Tôi tập hát Passio- Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary

 

Tùy bút
TÔI TẬP HÁT PASSIO

-----|sss|-----
Ta nói không biết người khác như thế nào, chứ với tôi, mỗi khi Tuần Thánh đến, tôi không thích nghe Ngắm Dấu Đanh chút nào, nhưng lại thích được nghe các cha, các thầy hát Passio. Những tiếng rên rỉ của mấy ông bà già Ngắm Dấu Đanh làm tôi cảm giác “rùng rợn, nổ da gà và sợ hãi”, nhưng khi nghe Passio là lòng cứ nao nao lạ. Tuy nhiên Ngắm Dấu Đanh là một hình thức đạo đức bình dân, có truyền thống và có những giá trị riêng của nó. Nghe lại bản án người ta giết Chúa cách vô cớ mà thấy có bản thân mình trong đám đông dân chúng năm đó.
---
Để kể cho nghe, nhớ những năm đầu mới vào nhà Dòng, mỗi khi đến Tuần Thánh anh em tu sinh chúng tôi náo nhiệt hẳn lên. Cái không khí ảm đạm của Mùa Chay cũng trở nên bừng tỉnh. Không phải chúng tôi ồn ào vui chơi làm mất đi tinh thần sám hối của Mùa Chay đâu nha, nhưng là đâu đâu cũng nghe tiếng anh em tập hát Passio. Trong cộng đoàn có bao nhiêu phòng sinh hoạt chung, thậm chí cả nhà nguyện cũng được tận dụng làm nơi để tập luyện hát. Người đánh đàn, kẻ sướng âm, người gõ nhịp, mỗi người một vẻ khác nhau, nhưng có điểm chung là mọi người rất cố gắng và chăm chú tập luyện để có thể hát tốt vai của mình.
Ngày đó nhé, được chọn hát Passio với tôi là một điều cực kỳ hãnh diện và vui thích luôn. Trong lớp có 12 anh em, đâu phải ai cũng có khả năng cảm âm tốt và có kiến thức về nhạc lý để mà hát. Nên tôi, một người vừa không biết nhạc lý, giọng thì lại yếu mà được chọn để hát Passio ngoài nhà thờ là một sự ưu ái của cha giáo. Thích lắm à nha! Lòng cứ rưng rức, khó tả làm sao. Cũng vì không biết đàn nhạc nên tôi mất khá nhiều thời gian cho việc tập luyện. Không những thế, những anh em hát Passio cũng là những người giúp lễ. Mà ta nói, giúp lễ trong Tuần Thánh không phải dễ. Nghi thức tùm lum tá lả, nhất là Tam Nhật Thánh, mỗi ngày một nghi thức khác nhau, nếu không học hỏi, đọc đi đọc lại nhiều lần và tập luyện, chắc chắn sẽ làm cho phụng vụ rối tung, sai bét nhè cho mà xem. Vậy nên Tuần Thánh không chỉ là thời gian chúng tôi được “Sống Bầu Khí Phụng Vụ” mà quan trọng là thời gian để học tập và rèn luyện thực hành các nghi thức phụng vụ. Bên cạnh đó tôi có nhiều thời gian để tập trung cầu nguyện và quả thật khi dành trọn tâm hồn cho công việc tôi như thấy mình cũng đang bước vào Cuộc Thương Khó cùng với Chúa.
