gian thấy sự khao khát của quá khứ.

Ông run rẩy lắm, ông đã chờ đợi cho đến giây phút này. Trái tim ông đập lung tung chẳng còn nhịp điệu cần thiết gì cả trong lồng ngực teo tóp. Đó là lý do vì sao những người lớn tuổi hay bị heart attack khi họ xúc động quá đáng. Ông cố gắng nén lòng chờ đợi thêm giây phút nữa, chờ đợi người đàn bà cất tiếng. Bà cất tiếng thật, tiếng thều thào, đứt quãng.
Tôi có đi nhầm nhà không đây.
Ông xúc động nói nhỏ.
Không, bà ơi, bà không đi nhầm nhà đâu, bà đi đúng nhà rồi đấy.
Người đàn bà giật mình, đôi vai run lên, mắt ngó quanh:
Ai nói đó. Có thật không. Người đàn ông và người đàn bà nhìn nhau, chợt có một khoảnh khắc lướt nhẹ qua đôi mắt họ, giống như một cuộc trở về của quá khứ. Có lần một người thợ lặn đã khám phá ra xác một chiếc thuyền chìm dưới lòng một con sông nhỏ, chiếc thuyền hầu như đã bị quên lãng, từ bao nhiêu năm, không ai nhớ, trong sổ bộ lưu trữ của ngành hàng hải đã bỏ sót sự mất tích của chiếc thuyền nhỏ, trong một dòng sông nhỏ, nhỏ quá không ai chú ý đến, không quan trọng nên không ai nhớ lâu. Người ta nhớ lâu những cái gì lớn, quan trọng, có tính cách lịch sử, được công nhận bởi những văn bản. Chiếc thuyền nhỏ và người thợ lặn cùng cảm động nhìn nhau, có khác chăng là cảm xúc của một cái vỏ thuyền đang mục rã trong dòng nước của tháng năm, và một người còn đang sống, đang thở qua chiếc bình dưỡng khí. Ấn tượng ấy sâu sắc đến nỗi sau này khi từ giã sông nước, người thợ lặn trở thành một nhà văn, suốt đời chỉ viết về sự tồn tại và biến mất, hiện hữu và lãng quên.

Người đàn ông cất tiếng nói, rất cẩn thận, sợ người đàn bà sẽ hoảng hốt bỏ đi.
Đừng vội đi bà nhé, bà đã đến đây, xin hãy ở lại đây.
Người đàn bà đã lấy lại bình tĩnh sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu.
Tôi cũng không có ý định đi đâu nữa ông ạ. Tôi đến đây thì đã mỏi chân rồi, muốn nghỉ lại một chút.
Bà có cần một ly trà nóng không. Đó là tất cả những gì tôi có cho bà bây giờ.

Người đàn bà xúc động. Đã lâu lắm không có ai mời bà một thứ gì, thậm chí một ly trà, một thức uống rẻ tiền, đôi khi không tính tiền, trong các bữa ăn tiệm. Bà đã cũ quá, nên người ta cũng hà tiện một lời mời. Có biết bao nhiêu người trẻ hơn bà, khỏe hơn bà, hữu dụng hơn bà, mà người ta xúm xít dành giật mời mọc, nhiều khi đi ngang qua bà không ngại đụng chạm và ném lại cho bà một cái nhìn vô cảm. Bà nhớ lại những món đồ chơi cũ kỹ mà bà quăng bỏ khi chơi chán khi còn nhỏ. Quăng nó đi rồi, ngày hôm sau lại thấy nó trong cái rổ đồ chơi. Bà quăng đi lần nữa, và lại thấy nó trở về với cái rổ, hai ba lần như vậy, bà thì thầm hỏi: mày không muốn rời nơi này sao. Đồ chơi nhìn bà với đôi mắt đầy lệ. Bé ơi, đừng bỏ tôi. Tôi đã từng chơi với bé và yêu bé. Nhưng mày cũ quá rồi, chơi gì được nữa. Bé gái nói một cách vô tâm. Tôi cũ rồi, không đẹp nữa, nhưng tôi còn một tâm hồn. Bé gái chẳng cần biết gì đến tâm hồn. Nó nhỏ quá để biết phân biệt thể xác và tâm hồn. Cho đến khi nó lớn lên và trở thành một thứ cũ kỹ người ta không muốn thấy nữa, sự hiện diện của bà trên đời này không còn ý nghĩa gì với họ nữa, thì bà nhớ lại món đồ chơi ngày xưa và mắt đong đầy những giọt lệ. Trời quả có mắt. Bây giờ thì bà hiểu quá những giọt lệ trong mắt món đồ chơi cũ. Có đôi khi mắt bà không còn tiết ra được một thứ nước gọi là lệ nữa.

Tôi muốn một ly trà. Bà nói thì thầm, cẩn trọng, nâng niu. Giống như một người rất tầm thường được giới thiệu bước lên một diễn đàn lớn để phát biểu. Bà không nghe tiếng trả lời, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bà thấy một ly trà nóng đựng trong một cái ly cũ, cáu bẩn, đặt trang trọng trên một cái dĩa mẻ một góc, để lên mặt bàn nứt nẻ. Điều quan trọng là ly trà còn nóng, bốc khói, ấm áp. Bà hỏi bâng quơ:

Đồ dùng ở đây cũ quá ông nhỉ.

Thì viện bảo tàng mà, thưa bà. Trong viện bảo tàng chỉ còn những cái cũ, thuộc về quá khứ, nhưng những vật dụng cũ này có hồn đấy. Nó vẫn còn sống đấy bà ạ, và khao khát được người ta nhớ đến, chạm đến.

Những lời nói đẹp như bay ra từ các bài thơ cổ điển. Thuở mà các người đàn ông đàn bà còn lịch sự ngã mũ chào nhau, bắt tay, hay kề má để nhận một nụ hôn, có một chút nóng ấm của cảm xúc, bâng khuâng của cảm giác, kiểu tình trong như đã, mặt ngoài còn e, chẳng phải là những lời sỗ sàng trắng trợn trơ trẽn của ngôn ngữ bây giờ, mà người ta ném cho nhau như ném đá. Vậy mà họ nói đó là hay, bà chẳng thể tưởng tượng nổi. Bà thoáng đỏ mặt khi vô tình nhìn thấy những hình ảnh người ta cuống cuồng trút bỏ hết mọi thứ vướng víu trên người, lao vào nhau như ăn tươi nuốt sống trên truyền hình, dù chỉ mới gặp lần đầu. Bà bâng khuâng nhớ người yêu xưa, một chàng đẹp trai đến nỗi bà cũng muốn nhai nuốt anh ta ngay buổi đầu gặp gỡ. Nhưng bà đã cẩn thận lùi lại, bẽn lẽn, mơ màng, kéo quai nón, ngó nghiêng, cho đến khi một bàn tay nóng ấm chạm khẽ vào mái tóc.

Bà ạ. Người đàn ông khẽ nhắc. Cuốn phim đã cũ lắm rồi, xem nhiều lần nữa nó sẽ đứt.

Người đàn bà chợt cao giọng: Chứ không phải đây là viện bảo tàng sao. Viện bảo tàng mà còn phân biệt cũ mới sao. Đây không phải là nơi người ta đến để hoài niệm sao, khi những chỗ khác chỉ toàn nói những chuyện mới? Bà dựng đứng dấu hỏi.

Người đàn ông lúng túng: Không, tôi không có ý nói thế. Đây là nơi hoài niệm, đúng vậy. Ông lầu bầu cái gì đó thêm trong miệng, không nỡ nói ra, không dám nói ra. Mình cũng chỉ là một thứ hoài niệm đó thôi.

Ông muốn nói gì. Dấu hỏi đã nghiêng qua một bên, không thẳng đứng nữa. Bây giờ hai con người cũ kỹ trong một viện bảo tàng cũ kỹ nhỏ như bàn tay, đối thoại với nhau bằng mắt, đọc những ý tuởng trong đầu nhau. Tôi rất vui bà đến hôm nay, tôi chờ đợi giây phút này từ lâu lắm rồi, từ khi tôi trở thành một vật dụng cũ bị bỏ quên không ai nhớ đến, ngó đến, hoặc nghĩ đến, dù thoáng qua. Sự xuất hiện của bà hôm nay làm tôi như được hồi sinh trở lại. Này bà xem, màu sắc dường như được sơn phết lại, đường nét dường như thêm sự cắt xén gọn gàng, đầu tóc giống như mới. Mọi sự rộn ràng, nhún nhảy, như một vũ điệu cũ được những vũ công chuyên nghiệp trình diễn trở lại bằng một hòa âm mới, cách nhảy mới, trẻ nhưng vẫn giữ được nét hoài cảm của thời vàng son xưa. Không còn chút lừ đừ bệnh hoạn nào nữa bà nhé. Người đàn ông nói thật sôi nổi, cố tình tìm cách xóa bỏ sự dị biệt không cần thiết, khi người đàn bà đưa ly trà lên miệng, cách uống trà còn nguyên vẹn nét quý phái đĩnh đạc của một hòa âm bất tử, chưa phai mờ. I appriciate that, rất thanh lịch, nói thêm một lời biết ơn bằng tiếng Anh.

Bà nói giọng mơ màng, cảm động.

Tôi cũng cảm thấy mình đang sống lại thời tuổi trẻ trên những cánh đồng nho bạt ngàn ở Pháp, một mùa hè rực rỡ, với những chàng trai cao lớn tóc hung, lúc nào cũng vui cười, lịch sự khi lại gần các cô gái trẻ mặt đầy tàn nhang đỏ bừng vì nắng, dưới những tàng cây rậm. Những trái nho quay tít trong các máy quay ly tâm, làm chảy những giọt mật sóng sánh mầu tím xuống những thùng chứa tròn bằng gỗ phía dưới. Thật thanh bình.

Bà rón rén ngồi xuống chiếc ghế độc nhất trong viện bảo tàng, ngồi rón rén bởi vì nó chỉ còn ba chân, chân kia phải dựa vào vách như vừa đứng vừa ngẫm nghĩ điều gì. Người đàn ông ái ngại nhìn, muốn giúp, nhưng e sẽ không đỡ nổi tấm thân hơi đồ sộ kích thước tháng năm của người đàn bà. Toàn khung cảnh nhìn vào có vẻ hơi buồn cười, một người đàn bà quá khổ ngồi trên chiếc ghế gẫy chân nhỏ xíu, nhăn mặt khó chịu một cách kín đáo. Người đàn ông gầy gò loay hoay giữa trung tâm cuộc thay đổi. Hình như chúng ta đã quá lạc hậu rồi, bà nhỉ. Ông nói, cảm thấy chán.

Vậy mà họ vẫn có thể đối thoại được. Chả là vì họ đã thiếu thốn quá lâu. Đói quá lâu, thức ăn gì mà chẳng thấy ngon.

Tôi nhớ những bức tranh thời kỳ phục hưng. Người đàn ông nói.

Đột nhiên có tiếng gió xô mạnh làm bay tung cái màn mỏng tang duy nhất ở cửa sổ, chẳng phải tiếng gió xô, ấy là tiếng echo của hai bước chân mạnh bạo. Một cô gái ăn mặc như một gã đàn ông bất cần đời và một thanh niên tóc dựng đứng, bù xù như tóc phụ nữ làm dáng. Thoạt nhìn hơi khó phân biệt ai là đàn ông ai là đàn bà. Tay họ cầm những cái thùng giấy lớn không biết để làm gì.Cả hai cùng bước vào một lần, tạo nên tiếng gió. Tiếng động cũng khá bất lịch sự đấy, nhưng hai bài hát hoài niệm chẳng hề chú ý, vì họ đang chìm đắm trong hoài niệm mênh mang. Ước gì người ta có thể tập trung vào một nỗi đam mê cuồng nhiệt đến nỗi quên đi những tiếng động.

Nghe tiếng nói thì thầm hoài niệm, hai người không rõ phái tính đứng lại nghe.

Họ nói chuyện gì vậy. Bằng thứ ngôn ngữ gì vậy. Cô gái ngổ ngáo hỏi.

Chẳng biết. Chàng trai tóc dựng lừng khừng đáp. Nghe như một loại ngôn ngữ cổ xưa nào đó đã bị diệt chủng (chàng hơi ngừng lại, ngẫm nghĩ xem mình đã dùng đúng từ chưa, đúng và có thêm lập dị một chút, đúng thời trang). Cũng du dương đấy chứ, nghe giống các bản nhạc tiền chiến. Gã gật gù, hiểu biết.

Nhạc tiền chiến, chán ngấy. Cô gái cụt lủn phê bình, thêm một cái so vai rất hợp thời trang nữa.

Đúng vậy, gã thanh niên đồng ý, nói the thé.

Cái ngôn ngữ the thé ấy đánh động hai cái lọ cổ hoài niệm, khiến họ ngưng đối thoại, đưa mắt nhìn.

Họ nói tiếng gì vậy. Người đàn bà dè dặt hỏi, dè dặt là một thói quen của bà từ khi biết mình đã lỗi thời, chậm tiến. Bà thường suy nghĩ mỗi khi không hiểu, đó là cái gì vậy, có lẽ mình chưa hiểu, có lẽ cũng là một cái gì hay, vào thời bây giờ. Chắc là hay, vì ngày xưa vào thời của bà làm gì có những câu chuyện phi thuyền bay lên mặt trời hay đại loại như thế. Những chuyện đó giống như chuyện khoa học viễn tưởng mà ông bà nội ngoại của bà hay kể cho lũ trẻ nít nghe khi chúng vòi vĩnh. Thời của bà là chuyện đi bộ, cỡi ngựa, đi xe đạp, ngắm hoa ngoài vườn, dự các buổi hòa nhạc ngoài công viên, mà hồi đó cũng dăm ba dụng cụ đàn trống cổ điển, làm gì có những dụng cụ âm nhạc ghê gớm như bây giờ. Thán phục lắm sự khôn ngoan của thời đại mới. Bà nhìn đôi nam nữ với vẻ chiêm ngưỡng,

Trong khi đó thì người đàn ông lùi vào trong vách và nhăn mặt. Ông vốn kỵ kiểu ăn nói bỗ bã như thế, ông muốn chỉnh lũ trẻ hãnh tiến một cách tội nghiệp này, nhưng ông nhớ lại là ông cần một sự thay đổi. Đó là điều ông mơ và viết mỗi ngày, ngay cả khi người đàn bà đã bước vào, tay ông vẫn gõ lên mặt phẳng của keyboard một cách vô thức. Tôi muốn sự thay đổi. Dường như ông đã gõ đến lần thứ một trăm lẻ một. Những chữ đó dần dần đậm lên và to ra, choán hết mặt phẳng của monitor. Họ chẳng phải là sự thay đổi ông mong muốn sao.

Này các em, các em đến đây để làm gì. Ông quay sang chúng, nói bằng giọng ân cần.

Để tìm xem trong viện bảo tàng này có cái gì đáng để xem không. Cô gái xấc xược đáp. Những cô gái thường hay xấc xược chút đỉnh, khi còn trẻ, còn có người quay lại nhìn, các cô gái thường làm dáng để tự vệ thế thôi. Tội nghiệp, họ chỉ có mỗi thứ vũ khí tự vệ đó. Người đàn ông hiểu như vậy, nên không hề giận.

Có cái đáng xem đấy. Hãy đi một vòng để xem.

Nhỏ quá, chỉ đứng một chỗ đã nhìn thấy hết, không cần phải đi. Gã thanh niên nói thêm, giọng tấn công. Không hề gì. Người đàn ông cười nụ cười đầu tiên trong ngày. Nụ cười của một người biết điều

Với em, cần phải đi đấy, em chưa thấy hết đâu, sẽ chẳng bao giờ em thấy hết. Bộ quần áo của em quá chật. Dung tích bộ óc của em quá chật.

Ông là ai, gã thanh niên tò mò hỏi.

Một người đại diện quá khứ. Người đàn ông ngước mặt lên trần nhà.

Quá khứ là cái gì. Cô gái chen vào. Người đàn bà thấy ngứa mắt, muốn chen vào nữa, nhưng ba nhân vật kia đã choán hết chỗ, họ đang rất hăng hái choán chỗ, chẳng còn chỗ cho bà chen vào.

Quá khứ là những điều đã qua, quá khứ còn được gọi tên là kỷ niệm, quá khứ chính là lịch sử, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại.

Nói khó hiểu quá, toàn là những ngôn ngữ phức tạp, triết lý dài dòng, gã thanh niên nhăn mặt ngắt lời, không dùng để ăn được.

Hai người phụ nữ một già một trẻ, một quá khứ một hiện tại, khép chân lại theo dõi cuộc tranh luận giữa hai người đàn ông. Ngay cả cách khép chân của hai thế hệ cũng khác.

Ông già thuyết giảng.

Phải hoài niệm quá khứ, phải biết ơn lịch sử, phải tôn trọng kỷ niệm.

Lại toàn là những từ ngữ cứng đờ, không sức sống. Gã đàn ông ra vẻ một tay bản lãnh, không phải vừa. Phi thuyền đã lên đến sao Hỏa, sắp gõ cửa thiên đàng, tàu ngầm đã chui xuống những lớp bùn non dưới độ sâu nhất của Pacific Ocean, người ta đang làm những lồng kính vĩ đại để nuôi gió chờ một lúc nào đó tấn công quốc gia khác bằng bão, ngôn ngữ cần đi nhanh hơn. Bay lên, man. Gã nói giọng xấc xược.

Người đàn ông kinh ngạc. Vậy sao. Mình đã lỗi thời đến thế sao, ông quay sang nhìn người đàn bà với ánh mắt cầu cứu và nhận lại một cái nhìn buồn bã, khép hờ. Người đàn bà già đã lui vào sát vách, chuẩn bị biến mất.

Họ lùi dần vào góc tường, trong khi những con người cứ quyết liệt tấn công. Lùi sát đến nỗi dính vào tường, treo trên một cây đinh, không rớt ra được. Lúc đó người đàn ông mới chợt nhận ra rằng Thượng Đế nhân từ đã chấp nhận lời cầu xin, sự khao khát thay đổi của ông ta. Đây há chẳng phải là một sự thay đổi hay sao. Khi đắm mình trong sự nhàm chán cao độ với bụi bặm hoang phế, người đàn ông chỉ nghĩ đến chữ thay đổi, muốn nhìn thấy một cái gì khác chứ đâu có nói là thay đổi như thế nào. Thay đổi thế nào, cũng là thay đổi. Thay đổi để thoát ra, hay thay đổi để biến mất, đều là sự thay đổi. Khi ông khám phá ra sự nông cạn của mình thì đã muộn. Viện bảo tàng nhỏ bé đang chuẩn bị một sự thay đổi lớn. Căn nhà sẽ bị đập phá, để xây một căn nhà khác. Sự tiều tụy khổ sở của nó không xứng hợp trong toàn cảnh của một downtown đang phát triển. Giống như một lịch sử đã sang trang. Từ trên cao ông trố mắt nhìn ngày tháng. Ước mơ tan vỡ, tan hoang, tàn nhẫn. Hai người làm công lặng lẽ thu dọn những vật dụng vương vãi, không nói chuyện với nhau nữa. Khi đứng trước hai bức tranh của một người đàn ông ngồi trên bàn làm việc và người đàn bà đội mũ rơm rộng vành tay cầm tách trà, họ đứng lại nhìn hơi lâu, vẻ tiếc nuối.

Trông những bức tranh này cũng có hồn đấy. Gã thanh niên trông có vẻ hơi quái dị vậy mà vẫn còn chút tình.

Cô gái thản nhiên gỡ bức tranh, đặt vào thùng giấy. Bức đàn bà vào trước, bức đàn ông vào sau, nằm lên trên. Cô vô tình để hai mặt úp vào nhau, như hai người đang hôn nhau, cái hôn từ giã cuối cùng.

Bà không phải là sự thay đổi tôi cần thiết. Người đàn ông tức giận nói để phi tang cái chết cuối cùng, trước khi cô gái đóng nắp thùng giấy lại..

Chúng ta là đồ cũ cả, ông ạ, trách nhau mà chi. Người đàn bà thở dài, nhắm mắt lần cuối.

Thấy người đàn ông định nói nữa, người dẫn chương trình vội vàng đóng nắp thùng lại, nhảy ra sân khấu. The end. Ông ta nói, nhưng chẳng ai buồn chú ý. Khán giả ngủ hết rồi. Này nhìn xem mỗi người ngủ mỗi kiểu, người hả miệng, kẻ mở mắt, còn người kia chun mũi lại giống như đang ngửi phải một thứ mùi tệ hại. Người ngủ say đến nỗi té dụi mặt vào ngực người khác một cách trong sáng, không hề có ý tà ám nào. Người kia đang ngáy rất hồn nhiên. Xem ra vở kịch nhàm chán thật, dù đã được diễn bởi những diễn viên giỏi, diễn đúng tâm trạng của họ. Thời bây giờ còn ai muốn nghe những chuyện sâu sắc nữa, suy nghĩ mệt óc, họ chỉ thích những cái gì làm cho họ cười rộ, thảo luận, phê bình, thậm chí chỉ trích cho sướng miệng, để quên bớt những cơn sốt trên 100 độ F của thời đại làm cho họ đêm ngày bức xúc.

Thôi hãy để yên cho họ ngủ. Ít ra họ cũng tìm được một điều bổ ích khi đi xem vở kịch, đó là vừa xem vừa ngủ. Có thể đó cũng là một mục đích của tác giả kiêm đạo diễn. Một ngàn năm sau, có lẽ họ sẽ thức dậy. Chắc cũng chưa muộn đâu.

Trần Nguyên Đán