Văn học Công giáo có thể xây dựng trên di sản phong phú của mình không?-BBT Chuyển ngữ

VTCG

Đôi lời giới thiệu: Đây là bài tiểu luận của Joshua Hren[1], một học giả giáo dân, được đăng trên Tạp chí Mỹ- Dòng Tên Điểm Báo-“America Magazine- The Jesuit Review”, ngày 23.10.2018.

Phòng thư viện Trinity College Dublin

Bài viết đặt trong bối cảnh văn hoá Mỹ hiện nay. Có những điều xem ra xa lạ với độc giả Việt Nam, chẳng hạn vấn phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, những điều ông đề cập đến di sản Văn học Công giáo thì lại có tính phổ quát. Mặt khác, những ý tưởng như “hình thành các câu lạc bộ sách ở cấp giáo xứ” cũng rất gần với những thao thức của những người làm mục vụ văn hoá hiện nay[2].

Joshua Hren

 Joshua Hren là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình Công giáo Mỹ. Ông là người sáng lập và tổng biên tập (Nxb) “Những cuốn sách - Dòng máu Khôn ngoan”-“Wiseblood Books”[3]. Ông cũng đồng sáng lập Khoa cao học về Nghệ thuật Tinh tế -“Master of Fine Art” tại Đại học thánh Tôma, Houston. Joshua đã xuất hiện trên nhiều tạp chí văn học cũng như các tạp chí Công giáo khác như: LOGOS, First Things, America, Commonweal, National Review…vv. Ông đã xuất bản một số sách, trong đó có giải nhất trong Giải thưởng Sách của Hiệp hội Truyền thông Công giáo năm 2020 (Tuyển tập).

 “Wiseblood Books” được ví như “bến cảng cho những con tàu văn học đa dạng”: từ tối giản đến dòng ý thức; từ phim kinh dị đến tiểu thuyết sử thi; từ sưu tập nhỏ đến tác phẩm đồ sộ; từ thơ hình thức đến hồi ký chính trị…vv. Ông khám phá các tác phẩm kinh điển từ cổ chí kim, làm nổi bật lên nét hùng tráng và phổ quát: những tác phẩm sử thi bất hủ như Iliad của thi hào Homer, Aeneid của thi hào Virgil, và Thần Khúc của thi hào Dante; tác phẩm đa âm như Anh Em Nhà Karamazov của Dostoevsky; hay Dòng máu Khôn ngoan của nữ nhà văn Flannery O 'Connor…vv.

Ông nhận định: Vẻ đẹp thực sự của văn học, là loại văn học được ghi nhớ sau nhiều thế kỷ được viết ra, không chỉ đơn thuần đẹp. Nó phải tốt, phải hay và tất nhiên phải đúng. Ông kêu gọi: “Các nghệ sĩ văn học Công giáo ngày nay nên tự làm quen với hàng loạt tác giả Công giáo đáng chú ý đi trước họ. Từ những gương mặt điển hình như Walker Percy (1916-1990) hoặc François Mauriac (1885-1970) cho đến các tác giả như Sigrid Undset (1882-1949) hoặc John Finlay (1941-1991), là những người thường bị gạt ra ngoài ánh đèn sân khấu. Và đừng quên Dante! Tất cả các kiệt tác văn học Công giáo đều là một chú thích về Dante. Vậy mà nhiều nhà văn Công giáo đương thời đã đánh mất sự kế thừa, Dante có thể đã trở thành người ‘bị chết’ nhiều nhất”.

Nhà thơ Lê Đình Bảng, bậc tiền bối, có lần khuyến khích chúng tôi làm: “Thời sự Văn học Công giáo thế giới” để “mở rộng tầm nhìn và tầm nhận những giá trị, những chuyển động và cả những dự kiến của Văn học Công giáo ở ngày mai”. Vì theo ông, có “hiện tượng đáng báo động đã và đang nằm nằm lì trong ý thức và sinh hoạt đã sáo mòn của chúng ta: đó là đóng cửa, đọc và bốc nhau lên tận trời! Nguy lắm. Cái anh chàng Narcisse tự huyễn hoặc này của Văn học Công giáo!”

Năm 2016[4], chúng tôi đã thành lập nhóm Dịch thuật VTCG, nhưng không duy trì được lâu dài. Ước mong, khi mừng biến cố 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), độc giả Công giáo Việt Nam sẽ không chỉ tự hào về các bậc tiền bối trên mảnh đất Việt Nam, mà còn được tự hào về một nền Văn học Công giáo thế giới với di sản vô cùng phong phú. Để được như vậy, xin quí tác giả, những ai có khả năng ngoại ngữ, hãy cùng cộng tác với chúng tôi thực hiện từng chút một.  

Mong thay !

Thay mặt BBT, Lm. Đình Chẩn

Chuyển ngữ: Bích Duyên, Sophie Vũ & Đình Chẩn

* các ghi chú footnote do bản dịch thêm.

Mời tải về: Tại đây

1) https://www.americamagazine.org/arts-culture/2018/10/23/can-catholic-literature-build-its-rich-heritage