---
Nhớ có lần, hồi đó nhà tập, tôi được chia hát vai quần chúng, còn một anh cùng lớp thì vai người dẫn. (trong Passio được chia thành ba vai chính: Người dẫn, quần chúng và Chúa Giêsu). Nếu mọi người để ý thì vai quần chúng là vai hát quãng cao nhất, nên những anh em nào có chất giọng khỏe một chút thì sẽ dễ dàng. Giọng tôi lúc đó thì còn yếu, nhưng do tôi không biết nhạc lý nhiều, vai quần chúng chỉ có mấy câu, chứ hát vai người dẫn thì cần vững nhạc để giữ cao độ và trường độ, điều đó quá khó, thế là tôi quyết định chọn vai quần chúng. Lúc tập tôi rất nghiêm chỉnh và gần như thuộc lòng các câu hát của mình. Mọi sự đều ổn thỏa và tôi rất tự tin vào bản thân. Tôi thầm nghĩ: “Tưởng gì khó, chứ nhiêu đây thì nhằm nhò gì!” Trước thánh lễ, tôi nhắc đi nhắc lại với người đánh đàn là trừ 2 (cho đến bây giờ thú thật tôi vẫn không hiểu trừ 2 là giảm hay tăng tông nữa). Chẳng biết ông đánh đàn kiểu gì mà tôi thành “tông đơ” luôn. Sau khi ông thầy dẫn vào Bài Thương Khó cách suông sẻ, đến khi tôi cất giọng thì ôi thôi sao nó cao vút mấy tầng mây. Ôi má ơi! Tôi hồi hộp, tai có nghe được nhạc đâu, thế là cứ rống lên khàn cả giọng mà nhạc đi đường nhạc, tiếng đi đường tiếng. Đến khúc “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” thì giọng hát của tôi “chính thức ra chuồng gà”. Tôi không biết phải làm sao để có thể trở lại nữa. Thế là anh bạn cùng lớp vừa hát vai người dẫn và hát luôn vai của tôi. Ta nói nó quê kinh khủng khiếp! Phải chi có cái hố mà chui ngay vào cho rồi... Tối hôm đó tôi đã rất buồn vì không làm trọn vai trò của mình, lại còn làm cho cả cộng đoàn chia trí. Nhưng trước bầu khí thinh lặng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi cũng kịp nhận ra rằng, mình đã quá tự tin vào bản thân thay vì tín thác và dâng lên Chúa mọi việc làm; và thật sự biết đâu được việc hát Passio nhằm phô diễn bản thân thay vì giúp cộng đoàn có thể suy niệm Cuộc Thương Khó của Chúa. Đó là bài học mà tôi luôn nhớ nằm lòng.
---
Rồi sau đó, tôi ngày càng cải thiện hơn. Mỗi năm mỗi hát, mỗi năm mỗi giúp lễ Tuần Thánh, tôi có cơ hội được sống bầu khí Tuần Thánh sốt sắng. Đến khi làm linh mục, tôi không còn hát vai quần chúng hay người dẫn nữa, mà hát vai Chúa Giêsu. Giọng hát thì trầm xuống như cho thấy đời sống của tôi cũng dần bước vào giai đoạn trầm lắng. Thật vậy, đời sống của một linh mục khác nhiêu so với một tập sinh. Tuần Thánh bây giờ thay đổi, tôi không lo lắng tập hát Passio nữa mà thay vào đó là tập trung vào các bài giảng. Dù rằng vẫn luôn tự nhủ lòng phải thật khiêm hạ trong các công việc của mình, bài học về lòng khiêm nhường khi hát Passio vẫn còn đó, nhưng rồi những ý nghĩ kiêu ngạo vẫn thường xuyên le lói trong tâm tư. Bất cứ khi làm gì, người linh mục dễ rơi vào cạm bẫy phô diễn bản thâm mình, hoặc tìm những lời khen ngợi nơi người khác. Tôi thật sự như thế đó, mọi người có tin không?
---
Thật lòng mà nói, khi làm linh mục, tôi cũng có được một vài bài giảng tương đối tốt, được các cha giáo và nhiều giáo dân khen ngợi. Tuy vậy, cũng vì thế mà nhiều khi soạn bài giảng, tôi cũng cố dùng những câu từ thật văn vẻ, hoặc những từ ngữ thần học cao siêu theo cái cách mà trong vô thức, thậm chí cố ý tôi âm thầm phô diễn bản thân mình. Nhớ lần đó, sau khi làm linh mục được một năm, lần đầu tiên tôi được phân công giảng lễ Phục Sinh. Tôi đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng và cũng khá tự tin vào bải giảng của mình. Tôi có thói quen soạn bài giảng rất kỹ lưỡng, và chỉ đọc những gì mình đã viết ra trước. Chẳng biết sao trong thánh lễ đêm vọng Phục Sinh năm đó, có lẽ do tôi quá tự tin vào bản thân, nên cuối bài giảng, thay vì kết thúc bằng câu “Amen” rồi về chỗ ngồi, tôi lại nói: “Kính chúc cộng đoàn có một đêm Giáng Sinh Bình An!” Sau câu chúc đó, tôi thấy cộng đoàn ai cũng cười, nhìn lên gian cung thánh, các cha đồng tế cũng cười, tôi chẳng biết thế nào. Trong lòng nghĩ chắc mình giảng có gì sai chăng?
---
Thánh lễ vừa kết thúc, tôi vừa bước vào phòng áo, một thầy lên tiếng: “Sao lễ Phục Sinh mà anh lại chúc Giáng Sinh”. Ôi lạy Chúa tôi! Tôi không tin mình có thể phạm sai lầm như thế. Tất cả chỉ vì tôi quá tự tin và đề cao bản thân. Mọi người có thể hình dung được cái cảm giác thất vọng như thế nào, khi mình quá tự tin nhưng lại phạm phải sai lầm không đáng có. Ngay lập tức, bài học đổ vỡ về lần hát Passio năm nào chợt đến trong tâm trí. Phải! Nhiều khi, thậm chí thường xuyên nhắc nhở phải thật khiêm nhường khi làm việc cho Chúa, nhưng sự yếu đuối của bản thân ít khi nào mình có thể vượt thắng. Để rồi không chỉ bản thân tôi, mà rất nhiều linh mục trẻ khác, mượn danh hay ẩn nấp dưới sự phục vụ cách khiêm nhường nhưng thật ra không hề làm vinh danh Chúa mà mượn chính Lời Chúa để tìm hư danh cho mình... Tôi không dám vơ đũa cả nắm; nhưng tôi thật sự đã là một linh mục như thế.
---
Nếu như đọc/hát Passio bằng tiếng mẹ đẻ đã khó thì việc đọc Bài Thương Khó bằng tiếng Ý thì khó khăn gấp bội. Tôi đã phải tập phát âm từng câu chữ để có thể đọc tốt nhất có thể. Và rồi, những kinh nghiệm đổ vỡ khi xưa chợt đến trong trí nhớ, tôi luôn tự dằn lòng mình phải thật khiêm tốn và cố gắng chu toàn tốt công việc được trao phó. Cuối cùng tôi cũng đã có thể chủ tế thánh lễ và đọc Passio một cách suông sẻ. Cha đồng hành của tôi, một người rất nghiêm khắc, lần đầu tiên khen tôi: “La Messa è perfetta!” – nghĩa là tôi đã cử hành thánh lễ rất tốt. Tôi tạ ơn Chúa vì điều đó! Không phải tôi dâng lễ hay ho, nhưng là tôi có thể chiến thắng được tính kiêu ngạo của mình. Tôi cầu mong sao trong các công việc phụng tự tôi làm mỗi ngày, luôn thắm đượm một tình yêu tràn đầy dành cho Chúa như ngày mới tập tu và thật sự khiêm nhường, chu toàn bổn phận đã được trao phó. Chỉ mong sao qua các công việc phụng tự của mình, những người tham dự có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Tuy nhiên tôi cũng sợ rằng, nhờ những lời khích lệ của mọi người mà tôi biết mình đang ở đâu, nhưng rồi đó cũng như con dao hai lưỡi, biết đâu tôi lại tiếp tục kiêu ngạo...
Đó là câu chuyện của tôi. Còn của các bạn thì sao?
---------
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS